Cầu vồng tình yêu: “Phép màu” phim Việt
Bộ phim như một phép màu nhuộm hồng cho phim truyền hình Việt trong thời điểm “hạn hán”.
“Mình vẫn luôn nghĩ phim chỉ là phim, nhưng thực sự khi xem Cầu vồng tình yêu mình học hỏi được rất nhiều điều. Đó là cách sống, cách nói năng, cách đối nhân xử thế của người với người. Dường như trong xã hội ngày càng phát triển này, giá trị đang dần bị đảo lộn thì một Mộc Miên dịu dàng , đằm thắm, lễ phép… một người con gái mang đầy đủ công dung ngôn hạnh được tái hiện lại, một Minh Khang tuy giàu lên bằng cách dẫm đạp vào người khác nhưng về nhà vẫn là một người con hiếu thảo, một người anh quan tâm đến em gái hết mực… Chỉ thế thôi, chỉ thế cũng đủ làm cho mình cảm thấy đây là bộ phim có giá trị giáo dục cách sống rất lớn. Chính những lý do đơn giản đó mà mình càng ngày càng yêu Cầu vồng tình yêu hơn”, khán giả Đoàn Ngọc Ánh viết trên một diễn đàn.
Đúng là, bộ phim Cầu vồng tình yêu đã chạm tới được những điều kiện “cần” và “đủ” về thành công của một phim truyền hình Việt.
Cầu vồng tình yêu mang tới nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, tình yêu, gia đình, tình anh chị em, tình bạn…
Diễn xuất chân thực
Khâu diễn xuất luôn là điều kiện tiên quyết cho thành công của một bộ phim. Nếu một kịch bản hay nhưng diễn dở thì không thể kéo khán giả ngồi lâu trước màn hình. Đã có rất nhiều bộ phim truyền hình Việt hội tụ dàn diễn viên trẻ, đẹp, là những người nổi tiếng, nhiều fan nhưng vẫn bị coi là “thảm họa giờ Vàng”. Điều đó cho thấy, yếu tố ngoại hình bắt mắt chỉ là một điều kiện cần, còn điều kiện đủ chính là diễn viên đó diễn xuất phải nhập vai.
Cầu vồng tình yêu với nhiều tuyến nhân vật từ già tới trẻ, từ diễn viên gạo cội tới diễn viên trẻ, đều đã phần nào nhận được sự ghi nhận khen ngợi từ phía người xem. Hiếm có một bộ phim truyền hình Việt nào để lại dấu ấn sâu sắc với các khán giả (nhất là khán giả trẻ) như vậy.
Xem một cư dân mạng viết về nhân vật Minh Khang (do Hồng Đăng thủ vai) mới thấy tài diễn xuất của nam diễn viên này không thua kém với những “ cơn sốt mỹ nam Hàn” trong giới trẻ Việt hiện nay: “Minh Khang ở đoạn đầu sắc lạnh, kiêu hãnh, ngang tàng nhưng vẫn quyến rũ chết người bao nhiêu thì phần sau dù có “tình” đến thế nào đi chăng nữa thì người xem vẫn thấy nhớ một Minh Khang của những ngày trước. Minh Khang của những ngày tháng yêu Mộc Miên dù nồng nàn, tha thiết, mãnh liệt là thế vẫn không khỏi làm em “khắc khoải trong mong nhớ” đến một Minh Khang thuở ban đầu với tâm thế của người đi chinh phục, sắc sảo, tỉnh táo, không khoan nhượng, biến hóa khôn lường”.
Minh Khang đã thực sự trưởng thành (về diễn xuất) hơn nhiều qua vai diễn Hồng Đăng
Nữ diễn viên chính Hồng Diễm là một cái tên khá lạ với nhiều khán giả màn ảnh nhỏ. Bởi lẽ cô mới chỉ tham gia bộ phim Chàng trai đa cảm vào năm 2007, và một vai diễn nho nhỏ trong phim Những người độc thân vui vẻ.
Video đang HOT
Hẳn đạo diễn Trọng Trinh đã tìm thấy được hình ảnh một người con gái Hà Nội dịu dàng, ngoan hiền, đoan chính trong Hồng Diễm để gửi gắm vai nữ chính cho cô gái trẻ tuổi này. Trong phần đầu của phim, cô chưa thực sự thuyết phục được khán giả. Nhưng càng xem, khán giả lại càng nhận thấy cô diễn viên xuất thân từ người mẫu này đã thoát khỏi cái mác “bình hoa di động”. Cú “lội ngược dòng” thành công đó xuất phát từ chính nỗ lực không mệt mỏi của cô.
