Cầu treo rung bần bật “cõng” người qua sông
Mỗi lần đi qua cây cầu treo mục nát, cao chót vót, bắc qua sông Bằng Giang, nối đường Pác Bó qua xóm Thái Cường, xã Bình Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng là một thử thách với người dân.
Cây cầu này có chiều dài hơn 70 mét, rộng 1,5 mét. Người dân tự chế từ cột điện, cọc tre mục nát, buộc lại với nhau bằng những sợi thép hoen gỉ, mặt cầu được làm bằng những thân tre nhỏ. Nhưng nguy hiểm hơn là hai sợi dây cáp treo nối hai bên sông đã được sử dụng từ năm 1970. Sau nhiều năm phơi mưa phơi nắng, sợi cáp đã hoen gỉ chỉ chờ đứt gãy.
Ông Trần Hòa (60 tuổi), người dân xóm Thái Cường, cho hay: “Đây là cây cầu người dân tự chế từ tre, cột điện đóng hai bên sông để giữ dây cáp treo. Mỗi khi qua cầu, dù chỉ một người nhưng cây cầu cũng đã rung bần bật”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, do thời gian sử dụng đã lâu nên dầm cầu bị mục nát, ốc vít, sợi dây cáp treo đã bị hoen gỉ và cầu trũng xuống thành vòng cung, có những đoạn không còn lan can.
Một năm hai lần, người dân lại tự nguyện quyên góp tiền mua thép, ủng hộ tre để chắp vá cầu. Nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp và không có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương nên cây cầu lại sớm hỏng như cũ.
Chiều rộng cầu hẹp, không có lan can, mặt cầu không bằng phẳng dễ mất thăng bằng. Mỗi khi có người đi qua, cầu lại rung lên bần bật.
Trao đổi với PV, ông Sơn, Trưởng xóm Thái Cường, cho biết: “Chỉ cần nhìn thực trạng cây cầu thì ai cũng biết nó không còn đảm bảo an toàn, ai cũng sợ lật cầu như ở bản Chu Va 6 (Lai Châu). Chúng tôi đã kiến nghị cấp trên nâng cấp tu sửa nhưng vẫn chưa được hồi âm”.
Mỗi ngày, cây cầu “già cỗi” này phải “cõng” hàng trăm lượt người qua lại.
Ốc vít cầu gần như đã bị hoen gỉ hoàn toàn.
Trải qua thời gian sử dụng đã quá lâu, dây cáp treo hai bên bờ sông đã hoen gỉ hoàn toàn và đang chờ đứt.
Video đang HOT
Mặt cầu được xếp bằng những cây tre nên không bằng phẳng, khi qua cầu nếu sơ ý có thể bị ngã.
Cây cầu treo này có chiều dài hơn 70 mét và chiều rộng 1,5 mét.
Dây thép được quấn vào dây cáp treo để giữ cầu rất sơ sài, nếu tuột ra, cây cầu có thể bị sập bất cứ lúc nào.
Vị trí giữa cầu gần như không có lan can, nếu đi vào ban đêm rất dễ bị rơi xuống sông.
Nhiều thanh gỗ đã bị mục nát do thiếu kinh phí sửa chữa.
Thời gian sử dụng quá lâu và phải oằn mình “cõng” hàng trăm lượt người mỗi ngày nên cây cầu đang có hiện tượng võng xuống, rất nguy hiểm.
Gầm cầu là hệ thống cây đã mục nát hoàn toàn nhưng vẫn không được tu sửa.
Do trường học ở bên kia sông nên học sinh cũng chọn cây cầu này để đi qua.
Theo Khampha
4 đơn vị phải chịu trách nhiệm vụ sập cầu Chu Va
- Ngày 11/3, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra kết luận về nguyên nhân gây sập cầu Chu Va 6 làm 8 người chết và 38 người bị thương ở Lai Châu cuối tháng 2 vừa qua, đồng thời kiến nghị xử lý 4 đơn vị liên quan.
Cầu Chu Va sập do làm ẩu: Ai chịu trách nhiệm?
1m2 cầu sập không chịu nổi sức nặng 1 người?
Theo Bộ Giao thông vận tải, cầu Chu Va 6 thiết kế cho xe gắn máy, đoàn người đi bộ, xe súc vật kéo, tải trọng 1,5 tấn. Hoạt tải tính chung 100 kg/m2 mặt cầu, quy ra tải trọng rải đều tiêu chuẩn theo chiều dài cầu là 150 kg/m, trong tính toán đã xét đến hệ số vượt tải là 1,4 cho thấy cầu có thể chịu tải trọng rải đều theo chiều dài cầu là 210 kg/m tương ứng với tổng tải trọng là 11,34 tấn.
Với đoàn người phân bố đều, đi không đều bước để không xảy ra cộng hưởng thì cầu có thể chịu sức nặng khoảng 135 người (trung bình 60 kg/ người, không tính hệ số vượt tải).
"Qua xem xét hình ảnh ghi lại thu thập được tại thời điểm xảy ra sự cố có khoảng 50 người đi trên một nửa chiều dài cầu phía bản Chu Va 6. Tính ra tải trọng rải đều dọc cầu là (50 người x 60 kg/người)/27m = 111kg/m nhỏ hơn 150kg/m. Như vậy, sự cố do nguyên nhân quá tải có thể loại trừ", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Đề cập đến nguyên nhân gây sập cầu, Bộ Giao thông vận tải cho biết, qua kiểm tra, phát hiện ắc neo tăng đơ đã bị đứt có hình dáng và kích thước không đúng thiết kế, tại vị trí nhỏ nhất có diện tích tiết diện gần bằng 25 cm2 (tức khoảng 50% diện tích tiết diện thiết kế).
