Cây cổ thụ át mùi xác chết ở Indonesia
Dân làng Trunyan tin rằng cây cổ thụ thần kỳ có thể át được mùi xác chết do đó thay vì chôn cất, họ đặt người chết ngay dưới tán cây.
Theo BBC, nằm trên bờ của một hồ miệng núi lửa với những triền dốc đứng bao quanh, nghĩa trang của làng Trunyan là một nơi hoàn toàn cô lập nên người dân thường phải dùng xuồng để vận chuyển thi hài tới đây.
Trunyan là một trong những ngôi làng của tộc người Bali Aga ở đông bắc Bali, Indonesia. Trong khi người theo đạo Hindu dùng phương pháp hỏa táng thì dân làng Trunyan lại an táng người chết bằng cách đặt thi hài của họ ở ngoài trời, dưới tán của một cây cổ thụ.
Việc để thi thể tự phân hủy ngoài trời là một nghi lễ tôn giáo rất độc đáo của dân làng nơi đây và nó bắt nguồn từ việc dân làng Trunyan sợ làm thần Brahma trong đạo Hindu – tức là núi lửa – nổi giận.
“Thi thể anh họ tôi ở đằng kia”, Ketut Blen, một dân làng cho biết. “Nhưng tôi không cảm thấy sợ hãi khi nhìn vào anh ấy”.
Trên thực tế, làng Trunyan có hai nghĩa trang, một dành để chôn cất người chết sau khi đã kết hôn.
“Người được chôn ở đây đều đã kết hôn trước khi chết. Còn người chết trước khi kết hôn hay chết vì đuối nước thì chúng tôi để thi thể ở trên mặt đất”, Blen nói.
Video đang HOT
Đối với người chết trước khi kết hôn hay chết vì đuối nước, thi thể sẽ được đặt vào một chiếc lồng làm từ tre và cành cọ, rồi để dưới tán cây cổ thụ trong nghĩa trang.
Nhưng nghĩa trang này lại không hề có mùi xác chết. Trong khi đó, nghĩa trang lộ thiên của làng bên Puser lại bốc mùi rất nặng. Dân làng tin rằng, chính cái cây cổ thụ thần kỳ của họ đã át mùi xác chết.
“Cái cây đó rất thần kỳ. Nếu để mấy thi thể đó ở nhà, chắc chắn chúng sẽ có mùi. Nhưng ở nghĩa trang thì không, nhờ cái cây đó đấy”, anh Blen nói.
Cây thần kỳ của làng Trunyan rất nhìn bề ngoài gần giống như một cây đa cổ thụ, với tán lá trải rộng ra xung quanh và thân phủ đầy rêu. Dân làng ở đây gọi cái cây là Taru Menyan hay cây thơm.
Dân làng thường dùng ô sáng màu để che mưa chắn nắng cho các thi thể. Trước lễ mai táng, người chết được cho mặc bộ quần áo ưa thích.
Có lẽ vì đền thờ và nghĩa trang chỉ nhận người chết vào ngày tốt nên đôi khi chúng được giữ lại ở nhà trong vài ngày, thậm chí vài tuần bằng cách sử dụng dung dịch formaldehyde.
Làng Trunyan nổi tiếng với ngôi đền lớn có 11 chiếc gương và đặc biệt luôn luôn chỉ có 11 thi hài được đặt trong nghĩa trang bởi đây là con số mang rất nhiều ý nghĩa trong đạo Hindu. Nếu thi thể mới được mang tới trong khi nghĩa trang đã có đủ 11 bộ hài cốt, dân làng sẽ chuyển bộ hài cốt lâu năm nhất ra khỏi cái lồng và để ở bên ngoài.
Tuy nhiên, nhiều bộ xương thường biến mất trước khi được chuyển ra bên ngoài, có thể do bị lũ khỉ mang đi.
Ngoài cách an táng người chết độc nhất vô nhị và cây cổ thụ Taru Menyan thần kỳ, làng Trunyan còn nổi tiếng bởi nghi lễ Brutuk.