“Có rất nhiều cảnh Mộc Miên phải ngồi trong phòng một mình và khóc. Mộc Miên có một đời chồng đã mất, vì thế, cô ấy thường xuyên ngồi trong phòng một mình vừa nói chuyện với bức ảnh, vừa khóc. Tôi rất sợ những cảnh này. Khóc triền miên. Diễn nội tâm và khóc nhiều là một thử thách với diễn viên tay ngang như tôi. Có lần, khi phải khóc quá nhiều, tôi bị chai sạn cảm xúc, không thể khóc tiếp. Tôi cảm giác như mình bị… tự kỷ vậy. 30 phút trôi qua, tôi vẫn không thể khóc. Chị Kim Oanh phải gọi tôi riêng ra một chỗ, chị truyền cho tôi kinh nghiệm lấy lại thăng bằng, lấy lại cảm xúc”, Hồng Diễm thành thật chia sẻ.
Cũng chính từ tâm huyết diễn xuất cộng với sự chỉ bảo tận tình của những diễn viên đi trước, những cảnh khóc của cô đã lấy đi nhiều nước mắt của các bạn trẻ xem phim.
Hồng Diễm được người yêu điện ảnh ví như “cơn gió lạ của màn ảnh”
Phim Việt hóa nhưng thuần Việt
Phim truyền hình Việt cần một kịch bản chân thực, bám rễ vào đời sống Việt với những vấn đề dù cũ nhưng vẫn luôn “ nóng” trong xã hội. Cầu vồng tình yêu đã làm được điều đó. Bộ phim đã chứng minh: không phải cứ là phim Việt hóa (mua bản quyền kịch bản phim nước ngoài về dựng lại) là không hay, không thuần Việt.
Khán giả Việt Nam từng phải thở dài với những phim truyền hình Việt hóa nhưng lại vẫn đậm “chất Hàn”, “chất Trung” trong Ngôi nhà hạnh phúc, Những người độc thân vui vẻ, Cô nàng bất đắc dĩ… Điều đó vừa làm nhà sản xuất phim Việt hóa thấy nản vừa khiến khán giả dị ứng với dạng phim truyền hình kiểu này. Tuy nhiên, Cầu vồng tình yêu đã dũng cảm đi bằng phương thức riêng trên… lối mòn ấy.
Bộ phim đã mang lại cảm giác được xem một bộ phim thuần Việt chứ không phải kiểu “Hàn hóa phim Việt” như một số phim Việt hóa kịch bản nước ngoài chiếu trước đó
Cách xây dựng tính cách nhân vật với những tình huống, câu nói khiến người xem thấy “ồ, đúng là chất Việt đây rồi”.
Một ông trưởng họ gia trưởng như ông Kim hẳn là một điển hình trong vô số những gia đình danh gia vọng tộc tại Việt Nam. Một cặp vợ chồng trọc phú học đòi làm sang như bố mẹ của Minh Khang hay những lề phép gia giáo từ thế hệ ông cha tới con cháu trong gia đình của Mộc Miên đều đem lại cái nhìn chân thực và đậm chất Việt. Trong xã hội Việt Nam đã, đang và tiếp tục sẽ vẫn có những gia đình gia trưởng, phong kiến và cả những gia đình “hai lúa” như bộ phim đã miêu tả. Câu chuyện tình yêu chung thủy, bền chặt giữa hai người bạn trẻ bị gia đình phản đối cũng chính là chuyện chung của nhiều bạn trẻ Việt Nam hiện nay.
Nhạc phim, lời thoại tạo cơn sốt
Cầu vồng tình yêu được chuyển thể từ bộ phim truyền hình Vinh quang gia tộc của Hàn Quốc. Vì vậy, dựa trên kịch bản có sẵn đã tạo cơn sốt tại Hàn Quốc, yếu tố nội dung đòi hỏi những chi tiết ly kỳ, hấp dẫn, có thắt nút, mở nút, tạo cao trào trở thành một thế mạnh không cần quá đầu tư chất xám của bộ phim Việt hóa này.
