(CĐ 18) Kỳ 100 Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Tình yêu và mật mã
Số phận hiếm khi mang đến cho tình báo Liên Xô những món quà tặng như Oldham.
Sự khởi đầu (53)
Thường thì để nghiên cứu thu hút một nguồn tin cực kỳ giá trị về mật mã nước ngoài, người ta phải mất nhiều năm trời bằng cách lợi dụng tính hám danh, hám tiền hay đam mê tình ái, trước khi nêu đề nghị hợp tác cụ thể.
Nhiệm vụ mà tình báo viên Liên Xô Dmitri Aleksandrovich Bystroletov bắt tay thực hiện vào năm 1927 là một ví dụ về việc làm công phu đó của tình báo Liên Xô.
Ông sinh ngày 17 tháng 1 năm 1901 ở Crưm. Là con ngoài giá thú của bá tước Aleksandr Nikolayevich Tolstoi, nhưng ông lấy họ theo họ mẹ, một cô giáo và là con gái một cha cố trong làng. Bà đã nuôi dạy đứa con trai độc nhất của mình thành một người vô thần bởi vì bà có quan điểm gần gũi với những người tự do, thậm chí còn đi lên miền bắc để chuyển tiền cho những người bị đi đày. Mặc dù Dima (tên thân mật của Dmitri Aleksandrovich Bystroletov) không được tôi luyện cách mạng thật sự, nhưng không có gì ràng buộc ông với thế giới cũ – với chế độ sa hoàng, tôn giáo, tư hữu.
Trong các sự kiện cách mạng năm 1917, mẹ của Dima không tham gia, nhưng bà không có thái độ chống đối với chính quyền Xô-viết ở thành phố mình. Dima lúc đó 16 tuổi, chẳng hề quan tâm đến chính trị mà chỉ mê biển nên sau khi học xong trường hàng hải ở Anap vào năm 1918 đã trở thành một thuỷ thủ ham mê sóng nước, một năm sau đã chạy được sang Thổ Nhĩ Kỳ trên chiếc tàu bạch vệ cuối cùng rời nước Nga.
Năm 1920, Dima trở về nước trong thành phần thuỷ thủ đoàn của chiếc tàu thuỷ nhỏ Sergyi. Năm 1921, ông một lần nữa lại xuất cảnh bất hợp pháp sang Thổ Nhĩ Kỳ và học trường trung học Nga ở đó. Năm 1922, Bystroletov chuyển sang Praha và với quyền của người di cư đã vào học tại một trường đại học địa phương.
Lòng yêu nước và tính lãng mạn trai trẻ đã đưa Bystroletov đến với tình báo Liên Xô vào năm 1925. Sự hợp tác bắt đầu một năm trước đó với tổ tình báo OGPU ở Praha đã được chính thức chấp nhận. Dmitri được nhận vào cục tình báo hoạt động, còn để hợp pháp hoá, ông đã giữ một chức vụ bình thường ở thương vụ Liên Xô. Sau khi học các ngón nghề và kỹ thuật, Bystroletov đã được tin cậy giao cho nhiệm vụ tuyển mộ điệp viên trong các sứ quán, tìm cách tiếp cận điện tín liên lạc ngoại giao và tìm các nguồn tin trong các bộ ngoại giao nước ngoài. Đồng thời, Bystroletov phải tiếp tục đảm nhiệm toàn bộ công việc của mình tại thương vụ và sau 5 năm đã đi từ một nhân viên đăng ký giấy tờ nhỏ bé thành trưởng phòng thông tin.
Năm 1930, Bystroletov chuyển sang hoạt động bất hợp pháp và trở thành cán bộ tổ tình báo ở châu Âu và có bí danh hoạt động là Hans. Ông hoạt động dưới vỏ bọc người nước ngoài – từ một huân tước kế truyền của Anh cho đến một kẻ gian lận mang hộ chiếu Hy Lạp đang liều mạng thu thập các tài liệu cực kỳ đắt giá, kể cả các mật mã ngoại giao của các nước tư bản lớn. Một trong những năm bội thu nhất đối với Bystroletov là năm 1930 khi ông đứng chân ở Đức và cung cấp thường xuyên cho Trung ương tình báo các loại mật mã của ba nước châu Âu.
