Cây đa gắn kết hai ngôi làng khỏi những cuộc chiến
Giống như những ngôi làng người Cơ Tu, tục săn đầu người khiến làng A Rầng và A Bị (Quảng Nam) chìm trong thù hận suốt nhiều thế kỷ. Sau nhiều cuộc đàm phán, người dân trồng cây đa ở ranh giới giữa hai làng, như một bản hiệp ước hòa bình.
Ngày 8/5, ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, huyện đang rốt ráo chuẩn bị tổ chức lễ công bố quần thể 725 cây pơ mu là cây di sản Việt Nam. Nằm trong danh sách công bố dịp này còn có hai cây đa 700 năm tuổi ở xã A Xan.
Hai cây đa sộp thuộc thôn A Rầng cao hơn 35 m, đường kính mỗi cây 2,4 m và 3,5 m. Được trồng cùng thời điểm, hai cây cổ thụ này vẫn được người dân Cơ Tu nơi đây gọi với cái tên cây đa đoàn kết bởi những câu chuyện lịch sử của nó.
Hận thù dai dẳng vì tục săn đầu người
Dân tộc Cơ Tu hiện có hơn 60.000 người sống chủ yếu ở hai huyện Tây Giang và Đông Giang của Quảng Nam. Họ sống tách biệt từng ngôi làng, nằm cheo leo trên dãy Trường Sơn. Mặc dù cùng một tộc người nhưng trong quá khứ, tục săn đầu người hay còn gọi là những cuộc săn máu đã khiến những ngôi làng người Cơ Tu chìm trong thù hận suốt nhiều thế kỷ.
Hai cây đa hơn 700 năm tuổi được công nhận cây di sản Việt Nam. Ảnh: Tiến Hùng.
Theo bà Lê Thị Thủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do niêm tin vào tâm linh thân bi, tuc săn đâu ngươi của lang khac vê cung tê sau môi vu mua của người Cơ Tu ra đời. Lang co ngươi bi săn phai săn lai đâu ngươi cua lang đôi thu theo sô lương tương xưng. Bị mât môt mạng, phai lây lai môt.
Ngoài niềm tin tâm linh, những người đi săn đầu người còn nhằm thể hiện sức mạnh, uy quyền. Nếu thanh niên nào trong làng giết được càng nhiều người của làng khác thì càng được ca tụng, được xem là niềm kiêu hãnh của cả làng. Những cuộc chiến dai dẳng đôi khi cũng bắt đầu bằng những nguyên nhân nhỏ nhặt như tranh giành vợ, tranh chấp đất đai, khu vực đi săn, hoặc thậm chí chỉ vì một cây gỗ trong rừng… Cứ như vậy, tâp tuc gây ra hân thu truyên kiêp tư đơi nay sang đơi khac giữa cac ngôi lang, sô ngươi bi giêt tăng dần.
“Nồi da xáo thịt, đúng là mê muội thật”, già làng Pơ Loong Jim (xã A Xan) nói như vậy khi bắt đầu câu chuyện về tục săn đầu người của cha ông. Theo già Jim, người Cơ Tu cho rằng, máu đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là sợi dây kết nối âm dương, trời đất; là điều cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển, tiền đề của sự no ấm. Với quan niệm ấy, khi bắt đầu mùa vụ, người Cơ Tu tiến hành nghi thức săn máu, đâm người bằng những mũi lao dài, sau đó mang về cắm trên khu đất sản xuất, làm lễ cúng Giàng với mong ước mùa sau thóc đầy kho, rượu đầy ché.
Video đang HOT
Đến mùa săn đầu người, họ thường cắm hai cây bắt chéo nhau ở đầu làng. Người lạ vào làng không biết, bước qua hàng rào sẽ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ. Cuộc chiến trong mùa săn máu diễn ra quyết liệt, không khí căng thẳng bao trùm. Bất kể già trẻ, trai gái của làng này đều có thể trở thành vật tế thần cho làng kia. Trên những đoạn đường vào rừng đầy rẫy mai phục, cạm bẫy. Giữa hai làng với nhau, trong mùa săn máu kéo dài chừng hai tháng, nếu không lấy đầu được của nhau thì phải chờ đến mùa săn máu sang năm.
Một cây có đường kính 2,4 m, cây còn lại là 3,5 m. Do tác động của thiên nhiên, một số vị trí ở gốc cây đã bị mục. Ảnh: Tiến Hùng.
Hai cây đa “hiệp ước hòa bình”
Trong những cuộc chiến vì tục săn đầu người, làng A Rầng và A Bị cũng không ngoại lệ. “Là hàng xóm của nhau. Không ai tính được đã bao nhiêu mạng người của hai làng đã phải ra đi vì tập tục này. Thời đó, cả hai làng là sự đối địch. Trai gái giữa hai bên không bao giờ được qua lại với nhau”, già làng Jim nói. Cho đến một ngày, người dân hai làng nhận ra nếu cứ tiếp tục giết nhau thì không bao giờ trả hết nợ mà người trong làng sẽ chết hết, người sinh ra không kịp để chết trong những cuộc trả thù. Cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu, cách đây khoảng 700 năm.
Những người uy tín trong hai làng được cử đi để thương thuyết. Họ ngồi lại với nhau để nói về những mất mát trong quá khứ và hậu quả về sau. Sau thời gian dài đàm phán, một “bản hiệp ước hòa bình” ra đời. Theo đó, làng A Rầng và A Bị sẽ kết thúc tục săn đầu người với nhau. Những món nợ máu trong quá khứ sẽ được bỏ qua, trai gái hai làng có thể cưới nhau mà không cần của hồi môn. “Hai làng chúng tôi chính thức kết nghĩa anh em”, già Jim nói.
