Cây sưa đỏ 100 tỉ bọc lớp “áo giáp sắt” đang trong cảnh “chết dần”
Từng ví là “khối vàng ròng lộ thiên” với giá trả mua có lúc lên tới 100 tỷ đồng nhưng cây sưa đỏ ở chùa làng Phụ Chính (Chương Mỹ, Hà Nội) đang trong cảnh “chết dần, chết mòn”.
Phần gốc cây gỗ sưa làng Phụ Chính.
Ông Nguyễn Duy Ngợi, Chi hội trưởng người cao tuổi thôn Phụ Chính (Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay, những “lình xình” về việc bán số gỗ sưa hồi năm 2010 đến nay vẫn chưa có hồi kết khiến cây sưa đỏ được bao bọc bởi lớp “áo giáp sắt” trong chùa làng đang trong cảnh “chết dần”.
Theo ông Ngợi, đến thời điểm hiện tại, xung quanh phần gốc cây sưa đỏ lớn có trên 130 năm tuổi đã có hiện tượng khô, lớp vỏ bị bong tróc. Mặc dù vẫn còn có cành lá xanh tốt nhưng không ít cành nhỏ đã khô hết, chỉ còn là cành củi…
“Cứ để như thế này, thì chả mấy mà khối vàng ròng này chỉ còn là cành củi khô bỏ mà đun thôi. Chúng tôi xót xa lắm nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, bởi, giờ chính quyền yêu cầu, nếu muốn bán phải thành lập hội đồng đấu giá chứ người dân không tự ý bán được”, ông Ngợi nói.
Ông cho biết thêm, vào thời gian cao điểm, cây sưa này từng được dân buôn gỗ về trả giá 100 tỷ đồng và sau khi khai thác, bán được hơn 20 tỷ đồng hồi năm 2010, phần còn lại cũng bán được 60 – 70 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, do nhùng nhằng trong vấn đề liên quan nên đến giờ cây chết dần, giá gỗ xuống nên nếu được bán nốt phần gỗ thân, gốc cây sưa thì may mắn, cao lắm mới được 20 – 30 tỷ đồng là cùng, mất đến 50 – 60% so với trước.
Nhưng thú thực là giờ dân làng có muốn, đồng ý bán thì cũng chẳng được, đành phải tiếp tục cắt cử nhau ra canh giữ, bảo vệ cây…”, ông Ngợi bày tỏ.
Theo Chi hội trưởng người cao tuổi thôn Phụ Chính, “nút thắt” ở đây chính là việc, 2,506m3 gỗ sưa mà người dân bán cho ông Dương Văn Thái làm nghề sản xuất đồ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ, Bắc Ninh với giá 20,5 tỷ đồng bị công an Chương Mỹ bắt giữ hồi năm 2010.
Video đang HOT
Số tiền 20,5 tỷ đồng được chia thành 11 sổ gửi tiết kiệm tại ngân hàng cũng bị công an tiến hành phong tỏa.
Tiếp đó, năm 2015, số gỗ sưa bị tạm giữ lại được giao cho UBND huyện Chương Mỹ phối hợp với Trung tâm bán đấu giá thu về số tiền hơn 31,1 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí theo quy định, số tiền còn lại là hơn 31 tỷ đã được chuyển về tài khoản của UBND xã Hòa Chính để đầu tư các công trình phúc lợi, công cộng ở thôn Phụ Chính.
Cây sưa ở làng Phụ Chính đang trong tình trạng “chết dần”.
“Chính quyền xã yêu cầu chúng tôi phải tiêu 31 tỷ thu được tại buổi bán đấu giá nhưng số tiền 20,5 tỷ bán gỗ sưa trước đó cho ông Thái được chia thành 11 sổ gửi tiết kiệm đến nay, tính tiền lãi cũng đã được hơn 31 tỷ đồng.
Do đó, người dân không muốn lấy số tiền đấu giá. Đến nay, khi người dân muốn xây lại chùa làng mà tiền không có nên đồng ý lấy 31 tỷ đồng thì ông Thái lại về đòi phải lấy cả gốc lẫn lãi của số 20,5 tỷ đồng bán trước đó chứ không đồng ý chỉ lấy tiền gốc.
Thêm vào đó, khi công an tạm giữ có 28 khúc gỗ, đến lúc bán đấu giá lại chỉ có 26 khúc, còn 2 khúc thiếu phải trả lại cho làng.
Mọi việc cứ quanh quẩn như vậy mà chúng tôi đi khiếu nại mãi, ra tận Trung ương, Thành phố đến nhiều năm nay nhưng cũng chưa được giải quyết. Cây sưa thì đang chết dần, chết mòn còn tiền thì không tiêu, không bán tiếp được…”, ông Ngợi nêu rõ.
