“Cậu Thủy” tìm mộ liệt sĩ giả ở Đắk Lắk ra sao?
Ngày 31/10, UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH gửi văn bản cho Cục Người có công Bộ LĐTB-XH xin chủ trương khai quật 73 hài cốt do Nguyễn Thanh Thuý (tức “ cậu Thủy”) phối hợp cùng Ngân hàng CSXH Việt Nam khai quật tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk.
Quy tập hài cốt vào ban đêm, tết dương lịch…
Cuối năm 2011, Nguyễn Thanh Thuý (tên gọi khác: Nguyễn Văn Thúy) cùng ông Dương Quyết Thắng (Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam) đã “âm thầm” khai quật được hài cốt liệt sĩ Dương Văn Mừng (bố ông Thắng, hi sinh năm 1968) tại xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) bằng “phương pháp áp vong”. Sau đó, Thuý đã thông báo cho tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ hi sinh tại đây và ông ta sẽ giúp tỉnh tìm kiếm, khai quật những hài cốt liệt sĩ này. Để thuyết phục được tỉnh Đắk Lắk, Ngân hàng CSXH Việt Nam còn đưa 3 nhân chứng từng chiến đấu ở chiến Tây Nguyên đến đây khẳng định từng có nhiều trận đánh của Sư đoàn bộ binh 320/Quân đoàn 3 (hiện đóng tại Gia Lai) trong giai đoạn 1968 – 1972
Đến cuối năm 2012, bầu đoàn của Thuý và ngân hàng đã đưa hàng chục người rầm rộ đến xã Ea H’leo khai quật hài cốt liệt sĩ bằng cách trên. Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Việc khai quật hài cốt diễn ra từ 17 giờ chiều đến 23 giờ đêm và chủ yếu do người của NHCSXH Việt Nam làm, còn cơ quan chức năng địa phương chỉ giúp sức và giám sát mà thôi. Toàn bộ kinh phí tìm kiếm, cất bốc trả cho Thuý cũng do NHCSXH Việt Nam lo liệu.
Nguyễn Thanh Thuý (đeo kính, mặc áo kaki) làm các nghi lễ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở Đắk Lắk
“Có mặt tại đêm đầu tiên cất bốc, tôi thấy thầy Thuý đưa 30 bó hương cho 30 người của ngân hàng và người dân xã Ea H’leo, sau đó thầy này cúng vái gì đó. Đột nhiên, anh lái xe của chi nhánh huyện Krông Búk của NHCSXH Việt Nam lảo đảo như người say rượu, rồi được người của ngân hàng dẫn đi. Khi anh này đi được một đoạn ngã xuống, thầy Thuý bảo đó là điểm có hài cốt liệt sĩ và kêu mọi người đến đào lên”, ông Trường cho hay.
Video đang HOT
Sau 3 ngày hì hục đào bới, đến ngày 30/12/2012, bầu đoàn của Thuý đã tìm được 31 hài cốt liệt sĩ cùng nhiều di vật như: Bi đông, dép cao su, sao vàng… và đề nghị tỉnh Đắk Lắk quy tập ngay trong ngày Tết Dương lịch 1/1/2013. Chính ông Nguyễn Quang Trường cũng nghi vấn: “Không hiểu sao ngân hàng và thầy Thuý lại cho quy tập hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang trong ngày Tết Dương lịch khi tất cán bộ, công nhân viên của tỉnh đang được nghỉ. Có lẽ, để tránh sự giám sát của tỉnh nên họ mới cho quy tập vội như thế”.
Tiếp tục đà “thắng lợi”, từ ngày 6 đến ngày 8/3, bầu đoàn “cậu Thủy” lại quy tập được 42 hài cốt liệt sĩ tại xã Ea H’leo bằng cách áp vong và lại quy tập đúng vào ngày khai mạc Festival Cà phê Buôn Ma Thuột 2013.
Còn nhiều nghi vấn
Hiện Chính phủ chưa có văn bản nào quy định việc quy tập hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp tâm linh nhưng không hiểu sao tỉnh Đắk Lắk vẫn cho ông Thuý và NHCSXH Việt Nam quy tập hài cốt liệt sĩ theo cách nói trên.
Ông Nguyễn Quang Trường phân trần: “Nếu bình thường, chúng tôi không công nhận việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm. Nhưng do có NHCSXH Việt Nam tham gia, lại có thêm 3 nhân chứng khẳng định từng có những trận đánh ở đây vào năm 1968 – 1972 của Sư đoàn 320 với quân địch làm nhiều bộ đội ta hi sinh nên chúng tôi mới đồng ý cho họ cất bốc hài cốt liệt sĩ”.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trực tiếp cất bốc hài cốt liệt sĩ theo sự hướng dẫn của Nguyễn Thanh Thuý
Theo ông Trường, cả 3 nhân chứng trên đều do NHCSXH Việt Nam đưa đến, trong đó có bạn chiến đấu với liệt sĩ Dương Văn Mừng là ông Trương Quốc Khởi (Đại tá, nguyên chính trị viên phó đơn vị C1, D101, E33 thuộc mặt trận B3 Tây Nguyên; hiện sống ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh). Sau này, cả thiếu tướng Đỗ Công Mùi, nguyên tư lệnh Quân đoàn 3, cũng đến tham gia cất bốc và khẳng định có những trận đánh của các chiến sĩ Sư đoàn 320 tại đây.
Vào ngày 26/4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk đã có công văn gửi Sư đoàn bộ binh 320/Quân đoàn 3 đề nghị xác minh có đơn vị nào của Sư 320 từng hoạt động, chiến đấu ở khu vực xã Ea H’leo trong thời gian chống Mỹ từ 1968 – 1972 hay không. Nhưng Quân đoàn 3 khẳng định không có đơn vị nào của Sư 320 từng hoạt động, chiến đấu trong giai đoạn này ở khu vực xã Ea H’leo.