Video đang HOT
Ba năm trước, Dmitri đã nhận nhiệm vụ liên quan đến nữ bá tước Forella Imperiali, nhà ngoại giao nữ đầu tiên và duy nhất của Italia. Bà đẹp, thông minh, có học và giàu có. Các nỗ lực của tình báo Liên Xô tìm cách tiếp cận bà đều thất bại hoàn toàn vì tiền bà bá tước không cần, những cuộc tình chóng vánh bà cũng chẳng muốn. Bystroletov đã được giao thử nghiệm một chiến thuật tuyển mộ mới với bà ta – đó là lợi dụng mối quan tâm của bà đối với người Liên Xô và bằng cách trò chuyện về văn học Nga để tiếp cận, sau đó thì giả đò yêu đương. Tuy nhiên cũng không được vội vàng vì thô bạo chỉ có thể làm hỏng việc.
Kỳ hạn thực hiện nhiệm vụ tổng cộng là ba năm. Trong vòng hai năm, Bystroletov phải chuẩn bị cơ sở thuận lợi để đề nghị đưa bà bá tước trước hết đến Moskva, sau đó là đến Washington, nơi ông sẽ giả như được cử đến công tác 10 năm với cương vị bí thư thứ hai sứ quán Liên Xô ở Mỹ. Nghĩ là bà Forella lõi đời chưa chắc đã tin lấy nửa lời của tình nhân nên tình báo Liên Xô đã chuẩn bị các giấy tờ cần thiết cho “nhiệm vụ mới” của Bystroletov.
Bị loá mắt bởi bức tranh xán lạn được sống vương giả ở hai thủ đô, bà bá tước chắc chắn sẽ hưởng ứng khi người tình của bà bỗng buồn bã nói là Moskva cần có cái gì đó vớ vẩn để chứng minh bà đã chạy sang với Moskva. Đối với bà thì vài bức điện đã giải mã có lẽ chỉ là chuyện vặt. Cái đích cuối cùng của chiến dịch là các mật mã của sứ quán Italia ở Moskva.
Bystroletov còn trẻ và đẹp trai. Biết nhiều ngoại ngữ, vẽ giỏi, biết làm thơ. Tuy nhiên, nhiệm vụ cũng không phải dễ nuốt. Bà bá tước có vẻ như một pháo đài bất khả xâm phạm vì Bystroletov chỉ có thể đứng từ xa mà nhìn quý bà vương giả già hơn 10 tuổi này. Nhưng không còn cách nào khác, việc nghiên cứu thu hút bà bá tước vẫn được bắt đầu. Trong thời kỳ này, tình yêu cháy bỏng và đám cưới với mỹ nhân người Czech Jolanta đã đến với Bystroletov và cản trở ông có quan hệ gần gũi với bà bá tước.
Cuối cùng, đã đến lúc yêu cầu Forrela cung cấp các bằng chứng chứng tỏ bàg đã lựa chọn dứt khoát. Đáp lại, bà đã mang đến cái gì đó vớ vẩn. Bystroletov đã hối thúc bà rất lâu là như thế vẫn còn ít. Cần phải làm sao chặt gãy cầu để bà ta không còn đường lui. Mấy ngày sau, bà bá tước đã tìm cách lấy được toàn bộ các quyển mã của sứ quán nhưng chỉ trong một giờ.
Chiến dịch chấm dứt ở đây. Đáp lại báo cáo về thành tích có được, Moskva chỉ trả lời một một câu gọn lỏn: “Tạm ngừng hoạt động”. Bystroletov đã tin vào lời giải thích của tổ trưởng của mình là Trung ương tình báo không muốn đọc các bức điện mật mã của sứ quán Italia ở Moskva vì qua nội dung của chúng có thể xác định chính xác người đã bán các bí mật của Liên Xô cho người Italia. Mà qua các thông tin gián tiếp mà tình báo Liên Xô thu được, người đó lại là một quan chức cao cấp đến mức người ta không dám nghĩ đến chuyện vạch mặt ông ta.