Tuy nhiên, những nhà sản xuất Cầu vồng tình yêu đã biết khai thác những thế mạnh này bằng việc tạo nên những lời thoại được nhiều bạn trẻ “mê tít”: “Không hiểu sao cứ nghe thấy giọng em nói là anh lại ngủ rất ngon?”, “Em không tự bơi qua hồ được đâu nhé”, “Mình sẽ không nói chuyện suốt đêm nữa, mà nói nguyên cả ngày luôn”, “Mặt trời lên rồi anh kìa!”… Đấy là mặt trời của em thôi, còn mặt trời của anh thì đang tỏa sáng ngay bên cạnh anh đây còn gì?”…
Không hiếm những câu thoại trong phim được teen Việt rất “kết”
Bên cạnh đó, nhạc phim Cầu vồng tình yêu cũng trở thành một nhân tố góp phần tạo thành công. Nhạc sĩ Xuân Phương – cha đẻ của những ca khúc nhạc phim rất hay như Mong ước kỷ niệm xưa, Lời chưa nói… – đã tiếp tục chinh phục các bạn trẻ Việt Nam qua hai ca khúc Hãy mở cửa nhé tình yêu và Cảm ơn cuộc đời. Sức hút của nhạc phim này thể hiện ở số lượng truy cập rất đông của cư dân mạng để nghe và bình luận trên các diễn đàn. Nhiều clip tự tạo được dựng lên trên nền ca từ lãng mạn này. Hãy mở cửa nhé tình yêu trở thành ca khúc lần đầu tiên lọt vào TOP ca khúc được yêu thích trong Bài hát yêu thích.
Mặc dù bộ phim không tránh khỏi đôi lúc còn có những “hạt sạn” nhỏ – điều khó có thể không có đối với một phim truyền hình dài hơi 85 tập – nhưng xét về mặt tổng quan, Cầu vồng tình yêu đã thực sự chinh phục được trái tim và ánh mắt của những khán giả màn ảnh nhỏ Việt Nam. Thực hiện cú “lội ngược dòng” ngoạn mục, từ chỗ bị chê đã dần trở thành tác phẩm thu hút mọi tầng lớp già trẻ, thành thị nông thôn, bộ phim như một phép màu đối với phim truyền hình Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Theo VNN
Phim Việt hóa - Đừng vỗ mặt khán giả
Đã 4 năm từ khi tạo ra định nghĩa "Giờ vàng", VTV và HTV đều đặn triển khai các phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài, nhưng có vẻ chất lượng của các sản phẩm ấy lại tỉ lệ nghịch với số lượng tăng dần đều theo thời gian.
Phim Việt hóa từ đâu ra?
Năm 2004, Hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (TFS) phối hợp cùng công ty FNC Hàn Quốc thực hiện phim "Lẵng hoa tình yêu", giữa lúc máu trắng, ung thư, chuyện tình tay ba, danh gia vọng tộc thập niên 90 của xứ Hàn bắt đầu làm ngấy khán giả Việt, và khái niệm "Phim Việt hóa" vẫn còn chưa xuất hiện trong từ điển của những người làm nghề.
Lần đầu tiên, một bộ phim truyền hình với ý tưởng kịch bản của nước ngoài được các biên kịch Việt Nam sửa đổi để phù hợp với điều kiện nước nhà lên sóng. Cũng từ đây, khán giả Việt bắt đầu tiếp xúc với cách làm phim "sit-com" mà thế giới đã đi trước vài thập kỷ: phần lớn bối cảnh được dàn dựng trong trường quay, âm thanh được thu đồng bộ, phim thực hiện trong thời gian ngắn...
Hai "ông lớn" VTV và HTV dường như đã nhắm được tương lai của phim truyền hình sau tín hiệu đáng mừng mang tên "Lẵng hoa tình yêu", các dự án phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài bắt đầu được rục rịch triển khai dưới hình thức "Việt hóa".
Nhưng nếu như "Lẵng hoa tình yêu" đã quá khôn khéo khi xóa sạch không tì vết những yếu tố ngoại nhập để trở thành một bộ phim thuần Việt đúng nghĩa thì hầu hết các bộ phim về sau của VTV lẫn HTV lại chỉ tập trung ăn theo sự nổi tiếng của những bộ phim đình đám ở nước bạn, vì thế chỉ mới chạm đến ngưỡng "kể chuyện người ta", tức là dùng người mình đóng kịch bản của họ, cái "chất Việt" đáng ra phải là yếu tố chủ đạo thì lại thiếu hụt trầm trọng.
