Cây kơ nia trong tuổi thơ tôi
Ai cũng có một ngôi trường để nhớ. Riêng tôi nhớ nhất là trường mẫu giáo, nơi tôi được học những chữ cái đầu tiên và có nhiều kỷ niệm của những ngày cắp sách đến trường.
Hồi nhỏ tôi là chúa khóc nhè nên cha mẹ cho đi học mẫu giáo trước tuổi để sớm bỏ cái tật xấu đó. Ngày đầu tiên đi học của tôi chẳng khác gì chúng bạn, cũng có mẹ dắt tay và hôm sau thì một mình tới lớp. Trường của tôi là một nhà Tiền hiền chỉ có một phòng nhỏ được sửa sang lại với vài bộ bàn ghế cũ kỹ đủ cho hai chục đứa học sinh ngồi chen chúc. Sân trường có một cây cốc (kơ nia) lớn xòe tán che mát cả phòng học và khoảng sân rộng. Chẳng biết cây có tự bao giờ. Mùa nắng từng đàn chào mào, sáo sậu kéo nhau về làm tổ trên ngọn cây cao chót vót. Mùa mưa lá cây rụng ngập cả mặt sân, những trái cốc chín rơi xuống mái tôn lộp độp như có ai vừa ném đá. Dưới chân cây cốc nào là bình vôi, ông táo và những đồ thờ cúng hư hỏng mà dân làng mang ra để gửi. Bọn học trò tí hon sợ lắm, chẳng đứa nào dám bén mảng đến nơi thiêng liêng ấy bởi những câu chuyện thần tiên, ma quỷ huyền hoặc luôn ngự trị trong thế giới trẻ thơ.
Bài học đầu tiên là những chữ cái a, b, c mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Không bao giờ quên mái tóc dài cùng giọng nói trầm ấm như mẹ hiền của cô giáo. Cũng không quên được những trò nghịch ngợm, những lần bị phạt, những trò chơi con trẻ bên chúng bạn thời còn bé xíu. Trường của chúng tôi đơn sơ lắm, không tường rào cổng ngõ, không có một thứ gì cả ngoài mấy bộ bàn ghế và cái bảng đen. Nhiều hôm, học trò chạy vào nhà dân xin nước uống rồi ở luôn trong đó. Cũng có đứa nằm trên hòn đá to sau trường ngủ một giấc ngon lành khiến cô giáo đi tìm đỏ mắt là chuyện có thật. Giờ ra chơi luôn là điều mà chúng tôi thích nhất. Thôi thì đủ trò trẻ con và đến khi vào lớp lại mặt mũi đứa nào cũng lem nhem, mồ hôi nhễ nhại. Ngày nào cũng vậy, chúng tôi nhặt cốc và đập lấy hạt ăn. Hạt cốc thơm, bùi và rất béo nên đứa nào cũng thích. Lấy một hòn đá, để trái cốc lên hòn đá khác và đập mạnh. Vài lần như vậy vỏ chúng bể ra. Vỏ cốc rất cứng, tôi còn nhớ như in cái cảnh thằng Tí Chuột cầm hòn đá lơ đễnh đập vào ngón tay mình bầm tím khiến cô giáo phải lo mướt mồ hôi. Đúng là “ăn cốc cộc tay”.
Giờ giải lao, sân trường ồn ào như cái chợ bởi hai mươi mống học sinh. Tụi con gái thì chơi nhảy dây, đánh chuyền. Mấy cậu con trai nghịch ngợm thì bắn bi thậm chí đánh nhau u đầu rồi kiện thưa cô giáo. Vui nhất là trò bắn bi, phe nào thua thì đập cốc cho phe kia ăn. Có hôm, tôi và thằng Tí Chuột nhặt một lô cốc xanh để mang về nhà đập. Hai đứa thi nhau bỏ đầy cặp, túi quần và số còn thừa thì túm chiếc áo trắng lại mang về. Đến nhà thì áo trắng đã thành áo đen vì cốc xanh vỡ mủ bám đầy hai vạt áo…
Video đang HOT
Thời gian vụt trôi. Đã hai mươi mùa chim sáo về làm tổ mà ngỡ như mới hôm qua. Trường mẫu giáo của chúng tôi không còn nữa. Người ta đã xây trường mới khang trang hơn trả lại khu Tiền hiền cho dân làng thờ cúng như ngày xưa. Cây cốc vẫn còn đó, da dẻ sần sùi, meo mốc, thách thức với thời gian. Mỗi lần đi qua nơi này bao kỷ niệm của tuổi học trò hoa nắng lại ùa về xao xuyến trong tim.