Qua quan sát hiện trường thấy ắc neo bị đứt nói trên bị phá hoại giòn gây ra đứt vỡ đột ngột. Bề mặt lỗ chốt ắc neo phía trong lồi lõm, biểu hiện có khả năng được gia công tạo lỗ bằng cách gia nhiệt thổi xuyên chiều dày, làm thay đổi tính chất cơ lý của vật liệu.
"Do đó, có thể khẳng định, nguyên nhân sự cố do việc chế tạo ắc neo tăng đơ có 2 sai sót lớn là không đúng thiết kế và không tuân thủ qui trình kỹ thuật", thông cáo báo chí của Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Hình ảnh cầu treo Chu Va 6 bị lật nghiêng khiến 8 người chết và 38 người bị thương. Ảnh: Khánh Công
Cụ thể: Tiết diện ắc thực tế tại vị trí nhỏ nhất khoảng 25cm2 chỉ bằng khoảng 50% tiết diện chịu lực thiết kế.
Bề mặt lỗ ắc neo tăng đơ lồi lõm biểu hiện không được gia công chế tạo đúng yêu cầu kỹ thuật, có khả năng khi chế tạo đã sử dụng biện pháp gia nhiệt thổi thủng chiều dày. Điều này sai với chỉ dẫn kỹ thuật trong Hồ sơ thuyết minh thiết kế do Tư vấn thiết kế là Công ty Tư vấn công nghiệp Lào Cai lập, tại trang 6: "Các lỗ luồn bu lông phải được chế tạo bằng cách khoan hoặc đột; tuyệt đối không được tạo lỗ bằng cách dùng que hàn để "thổi"".
Chính việc gia nhiệt không đúng qui trình sẽ làm thay đổi tính chất cơ lý của vật liệu thép. Vết đứt ắc neo tăng đơ tại hiện trường thể hiện rõ việc phá hoại đột ngột do vật liệu hóa giòn. Theo nhận định của Tổ công tác đây là nguyên nhân trực tiếp gây sự cố.
Một sai phạm khác được phát hiện là thi công trụ tháp neo không đúng yêu cầu kỹ thuật, việc ốp gạch, trát phủ ngoài trụ tháp không có trong hồ sơ thiết kế và không đúng các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng hiện hành.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở kết quả báo cáo của Tổ công tác kỹ thuật, Bộ đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị xem xét, khởi tố vụ án để truy cứu trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân liên quan đến sự cố lật cầu treo Chu Va 6.
4 đơn vị phải chịu trách nhiệm về vụ sập cầu
Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau khi có kết luận trên, đơn vị này đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả tìm hiểu, đánh giá nguyên nhân sự cố lật mặt cầu treo Chu Va 6. Trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo "Bộ Công an, UBND tỉnh Lai Châu xem xét, khởi tố vụ án để truy cứu trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân liên quan đến sự cố lật cầu treo Chu Va 6".
Về xử lý trách nhiệm, Bộ GTVT kiến nghị: Nhà thầu chịu trách nhiệm về nguyên nhân sự cố do thi công ắc neo tăng đơ không đúng kích thước thiết kế, công nghệ chế tạo dẫn đến không đảm bảo yêu cầu chịu tải, gây sự cố nghiêm trọng. Ngoài ra, nhà thầu còn phải chịu trách nhiệm về thi công trụ tháp không đúng hồ sơ thiết kế.
Đối với tư vấn thiết kế: chịu trách nhiệm về các sai sót trong hồ sơ thiết kế, không chỉ dẫn về mác thép đúc làm ắc neo tăng đơ, không thực hiện giám sát quyền tác giả đối với một số bộ phận công trình như ắc neo tăng đơ và trụ tháp cầu, chấp thuận nghiệm thu các hạng mục công trình không đúng yêu cầu thiết kế.
Đối với tư vấn giám sát: chịu trách nhiệm về không theo dõi, giám sát quá trình chế tạo, kiểm tra chất lượng, lắp đặt ắc neo tăng đơ dẫn đến sự cố, không kiên quyết loại bỏ những hạng mục công trình thi công không đúng thiết kế và không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chấp thuận nghiệm thu các hạng mục công trình không đúng yêu cầu thiết kế.
Đối với Chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án: chịu trách nhiệm về việc để xảy ra sự cố nghiêm trọng trong dự án xây dựng cầu Chu Va 6 theo quy định của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004.
Cũng theo Bộ GTVT, trong quá trình làm việc, Tổ công tác độc lập đã kiến nghị giao cho cơ quan chuyên môn rà soát kỹ toàn bộ hồ sơ thiết kế, trình tự thủ tục đầu tư của cả cầu treo dân sinh Chu Va 6 và cầu treo giao thông nông thôn Chu Va 8 (do hai cầu này do cùng đơn vị thiết kế và thi công) để có kết luận đầy đủ. Riêng với cầu Chu Va 8, đề nghị Chủ đầu tư khẩn trương có biện pháp kiểm tra khả năng chịu tải của cầu để đảm bảo khai thác an toàn.
Xuân Tùng
Theo_VnMedia
Chênh vênh cầu treo nơi thượng nguồn sông Mã Chiếc cầu treo có độ cao hàng chục mét so với mực nước sông, nhiều hạng mục của cầu đã xuống cấp, mặt cầu gia cố tạm bợ, nhưng hàng ngày nhiều người dân vẫn phải đi lại trên cây cầu đầy bất trắc này. Cầu treo bản Lát bắc qua sông Mã, là nút giao thông huyết mạch nối thị trấn Mường...