Cậu tôi
Hôm nay là tròn 18 năm ngày cậu tôi mất nhưng mỗi lần nhắc về cậu, tận sâu thẳm lòng tôi và các thành viên trong gia đình, ai cũng thấy bùi ngùi nhớ thương.
Cậu tôi trước đây vốn là đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi bên bến sông. Ngày hôm đó, ông bà ngoại tôi đi quăng chài, bất chợt nghe tiếng khóc của trẻ con thì lật đật đi tìm. Và rồi, ông bà vô tình nhìn thấy một bọc quần áo cũ ai đó vứt bỏ trên bến. Lại gần nhìn thì trong cái bọc ấy, một sinh linh còn đỏ hỏn, miệng khát sữa, thân hình tím tái vẫn đang cố gắng phát ra những tín hiệu rên rỉ yếu ớt như tìm kiếm một sự giúp đỡ, cứu vớt trong hoàn cảnh bi đát khốn cùng.
Không nỡ nhìn đứa trẻ tội nghiệp phải nằm lại lạnh lẽo, cô độc và đói khát nơi bến sông năm ấy, ông bà đã mang cậu về nuôi. Ông bà luôn tâm niệm, mẹ cha đã bỏ rơi đứa bé này một lần, nên ông bà không thể là người bỏ rơi cậu lần hai. Suốt những năm tháng sau này, không hề mảy may có chút thông tin nào về thân sinh ruột rà của cậu.
Bà dành cả đời yêu thương, chăm sóc cho cậu- Ảnh minh họa
Về phần gia đình, ai cũng hy vọng chuyện cũ không bao giờ được nhắc nhớ, vì đó thực sự là những ký ức đáng quên đối với cậu sau này. Chính bởi vậy, ông bà tôi thì đem hết lòng thương để nuôi nấng, chăm sóc cậu giống như khúc ruột của chính mình. Các anh chị em cũng đối xử với cậu chan hòa, ấm áp như máu thịt tình thân.
Từ sự nghèo đói, thiếu thốn, chật vật của gia đình, cậu lại cứ thế lớn lên, khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Ông bà thì thương yêu các con; anh chị em thì thuận hòa êm ấm. Cuộc sống cứ thế ngày ngày trôi qua. Rồi tới thế hệ của chúng tôi, cũng không ai biết về bí mật của một câu chuyện cũ.
Video đang HOT
Năm cậu 17 tuổi, trổ mã và thư sinh nhất vùng. Tính cậu vốn đã chăm chỉ, hiền lành lại ngày càng thêm phần điềm đạm, nhã nhặn, lịch thiệp. Xóm làng đều nói ông bà tôi có phước, có đứa con trai vừa xinh ngoan, lại hiếu thuận. Không những vậy, cậu tôi còn được đặt biệt danh là có “hoa tay 10 ngón” bởi cậu khéo léo vô cùng, từ cắt tóc, làm diều, đan rổ rá, gói bánh chưng, sửa xe, làm đồ mỹ nghệ…, việc gì cũng tận tâm và chu toàn hết sức.
Nhà ông bà vốn nghèo khó, anh cả đi bộ đội, chị gái đã lấy chồng nhưng vì hoàn cảnh mẹ già hay đau yếu, cha thì sức khỏe đã giảm sút đi nhiều nên dù được cử đi học, cậu từ chối và quyết định ở nhà phụ giúp ông bà, gánh vác công việc đồng áng, chăm lo song thân.
Ngoại tôi đau ốm suốt một thời gian khá dài và một tay cậu chăm lo sớm hôm. Chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, cậu còn dành tối đa thời gian để có thể bên cạnh bà. Bà giục cậu tìm hiểu ai đó rồi kết hôn, cậu còn động viên bà: “Mẹ khỏe lại rồi con kiếm con dâu cho mẹ ngay! Mẹ cứ nằm đây, mãi không chịu khỏe thì con… cũng chịu nhé!”
Ngày ngoại tôi mất, cậu hoảng hốt đớn đau, cứ gào khóc liên hồi: “mẹ ơi, mẹ ơi…”. Những người xung quanh cũng xúc động không cầm được nước mắt.
Và sau khi bà đi chưa bao lâu, cậu cũng đổ bệnh đột ngột và qua đời. Giữa lúc mất mát đớn đau ấy, một người lạ bỗng nhiên xuất hiện và nhận là người thân đã bỏ rơi cậu năm xưa, xin được đưa di ảnh của cậu về. Ông tôi im lặng, cả gia đình im lặng, chỉ có những đứa trẻ như chúng tôi là ngơ ngác, phân vân.
Và rồi, chúng tôi đã lần đầu được nghe về câu chuyện của cậu năm xưa, càng thấy thương cậu vô cùng.
Câu chuyện năm ấy, cậu chưa từng được biết. Hôm nay, ngày giỗ của cậu, thắp nén nhang thơm, những ký ức về cậu lại ùa về, mong cậu yên nghỉ vĩnh hằng.
Nữ giảng viên đại học bị chồng đề nghị ly hôn, hiểu sai về trầm cảm sau sinh
Quỳnh là giảng viên đại học ở Hà Nội, chị đã bị chồng đề nghị ly hôn và giành nuôi con khi đứa con đầu lòng còn đỏ hỏn. Nguyên nhân là chồng Quỳnh thiếu hiểu biết về chứng trầm cảm sau sinh.
Một bệnh nhân bị bệnh trầm cảm.