Nhìn lại danh sách đang dài lên từng ngày của các tác phẩm truyền hình "50:50" này, dễ dàng nhận ra sự chênh lệch trong nguồn gốc của nguyên tác. Trong khoảng hơn một chục phim Việt hóa 7 năm qua, chỉ vài phim lấy kịch bản từ Âu-Mỹ và Trung Quốc, còn lại phần lớn đều đến từ Hàn Quốc. Dường như ngành công nghiệp truyền hình của xứ sở kim chi vẫn là một địa chỉ tin cậy của các nhà sản xuất Việt đang loay hoay tìm hướng phát triển khi người Việt đang dần trở nên khó tính hơn với các tác phẩm "cây nhà lá vườn" có phần dễ dãi.
Nhạt như... phim Việt hóa!
Ấy vậy mà khi đã có trong tay kịch bản - cái sườn chính tạo nên thành công của phim xứ người, các nhà sản xuất của chúng ta vẫn làm khán giả ngao ngán, thậm chí là phát bực.
VTV là đơn vị đầu tiên thực hiện chiến lược "người Việt dùng hàng Việt" trên màn ảnh khi khai sinh ra khung giờ vàng cho phim truyền hình. Để bắt kịp với trào lưu làm lại các phiên bản phim nổi tiếng thế giới, bộ ba VTV-BHD-hãng phim Việt cho ra đời đứa con tinh thần đầu tiên - "Cô gái xấu xí" được mua bản quyền của "Betty la Fea" (Colombia), trong khi đó VTV và Mesa hợp tác sản xuất "Những người độc thân vui vẻ" (nguyên tác "Ngôi nhà mới trong nắng" của Trung Quốc). Hai dự án xã hội hóa hoành tráng nhất thời điểm đó, được đầu tư công phu với trường quay hoành tráng ở hai miền, dàn diễn viên tài năng đầy hứa hẹn sẽ là bước chuyển mình cho phim Việt.
"Những người độc thân vui vẻ" ngừng phát sóng
khi mới đi được một phần ba chặng đường
Chuyển mình đâu chưa thấy, chỉ thấy sự rầm rộ quảng bá bắt đầu tắt ngúm sau một thời gian phim lên sóng. Quả thực, cả hai bộ phim đều có tính giải trí tương đối tốt, nhưng sau một năm chiếu liên tục, sự nhàm chán và tẻ nhạt của hai phim là điều thấy rõ. Khán giả bắt đầu mệt mỏi với việc nhai đi nhai lại các màn tấu hài khiên cưỡng, tình huống phim ngày càng sống sượng, chưa kể một tập phim 45 phút bắt đầu từ hơn 9 giờ tối nhưng tận 10 giờ rưỡi mới kết thúc vì bị chèn quảng cáo. Kết quả, "Những người độc thân vui vẻ" dừng lại ở tập 171, tức là vừa hơn một phần ba dự án dài hơi, sau một năm rưỡi lên sóng.
Loay hoay với phim hài không xong, nhà Đài lại bắt đầu khai thác mỏ phim tâm lý xã hội điển hình của Hàn Quốc. "Anh em sinh đôi" phiên bản Việt với cái tên "Có lẽ nào ta yêu nhau" tiếp tục "bức tử" khán giả trong khung giờ đẹp nhất buổi tối của VTV1. Được BHD mạnh tay đầu tư về bối cảnh, đạo cụ, cộng với cách làm phim mới mẻ, nhưng bộ phim của đạo diễn Tống Thành Vinh tiếp tục là thất bại điển hình của sự hợp tác VTV-BHD.
Tương tự, "Ngôi nhà hạnh phúc" - dự án được chờ đợi nhất năm 2009 của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng không tránh khỏi thất bại thê thảm được báo trước. Tuy có phần yên tâm vào vị đạo diễn tài năng, khán giả vẫn không thể không hoài nghi khi một kịch bản quá thành công của Hàn Quốc được làm lại theo phong cách Việt Nam. Như một hệ quả tất yếu, bộ phim ban đầu kích thích trí tò mò của người xem có biểu hiện rệu rã sau những tập đầu tiên, khác hẳn với những phát ngôn tự tin của ông đạo diễn. Khi câu chuyện phim đã nắm rõ như lòng bàn tay, khán giả bắt đầu khó chịu với kiểu "dở người dở ta".
