Cây phả hệ lớn nhất thế giới kết nối 27 triệu người trên Trái đất
Các nhà khoa học đã tạo ra “cây phả hệ lớn nhất thế giới” liên kết khoảng 27 triệu người còn sống và đã chết trên khắp hành tinh.
Được phát triển tại Đại học Oxford, mạng lưới phả hệ mới đã tiết lộ cách các cá nhân trên khắp thế giới có mối quan hệ với nhau một cách chi tiết chưa từng thấy. Nó được ví như một cuốn phim quay ngược thời gian cho thấy các quần thể con người đã sống ở đâu và khi nào.
Dự án này vừa được các nhà nghiên cứu từ Viện Dữ liệu lớn của Đại học Oxford công bố trên tạp chí Science. Nhà di truyền học tiến hóa kiêm tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Yan Wong cho biết: “Về cơ bản chúng tôi đã xây dựng một cây phả hệ khổng lồ cho toàn nhân loại, mô phỏng chính xác nhất có thể về tất cả các biến dị di truyền mà chúng ta tìm thấy ở con người ngày nay”.
Hình ảnh này mô tả các dòng dõi tổ tiên của con người được suy ra theo thời gian và không gian. Mỗi dòng đại diện cho mối quan hệ tổ tiên – hậu duệ trong phả hệ được suy ra của các bộ gien hiện đại và cổ đại. Ảnh: Daily Mail
Lĩnh vực nghiên cứu về gien người đã đạt được những tiến bộ phi thường trong hai thập kỷ qua, tạo ra dữ liệu bộ gien cho hàng trăm nghìn cá nhân, trong đó có cả hàng nghìn người tiền sử.
Điều này đã làm tăng khả năng truy tìm nguồn gốc sự đa dạng di truyền của con người để tạo ra một bản đồ hoàn chỉnh về cách các cá nhân trên khắp thế giới có quan hệ với nhau.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn phải vật lộn để tìm ra cách kết hợp trình tự bộ gien từ nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau cũng như phát triển các thuật toán để xử lý nguồn dữ liệu khổng lồ này.
Tuy nhiên, phương pháp mới của Đại học Oxford có thể dễ dàng kết hợp dữ liệu từ nhiều nguồn và mở rộng quy mô để chứa hàng triệu trình tự bộ gien.
Cụ thể, nghiên cứu tích hợp những dữ liệu về bộ gien người hiện đại và cổ đại từ 8 cơ sở dữ liệu khác nhau, lên đến 3.609 trình tự bộ gien riêng lẻ từ 215 quần thể. Phần gien cổ đại gồm các mẫu được tìm thấy trên khắp với niên đại từ 1.000 đến hơn 100.000 năm.
Nhà đồng nghiên cứu, Tiến sĩ Anthony Wilder Wohns giải thích: “Về cơ bản, chúng tôi đang tái tạo lại bộ gien của tổ tiên mình và sử dụng chúng để tạo thành một mạng lưới quan hệ rộng lớn. Sau đó, chúng tôi có thể ước tính thời gian và địa điểm mà tổ tiên sinh sống. Sức mạnh của phương pháp tiếp cận của chúng tôi là nó đưa ra rất ít giả định về dữ liệu cơ bản, ngoài ra có thể kết hợp cả các mẫu DNA hiện đại và cổ đại”.
Họ đã sử dụng thuật toán để dự đoán vị trí của các tổ tiên chung trong cây tiến hóa và giải thích các dạng biến dị di truyền. Và cuối cùng mạng lưới này đã tìm ra mối liên hệ giữa 27 triệu người hiện đại và cổ đại.
Các kết quả đã thu thập lại thành công các sự kiện quan trọng trong lịch sử tiến hóa của loài người, trong đó có cả cuộc di cư ra khỏi châu Phi. Tổ tiên sớm nhất mà nhóm nghiên cứu xác định rất có thể là Homo erectus, một loài người cổ xưa đã tuyệt chủng, từng sống tại vị trí địa lý thuộc Sudan hiện đại.
Hai nhà nghiên cứu cho hay những tổ tiên này đã sống cách đây hơn 1 triệu năm, lâu hơn nhiều so với ước tính hiện tại về tuổi của con người hiện đại (khoảng 250.000 đến 300.000 năm trước). Vì vậy, bộ gien của chúng ta đã được thừa hưởng từ những cá nhân mà chúng ta không công nhận là người hiện đại và sống ở đông bắc châu Phi.
Video đang HOT
“Một kết luận quan trọng từ nghiên cứu của chúng tôi là những người mà chúng ta gọi là đại diện cho ‘cái nôi của nhân loại’ thì chính họ lại có tổ tiên xa hơn trong quá khứ, mà con cháu của họ vẫn hiện diện trong số chúng ta ngày nay”, nghiên cứu kết luận.
2000 năm trước ở Peru, người cổ đại đã có thể mổ hộp sọ mà không cần dùng thuốc mê hay kháng sinh
Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân có thể lên tới 90%, cao gần gấp đôi so với thời kỳ Nội chiến Hoa Kỳ.
