Cây bonsai ba trăm tuổi sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử tại Nhật
Hầu như không ai biết về câu chuyện đằng sau cây bonsai 390 tuổi này mãi cho đến ngày 8.3.2001, khi 2 người cháu từ Nhật Bản đến bảo tàng thực vật ở bang Washington để thăm cây mà ông nội họ từng gửi gắm.
Cây bonsai 390 năm tuổi vẫn tiếp tục đứng vững cho đến ngày nay – Ảnh: WashPost
Moses Weisberg đang đi xe đạp dạo quanh Bảo tàng thực vật Quốc gia thuộc Tây Bắc bang Washington (Mỹ) và bất ngờ dừng lại trước một cây bonsai có hình dáng như cây nấm. Điểm đầu tiên đập vào mắt anh chính là độ dày của thân cây, ước tính đường kính đến khoảng gần 46 cm, tờ The Washington Post (Mỹ) ngày 2.8 đưa tin.
Quá bất ngờ với kiểu bonsai này, anh bắt đầu tìm hiểu và thực sự sững sờ khi biết được lịch sử của cây bonsai này, một cây thông trắng từ Nhật Bản được đưa vào vườn năm 1976. Cây này không những được xếp vào bộ sưu tập thực vật sống lâu nhất, mà bên cạnh đó, nó đã sống sót sau vụ quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) trong Thế chiến thứ 2.
Ngày 6.8 vừa qua đánh dấu 70 năm kể từ ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, và cây bonsai 390 tuổi này được mọi người nhắc đến như một biểu tượng hùng hồn và ý chí sinh tồn mạnh mẽ theo thời gian.
Được biết, đây là 1 trong 53 cây mà nghệ nhân trồng bonsai tên Masaru Yamaki hiến tặng vào năm 1976 nhân dịp Mỹ kỷ niệm 200 năm độc lập. Hầu như không ai biết về câu chuyện đằng sau cây bonsai này mãi cho đến ngày 8.3.2001, khi 2 người cháu từ Nhật Bản đến bảo tàng thực vật để ghé thăm cây mà ông nội họ đã từng gửi gắm.
Vụ nổ bom nguyên tử khủng khiếp tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản ngày 6.8.1945 – Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Shigeru Yamaki và em trai mình, Akira, đã giải thích cho các giới chức trong bảo tàng hiểu thêm về lịch sử của cây bonsai này, và rằng trước đây họ chưa từng gặp cây này bao giờ mà chỉ được nghe kể lại từ những người trong gia đình. Vì thế họ quyết định đến nước Mỹ và nhìn tận mắt cây bonsai huyền thoại này.
Vụ ném bom nguyên tử với sức công phá khủng khiếp tại Hiroshima đã gây chấn động không những nước Nhật mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cây bonsai già cỗi này, vốn sinh trưởng từ thế kỷ 17, vẫn đứng vững và không hề hấn trước sự hủy diệt, tiếp tục đâm chồi nảy lộc dù nằm trong vùng ảnh hưởng của vụ ném bom.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Cây bonsai 390 tuổi sống sót thần kỳ sau vụ ném bom nguyên tử ở Nhật
Sức sống mãnh liệt và câu chuyện ẩn sau cây bonsai 390 năm tuổi của ông cụ nghệ nhân người Nhật đã thể hiện ý chí quật cường, thiện chí hữu nghị, và cả một phần nào đó cốt cách đặc trưng của người Nhật.
Cây thông trắng 390 năm tuổi của một nghệ nhân trồng bonsai người Nhật gửi tặng Vườn thực vật Quốc gia Mỹ năm 1976.
Đến thăm Vườn thực vật Quốc gia Mỹ nằm ở thủ đô Washington DC, có một cây bonsai của Nhật được tạo dáng cầu kỳ, tán cây tạo thành hình mũ nấm. Những du khách đi qua cái cây này có thể sẽ ấn tượng về độ dày của tán, về cách tạo dáng của cây, thêm nữa thì có thể là về độ tuổi của cây - một cây bonsai 390 năm tuổi.
Nhưng đó mới chỉ là một phần bí mật của cái cây rất đặc biệt này, một khi biết được tất cả lai lịch của cây, người ta sẽ phải kinh ngạc và nhìn nó "bằng một ánh mắt khác". Cây thông trắng Nhật Bản này đã được hiến tặng cho Vườn thực vật Quốc gia Mỹ năm 1976 và từ đó đến nay là cây cảnh lâu đời nhất trong khu vườn thực vật này.
Điều đặc biệt nhất của cây là nó đã sống sót vượt qua vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật hồi Thế chiến II.
Vụ ném bom nguyên tử với sức công phá hủy diệt đã làm sập nhà cửa, gây ra thương vong, làm chấn động nước Nhật, nhưng cái cây bén rễ từ thế kỷ 17 ấy vẫn đứng vững, không chết, không tàn lụi, nó vẫn tiếp tục giữ thế đứng của mình, tiếp tục đâm chồi, nảy lộc, ra lá mới dù nằm trong vùng ảnh hưởng của vụ ném bom.