Mỗi năm một lần vào khoảng tháng 10, thanh niên trai tráng trong làng sẽ mặc trang phục được làm từ lá chuối và cành mây và múa điệu Brutuk. Nghi lễ này nhằm thánh hóa đền thờ của ngôi làng, giúp bảo vệ ngôi làng và người dân khỏi nguy hiểm.
Kim Dung
Ảnh: Theodora Sutcliffe
Theo VNE
Thủ tướng Canada xin lỗi việc đuổi tàu nhập cư Ấn Độ năm 1914
Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau đã xin lỗi công khai trước Quốc hội về sự phân biệt chủng tộc của chính phủ nước này khi không tiếp nhận tàu chở hàng trăm người nhập cư từ Nam Á hồi năm 1914.
Thủ tướng Canada, Justin Trudeau chính thức xin lỗi trước Quốc hội về sự kiện năm 1914. REUTERS
Chiếc tàu Komagata Maru chở theo 376 người, phần lớn là người theo đạo Sikh, đạo Hồi và đạo Hindu ở Ấn Độ, xuất phát từ Hồng Kông đến Vancouver (Canada) vào ngày 23.5.1914 nhưng không được vào bờ vì luật nhập cư khi đó, theo ABC News ngày 18.5.
Các quan chức Canada thời điểm đó đã áp dụng luật nhập cư hà khắc và phân biệt chủng tộc để ngăn 376 người trên tàu lên bờ. Có 20 người từng sống tại Canada được phép cho lên bờ, số còn lại ở trên tàu đậu tại cảng suốt 2 tháng.
Tàu Komagata Maru chính thức rời đi vào ngày 19.7.1914 và được đưa về thành phố Calcutta (Ấn Độ). Có 20 người thiệt mạng trên đường về trong một cuộc chạm trán với binh lính Anh. Những người khác trên tàu bị bắt giam, theo đài CBC.
"Không nghi ngờ gì nữa, chính quyền Canada phải chịu trách nhiệm về những luật ngăn cản các hành khách đó nhập cư vào Canada an toàn và hoà bình. Chúng tôi xin lỗi vì điều đó và vì những hậu quả đáng tiếc xảy ra sau đó", Thủ tướng Trudeau phát biểu.
Lãnh đạo của các đảng đối lập cũng xin lỗi về quyết định trong quá khứ của chính quyền Canada. Người đứng đầu đảng Dân chủ mới Thomas Mulcair gọi quyết định đó đơn giản, rõ ràng là phân biệt chủng tộc và là một thảm kịch lịch sử của toàn thể người dân Canada.
Cựu thủ tướng Canada Stephen Harper từng xin lỗi về vụ việc này trong một sự kiện ở bang British Columbia vào năm 2008. Tuy nhiên, cộng đồng người Sikh muốn một lời xin lỗi chính thức tại Quốc hội. Canada là nước có hơn 1 triệu người gốc Nam Á.
Thủ tướng Trudeau từng cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2015 của ông rằng sẽ đưa ra lời xin lỗi. Ông Trudeau cũng cảm ơn Bộ trưởng Quốc phòng Harjit Sajjan, một người đạo Sikh, đã nỗ lực để lôi kéo sự chú ý của cả nước đến sự kiện này. Ông Sajjan từng là chỉ huy trung đoàn thuộc quân đội Canada ở British Columbia, trung đoàn từng ngăn chặn tàu Komagata Maru.
"Trước khi bước vào cuộc đời chính trị, Bộ trưởng là chỉ huy của trung đoàn British Columbia - đơn vị từng buộc tàu Komagata Maru rời đi. Một thế kỷ trước, gia đình của Bộ trưởng có thể đã bị buộc phải rời khỏi Canada. Nhưng hôm nay, Bộ trưởng ngồi đây cùng chúng ta, tại Quốc hội này", Thủ tướng Trudeau phát biểu.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Cuộc sống kỳ lạ của "Kumari" Người dân Nepal, dù theo đạo Hindu hay đạo Phật, đều tôn kính Kumari vì cho rằng nhân vật này mang lại sự thịnh vượng và hòa bình cho đất nước Từ giã vai trò của một Kumari (thần trinh nữ sống) của TP Bhaktapur - Nepal, bé Junisha Shakya, vừa mừng sinh nhật thứ 10, mong trở lại cuộc sống bình thường...