Cây điều “hồi sinh”, nông dân chỉ vui một nửa vì giá giảm thấp
Dù dự báo vụ điều năm 2020 cho năng suất khá nhưng giá điều giảm thấp ngay đầu vụ đang khiến nông dân ở các vùng trồng Đồng Nai, Bình Phước kém vui.
Trong 3 năm trở lại đây, biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại tấn công đã làm nhiều vườn điều ở thủ phủ Bình Phước thất thu, có vườn mất trắng. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp, phần lớn diện tích điều trong tỉnh đang phục hồi mạnh mẽ.
Cây điều “hồi sinh”
Nhiều vùng trồng điều ở Bình Phước đang vụ thu hoạch nhưng giá mua điều thô giảm thấp. Ảnh: Nguyễn Vy
Cùng với nỗ lực áp dụng kỹ thuật và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh từ sớm của nông dân, tại khắp các vùng trồng điều lớn như: Bù Đăng, Đồng Phú, Bù Gia Mập và Phú Riềng, năm nay điều ra bông đậu trái đồng loạt, tỷ lệ đậu trái cao.
Bà Đỗ Thị Thúy – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập cho biết, mấy năm gần đây, nhiều cơn mưa hay xuất hiện trái mùa ngay thời điểm cây điều ra bông thụ phấn. Cùng với sâu bệnh hại, cây điều bị khô bông, cháy lá khiến năng suất thấp, chỉ khoảng 1 tấn/ha.
Đây là những thách thức lớn đối với ngành điều Bình Phước. Để khắc phục, Trung tâm luôn bám sát mục tiêu nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nông dân kiến thức, kỹ thuật phát triển cây điều.
Ông Đặng Ngọc Thuận (Bù Gia Mập) cho hay, gia đình có 3ha điều 17 năm tuổi. Kết thúc vụ điều năm 2019, nhờ tích cực dọn rẫy, tỉa cành, bón phân vườn điều đã phát triển xanh tốt trở lại. Nhờ thời tiết, khí hậu năm nay tương đối thuận lợi nên điều có tỷ lệ đậu trái cao. Những ngày đầu tháng 2, gia đình ông đã thu được 4 – 5 tạ, dự kiến cuối vụ sẽ thu khoảng 10 tấn, năng suất bình quân 3,5 tấn/ha.
Tuy nhiên giá điều hiện đang giảm thấp, chỉ 26.000 – 28.000 đồng/kg. Cũng như nhiều hộ nông dân khác, ông Thuận đang lo lắng việc càng về cuối vụ, giá điều còn giảm nữa. “Năm nay, điều được mùa nhưng giá không cao nên nông dân kém vui” – ông Thuận nói.
Cùng tâm trạng, anh Trần Văn Mai ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) kể, đầu vụ điều năm 2019, anh bán được giá 35.000 – 36.000 đồng/kg, thì hiện nay chỉ được thương lái thu mua với giá 27.000 đồng/kg.
Video đang HOT
Nông dân kém vui
Không chỉ cây điều, các loại cây khác như hồ tiêu cũng đang vụ thu hoạch nên việc tìm công thu hái thêm khó. Tiền thuê nhân công hái điều năm trước chỉ từ 200.000 – 210.000 đồng/ngày, thì năm nay chủ vườn phải trả từ 250.000 – 260.000 đồng.
“Thuê nhân công giá cao trong khi giá điều giảm mạnh, khiến thu nhập mang lại thấp hơn so với một số loại cây trồng khác” – anh Mai cho biết.
Theo các đại lý thu mua điều trên địa bàn tỉnh, trước tết giá điều dao động từ 30.000 – 31.000 đồng/kg. Thời điểm này điều chưa chín nhiều. Đến nay, giá điều thô chỉ còn 26.000 – 28.000 đồng/kg; giảm từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Theo anh Mai, giá điều phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu gặp mưa, hạt điều ngấm nước, tỷ lệ nảy mầm cao, chất lượng giảm thì giá điều sẽ đồng loạt giảm. Vụ nào thu hoạch ít mà nhiều công ty thu mua, sản xuất, chế biến thì giá điều tăng lên do cạnh tranh. Giá điều còn phụ thuộc vào hoạt động xuất, nhập khẩu điều trên thị trường quốc tế.
Theo Cục Xuất nhập khẩu ( Bộ Công Thương), từ tháng 1, giá hạt điều giảm do nguồn cung dồi dào khi nhiều nước trồng cùng bước vào vụ thu hoạch rộ, trong khi nhu cầu tiêu thụ chững lại do các kỳ lễ hội lớn đã qua. Ước tính, xuất khẩu hạt điều trong tháng 1 chỉ đạt 31.000 tấn, trị giá 215 triệu USD, giảm 27,1% về lượng và giảm 28% về trị giá so với tháng 12/2019.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cũng ghi nhận, do thời tiết năm nay thuận lợi cho sự ra hoa và kết trái của cây điều, sản lượng điều thế giới dự kiến tăng nhiều so với năm ngoái. Hiện tại đã có một số mức giá chào hàng cho vụ mùa mới nhưng giá chỉ để thăm dò là chính, chưa có giá chính thức. Hơn nữa, giá chào hiện tại chưa phù hợp với giá điều nhân nên hầu hết các nhà chế biến còn đang ngoảnh mặt.