Giọt nước mắt ngày xa con
Nguyễn Thu Quỳnh là một giảng viên đại học chuyên ngành Tài chính ở Hà Nội. Ở tuổi 30, cô mới sinh con đầu lòng và đã có một cuộc sống khá yên ấm cho đến khi chứng trầm cảm sau sinh xuất hiện. Khi con trai Quỳnh được 4 tháng tuổi, áp lực đè nặng lên vai người phụ nữ trẻ vì cùng lúc phải làm dâu, làm vợ, làm mẹ, cộng với sự thay đổi sinh học trong cơ thể phụ nữ sau sinh nở đã khiến cô rơi vào trầm cảm mà không hề biết.
Vất vả, lo âu, bất an... tất cả tích lũy từng ngày làm Quỳnh luôn lo sợ có người bắt mất con mình. Bi kịch bắt đầu khi cô vài lần ôm con đi lang thang và được gia đình chồng hốt hoảng tìm về. Từ đó, cả gia đình chồng cho rằng cô bị điên nên đã đuổi cô về nhà bố mẹ đẻ.
Con đỏ hỏn khát sữa nhưng hàng ngày Quỳnh chỉ được quay lại nhà chồng để cho con bú, chơi với con một lát rồi phải ra về vì nhà chồng sợ "bệnh điên" của cô lây sang con. Chồng cô, một kỹ sư có học vị tương đương vợ, thậm chí còn đề nghị ly hôn.
Kể từ đó, cuộc sống của Quỳnh là chuỗi ngày ngập trong nước mắt vì nhớ thương con đến xé lòng, vì bệnh tật hành hạ tinh thần, vì lo sợ mất gia đình. Cuối cùng, trong tình cảnh không có lối thoát, cô được gia đình đưa đến viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. Tôi gặp Quỳnh trong một lần đến gặp bác sĩ Phương để xin tư liệu viết bài về bệnh trầm cảm. Vì đến vào giờ làm việc, bệnh nhân xếp hàng chờ khám quá đông nên tôi đành nán lại ở cuối phòng bệnh chờ gặp ông sau giờ làm. Chính trong buổi phỏng vấn đó tôi tình cờ gặp Quỳnh và nghe bác sĩ Phương chia sẻ về câu chuyện của cô.
Qua câu chuyện tôi được biết, hôm nay, sau 4 tháng điều trị liên tục, Quỳnh trở lại gặp Viện trưởng Phương để tái khám. Ông bác sĩ khẳng định, cô đã gần như khỏi bệnh hoàn toàn. Mẹ Quỳnh cho biết, Quỳnh cũng đã trở lại trường đại học để tiếp tục giảng dạy hai tháng nay. Cô thậm chí còn đang hướng dẫn hai đề tài khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên.
Hôm đó, tôi cảm nhận rõ ràng một bầu không khí nhẹ nhõm lan tỏa khắp căn phòng...
Cần hiểu đúng về bệnh trầm cảm sau sinh
Đến giờ, câu chuyện của nữ giảng viên suýt mất gia đình vì trầm cảm sau sinh đã kết thúc có hậu. Do được điều trị tích cực cộng với sự vận động thay đổi nhận thức của bác sĩ Phương, gia đình chồng Quỳnh đã hiểu đúng về căn bệnh của cô. Điều đáng nói là những người đang phải chịu cùng lúc bệnh tật và sự kỳ thị của cộng đồng, như Quỳnh, không phải hiếm.
Được biết, mỗi năm có đến hàng ngàn ca bệnh trầm cảm được điều trị ở viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia, trong đó trầm cảm sau sinh chiếm tỉ lệ khoảng 10%. Có 3 nhóm nguyên nhân có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh, bao gồm yếu tố sinh lý (một vài yếu tố sinh hóa trong cơ thể phụ nữ sau sinh đột ngột tăng lên hoặc giảm xuống, quá trình này cũng có thể bắt đầu từ lúc mang thai do thay đổi nội tiết tố), yếu tố thể trạng (ví dụ người có tiền sử trầm cảm sẽ dễ mắc trầm cảm sau sinh hơn), yếu tố tâm lý xã hội (ví dụ sự thiếu quan tâm chăm sóc đối với phụ nữ sau sinh khiến họ rơi vào trạng thái cô đơn buồn chán...).
Bởi vậy, nhận thức đúng, nhận thức sớm các dấu hiệu bệnh lý trầm cảm sau sinh cùng với thái độ hợp tác điều trị sẽ là cứu cánh cho nhiều phụ nữ và nhiều gia đình để duy trì sức khỏe và hôn nhân.
"Trầm cảm sau sinh hoàn toàn có thể chữa khỏi hoàn toàn, bằng việc kết hợp dùng thuốc trầm cảm và trị liệu tâm lý. Song thật đáng tiếc vẫn có nhiều người nhận thức sai về bệnh, kể cả những người có trình độ học vấn cao, như người chồng của nữ giảng viên Quỳnh nói trên" - bác sĩ Phương nói. B.Y (Tên nhân vật đã thay đổi)
Bạn gái cũ đến hỏi vay tiền mà chồng tôi xua tay đuổi về, bất bình nên tôi muốn cho cô ấy mượn 30 triệu không ngờ lại bị anh mắng xối xả Nhìn thấy bạn gái cũ của chồng đứng khóc thút thít ngoài cổng, tôi đề xuất một phương án rất hợp tình hợp lý nhưng không ngờ chồng trợn mắt lên mắng vợ. Tôi thật may mắn lấy được người chồng giàu có, cưới xong chúng tôi được bố mẹ tặng cho cả một căn nhà 3 tầng để ở. Thỉnh thoảng bố...