Năm nay là tròn 70 năm xảy ra vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và câu chuyện về cây bonsai 390 năm tuổi được nhắc tới như một biểu tượng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Từ nhiều thập kỷ qua, du khách đến với vườn thực vật này đã nhìn thấy cái cây đứng đó, nhưng mãi cho tới gần đây, câu chuyện và ý nghĩa đằng sau cây mới được biết tới rộng rãi.
Một nghệ nhân trồng bonsai người Nhật có tên Masaru Yamaki đã hiến tặng 53 cây quý cho vườn thực vật hồi năm 1976 nhân dịp nước Mỹ kỷ niệm 200 năm ngày độc lập. Người ta đón nhận những cây mà ông Yamaki gửi đến, không hề biết gì về câu chuyện ẩn sau cây bonsai 390 năm tuổi.
Mãi cho tới tháng 3/2001 khi hai người cháu trai của ông Yamaki từ Nhật sang thăm viện bảo tàng để thấy lại "cái cây của ông", chính lúc này vườn thực vật mới được biết ý nghĩa của cây bonsai lâu đời mà ông Yamaki đã hiến tặng không một lời nhắn nhủ về lai lịch của nó.
Người ta đã rất kinh ngạc khi biết ông Yamaki tặng đi một cây bonsai quý mang đầy ý nghĩa như vậy cho bên đã ném bom hủy diệt xuống thành phố quê hương ông, và thậm chí còn hào phóng cho đi mà không đề cập lấy một lời. Câu chuyện về cây bonsai của ông Yamaki đã khiến những người am hiểu và yêu mến bonsai cảm thấy xúc động.
Hai người cháu trai của ông Yamaki sinh ra sau khi ông đã hiến tặng cây, vì vậy, hai cậu chỉ được nghe gia đình kể lại về cây, họ quyết định một ngày nào đó phải được tận mắt trông thấy cái cây huyền thoại của ông.
Một tấm ảnh còn lưu giữ được của gia đình Yamaki cho thấy sau vụ ném bom nguyên tử, sức nén của quả bom đã tác động mạnh lên mọi vật trong nhà, nhưng trong khu vườn, sau tất cả, cái cây này vẫn giữ nguyên thế đứng, không hề suy suyển. Trong những câu chuyện của gia đình Yamaki, cây thông trắng đã trở thành biểu tượng của sức sống mãnh liệt.
Bonsai đối với các nghệ nhân không phải chỉ là một dạng cây cảnh, trong đó gửi gắm cả cái tình của người chăm sóc cây, mỗi một cây bonsai được trồng bởi một nghệ nhân là sự kết hợp của cả tình yêu thương, vẻ đẹp tự nhiên, và nghệ thuật trồng cây cảnh. Việc cho đi một cây quý không bao giờ là quyết định dễ dàng đối với người trồng bonsai.
Cây bonsai của ông Yamaki đã được gia đình trồng từ năm 1625, điều đó đồng nghĩa với việc từ năm 1625 cho tới năm 1976, mỗi ngày, cái cây đều được một người trong gia đình Yamaki quan tâm chăm sóc.
Vào ngày 6/8/1945, một quả bom nặng 4.400kg phát nổ tại Hiroshima vào lúc 8h15 sáng. Vườn cây nhà ông Yamaki nằm cách trung tâm vụ nổ bom hơn 3km. Cái cây ngày ngày được chăm sóc nâng niu này đã không phụ lòng ông Yamaki, khi nó đã sống sót và vẫn đứng vững.
Tất cả cửa kính trong nhà khi đó đều vụn vỡ và bay loạn xạ khiến người nhà bị thương, cái cây ở ngoài vườn cũng rung rinh và rơi chút lá. Tính tới thời điểm này, cây thông trắng của ông Yamaki đã sống lâu hơn nhiều so với vòng đời được kỳ vọng.
Đám mây phát ra từ quả bom nguyên tử hình cây nấm, tán cây bonsai của ông Yamaki cũng hình cây nấm. Mỗi khi lật lại hình ảnh về quả bom nguyên tử năm xưa rơi xuống Hiroshima, biết bao ký ức đau buồn lại trỗi dậy, còn hình ảnh về cây bonsai sống sót vượt qua biến cố đem lại niềm tin và sự thán phục.
Sức sống mãnh liệt và câu chuyện ẩn sau cây bonsai 390 năm tuổi của ông cụ nghệ nhân người Nhật quả thực truyền cảm hứng. Cái cây đã âm thầm là cầu nối thể hiện ý chí quật cường, thiện chí hữu nghị, và cả một phần nào đó cốt cách đặc trưng của người Nhật.
Bích Ngọc
Theo Dantri/Washington Post
70 năm thay da đổi thịt của Hiroshima 70 năm trước, thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong phút chốc biến thành đống tro tàn chứa đầy xác người chỉ vì quả bom nguyên tử nặng 4,4 tấn quân đội Mỹ thả xuống... 70 năm sau, với sự vươn mình mạnh mẽ cùng nỗ lực của chính phủ cũng như người dân, thành phố đó đã thay đổi, trở thành một...