Cũng có thể, nhưng khó xảy ra. Chẳng qua Trung ương tình báo đã quyết là không phải tình yêu mà là tính hám lợi sẽ bảo đảm tốt hơn cho việc tiếp cận thường xuyên nội dung các bức điện mật mã. Bằng chứng cho điều đó là chuyện vị bộ trưởng ngoại giao Italia buôn bán các mật mã của bộ mình trên khắp thế giới.
(Còn tiếp)
Ban biên tập
Theo NTD
(CĐ 18) Kỳ 101 Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Người mũi to
Nửa đầu thập niên 1930, Grigory Besedovsky giữ chức vụ cao là đại biện lâm thời. Lợi dụng quỹ tiền bí mật nhận được từ Moskva, hắn đã cẩn thận cất tiền, cùng các tài liệu quan trọng nhất vào một vali nhỏ và chạy vào vòng tay hiếu khách của người Pháp.
Sự khởi đầu (54)
Nhưng hắn vẫn còn phải tìm cách "hạ cánh" tốt đẹp hẳn xuống bên kia hàng rào. Vì điều đó, Besedovsky đã làm tất cả những gì có thể như bán các bí mật của sứ quán và cáo giác các cán bộ tình báo mà hắn biết. Bao người đã chết, hoạt động bị tổn hại nghiêm trọng. Sau đó, dùng tiền mà kẻ thù nay đã đổi thành bạn và người che chở trả cho hắn, Besedovsky đã xuất bản một cuốn sách. Stalin đã chăm chú đọc cuốn sách này và viết lên lề hai từ duy nhất: "Móc lại". Hai từ đó xuất hiện đối diện với đoạn kể về một chuyện đã xảy ra ở sứ quán Liên Xô tại Paris và bị tên phản bội tiết lộ.
Besedovsky viết rằng, vào năm 1928, một người thấp lùn, tóc đen có chiếc mũi đỏ, mặc bộ quần áo kẻ ô màu xám gắn một bông cẩm chướng đỏ ở khuy áo và mang theo một chiếc cặp to màu vàng đã đến sứ quán Liên Xô. Người lạ mặt xin gặp tuỳ viên quân sự Liên Xô. Khi ngồi một mình với tuỳ viên quân sự, ông ta lôi từ cặp ra những quyển sách và vở bìa đen, rồi nói: "Đây là các loại mật mã của Italia. Chúng đáng giá 250 ngàn Franc Pháp. Khi nào các mật mã mới được đưa vào sử dụng, ngài sẽ nhận được chúng, nhưng lại với 250 ngàn. Giá trị của tôi không phải ở chỗ các ông được nhận tận tay các chìa khoá mở hòm bí mật của một nước thù địch với các ông mà là ở khả năng sử dụng nguồn tin đó trong nhiều năm. Hiển nhiên là các ông có điệp viên của mình tại bưu điện Paris và sẽ thu được mọi bức điện mật mã, kể cả của sứ quán. Tôi tin ông. Ông hãy cầm lấy mấy quyển mã này vào phòng cơ yếu của ông và giải mã vài bức điện mật mã của Italia. Khi nào ông tin chúng là thật thì ta sẽ thanh toán".
Vị tuỳ viên đi sang phòng bên và vì biết chắc các mật mã là thật nên đã chụp ảnh chúng, sau đó trả lại cho người lạ, đuổi ông ta khỏi sứ quán và quát lên rằng, ông ta là tên lừa đảo, kiểm tra cho thấy các tài liệu đó là vô dụng và nếu ông ta không khôn hồn cuốn xéo thì sẽ gọi cảnh sát. Người lạ sửng sốt nhún vai và nói: "Ông đã cướp của tôi 250 ngàn Franc. Đối với một người thì mất mát này là lớn, nhưng đối với một nước lớn thì món tiền này là chuyện vặt. Nhưng chính ông đã vứt bỏ một nguồn tin giá trị hiếm có và như vậy đã chứng tỏ các ông không phải là tình báo mà là những gã bủn xỉn, những kẻ buôn bán nhỏ bịp bợm hạ tiện thiếu tầm nhìn quốc gia".