Sau khi hài cốt liệt sĩ được an táng, ngày 17/4, Sở LĐTB-XH Đắk Lắk cũng đã có công văn gửi Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) xin ý kiến việc lấy mẫu sinh phẩm giám định AND đối với 73 hài cốt do ông Thuý tìm thấy. Nhưng sau đó Cục Người có công lại đề nghị Sở LĐ-TBXH tỉnh Đắk Lắk “chưa lấy mẫu sinh phẩm hài cốt để giám định AND vì toàn bộ số hài cốt đã an táng tại nghĩa trang liệt sĩ và được xây mộ theo đúng quy hoạch của nghĩa trang”. Vì thế, đến nay những hài cốt liệt sĩ do Nguyễn Thanh Thuý và NHCSXH Việt Nam tìm thấy ở Đắk Lắk có phải là thật hay không vẫn chưa rõ.
Theo Khampha
Kịch bản bốc mộ liệt sĩ của "cậu Thủy"
"Cậu Thủy" dựng hiện trường giả trước thời điểm bốc hài cốt. Đến ngày lành, một phụ nữ to mập được "cậu" cho nhập đồng để chỉ vị trí mộ. Các buổi bốc cốt đều diễn ra vào ban đêm.
Sau khi vụ việc bốc hài cốt giả ở thôn Lâm Xuân (xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị) vào ngày 25/7 bị phát giác, nhiều người dân địa phương cho biết có nhìn thấy Nguyễn Văn Thúy (tức "cậu Thủy") và một số người có mặt ở địa phương vào thời điểm tháng 3/2013. Sau này xâu chuỗi sự việc, dễ dàng nhận ra Thúy có mặt ở đây để chọn vị trí đặt các "hài cốt" và tiến hành chôn xương cùng các di vật.
Thời điểm bốc mộ được "cậu" lựa chọn vào thời điểm chập choạng tối và kéo dài sang rạng sáng hôm sau. Để khoa trương, Thúy cho đặt nhiều máy quay phim, dựng màn hình chiếu trực tiếp.
Trước khi việc bốc mộ diễn ra, Thúy tổ chức lễ cầu siêu cho vong linh các "liệt sĩ". Sau đó, "cậu" gọi hồn người chết nhập vào người phụ nữ to mập đã được chọn trước. Ít nhất trong 3 lần cất bốc tại Đắk Lắk và Quảng Trị, Thúy sử dụng người phụ nữ này. Khi các "liệt sĩ" nhập hồn thì luôn nhắm mắt, hỏi han người thân, đôi khi quát mắng.
Theo một số người dân, đi cạnh người nhập hồn là 2 người đàn ông mặc áo xanh, sau lưng in dòng chữ trắng Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng địa chỉ trang web và logo của đơn vị. Người nhập hồn cầm nắm hương và cắm lên khoảnh đất đã chọn trước.
Khi tìm được vị trí mộ, "cậu Thủy" cầm hương làm phép, xin được cất bốc. Trong suốt thời gian này, "cậu Thủy" ngồi ghế ở phía trên chỉ đạo, lâu lâu "cậu" phán còn thiếu hạt nút của người này, sót miếng xương cổ của người khác.
Thúy chỉ đạo cất bốc hài cốt ở Gio Linh, Quảng Trị
Các di vật được tìm thấy luôn luôn là bi đông nước, dép cao su, mũ cối, một vài ngôi sao, nhưng tuyệt nhiên không có võng hay súng đạn. Các hố chôn hài cốt chỉ sâu chừng 0,6 - 1m. Các bi đông đều đặt cùng một tư thế và với một nét khắc tương tự nhau.
Điều đặc biệt của "cậu Thủy" là có thể biết trước được số lượng hài cốt sẽ cất bốc và biết cả tên tuổi của họ.
Đến thời điểm bị bắt, Nguyễn Văn Thúy đã thực hiện ít nhất 4 cuộc cất bốc hài cốt giả cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó, ngày 28 - 31/12/2012, "cậu Thủy" bốc được 31 hài cốt tại xã Ea Hleo (huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk); lần 2 vào 31/1/2013 quy tập 15 hài cốt tại xã Hưng Chiến (huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước); đợt 3 vào ngày 6 - 9/3 quy tập 42 hài cốt tại xã Ea Hleo; đợt cuối cùng ngày 25/7 tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai (huyện Gio Linh, Quảng Trị).
Tại lần cuối cùng, do không được trực tiếp thực hiện bốc mộ, thay vào đó là lực lượng quân sự địa phương nên các hành vi của Thúy và đồng bọn đã bị phát giác. Do được cảnh báo trước nên lực lượng quân sự địa phương kiên quyết không cho Thúy bốc cốt trong đêm mà phải thực hiện vào ban ngày. Nhiều dấu hiệu cho thấy hiện trường giả đã được tạo dựng.
Ngày 28/10, tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, công an Quảng Trị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng Nguyễn Văn Thúy và (SN 1959) và Mẫn Thị Duyên (SN 1962) về hành vi làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sĩ theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. Ngày 30/10, hai người này đã được di lý vào Quảng Trị nhằm phục vụ điều tra.
Theo Hà Thương
Bắt "cậu Thủy" để mở rộng điều tra Đó là lời khẳng định của đại tá Nguyễn Văn Kỷ, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị sau khi Công an Quảng Trị thực hiện lệnh bắt 'nhà tâm linh' Nguyễn Thanh Thúy (tức &'cậu Thủy') và vợ là Mẫn Thị Duyên vào sáng nay 28.10. "Cậu Thủy" (áo trắng, đứng vòng tay) nghe lệnh bắt Như Thanh Niên Online đã...