"Cầu vồng tình yêu" bị hạn chế ở lời thoại
"Người mẫu" phiên bản Việt là một ví dụ khác của việc quảng bá rình rang trước khi lên sóng. Dàn diễn viên trẻ đẹp của phim không cứu nổi sự nhàm chán, nhạt nhòa thấy rõ về nội dung. Có phần khá hơn, "Cầu vồng tình yêu" bước đầu trấn an người xem với những tình tiết ra được phần nào chất Việt Nam. Tuy nhiên, khán giả lại la ó vấn đề đài từ của diễn viên. Mặc dù phần biểu cảm khá tốt, nhưng nhiều diễn viên thoại vô cảm như trả bài. Những MC, người mẫu tuy không phải lần đầu tham gia đóng phim, nhưng đài từ thực sự là vấn đề báo động đối với các bộ phim được thu tiếng trực tiếp.
Đừng vỗ mặt khán giả!
Điểm lại phim truyền hình Việt hóa trong những năm qua, chỉ có một vài cái tên đã làm khá tốt so với kỳ vọng của khán giả. Dù gió có thổi có thể xem là dự án thành công nhất cho tới thời điểm này.
Với một cốt truyện không quá phức tạp xoay quanh cuộc sống của một gia đình tứ đại đồng đường thế kỷ 21, ekip thực hiện đã khéo léo biến một kịch bản nước ngoài thành câu chuyện của người Việt với chất Việt rõ rệt. Không chú trọng PR quá nhiều, lại phát trên HTV3 nên lượng khán giả của Dù gió có thổi có phần lép vế hơn các dự án Việt hóa khác. Tuy nhiên, bộ phim đã làm hài lòng cả những khán giả khó tính nhất suốt 200 tập phim.
Làm phim với các kịch bản nổi tiếng của nước ngoài không còn là điều mới mẻ trên thế giới. Có thể dễ dàng chỉ ra một số cái tên thành công vượt trội về chất lượng nghệ thuật lẫn doanh thu như "Ugly Betty" của Mỹ, "Boys over flowers" của Hàn Quốc... đều có xuất phát điểm là các dự án nổi tiếng của nước khác.
Nhưng rõ ràng xem "Ugly Betty" hay "Boys over flowers" không có cảm giác như đọc lại câu chuyện của những bộ phim gốc. Nguyên nhân chính từ việc kịch bản đã được gọt dũa cẩn thận để phù hợp với văn hóa của mỗi quốc gia, dàn diễn viên tốt, ekip thực hiện chuyên nghiệp đã không sa đà và quá lệ thuộc vào bản gốc.
Khán giả đang được trao tận tay quyền quay
lưng lại với phim Việt bất cứ lúc nào
Ngày càng nhiều bộ phim "thảm họa" được gắn mác Việt hóa như: Cô nàng bất đắc dĩ, Có lẽ nào ta yêu nhau... Khán giả liên tục bị "vỗ vào mặt" bởi sự hời hợt, qua loa, thiếu giá trị nghệ thuật, hài không ra hài, tâm lý xã hội cũng chưa đúng kiểu. Nhưng có một nghịch lý là phim Việt hóa chưa bao giờ thất bại về doanh thu. Ngược lại, dù bị khán giả phàn nàn về chất lượng nhưng những bộ phim dở vẫn đem về nguồn lợi lớn cho sản xuất.
Tuy vậy giá trị của một bộ phim không phải chỉ được đong đếm qua lợi nhuận quảng cáo. Người xem cần lắm những phim truyền hình chất lượng, dù đó có phải Việt hóa hay không, bởi trước sự xâm nhập mạnh mẽ của các dòng phim giải trí chất lượng cao của nước ngoài, khán giả đang được trao tận tay quyền quay lưng lại với phim Việt bất cứ lúc nào.
Lê Huy Hoàng
Theo VNN
Bùng nổ phim Việt "vay mượn" nước ngoài Sự nở rộ của những bộ phim được Việt hóa từ kịch bản của nước ngoài khiến dư luận không khỏi trăn trở. Làm phim Việt hóa không phải là một lựa chọn tồi. Nhưng là tận dụng kịch bản ra sao? Bắt tay vào sản xuất phim như thế nào để đáp ứng được lòng mong mỏi của khán giả Việt Nam,...