Theo Danviet
Còn 756 xe chờ thông quan tại cửa khẩu, giá trái cây đã khởi sắc
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến 12h ngày 16/2/2020, vẫn còn 756 xe nông sản đang chờ thông quan tại các cửa khẩu khu vực biên giới phía Bắc
Hết ùn ứ, xe lại kéo lên cửa khẩu
Tính đến 12h ngày 16/2/2020, vẫn còn 756 xe nông sản đang chờ thông quan tại các cửa khẩu khu vực biên giới phía Bắc.
Cụ thể, tại tỉnh Lạng Sơn, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang tồn 376 xe nông sản, trái cây như thanh long, mít, ớt, nhãn (hơn ngày 15/02 là 84 xe); Cửa khẩu Tân Thanh không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu, còn tồn 1 xe thanh long.
Các xe nông sản chờ thông quan tại cửa khẩu. Ảnh: I.T
Cửa khẩu Cốc Nam không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu, còn tồn 10 xe nông sản, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm; cửa khẩu Chi Ma còn tồn 4 xe (1 xe tái nhập khẩu thạch đen, 1 xe hồ tiêu, 2 xe quả sung khô); Ga Đồng Đăng đã nhập khẩu 19 toa bát đĩa sứ, còn tồn 22 toa thép tròn. Cửa khẩu Kim Thành II (tỉnh Lào Cai), đang tồn hơn 365 xe trái cây các loại, chủ yếu là thanh long.
Tại một số cửa khẩu, lượng xe đang lên khu vực cửa khẩu tăng nhanh do thương lái, doanh nghiệp tăng cường chuyển hàng lên cửa khẩu khi thấy thông tin từ nhiều kênh khác nhau về việc xuất khẩu tại các cửa khẩu đang có tín hiệu thuận lợi.
Hiện, nhiều địa phương như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bắc Giang, Bình Thuận,... đã và đang vào vụ thu hoạch nông sản, đặc biệt là các loại trái cây như thanh long, dưa hấu... trong khi phần lớn sản phẩm nông sản đều tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc.
Để hạn chế rủi ro, Bộ Công Thương trước đó cũng khuyến cáo các doanh nghiệp hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.
Doanh nghiệp cũng cần liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, trái cây trong giai đoạn hiện nay.
Giá trái cây khởi sắc
Nhờ nỗ lực đẩy mạnh tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân, hiện giá thanh long, dưa hấu đã khởi sắc.
Nông dân tỉnh Quảng Ngãi đang chuẩn bị thu hoạch 20.000 tấn dưa hấu. Ảnh: I.T
Ông Trương Quan An, Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) cho biết: "Giá thanh long đã phục hồi trở lại. Khoảng 3-4 ngày gần đây, thanh long ruột đỏ tại địa phương được thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/kg".
Tuy không được mức giá cao như trước Tết, song ông An cũng phấn khởi vì với giá bán hiện tại người trồng thanh long đã hoà gốc, thậm chí vườn nào cho sản lượng cao ở vụ thanh long chòng đèn này còn lãi khoảng 1.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc HTX Thanh Long Hội Quán, thông báo, khoảng một tuần trở lại đây giá thanh long bắt đầu tăng. Thương lái đến tận vườn mua thanh long với giá dao động từ 10.000-12.000 đồng/kg, tăng hơn 4.000-5.000 đồng so với tuần trước.
Tương tự, mặt hàng ớt ở huyện Thanh Bình, thị xã Hồng Ngự ở tỉnh Đồng Tháp cũng có chiều hướng tăng mạnh trở lại. Giá ớt từ 6.000 đồng/kg nay tăng lên 12.000-13.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân - Giám đốc HTX chôm chôm Bình Hòa Phước (Vĩnh Long), cũng vui mừng cho hay, hiện giá chôm chôm Java được thu mua tại vườn từ 12.000-13.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với rộ vụ vào hai tuần trước. Chôm chôm đường hiện có giá từ 15.000-16.000 đồng/kg và chôm chôm Thái khoảng 25.000 đồng/kg.
Theo ông Nhân, chôm chôm Java đang vào cuối vụ, sản lượng ít khiến giá tăng trở lại và được thương lái thu mua bán trong nước.
Tại Gia Lai, sau thời gian giá dưa hấu giảm còn 1.000 đồng/kg nhưng vẫn bế tắc đầu ra vì dịch Covib-19 khiến mặt hàng này không thể xuất sang thị trường Trung Quốc, nay giá cũng phục hồi trở lại.
Theo thông tin từ Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa (Gia Lai), hiện đã có thương lái quay trở lại thu mua dưa cho bà con. Giá dưa được thu mua tại cánh đồng vào khoảng hơn 3.000 đồng/kg, tức tăng gấp đôi so với tuần trước.
Theo Danviet
Ngừng thông quan hàng nông sản sang Trung Quốc: Cần ngay kho lạnh Chiều 30/1, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có công văn hỏa tốc gửi Hiệp hội doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam đề nghị ưu tiên hỗ trợ DN xuất khẩu nông sản Việt Nam dự trữ hàng trước việc một số cửa khẩu ngừng thông quan do diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm phổi do virus...