Các ảnh chụp mật mã đã được gửi về Moskva với bản báo cáo thành tích đắc thắng về thành công của một chiến dịch đã mở cho tình báo Liên Xô các bí mật về đường lối của Mussolini và tiết kiệm được một khoản tiền to cho Nhà nước Xô-viết. Vị tuỳ viên quân sự được tặng huân chương vì thành tích hoạt động, còn người Italia thì lập tức thay đổi mật mã và toàn bộ thắng lợi tan biến như bong bóng xà phòng.
Đọc xong câu chuyện này trong sách của Besedovsky, Stalin nổi cơn tam bành. Lời phê của ông "móc lại" trong cuốn sách của kẻ phản bội có nghĩa là mệnh lệnh mà OGPU phải hoàn thành bằng mọi giá. Kết quả là Dmitri Aleksandrovich Bystroletov đã được triệu hồi khẩn cấp về Moskva.
Về đến Moskva, Bystroletov nhận được tận tay cuốn sách đen đủi của Besedovsky có chữ phê của lãnh tụ cùng mệnh lệnh tìm cho ra người đã đến sứ quán Liên Xô ở Paris với đề nghị khác thường đến thế. Người ta đã mở cho ông một tài khoản không hạn chế cho một thời gian rất hạn chế và hạ lệnh rời Moskva ngay trong đêm đó. Điểm đến không được nói rõ - điều đó hoàn toàn do Bystroletov xem xét quyết định.
Đó là một nhiệm vụ kỳ cục - tìm cho ra trên trái đất một người lạ từng xuất hiện trước mắt tuỳ viên quân sự Liên Xô ở Paris mà chỉ biết ông ta là người thấp nhỏ, có chiếc mũi đỏ. Bởi vậy, theo Bystroletov nhớ lại, ông cũng thực hiện nhiệm vụ đó một cách kỳ cục. Ông ngồi trên bờ hồ Geneva và cho những con thiên nga trắng ăn. Phải lưu ý là hồ Geneva chứ không phải hồ Chuda hay Ladoga và chỉ có những con thiên nga trắng chứ không phải đen. Có lẽ chính điều đó đã giúp ông, sau khi loại trừ từng nước một, từng sứ quán một, từng cương vị một, từng người một, đã tìm ra người có chiếc mũi đỏ - đó là viên sĩ quan quân đội Thuỵ Sĩ hồi hưu Rossi, người gốc Italia và có quan hệ lớn ở Roma.
Tiếp đó, Bystroletov phải mạo hiểm bởi thú nhận với "Mũi to" rằng mình là tình báo viên Liên Xô là không thể được. Vì quá uất ức với thủ đoạn ở sứ quán Liên Xô tại Paris, ông ta sẽ không tin các điệp viên Liên Xô nhất so với bất cứ ai. Nên Bystroletov đã quyết định đóng vai một điệp viên Nhật. Bởi lẽ, người Nhật không thể tự tiến hành hoạt động bí mật của mình ở châu Âu do khe mắt và màu da, do đó họ phải làm việc đó qua những kẻ đánh thuê da trắng bằng cách trả hậu hĩnh cho hoạt động gián điệp của họ.
"Mũi to" cho biết chính bá tước Conte di Cortellazzo Galeazzo Ciano (1903-1944), ngoại trưởng Italia, chồng của Maphalda Mussolini, con gái tên độc tài Italia Benito Mussolini, là kẻ tổ chức buôn bán mật mã. Theo giao phó của ông ta, "Mũi to" đi khắp các cường quốc, kiếm lấy vài triệu, rồi sang các nước tầm tầm để bán mật mã với giá rẻ hơn kiếm lấy độ 100 ngàn một lần, sau khi đi hết các nước tầm tầm thì hạ cố đến các tiểu quốc để bán tống bán tháo cho họ mật mã với giá tầm 10 ngàn một lần. Khi cả địa cầu đều đã đọc được điện tín ngoại giao của Italia thì bá tước Ciano cho thay đổi mật mã và "Mũi to" lại lên đường làm một vòng ghé thăm các khách hàng.