Những năm đầu Công nguyên, trong khi thuật mổ sọ vẫn là một thứ gì đó gây khiếp đảm với nền y học cổ truyền Trung Hoa, phía bên kia địa cầu thuộc Nam Mỹ ngày nay, các "bác sĩ" của nền văn minh Andean cổ đại đã coi đó là công việc thường ngày của họ.
Trong một thủ thuật được gọi là "trepanation", người Andean sẽ dùng một cái "trephine" (từ gốc Hy Lạp nghĩa là cái khoan) để tạo ra một lỗ hổng hình tròn trên hộp sọ bệnh nhân. Khi miếng xương sọ được lấy ra, họ có thể nhìn vào bên trong màng cứng của não bộ.
Bộ não khi ấy cũng sẽ phập phồng, rung động như một miếng thạch theo từng nhịp thở và nhịp tim đập của bệnh nhân.
Những chiến binh Andean bị thương ở đầu thường là đối tượng phải khoan sọ. Việc mở một lỗ trên đầu giúp các thầy thuốc có thể giải phóng khối áp lực trên đầu họ, thường xuất hiện từ sự tụ máu hoặc dư thừa dịch não tủy sau chấn thương.
Nếu cứ để chúng ở đó, áp lực sẽ đè nén lên não bộ, gây đau đầu, chóng mặt, lú lẫn hoặc thậm chí tử vong nếu vỡ ra.
Người Andean cổ đại cũng tin rằng với việc mở hộp sọ và giải phóng dịch tích tụ trong não, họ cũng có thể chữa được bệnh thần kinh bằng cách trục xuất những linh hồn ma quỷ ra khỏi đầu người bệnh.
Mảnh xương sọ được khoan ra khỏi đầu sau đó được người Andean đeo trên cổ như một lá bùa tiếp tục giúp họ xua đuổi tà ma.
Bằng chứng về thuật khoan sọ của những nền văn minh cổ đại đã được tìm thấy tại nhiều di chỉ khảo cổ ở Nam Mỹ, xuyên suốt chiều dài lịch sử từ năm 400 Trước Công Nguyên cho tới thời kỳ Andean (năm 200-600 Sau Công Nguyên). Sang tới Đế chế Wari (những năm 600-1000), kỹ thuật này vô cùng phát triển và cuối cùng đạt được độ tinh vi nhất trong thời đại Inca, (những năm 1400-1500 Sau Công Nguyên).
Trong một cuộc khai quật xung quanh thủ đô Cuzco của người Inca cổ đại, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 411 hộp sọ được bảo quản tốt trong 11 khu chôn cất. Có 66 chiếc hộp sọ trong số này xuất hiện những chiếc lỗ được khoan. Tại một địa điểm khác, họ cũng tìm thấy 21 trong tổng số 59 hộp sọ của người Inca có những chiếc lỗ trên đầu.
Điều đáng nói là tỷ lệ thành công của thuật khoan sọ trong thời kỳ Inca này đã lên tới 83%. Trong so sánh với thời kỳ Nội chiến Mỹ, tỷ lệ phẫu thuật khoan sọ thành công giúp điều trị chấn thương trên chiến trường cũng chỉ đạt tới con số cao nhất là 54%.
Khoảng 46% binh sĩ sẽ chết trong quá trình đó, so với chỉ 17% bệnh nhân trong thời kỳ Inca. Một con số thấp bất ngờ nếu tính cho một thời đại chưa có thuốc gây mê và chưa có kháng sinh.
Nhưng tại sao các nhà khảo cổ có thể biết chính xác một cuộc phẫu thuật khoan sọ ở Nam Mỹ cổ đại có thành công hay không? Câu trả lời rất đơn giản, họ nhìn vào những vết thương trên viền hộp sọ.
Nếu vết cắt sắc bén, bệnh nhân có thể đã chết ngay sau cuộc phẫu thuật và hộp sọ của họ được bảo quản nguyên vẹn từ sai lầm đó của vị bác sĩ. Ngược lại, nếu xung quanh lỗ khoan xuất hiện các gờ xương lô nhô giống hình ngón tay vươn ra, đó là dấu hiệu cho thấy xương đang lành lại và bệnh nhân đã sống sót rất lâu sau thủ thuật.
"Những bác sĩ phẫu thuật thời Inca đúng là những bác sĩ lành nghề", Valerie Andrushko, một nhà khảo cổ học tại Đại học Southern Connecticut cho biết. Họ rõ ràng là đã biết tránh khoan vào những khu vực hộp sọ nhạy cảm, có thể gây chảy máu, nhiễm trùng hoặc chấn thương não.
Và mặc dù thời đại này chưa có thuốc mê và kháng sinh, Andrushko cho biết người Inca có thể đã dùng một số loại thảo dược đặc biệt để thay thế.