Còn cụ Đinh Công Thường, một người dân của thôn Phụ Chính, người được coi là “chủ xị” trong vụ bán số gỗ sưa năm 2010 cũng bày tỏ, trong khi chùa đang xuống cấp, dột nát sau mỗi trận mưa thì làng dù có hàng chục tỷ đồng vẫn không thể sử dụng được.
“Hiện nay cây sưa đỏ lớn đang có dấu hiệu bị rỗng ruột rồi khô hết phần thân, gốc. Cứ tình trạng này thì chẳng mấy nữa cây sẽ không còn ruột thì có lẽ chỉ còn là củi đun mà thôi.
Chúng tôi bây giờ cũng chẳng biết làm thế nào. Bán thì không được nữa mà cũng chẳng thể giương mắt nhìn số tiền nhiều tỷ đồng của dân làng mất đi từng ngày…”.
Theo Hoàng Đan (Trí thức trẻ)
Quần thể sưa đỏ trên 'núi triệu đô' ở Hà Nội
Núi Nùng trong công viên Bách Thảo được mệnh danh là "núi triệu đô" vì trên gò đất nhân tạo này có hàng chục cây sưa đỏ cổ thụ rất quý.
Vườn Bách Thảo được thành lập năm 1890 với hơn 200 loài cây. Trong đó đặc biệt hơn cả là 40 cây sưa đỏ trên 100 tuổi được trồng trên một gò đất nhân tạo, gọi là núi Nùng hay núi Sưa.
Sưa hay còn gọi trắc thối (danh pháp khoa học Dalbergia tonkinensis Prain) là loài cây thân gỗ thuộc họ đậu. Đây là cây gỗ nhỡ, rụng lá theo mùa, cao 6-12 m. Thân cây dạng hợp trục, dáng phân tán.
Vỏ cây màu vàng nâu hay xám, nứt dọc. Gỗ sưa cho mùi thơm thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu nên được gọi là trắc thối.
Gỗ sưa thớ mịn, vân đẹp. Thời phong kiến, vua chúa dùng gỗ sưa để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Thời nay, gỗ sưa đỏ rất quý hiếm, giá trị trường có lúc tới 20 tỷ đồng/m3 nên là đối tượng săn lùng của kẻ trộm.
Cành sưa non màu xanh, có lông mịn thưa. Lá mọc cách, cấu tạo lá dạng kép lông chim lẻ. Là cây ưa sáng, ưa đất sâu, dày, độ ẩm cao. Sưa chủ yếu phân bổ ở Việt Nam và được tìm thấy rải rác tại Hải Nam, Trung Quốc (tại đây gọi nó là hoàng (huỳnh) đàn Việt Nam).
Hoa mọc ra từ nách lá, thường xuất hiện trước khi lá mọc đầy đủ. Hoa tự tán gồm nhiều bông màu trắng, có kích thước 7-9 mm, mùi thơm nhẹ. Mùa hoa vào tháng 2-3.
Theo bà Nguyễn Thị Thạch, Giám đốc vườn Bách Thảo, những cây sưa đỏ trong vườn là nguồn gen thực vật quý hiếm không chỉ cho Hà Nội mà cho cả nước cũng như Hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới. Bên cạnh việc bảo vệ sưa đỏ tại vườn, hiện Ban quản lý vườn Bách Thảo còn đưa các hạt giống sưa đỏ về trồng tại các vùng Hợp Châu (Tam Đảo), Tam Điệp (Ninh Bình) tiến tới xây dựng một bảo tàng gen, bảo tồn ngoại vi cho loài thực vật quý hiếm này. Trong ảnh, một số thân sưa cổ thụ bị các loài ký sinh.
Hiện nay, sưa bị đe dọa do mất môi trường sống và được chính phủ Việt Nam xếp vào nhóm cây cần bảo vệ nghiêm ngặt, cho phép trồng khoanh nuôi. Tại vườn Bách Thảo, tất cả cây sưa từ nhỏ đến lớn đều được quấn dây thép gai xung quanh để tránh "sưa tặc" trèo cây hái quả, trộm cành. Các cây đều được đánh số theo dõi.
Hà Thành
Theo VNE
Điều ít biết về loại sứa đỏ đang gây sốt ở Hà Nội Không chỉ độc lạ về màu sắc sứa đỏ còn là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn gây sốt giới trẻ Hà Nội. Cùng tìm hiểu về loại nguyên liệu quý hiếm này. Món sứa đỏ mắm tôm có nguồn gốc từ vùng biển Hải Phòng, Nam Định. Mặc dù vừa mới du nhập đến Hà Nội nhưng đã tạo nên một...