Cầu treo kết bằng cỏ độc đáo thu hút du khách ở Peru
Bạn có dám bước qua chiếc cầu kết bằng cỏ, treo lơ lửng giữa vực sâu? Thuộc mạng lưới giao thông của đế chế Inca còn sót lại đến nay, cầu Q’eswachaka ở Peru rất đông khách tìm đến.
Q’eswachaka là cầu treo kết bằng cỏ cuối cùng của đế chế Inca còn sót lại. Cây cầu độc đáo này là một phần của mạng lưới giao thông hơn 40.000 km đường mòn, thường gọi là đường Đại Inca, kết nối nhiều cộng đồng bị cô lập và góp phần mở rộng đế chế qua các vùng địa lý khác nhau. Cầu hiện kết nối 4 cộng đồng nói tiếng Quechua, một nhóm ngôn ngữ bản địa, là Huinchiri, Ccollana, Chaupibanda và Choccayhua.
Suốt hàng trăm năm, cầu Q’eswachaka là mối liên hệ duy nhất giữa các làng hai bên bờ sông Apurimac, trong vùng Canas ở Peru. Sông chảy qua một hẻm núi sâu của dãy Andes. Thực dân Tây Ban Nha từng rất ấn tượng với kỹ thuật xây dựng cầu treo kết bằng cỏ của người Inca khi đặt chân đến đây. Cầu được bắc qua những khu vực sông quá rộng, khó có thể kết nối bằng dầm gỗ.
Cầu Q’eswachaka tương tự nhiều cầu treo khác dưới đế chế Inca, song do nằm ở vị trí khá biệt lập, cầu vẫn tồn tại đến ngày nay, trong khi những cây cầu khác bị phá hủy hoặc lãng quên, dần biến mất trước sự ra đời của hệ thống cầu, đường phục vụ ôtô trong thế kỷ 20. Dù có một cây cầu hiện đại mới xây dựng gần đó, cư dân trong vùng vẫn tiếp tục sử dụng cầu treo kết cỏ truyền thống Q’eswachaka để đi bộ, phục vụ du khách tham quan.
Với một nghi thức đặc biệt diễn ra vào mùa xuân, cầu Q’eswachaka liên tục được xây dựng, rồi tái xây dựng trong suốt 5 thế kỷ. Cộng đồng người Quechua ở đây tập trung lại, tham gia một buổi lễ “đổi mới” nhằm bỏ cầu cũ thay bằng cầu mới. Người dân cùng nhau thực hiện công việc này vì lợi ích chung.
Khi các điểm neo của cầu ở hai bên hẻm núi bị cắt đứt, cầu Q’eswachaka rơi thẳng xuống sông Apurimac và trôi theo dòng nước. Trước đây, cứ 3 năm, người ta mới thay thế cầu một lần, song vì du lịch phát triển, nhiều du khách tìm đến đây đông hơn để chiêm ngưỡng cây cầu và nghi thức độc đáo này, cộng đồng dân cư đã tăng tần suất thay cầu lên định kỳ mỗi năm.
Phương pháp xây cầu được truyền qua nhiều thế hệ. Đầu tiên người ta thu thập các sợi cỏ ichu dài, loại cỏ phổ biến ở vùng khô cằn Nam Mỹ, đem ngâm nước trước khi xoắn chúng thành những sợi dây thừng. Các sợi thừng mỏng lại xoắn với nhau thành sợi thừng lớn hơn, tạo thành dây cáp nặng neo cầu. Mỗi gia đình thường tham gia đóng góp khoảng 40 m dây.
Video đang HOT
Những người phụ nữ Quechua dù có tham gia vào việc xoắn cỏ ichu thành những sợi dây thừng, song trong buổi lễ “đổi mới”, họ không được phép đi xuống hẻm núi gần cầu, vì người ta kiêng kỵ, xem đó sự xui xẻo, không may mắn.
Những sợi dây cáp của cầu được gắn vững chắc vào các đế đá. Với kinh nghiệm vốn có, người ta bắt đầu làm việc từ các cạnh đến giữa cầu, dệt mặt cầu và sàn cầu bằng dây thừng và cành cây. Những người đàn ông giàu kinh nghiệm tham gia xây dựng cầu được nhận những chiếc lá coca linh thiêng, đóng vai trò quan trọng trong văn hóa cộng đồng người Quechua bản địa.