"Họ đã phát hiện ra đặc tính chữa bệnh của nhiều loại cây dại, bao gồm coca và cây thuốc lá. Những loài cây này cùng với bia ngô có thể đã được sử dụng để giúp bệnh nhân giảm bớt phần nào cơn đau", cô nói. "Các chất khử trùng tự nhiên như balsam và saponin, một loại thực vật có đặc tính như xà phòng, có thể giúp giảm khả năng nhiễm trùng".
Và trên hết, các bác sĩ đã có rất nhiều thời gian để luyện tập và phát triển kỹ thuật của họ đến mức lành nghề.
"Họ không chỉ gặp may", Corey Ragsdale, một nhà khảo cổ sinh học tại Đại học Nam Illinois cho biết. "Các bác sĩ này đã có hơn 1000 năm để tinh chỉnh các phương pháp của họ".
Thống kê cho thấy ở thuở bình minh của phẫu thuật sọ, thổ dân Nam Mỹ trong những năm 400 Trước Công Nguyên chỉ đạt được tỷ lệ sống sót 40%. Nhưng sau đó, con số tăng dần lên 53% rồi 75-83% trong thời kỳ Inca.
Cá biệt tại một vùng cao nguyên phía bắc Peru ngày nay, thủ thuật khoan sọ của những người sống tại đó từ năm 1000-1300 có thể đạt tới tỷ lệ sống 91%.
Danielle Kurin, một nhà khảo cổ học tại Đại học California cho biết chính những cuộc chiến tranh giữa các đế chế này đã tạo ra nhiều vết thương ở đầu, cho phép các bác sĩ thực hành và ngày càng cải tiến thủ thuật của mình.
"Cũng giống như cách Nội chiến Mỹ thúc đẩy y học tìm ra cách chữa các vết thương do đạn bắn và phát triển những con mắt thủy tinh giả, thời kỳ bạo lực, bệnh tật và sa đọa ở Peru cách đây 1000 năm cũng đã giúp các bác sĩ của họ có nhiều cơ hội để thực hành và cải thiện tay nghề", Kurin nói.
Trong những cuộc khai quật, Kurin và nhóm của mình đã tìm thấy những hộp sọ có nhiều mũi khoan với độ sâu tăng dần. Các vết xương xung quanh lỗ khoan không lành chứng tỏ bệnh nhân đã chết.
Nhưng Kurin suy đoán nhiều khả năng đây là những người chết hiến xác cho y học. Các bác sĩ đã lấy hộp sọ của họ để thực hành kỹ thuật của mình. "Ý tưởng của loại hình phẫu thuật này là bạn phải đi xuyên được qua xương nhưng dừng lại trước khi chạm vào não", Kurin nói.
"Vì vậy, bạn có thể tưởng tượng ra một chàng trai đang theo học trường y ở Peru thời cổ đại. Anh ta sẽ phải miệt mài thực hành với chiếc khoan tay của mình, trên hộp sọ người chết để biết chính xác mình cần xoay cái khoan ấy bao nhiêu vòng mới có thể xuyên qua độ dày của hộp sọ một cách nhanh nhẹn và chuẩn chỉnh".
Nghiên cứu của Kurin và các nhà khảo cổ khác cho thấy người cổ đại ở Peru đã phát triển nhiều kỹ năng khoan hộp sọ khác nhau. Một số sử dụng khoan cầm tay và thực hiện một lần duy nhất.
Nhưng cũng có những bác sĩ dùng dao cạo dần hộp sọ của bệnh nhân, cho nó mỏng đi theo thời gian trước khi cắt thủng nó trong một lần dứt khoát cuối cùng. "Có vẻ như họ đang thử các kỹ thuật khác nhau, giống như cách chúng ta thử nghiệm các thủ thuật y tế mới ngày nay", Kurin nói.
Vì vậy, trong khi nhiều người nhìn vào những hộp sọ đục lỗ này và nghĩ rằng đó lại là một cực hình, một hủ tục lạc hậu trong thời kỳ Inca cổ đại, các nhà khảo cổ học không đồng ý. Họ cho biết thuật khoan sọ là một phương pháp chữa bệnh chuyên khoa đã được những bác sĩ phẫu thuật ở Peru cổ đại phát triển đến đỉnh cao.
"Khi đặt thủ thuật khoan sọ này vào bối cảnh, chúng tôi có thể thấy nó đã được cạo tóc. Chúng tôi cũng thấy những vết ố đen từ một loại thảo dược được đắp lên vết thương. Vì vậy đối với tôi mà nói, đó là những dấu hiệu cho thấy họ đang cố gắng cứu sống những mạng người", Kurin cho biết.
Chạm mặt vòng tay 'rồng' trong mộ cổ 3.000 năm, chuyên gia: Người này quá cao quý! Rốt cục người trong mộ cổ này là ai mà có thể sở hữu vòng tay 'rồng'? Khi các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật các ngôi mộ cổ để nghiên cứu, họ đã phát hiện ra rất nhiều sự việc "thần kỳ". Ví dụ như tượng binh mã đất nung đồ sộ trong mộ Tần Thủy Hoàng, thi thể của...