“Cây phát tài” mận An Phước đỏ mọng, ngọt mát lịm trên đất Cần Thơ
Giờ đây, thời hoàng kim của cây mía và con cá tra đã đi qua nên nhiều bà con nông dân chuyển sang làm vườn và rẫy, trong đó nổi tiếng nhất là mận An Phước.
Cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, Tân Lộc có nhiều cây trái đặc sản như xoài, mít, ổi, mận, nhãn… Cách nay 10 năm, được sự khuyến khích của Hội Nông dân và ngành khuyến nông, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, chọn cây mận An Phước làm cây chủ lực, bình quân mỗi hộ trồng từ vài công đến 1 ha với tổng diện tích gần 490 ha (tính đến năm 2018).
Mận An Phước là giống cho trái sai, quả to và ngọt, được ghép và nhân giống thành công tại An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai. Giống đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu từ năm 2003.
Ông Đào Văn Lâm giới thiệu chùm mận nghịch vụ cuối tháng 7 âm lịch.
Ông Đào Văn Lâm, nhà ở KV. Trường Thọ 2, phường Tân Lộc cho biết, mận An Phước rất thích hợp với thổ nhưỡng ở cù lao Tân Lộc nên hầu hết bà con nông dân đều coi đây là cây phát tài.
Hiện ông Lâm đã trồng được gần 1 ha, cây 4 năm tuổi. Thời vụ ra hoa chính vụ của mận An Phước bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, chất lượng thơm ngon nhất là từ sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, phần lớn các nhà vườn đều xử lý cho mận ra hoa mùa nghịch. Nhờ vậy mà mận An Phước hầu như có mặt quanh năm và giá cao nhất là khoảng tháng 7 và 8.
Mùa thuận, mận An Phước có giá từ 12.000 – 20.000đ/kg; mùa nghịch từ tháng 7 âm lịch đến gần Tết, năng suất thấp nhưng giá cao gấp đôi mùa thuận, có lúc lên đến 70.000đ/kg (loại I). Tính bình quân một người trồng đạt năng suất mỗi năm có thể thu nhập từ 100.000 – 120.000đ/công.
Ông cho biết năm nay, vào thời điểm này mận có giá 27.000đ/kg bán xô, còn mận lựa có giá 40.000đ/kg, giúp cho các nhà vườn tăng thêm thu nhập đáng kể. Riêng gia đình ông, sau khi trừ hết các chi phí (khoảng 40%) còn lời trên 500 triệu đồng, cao hơn các năm trước nhờ mận nghịch mùa giá cao.
Video đang HOT
Các vườn mận ngày nay hầu hết đều được trùm lưới.
Theo các nhà vườn Tân Lộc, trước đây vài năm, nhiều người đã quay lưng với mận An Phước vì nhà vườn sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật khiến cho chất lượng không an toàn.
Để khắc phục tình trạng nói trên, nhiều nhà vườn đã có sáng kiến bao trái nhưng không khả thi vì vườn mận quá lớn không thể nào thực hiện nổi.
Gần đây, bà con đã áp dụng biện pháp trùm mùng lưới toàn bộ khu vườn để tránh ruồi đục trái. Xem ra giải pháp này rất hữu hiệu, vừa tiết kiệm được chi phí thuốc trừ sâu bệnh, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Lâm cho biết, tiền mua lưới trùm cho một công mận tốn khoảng 7 triệu đồng, công lao động 500.000 đồng, nhưng bù lại hiệu quả tăng cao, tiết kiệm được 50% tiền thuốc, người tiêu dùng an tâm không sợ bị ngộ độc thuốc.
Phân loại và đóng gói mận trước khi vận chuyển đi xa.
Theo kinh nghiệm của các nhà vườn, muốn cho mận lớn trái, ngọt, no tròn, màu sắc rực rỡ, thu hút được khách hàng, người trồng phải chú ý đến việc cắt tuyển trái non và dùng cây làm giàn chống đỡ, phân bố sao cho các chùm mận nằm rải rác đều trên tàn cây, không bị chèn ép.
Có thể nói mận An Phước là một trong những loài cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ đối với bà con nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Tân Lộc là nơi có diện tích trồng mận An Phước lớn nhất và năng suất cao nhất ở Cần Thơ, tạo cơ hội cho nhiều nhà vườn phát huy tối đa thế mạnh của mình, góp phần đẩy mạnh việc phát triển kinh tế địa phương.
Sắp tới đây, cù lao Tân Lộc sẽ hình thành tour du lịch khám phá và trải nghiệm về nhà cổ, vườn cây ăn trái, ẩm thực đồng quê và nghỉ dưỡng. Hy vọng các vườn mận sẽ trở thành một trong những địa điểm du lịch thu hút khách của đất cù lao.
Theo Thành Hiệp (Nông nghiệp Việt Nam)
An Giang: Trồng thứ mận ngon, trái đỏ như son, bán đắt hàng
Chủ động nghiên cứu, tìm tòi kỹ thuật trồng trọt, nông dân Trương Thành Phương (ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để lập vườn trồng mận An Phước trong nhà lưới.
Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
Hướng dẫn chúng tôi thăm vườn mận An Phước đang thu hoạch nghịch vụ, ông Phương cho biết, từ trước đến nay gia đình chỉ trồng lúa, ngoài ra không biết trồng cây gì khác. Có dịp đi tham quan vườn mận An Phước của người bà con ở TP. Cần Thơ, ông nhận thấy cây mận An Phước có giá trị kinh tế cao và thị trường luôn có nhu cầu, dễ tiêu thụ.
Ông Phương nhận định, nếu biết kỹ thuật chăm sóc, cây mận An Phước sẽ là cây trồng mang lại thu nhập khá cho gia đình. Sau khi tìm hiểu kỹ và học hỏi cách trồng, ông Phương mua hơn 300 cây mận giống về trồng trên 5 công đất nhà. Sau thời gian chăm sóc, cây mận An Phước phát triển tốt và bắt đầu cho trái.
"Giống mận này có đặc điểm là dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, phân bón ít nên chi phí đầu tư thấp, ra trái quanh năm. Ưu điểm là trái to, ngọt, giòn và mọng nước...nên được thị trường ưa chuộng. Với giá bán dao động từ 12.000-25.000 đồng/kg (tùy mùa thuận, nghịch) và đầu ra ổn định nên thu nhập tăng gấp nhiều lần so với trước đây" - ông Phương chia sẻ.
Theo ông Phương, cây mận An Phước nếu được chăm sóc tốt chỉ 2 năm là cho trái, cây khỏe có thể thu hoạch đến 4 vụ/năm. Thời điểm ra hoa chính vụ của mận An Phước bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 5 (âm lịch) năm sau, chất lượng trái ngon nhất vào mùa xuân.
Về kỹ thuật trồng mận khá đơn giản, cây có thể cho trái quanh năm, tuy nhiên gặp điều kiện thời tiết bất lợi, trái mận có thể bị nhiều loại sâu bệnh làm giảm chất lượng trái, hoặc bị rụng trái không thu hoạch được, đó là do sâu đục trái, ruồi đục trái, bệnh thán thư, bệnh thối trái...nhưng bệnh này rất dễ trị bằng các loại thuốc thông thường.
Khi xử lý ra hoa thì sâu ăn trái và bệnh rụng trái quyết định tính sống còn của vườn, do đó phải theo dõi và phun thuốc điều trị kịp thời. Giống mận An Phước từ khi ra hoa đến ngày thu hoạch hơn 2 tháng.
Muốn mận cho trái tròn lớn, ngọt, màu sắc bắt mắt, phải chú ý làm giàn đỡ, cắt tuyển trái non để trái không bị chèn ép và phân bố đều trên các tán cây. Chùm mận An Phước trung bình khoảng 8 trái/kg, loại to khoảng 4-6 trái/kg.
Ngoài ra, ông Phương còn mạnh dạn đầu tư mua màng lưới bao phủ cả vườn mận. Với cách làm mới, ông Phương dùng lưới bao phủ vườn mận quanh năm, kể cả khi thu hoạch xong. Dùng màng lưới mùa thuận có thể không cần dùng túi ny-lon để bao trái, tiết kiệm chi phí nhân công.
Mặt khác, nhiệt độ trong vườn giảm so với môi trường bên ngoài, vì vậy rất thích hợp cho mận An Phước phát triển, trái mận vẫn ngon ngọt và to đẹp. Theo ông Phương, đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng cho màng lưới diện tích hơn 5 công mận, nhưng thời hạn sử dụng lên đến 4 năm, nếu tính ra chi phí này thấp hơn so với thuê nhân công bao trái mỗi vụ.
"Khi bao phủ vườn mận bằng màng lưới sẽ tiết kiệm được hơn 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, số lần phun xịt giãn ra rất nhiều, phòng trừ hiệu quả nhiều loại sâu bệnh. Hơn nữa, vì lớp lưới cách nhiệt sẽ giúp vườn giữ ẩm tốt, tiết kiệm khoảng 30-40% nước tưới. Từ đó, vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa có thể bán cho người tiêu dùng sản phẩm sạch và an toàn" - ông Phương chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Nhuận Nguyễn Quốc Hận cho biết, mô hình trồng mận An Phước trong nhà lưới của anh Phương là một trong những mô hình mới phát triển, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới, Hội Nông dân xã Vĩnh Nhuận sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp, ngành chuyên môn tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn cũng như kỹ thuật cho các hộ nông dân phát triển những mô hình vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao.
"Phát triển mô hình vườn cây ăn trái còn phù hợp với mục đích chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Bên cạnh đó, hội sẽ hướng dẫn các tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân...", ông Nguyễn Quốc Hận.
Theo Trọng Tín (Báo An Giang)
Thấp thỏm mùa lũ kiệt Chưa năm nào người dân An Giang nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung, mong ngóng lũ về như năm nay. Mùa lũ cạn kiệt đang kéo theo bao hệ lụy, làm đảo lộn cuộc sống và sản xuất của hàng triệu nông dân. Những vó cá bị treo lưới do nước cạn kiệt trên đồng ở An...