Khi những người xây cầu gặp nhau ở trung tâm, dệt phần còn lại của sàn cầu, một cây cầu mới sẽ hoàn thành. Để mừng chiếc cầu mới, cộng đồng người Quechua tổ chức tiệc tùng với âm nhạc và cầu nguyện. Năm 2013, UNESCO công nhận những kiến thức, kỹ năng và nghi thức tái xây dựng cầu Q’eswachaka là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Theo zing.vn
Hơn 4 tháng đấu trí, 72 con tin trong Đại sứ quán Nhật mới được giải thoát
Ngày 17/12/1996, ông Morihita Aoki - Đại sứ Nhật Bản tại Peru tổ chức một buổi tiệc long trọng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 63 của Nhật hoàng Akihito với gần 600 khách mời gồm các quan chức cao cấp trong Chính phủ Peru, các nhà ngoại giao của các nước cùng các doanh nhân thuộc những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới.
Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế đã đề đứng ra đàm phán với Nestor Cerpa Cartolini.
Trả tự do gần hết, chỉ giữ lại 72 con tin
Tối ngày hôm đó, ngay lúc buổi tiệc diễn ra sôi nổi thì bất ngờ một nhóm 14 người mang tiểu liên AK xông vào, mặt bịt kín bằng mũ len chỉ để hở mắt và miệng tự xưng là "Phong trào cách mạng Tupac Amaru", tiến hành bắt giữ toàn bộ quan khách trong bữa tiệc.
Đại sứ Morihita Aoki kể: "Lúc ấy khách mời có 114 người. Nhóm khủng bố dồn tất cả lên lầu do 6 tên cầm AK canh giữ. 4 trong số 6 tên công khai cho chúng tôi biết họ mặc áo bom, và sẵn sàng kích nổ nếu quân đội Peru xông vào".
Tuy nhiên, nhóm khủng bố này sau đó đã trả tự do cho phần lớn số người bị giữ, trong đó có mẹ và em gái của Tổng thống Peru là ông Fujimori - không phải vì nhân đạo mà vì chúng không đủ người để canh giữ. Chúng giữ lại 72 con tin là những nhân vật quan trọng của cả Peru lẫn của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Thẩm phán Tòa án tối cao Peru Carlos Giusti Acuna; Bộ trưởng Ngoại giao Peru Francisco Tudela; Đại sứ Nhật Bản Morihita Aoki; chính trị gia Alejandro Toledo, người mà sau này trở thành Tổng thống Peru...
Theo lời những người được trả tự do, Nestor Cerpa Cartolini, kẻ cầm đầu cuộc đột kích nêu ra yêu sách, buộc Chính phủ Peru phải thả ngay tất cả những thành viên MRTA đang bị giam giữ.
Khởi nguồn của Tupac Amaru
Tupac Amaru - hay còn gọi là Thupa Amaro theo tiếng Inca - là tên vị vua cuối cùng của đế chế Inca. Năm 1980, Peru lúc này nằm dưới quyền cai trị của nhà độc tài Juan Velasco Alvarado. Thất nghiệp, nghèo đói và tham nhũng đã khiến sự bất mãn trong nhân dân lên đến cao độ.
Trước tình hình ấy, Victor Polay Campos, một thợ mỏ cùng với một người đồng chí hướng là Néstor Cerpa Cartolini đứng ra thành lập một nhóm vũ trang, lấy tên là "Phong trào cách mạng Tupac Amaru - MRTA", mục tiêu là đánh đổ giai cấp thống trị, dựng lên một nhà nước của những người lao động nghèo.
Mặc dù xưng danh "cách mạng" nhưng hoạt động đầu tiên của MRTA lại là một vụ... cướp ngân hàng vào tháng 5/1682. Dần dần, quân đội Peru tiến hành đàn áp, lực lượng của nhóm này bắt đầu suy yếu. Từ năm 1993-1996, MRTA chỉ tiến hành những hoạt động đánh phá, ám sát nhỏ lẻ.
Năm 1990, Alberto Fujimori trở thành Tổng thống Peru. một trong những mục tiêu của vị tổng thống mới là quyết tâm tiêu diệt tổ chức khủng bố MRTA. Đến cuối năm 1996, MRTA gần như bị cô lập hoàn toàn khiến Nestor Cerpa Cartolini, Phó chỉ huy MRTA quyết định phải "làm một cái gì đó" nhằm xốc lại đội ngũ. Và "cái gì đó" chính là cuộc đột kích vào Đại sứ quán Nhật Bản...