Sau khi cuốn sách của Besedovsky được xuất bản, bá tước Ciano đã tổ chức một vụ khiêu khích để làm mất các quyển mã tại một sứ quán Italia, rồi đột ngột đến đó thanh tra và buộc tội một người ngẫu nhiên nào đó đã lấy cắp. Người vô tội kia đã bị thủ tiêu, còn Ciano lại nổi lên như một chiến sĩ đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng và phản bội.
Bystroletov không phải buồn chán với "Mũi to". Một lần, sau khi nhận được một tệp tiền, ông ta hít hít tiền và hỏi liệu chúng có thật không. Sau khi chắc chắn tiền là thật, "Mũi to" bất ngờ nói: "Người Nhật các anh thật là ngốc! Anh hãy viết để họ nhanh nhanh tự in lấy đô la, với kỹ thuật tinh vi mà họ có thì việc đó sẽ rất ngon lành. Ông hãy trả tôi không phải là 200 ngàn Franc thật mà một triệu đô la tiền giả - và chúng ta hoà nhau!".
"Mũi to" là kẻ khéo xoay xở và nhanh trí. Lợi dụng sự cách trở địa lý của Nhật và quan hệ rộng rãi của mình, ông ta ban đầu bán các mật mã cho người Nhật ở Tokyo, sau đó cho "điệp viên" Bystroletov của họ ở Berlin. Căn cứ vào danh sách các nước đã mua mật mã, "Mũi to" rốt cuộc cũng hiểu ra Bystroletov là tình báo viên Liên Xô và ông ta đã xám mặt vì tức giận vì té ra mình lại bị xỏ mũi lần nữa! Tức giận đã làm mờ cả lý trí của ông ta, ông ta đã kiếm cớ lừa Bystroletov đến biệt thự của mình để thanh toán. Nhưng chính vào thời điểm gay cấn nhất thì trên phố lân cận vang lên tiếng còi ôtô ngắn và to - thành phố đang thức dậy, mọi sự bắt đầu chuyển động.
Bystroletov lập tức trấn tĩnh và nói: "Đó là các bạn của tôi đến và phát tín hiệu cho tôi đấy: nếu sau 10 phút nữa mà tôi không ra, họ sẽ xông vào đây và băm nát ông không một tiếng độn. Chúng tôi mạnh hơn. Ông hiểu chứ? Tôi nhắc lại, đừng dại dột! Thế mà ông đòi làm tình báo! Thậm chí ông còn chả nhận thấy một chiếc ôtô thứ hai bám sau chúng ta ngay từ Berlin. "Mũi to" bối rối làu bàu cái gì đó về chuyện thiếu tiền. Bystroletov hứa sẽ cho thêm tiền và nhanh chóng chuồn khỏi biệt thự, đồng thời ghi nhớ số nhà và tên phố. Thế là cái biệt thự đã trở thành khởi điểm để tìm hiểu rõ hơn các quan hệ của "Mũi to".
Tiếp đó, để đền bù cho điều đã xảy ra, "Mũi to" đã giới thiệu Bystroletov với một gián điệp Pháp cáo già, một ông già có vẻ dữ tợn, kẻ buôn bán mật mã của người khác. Ông già kể chuyện vui cho Bystroletov về việc thời chiến tranh thế giới thứ I, ông ta đã lừa qua biên giới Pháp-Tây Ban Nha và tự tay bắn chết bất kỳ tên vô danh tiểu tốt khả nghi nào. Đồng thời, ông người Pháp còn hào phóng chiêu đãi Bystroletov rượu và mời cùng sang Pháp chơi. Vô tình, để có quan hệ hữu hảo với tình báo Nhật, tay gián điệp già người Pháp đã cung cấp cho "điệp viên" Nhật này mấy loại mật mã rất cần thiết.
(Còn tiếp)
Ban biên tập
Theo NTD
(CĐ 18) Kỳ 98 Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Chiếc mũ nhỏ Đầu thập niên 1920, GPU (một tên viết tắt cũ của KGB sau này) có cơ hội tuyển mộ vị lãnh sự Afghanistan ở Tashkent. Sự khởi đầu (51) Điệp viên mật đã tiến hành điều tra sơ bộ để tuyển mộ vị lãnh sự đã đặt cho ông ta biệt hiệu Shapochka (chiếc mũ nhỏ) bởi vì người Afghanistan này đội chiếc...