Cây được thay mới lần hai trên đường Nguyễn Chí Thanh
Mới trồng chưa đầy một tuần, cây vàng tâm trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) đoạn gần ngã tư Đê La Thành đã được nhổ lên thay bằng cây có hoa lá và tán rộng hơn.
Cách đây khoảng hai tuần, hàng trăm cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình) đã được đốn hạ, di chuyển và thay bằng cây vàng tâm theo đề án thay thế 6.700 cây xanh. Tuyến phố vốn được coi là con đường đẹp nhất Việt Nam nay thiếu vắng màu xanh.
Theo kế hoạch của Sở Xây dựng Hà Nội, cây vàng tâm được chọn trồng thay thế hoa sữa trên tuyến đường này. Những cây được đơn vị chức năng của Hà Nội gọi là vàng tâm này cao chừng 20 m được cắt tỉa toàn bộ cành lá. Việc chọn trồng cây vàng tâm khiến người dân và nhiều nhà chuyên môn tỏ ra không đồng tình vì loại cây này ưa ẩm, thích hợp với những vùng núi cao, không phù hợp với tiêu chí cây đô thị do chính Sở Xây dựng đưa ra. Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Đặng Văn Hà, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất (Đại học Lâm nghiệp) cũng cho rằng “cây mới trồng thay thế cần phải có màu xanh ngay, chứ không thể giống như cắm cái cọc, không có tán, không có lá”.
Căn cứ vào đặc điểm của cây mới được trồng, chuyên gia thực vật Nguyễn Tiến Hiệp khẳng định: “Cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ chứ không phải vàng tâm, dù cùng một nhóm”. Đây là loại cây gỗ bình thường dùng để làm giấy ở vùng Yên Bái, Tuyên Quang. Cây này không thích hợp để trồng ở nơi đô thị vì lá rất thưa và khả năng sống không cao do điều kiện thổ nhưỡng ở Hà Nội không phù hợp.
Chưa đầy một tuần sau khi được trồng trước khách sạn Bảo Sơn, đêm 22/3, một đơn vị đã cho nhổ bốn cây được gọi là vàng tâm lên và thay thế bằng những cây mới.
Bốn cây mới trồng thấp hơn so với những cây cũ, có cành vươn dài khoảng gần 2 m, lá xanh xum xuê. Thân cây có đường kính lớn hơn những cây vàng tâm trước đây khoảng 5 cm.
Cây mới được trồng thậm chí có hoa. Một số bông màu trắng to, qua quá trình vận chuyển đã bị héo.
Video đang HOT
Thân cây vừa trồng có màu sẫm, được bảo vệ bởi những chiếc cọc gỗ.
Trong khi những cây được gọi là vàng tâm trồng cùng trên đường Nguyễn Chí Thanh có phần thân màu sáng, không vết đốm.
Theo ông Bình, nhân viên bảo vệ ở một cửa hàng ven đường Nguyễn Chí Thanh cho biết, cây này được trồng trong đêm, “vì buổi tối hôm 21/3, khi hết ca trực thì cây vàng tâm cũ vẫn còn, tuy nhiên sáng nay tôi đến thì thấy cây đã được thay thế”.
Trao đổi với báo chí chiều 23/3, ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cây xanh Hà Nội cho biết những cây thay thế ở đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn gần khách sạn Bảo Sơn vừa trồng lại vào ngày 22/3, “đây là cây vàng tâm trưởng thành có tán rộng, nụ hoa, lá xanh tốt, được nhà tài trợ trồng làm mẫu vì các cây cũ còn nhỏ và yếu. Cây trồng thay thế đều do các nhà tài trợ lựa chọn mua về”.
Tuy nhiên đại diện ngân hàng VPBanks (nhà tài trợ) cho rằng không tự lựa chọn và trồng mẫu loại cây này. “Dù cam kết tài trợ để trồng cây nhưng đến nay đơn vị chưa chi tiền vì chưa nhận được thông báo nào về chi phí cũng như các nội dung khác về việc trồng cây trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh”, vị này nói.
Theo kế hoạch của TP Hà Nội, 382 cây vàng tâm sẽ được trồng trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, một nửa trong số đó (dãy nhà số chẵn) là do một ngân hàng tài trợ, nửa còn lại là đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hà Nội.
Bá Đô
Theo VNE
Chọn Vàng tâm, Hà Nội "trồng nhầm" cây "gỗ bút chì"
Chuyên gia lâm nghiệp khẳng định: Cây mới thay thế ở đường Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội là cây Mỡ. Gỗ cây này mềm, thường dùng làm bút chì, vỏ bao diêm, không phải cây gỗ quý Vàng tâm.