Cả thế giới theo dõi
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi tin MRTA đột kích vào Đại sứ quán Nhật Bản ở Lima và bắt giữ 114 con tin được các cơ quan truyền thông trên toàn thế giới loan tải, thì lập tức nhiều đường dây nóng nối giữa Tokyo, Washington DC, Paris, London, Tegucigalpa (Honduras), La Paz (Bolivia), Montevideo (Uruguay)...với Lima được thiết lập để các quốc gia này theo dõi những diễn biến và sự an toàn tính mạng của công dân mình.
Ngày 18/12, Thủ tướng Nhật Hashimoto Ryutaro đích thân điện thoại cho Tổng thống Fujimori, đề nghị Chính phủ Peru ưu tiên bảo đảm sự an toàn cho các con tin, đồng thời cử một đặc phái viên là ông Ikeda đến Peru để phối hợp giải quyết.
Nestor Cerpa Cartolini (ngoài cùng bên trái) , kẻ cầm đầu cuộc bắt cóc con tin tại Đại sứ quán Nhật Bản.
Cùng với Bộ Ngoại giao và Phủ Thủ tướng, Cơ quan Phòng vệ Nhật Bản nhanh chóng thành lập "Phòng phản ứng tức thì" nhằm tính đến việc gửi lực lượng sang Lima, hỗ trợ Cơ quan An ninh Peru trong việc giải cứu con tin. Chánh văn phòng Hoàng gia Nhật Bản cho biết, Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu vô cùng bất an trước sự kiện này và yêu cầu hủy bỏ các lễ hội dự định tổ chức để mừng ngày sinh của ông (18/12).
Ngày 19/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra tuyên bố lên án hành vi bắt cóc, giam giữ con tin và đề nghị MRTA phải trả tự do cho tất cả. Ngày 22/12, trong một bài phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia dài 4 phút, Tổng thống Fujimori từ chối những yêu sách của MRTA và khẳng định "không loại trừ một cuộc giải cứu bằng vũ lực nhưng vẫn mở rộng cửa cho một giải pháp hòa bình".
9 ngày sau khi xảy ra vụ bắt cóc, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đã đề nghị Tổng thống Fujimori cho phép họ đứng ra đàm phán với Nestor Cerpa Cartolini.
Trong suốt cuộc tiếp xúc, ngoài việc yêu cầu Chính phủ Peru không được cắt điện nước, Nestor liên tục đưa ra những yêu sách, rằng Chính phủ Peru phải trả tự do không điều kiện cho tất cả những chiến binh MRTA hiện đang bị giam giữ - trong đó có cả vợ của ông ta- và Chính phủ Peru phải thực hiện những cải cách cả về chính trị lẫn kinh tế.
Bên cạnh đó, Nestor cũng phản đối về cách đối xử độc ác và vô nhân đạo đối với tù nhân MRTA. Kết thúc cuộc gặp gỡ, Nestor đồng ý để Hội Chữ thập đỏ gửi quần áo, thức ăn, thuốc men và dụng cụ y tế cho con tin nhưng cảnh báo, "Mọi sự cố ý lợi dụng việc tiếp tế để giải thoát con tin sẽ phải trả giá đắt".
Song song với những hoạt động của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Tổng thống Fujimori cũng cho thành lập một nhóm "hành động đặc biệt" để tìm giải pháp thương lượng với MRTA.
Thậm chí, Tổng thống Fujimori còn nói chuyện với nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro, đề nghị Cuba cho phép nhóm bắt cóc được đi sang nước này nếu họ đồng ý thả con tin. Tuy nhiên, phía MRTA vẫn cương quyết giữ vững yêu sách và lập trường. Ngày 17/1/1997, mọi cuộc thương lượng rơi vào bế tắc.
Tiến hành tấn công
Không thể tiến hành thương lượng bằng các biện pháp ôn hòa, Tổng thống Fujimori quyết định dùng vũ lực. Để chuẩn bị cho cuộc đột kích giải cứu dưới sự chỉ huy của Đô đốc Hải quân Luis Giampietri - một chuyên gia về các hoạt động tình báo đặc biệt - trong các chuyến xe chở quần áo, lương thực cho con tin, Luis Giampietri ra lệnh giấu vào đó một máy phát tin chỉ bé bằng 1/4 bao thuốc lá cùng một mẩu giấy nội dung yêu cầu tất cả các con tin hãy thường xuyên mặc quần áo màu sáng để giúp phân biệt với nhóm MRTA mặc quần áo đen.
