Cây đàn hương quý cỡ nào mà được ví “vàng xanh”, nhân giống ồ ạt?
Do nguồn lợi trước mắt, nhiều người đang tìm cách mở rộng diện tích trồng cây đàn hương bằng cách ồ ạt nhân giống, bất chấp chất lượng cây giống có thể không đảm bảo.
Một vườn ươm giống cây đàn hưog – một loại gỗ quý được ví như “vàng xanh”. Ảnh: I.T
Tiến sỹ Vũ Thoại – Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm – được biết đến là người đầu tiên đưa cây đàn hương Ấn Độ về Việt Nam. Ông cũng là người đầu tiên thành công trong việc nhân giống cây đàn hương đáp ứng mọi tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe nhất của cây này từ phía Ấn Độ.
Thế nhưng giờ đây, “cha đẻ” của cây đàn hương Việt Nam đang đứng ngồi không yên vì chất lượng cây đàn hương có nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Nghiêm trọng hơn, điều này có thể sẽ làm người nông dân điêu đứng, mất niềm tin vào một loài cây vốn được biết đến là cây “vàng xanh” có giá trị kinh tế cao.
Đàn hương là giống cây mới, được Bộ NN&PTNT công nhận là cây lâm nghiệp từ năm 2019. Loài cây thân gỗ này cho khai thác gỗ từ năm thứ 12 trở đi với trị giá hàng trăm USD/kg lõi gỗ. Các bộ phận của cây đàn hương từ lá, lõi gỗ, rễ cây đến hạt cây đều có giá trị kinh tế cao.
Video đang HOT
Để có được một vườn ươm cây đàn hương, cần phải trải qua quá trình chọn lọc nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, ngay từ năm thứ hai, người trồng đã có thể thu hoạch lá, búp để làm trà và thu hoạch hạt để ép dầu, đem lại thu nhập cao gấp hàng chục lần so với việc trồng cà phê hay hồ tiêu. Do đó, người dân đang tìm cách mở rộng diện tích cây trồng bằng cách ồ ạt nhân giống, bất chấp chất lượng cây giống ra sao.
Cây đàn hương được người dân tự nhân giống từ hạt cây do chính mình trồng, thậm chí mua hạt giống trôi nổi trên thị trường (chủ yếu có nguồn gốc từ cây non trồng ở Tây Nguyên và Trung Quốc) mà không hay biết rằng chính bản thân họ có thể phải trả giá rất đắt do chất lượng cây không đảm bảo.
Theo TS. Vũ Thoại, không giống như những loại cây trồng khác, cây đàn hương đòi hỏi khắt khe về mật độ trồng, cây ký chủ, đặc biệt là chất lượng và nguồn gốc cây giống. Do vậy người dân cần thiết phải tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học trước khi quyết định trồng loại cây này.
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, trong 1.000 cây đàn hương trưởng thành sẽ chỉ có khoảng 100 cây (khoảng 10%) phát triển tốt nhất và sau khi khoan thăm dò đã phát triển lõi gỗ và kích thước lõi gỗ đạt tiêu chuẩn, sẽ được lựa chọn làm cây bố mẹ để lấy hạt giống. Nhưng 10% đấy cũng không thể được chọn cả, bởi còn phải theo dõi nghiêm ngặt để đảm bảo không mang các mầm bệnh.
“Số lượng và chất lượng cây giống ở Việt Nam hiện nay có nguy cơ phá vỡ toàn bộ hệ sinh thái cây đàn hương.” – TS. Vũ Thoại nêu thực trạng.
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm thăm quan một vườn trồng đàn hương.
“Đặc điểm của cây gỗ đàn hương là cây có thể bị một loại bệnh gọi là bệnh xoăn lá cây (spike disease) do virus gây ra. Hiện tại chưa có phương pháp nào để phòng hoặc chữa được loại bệnh này, ngoài việc chặt bỏ những cây bị bệnh. Qua theo dõi của các nhà khoa học cho thấy, cây đàn hương chỉ bị bệnh xoăn lá trước 8 năm tuổi. Do vậy, nếu lấy hạt giống từ những cây mang virus thì chắc chắn những cây con sẽ mắc bệnh này. Vì thế tuyệt đối không được lấy hạt từ những cây đàn hương trước 8 năm tuổi để hạn chế việc trồng cây và khi cây bị bệnh phải chặt đi hoàn toàn”.
Bên cạnh đó, mỗi cây đàn hương trưởng thành cho kích thước lõi (thứ quý giá nhất của loài cây này và tinh dầu chỉ chứa ở lõi cây) khác nhau, thậm chí có những cây cho ra lõi rất chậm hoặc không cho lõi. Đó là quá trình sinh trưởng rất bình thường của các loại cây có lõi.
TS. Vũ Thoại, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm.
Thông thường, khi chọn giống cây đàn hương, sau khi loại bỏ những cây bị bệnh, người ta khoan thăm dò lõi cây trong vòng 3 năm. Chỉ cây nào trong số các cây đã chọn từ ngoại hình phát triển tốt nhất, lại hình thành lõi cây sớm và tốc độ phát triển của lõi cây nhanh nhất mới được chọn để lấy hạt làm giống. Chính vì thế, hạt cây để làm giống đắt gấp cả chục lần so với những loại hạt thông thường để ép dầu.
Hạt của cây đàn hương càng già, càng khó nảy mầm, nhưng tại Ấn Độ, người ta chỉ chọn hạt của cây từ năm thứ 10 để làm giống.
“Nếu chọn hạt làm giống từ những cây chưa đủ trưởng thành và mang mầm bệnh thì sẽ rất nguy hiểm khi phát sinh dịch bệnh không thể kiểm soát. Nếu chọn cây hình thành lõi gỗ kém để làm hạt giống, chất lượng hình thành lõi gỗ của cây cũng sẽ rất kém và sẽ không thể đạt yêu cầu nếu người trồng đã sai ngay từ khâu chọn giống.” – TS. Vũ Thoại cảnh báo.
Nếu không có sự quản lý chặt chẽ nguồn cung cây giống trên thị trường, không chỉ hệ sinh thái cây trồng bị phá vỡ, mà còn làm nản lòng các nhà khoa học, nhà đầu tư và cả chính người nông dân. Khi đó, cây “vàng ròng” sẽ trở thành cây “khóc ròng”.
TS. Vũ Thoại và chuyên gia Ấn Độ tại một vườn trồng đàn hương kết hợp với trồng xoài. Ảnh: I.T
Tại Việt Nam hiện nay, ước tính có khoảng 500ha cây đàn hương được trồng theo diện “chính thống”, và khoảng 300ha được trồng “phi chính thống”, từ nguồn hạt giống trôi nổi, không có kiểm soát.
TS. Vũ Thoại cho biết, ngoài Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm, các Viện nghiên cứu về lâm nghiệp cũng có đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia có thể tư vấn cho người trồng cách thức mua cây giống hoặc làm thế nào để chọn giống đạt chuẩn.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm là đơn vị nghiên cứu về cây đàn hương đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời cũng là đơn vị duy nhất được Bộ NN&PTNT công nhận là đơn vị được nhân giống cây đàn hương tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.
Theo Nguyễn Tuân (Infonet)