Vừa qua, trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) - con đường từng được mệnh danh là "con đường đẹp Việt Nam", hàng trăm cây xanh bị đốn hạ. Loại cây trồng thay thế được cho là cây Vàng tâm, một loại cây gỗ quý có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Tuy nhiên, có thông tin cho rằng 382 cây thay thế này không phải cây Vàng tâm mà là cây Mỡ, còn gọi là Mỡ vàng tâm.
Hàng trăm cây mới được thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh được cho là cây Vàng tâm
Để làm rõ hơn về việc này, PV đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Vũ Quang Nam, Trưởng bộ môn Tài nguyên thực vật rừng - ĐH Lâm nghiệp Hà Nội. Ông Nam là một trong những chuyên gia đầu ngành về các loại cây thuộc họ Mộc Lan (gồm: Giổi, Mỡ, Vàng tâm...).
Cầm trên tay một cành cây trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh, TS Nam nói: "Tôi khẳng định chắc chắn 100% đây là cành và lá của cây Mỡ, không phải cây Vàng tâm trong Sách đỏ và cũng không có loại cây nào là Mỡ vàng tâm".
Tiến sỹ Vũ Quang Nam khẳng định mẫu vật lấy từ cây trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây Mỡ
Nhiều năm nghiên cứu về rừng nhưng ông Nam tỏ ra ngạc nhiên khi cây Mỡ hoặc Vàng tâm được trồng trên đường phố Hà Nội.
"Chưa bao giờ tôi thấy cây Mỡ hay Vàng tâm trong danh mục cây đô thị của bất cứ thành phố nào. Bởi cả hai loại cây đó đều có thời gian sinh trưởng lâu, tán mỏng, tính thẩm mỹ kém hơn nhiều các loại cây đô thị khác như bằng lăng, phượng vĩ...", TS Nam nói.
Ông Nam cho hay, hai loại cây này có thân vỏ, bộ tán khá giống nhau nên hay bị nhầm lẫn. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của hai loại cây này là dựa vào búp, lá và hoa.
Theo TS Nam, đặc điểm dễ phân biệt nhất là chồi của cây Mỡ không có màu nâu
Cây Mỡ (tên khoa học Manglietia Phuthoensis - Dandy) thân thẳng, vỏ xám trắng, lá nhẵn xanh hình trái xoan, cành non và chồi màu xanh. Cây thích hợp với không khí ẩm, loại đất ferralit đỏ vàng, thường mọc ở rừng nguyên sinh và thứ sinh ở miền Bắc và miền Trung.
Gỗ Mỡ mềm, thớ thẳng, mịn, dễ gia công, khó bị mối mọt. Gỗ Mỡ dùng chủ yếu làm nguyên liệu giấy, sản xuất ván lạng, dùng làm bút chì, làm trụ mỏ và cũng có thể đóng đồ gia dụng, làm nhà cửa.
Cây Mỡ có hoa ở đầu cành, bộ nhụy kéo dài, không có cuống nhụy, kích thước hoa từ 5 - 7 cm, hoa thơm, có 9 - 12 cánh.
So sánh hoa của Vàng tâm (trái) và Mỡ (phải)
Còn cây Vàng tâm (tên khoa học Manglietia Phuthoensis dandyi Dandy), vỏ nhẵn hình xám bạc, cành non và chồi phủ lông tơ óng ánh màu nâu, phù hợp với khí hậu ẩm, đất chua và màu mỡ. Cây được trồng ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình.
Hoa Vàng tâm hình cầu, nhụy màu đỏ tía, quả hình cầu, múi cong, nhọn. Khi chín hóa gỗ màu tím nâu. Vỏ và quả Vàng tâm còn được dùng làm thuốc.
Gỗ Vàng tâm nhẹ và bền nên hay làm cung đình, nhà thờ, nhà chùa, hoành thiên, câu đối, áo quan, tượng Phật, và ngày nay làm hộp khảm trai, sơn mài, và làm tranh sơn mài.
Ngày 18.3, đại diện Thành phố Hà Nội đã có ý kiến giải thích lý do vì sao chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh.
Theo đó, nhiều cây đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục ở thân, gốc, rễ bị thối, dễ đổ gãy trong mùa mưa bão, nhất là cây xà cừ. Nhiều cây cong, nghiêng, phát triển không đều như phượng, cơm nguội, quếch, bàng, xà xừ, long não... ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Trước những ý kiến trái chiều về việc chặt hạ, thay thế cây xanh, ngày 20.3, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu dừng chặt hạ, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở xây dựng và các đơn vị liên quan phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện thời gian vừa qua.
Theo_Dân việt
Hạ cây xanh ở Hà Nội: Cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây gì? "Theo sách đỏ Việt Nam thì vàng tâm không phải là loại trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh, nó chỉ loại cây mỡ bình thường" Tại tọa đàm "Từ đề án cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội" chiều 23/3, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hiệp - chuyên gia nghiên cứu về cây mỡ, cây vàng...