10 phút trước khi cuộc đột kích nổ ra, máy phát tin sẽ phát đi những tín hiệu "bíp", âm lượng rất nhỏ, dồn dập trong 10 giây và cứ mỗi 5 giây nó sẽ được lặp lại, tổng cộng 3 lần. Khi ấy, con tin phải nằm xuống sàn nhà và tránh xa bọn khủng bố. Nếu nhận được máy, hãy trả lời bằng 3 tín hiệu "bíp", lặp lại 3 lần.
Ngày 1/3/1997, hơn 2 tháng sau khi xảy ra vụ bắt cóc, một nhóm đặc nhiệm gồm 140 người Peru được thành lập dưới quyền chỉ huy của Đại tá Jose Williams Zapata tiến hành thực tập tác chiến.
15 giờ 23 phút ngày 22/4/1997, chiến dịch Chavin de Huantar bắt đầu. Trong số 14 tên khủng bố, chỉ có Nesto Cerpa Cartolini, Roli Rojas, Eduardo Cruz là dân chuyên nghiệp. Những kẻ còn lại là lính mới, chưa từng kinh qua trận mạc và cuộc bắt giữ con tin kéo dài quá nhiều ngày đã khiến họ nản lòng.
Đúng vào lúc 8 tên khủng bố đang say mê tranh bóng thì nhóm giải cứu xông lên từ các đường hầm, và 3 khối thuốc nổ đã phát nổ gần như cùng một lúc ở 3 căn phòng khác nhau. Vụ nổ đầu tiên xảy ra giữa "sân" bóng đá, giết chết 3 tên khủng bố ngay lập tức - trong đó có một cô gái đang ngồi xem.
Thông qua các khoảng trống tạo ra bởi vụ nổ, 30 lính đặc nhiệm Peru lao vào, đuổi theo các thành viên MRTA còn sống sót để ngăn chặn trước khi họ lên được tầng 2, nơi giam giữ con tin.Tại cửa chính của Sứ quán, 20 lính đặc nhiệm bắn chết 2 tên khủng bố đang tìm cách thoát ra ngoài. Phía sau nhà, 40 đặc nhiệm khác nhanh chóng dựng thang lên tầng 2 rồi dùng chất nổ thổi bay cánh cửa dẫn vào căn phòng chính.
Đúng lúc đó, 9 tên khủng bố còn lại cũng vừa lên đến nơi. 15 đặc nhiệm đi đầu với 15 khẩu tiểu liên Uzi chẳng bỏ lỡ cơ hội, họ quét sạch đám khủng bố bằng những loạt đạn dài. Về phía các con tin, 10 phút trước khi cuộc giải cứu diễn ra, họ đã nhận được tín hiệu báo động. Sau khi thông báo cho nhau, tất cả đồng loạt nằm xuống sàn nhà hoặc trốn dưới gầm bàn, gầm giường.
Khi cuộc đột kích kết thúc, ngoài 14 thành viên MRTA chết ngay tại trận. Tuy nhiên, một con tin là Tiến sĩ Carlos Giusti Acuna, thẩm phán Tòa án Tối cao Peru chết vì... đứng tim, 2 sĩ quan thuộc nhóm đặc nhiệm là Trung tá Juan Valer Sandoval và Trung úy Raul Jimenez Chavez chết vì trúng đạn của quân khủng bố, 25 con tin khác bị thương nhẹ do những mảnh vỡ bắn vào. Kiểm tra hiện trường, đội giải cứu phát hiện nhiều khối chất nổ được cài ở tầng 2, nơi giam giữ con tin nhưng do bị tiêu diệt, chúng không còn kịp giật dây kích nổ.
Cuộc đột kích chỉ diễn ra 22 phút. Lúc 16 giờ 20 phút, Tổng thống Fujimori xuất hiện trong sân Đại sứ quán, cùng lực lượng đặc nhiệm hát vang quốc ca Peru. Sự thành công ngoạn mục của vụ giải cứu đã đưa uy tín của Fujimori lên cao chưa từng thấy...
Hoài Thu
Theo baophapluat
Hội An lọt top 10 điểm đến dành cho dân du lịch bụi trên thế giới Phố cổ ở miền Trung là một trong hai đại diện châu Á nằm trong danh sách này. Dẫn đầu danh sách các điểm đến lý tưởng do dân du lịch bụi là bang Goa nằm ở phía Tây Ấn Độ, một điểm đến khá nổi. Bãi biển trải dài rợp bóng dừa, những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng mở nhạc xập...