Tục săn đầu người giữa hai làng kết thúc nhưng đối với những bản làng Cơ Tu gần đó, những cuộc săn máu vẫn tồn tại. Mối đe dọa về những cuộc chiến đối với họ vẫn chưa thể chấm dứt. Để củng cố sức mạnh, tránh sự tấn công của những làng này, “bản hiệp ước hòa bình” của A Rầng và A Bị còn nêu rõ, nếu có làng nào khác tiến đánh một trong hai làng, họ sẽ cùng nhau chống lại. Vì vậy hai làng còn tránh được tục săn đầu người từ những làng khác.
Sau khi “ký kết hòa bình”, để nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng thời nhắc nhở người dân trong làng và các thế hệ sau luôn ghi nhớ, người dân hai làng tìm hai cây đa con, tráo đổi rồi cử đại diện uy tín trồng cạnh nhau ở ranh giới hai làng.
Bên cạnh hai cây đa là ngôi đền để dân làng đến thờ cúng. Ảnh: Tiến Hùng.
Ngày trước, hai cây đa được trồng cách xa nhau khoảng 5 m, như một cổng làng, người dân hai làng đi thăm nhau thì qua cổng này. Đến nay, hai cây đa ngày một to lớn và đã bít luôn cổng. Năm 2014, khi lập hồ sơ để công nhận di sản, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân đã đóng góp xây dựng miếu thờ ở gần 2 cây đa để làm nơi thắp hương, thờ cúng. Ngày 18 tháng giêng hàng năm, người dân hai làng vẫn thường đến đây tổ chức lễ cúng. “Cũng không rõ có phải ngày này là ngày mà các cụ ngày xưa đã trồng cây hay không, chỉ biết nhiều đời nay vẫn chọn để làm lễ cúng”, già làng Jim nói.
Theo Phó chủ tịch huyện Tây Giang, sau khi khoan thăm dò vào thân cây, các chuyên gia xác định hai đã 703 tuổi. “Hiện cây vẫn xanh tốt và phát triển bình thường, tuy nhiên có nhiều tầm gửi và dây leo bám quanh, đặc biệt có một cây bưởi khoảng 100 tuổi mọc từ gốc ôm chặt lấy cây gây ảnh hưởng. Chính quyền và nhân dân đang nghiên cứu phương pháp loại bỏ tầm gửi và dây leo để tạo điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây được tốt hơn”, ông Linh nói.
Trong khi hai làng A Rầng và A Bị kết thúc những cuộc săn đầu người từ hơn 700 năm trước thì tục này vẫn tồn tại ở những ngôi làng Cơ Tu khác. Mãi đến sau năm 1945, khi bộ đội hoạt động cách mạng ở đây nhiều, tập tục này mới dần được bãi bỏ.
Theo già làng Pơ Loong Jim, cuộc săn máu cuối cùng của người Cơ Tu là năm 1952.
Tiến Hùng
Theo VNE
'Vương quốc pơ mu' được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
Quần thể hàng trăm cây pơ mu trong khu rừng phía tây Tây Giang (Quảng Nam) đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Cây Di sản pơ mu có đường kính thân lên đến 2 m và cao hàng chục mét
Ngày 19.7, thông tin từ UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết đã nhận được quyết định từ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận quần thể 725 cây pơ mu (có tên khoa học Fokienia hodginsii, thuộc khu vực xã Axan và Tr'hy) là Cây Di sản Việt Nam.
Quần thể cây này nằm trong một khu rừng pơ mu trải dài trên diện tích 250 ha, cách huyện lỵ Tây Giang khoảng 40 km về phía tây.
Toàn bộ khu rừng có số lượng lên đến trên 1.000 cây nằm ở độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển. Lâu nay, rừng pơ mu này được mệnh danh là "Vương quốc pơ mu".
Qua khảo sát, ngành chức năng đã quyết định chọn 725 cây pơ mu là Cây Di sản Việt Nam.
Trong số này, có nhiều cây đường kính thân trên 2 m và hàng trăm cây khác có đường kính từ 1 m trở lên.
Cây pơ mu lớn nhất khu rừng có đường kính thân lên tới 2,5 m, cao 22 m, khối lượng gỗ hơn 48 m3.
Được biết, đây là lần đầu tiên cả một quần thể với hàng trăm cây được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Để đảm bảo khu rừng di sản này không bị xâm hại, chính quyền địa phương đã thành lập đội quản lý và bảo vệ hoạt động thường xuyên.
Trong đợt này, tại huyện Tây Giang, 2 cây đa sộp (có trên khoa học là Ficus Superba Mid) tại đền Cây đa (thôn A rầng 1, xã Axan) cũng được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Hai cây đa này có tuổi thọ trên 700 năm, đường kính thân trên 4 m.
Tin, ảnh: Hoàng Sơn
Theo Thanhnien
Ngắm rừng pơmu độc nhất vô nhị còn sót lại ở VN Rừng pơmu hùng vĩ ở huyện Tây Giang, Quảng Nam với hàng ngàn cây cổ thụ quý hiếm còn sót lại hiện nay quả là "độc nhất vô nhị" của Việt Nam. Rừng pơmu hùng vĩ ở huyện Tây Giang, Quảng Nam với hàng ngàn cây cổ thụ quý hiếm còn sót lại hiện nay quả là "độc nhất vô nhị" của Việt...