Theo người lao động
Thấy nón vành nghiêng nhớ dáng em hiền
Một chiều hạ trắng nắng trải dài trên những hàng phượng xanh um, tán bằng lăng tím ngát, tôi chạy xe vòng Tam Kỳ để tìm cho mình cái cảm giác xôn xao của mười năm trước, cái tuổi học trò mực tím lá me.
Ở lứa chúng tôi ai trong đời cũng có một lần cắp sách đến trường để mai này khi bôn ba trên mọi nẻo đường đời với những lo toan, tính toán, gánh nặng áo cơm, chợt một chiều thấy cành phượng hồng rưng rưng trong nắng, trên giỏ xe của một tà áo dài nào thấp thoáng tôi chợt hiểu rằng mình đã đánh rơi tuổi ngọc rồi tốn công đi tìm trong khắc khoải, nhớ thương.
Minh họa từ internet
Trường Trần Cao Vân trên đường Nguyễn Du đã dời đến nơi khác và thay vào đó là một công trình đang xây dựng ngổn ngang gạch đá. Những hàng ghế đá mà bọn học trò tụm năm tụm bảy trao đổi bài sau những tiết kiểm tra giờ chỉ còn trong nỗi nhớ. Đâu rồi phòng học của lớp có vạt nắng mai chiếu vào cửa sổ. Cô Minh, cô Thanh, thầy Huyên giờ đã già hơn trước. Trong ký ức xanh rêu ấy vẫn còn đọng lại trong tôi giọng nói ấm áp ngày nào của cô với những lời bình văn mộc mạc, dễ nhớ và sâu sắc. "Bài thơ lục bát của anh" mà thầy Huyên đọc vẫn còn trong túi áo học trò mà chúng tôi chuyền tay nhau sau giờ giải lao. Bác bảo vệ già nghiêm khắc bây giờ ra sao rồi nhỉ?
Buổi học cuối cùng. Những nỗi buồn thoáng qua ánh mắt trong veo của tụi con gái, hai giọt pha lê long lanh sắp rơi xuống trang vở nếu cô chủ nhiệm lớp không vào. Bọn con trai tụi tôi buồn cách khác, lặng lẽ giấu vào trong.
Trong tôi ghế đá hàng cây, bỏ giờ trốn học, những trò chơi nghịch ngợm vẫn còn như mới hôm qua. Những giấc mơ hằng đêm thỉnh thoảng hàng phượng vĩ thắp lửa lại hiện lên, tiếng ve kêu ran gọi nhau về từ một cõi vô định xa lơ lắc. Trong cơn mê đó luôn có em, áo trắng tinh khôi, cho ta chờ đợi. Tình yêu học trò đẹp như một bài thơ rồi cũng ướt dưới chiều mưa hạ.
Trong bàng bạc nhớ thương ấy có lần tôi tự hỏi:
Mười hai bốn đâu rồi mười hai bốn
Ta xa em xa tất cả bạn bè
Và chỉ giữ một bóng hình mộng ảo
Mái tóc thề vương vấn lá me rơi.
Chiều nay, nhặt cánh phượng hồng ta chợt tiếc một lời yêu chưa ngỏ, tự trách mình dại khờ. Bao yêu thương còn đọng lại trên môi để theo dòng sông trôi về với biển. Sau bốn năm đại học, em lấy chồng, vẫn dịu dàng như xưa, chỉ thêm câu ca dao à ơi mà xanh mượt em hát ru con. Còn tôi, mỗi lần gặp nhau cái câu hỏi "em bỏ chồng về ở với tôi không?" vẫn run run, ngập ngừng không nói. Ta lại dặn lòng, thôi vậy, vậy thôi.
Và từ đó cứ mỗi chiều xuống phố, thấy áo học trò ta lại nhớ em, những giấc mơ lại về và mỗi lần qua Trần Cao Vân, "thấy nón vành nghiêng nhớ dáng em hiền".
Theo người lao động
Mảnh ghép hình ngộ nghĩnh Một ngôi trường huyện, một phòng học nhỏ; ba năm học, bốn chín con người. Đơn giản đến tinh khôi, hồn nhiên như cây cỏ, tưởng như chỉ cần bước vào một môi trường mới thì kỷ niệm cũ cũng dần nhạt nhòa theo năm tháng. Ba năm đã qua từ buổi tổng kết cuối cùng của thời học sinh, ba năm để...