Cầu thủ Việt nói gì về Trung Quốc và vụ khai thác dầu trái phép
Trước vụ Trung Quốc xâm nhập Việt Nam, Tiền vệ Nguyễn Minh Phương tự tin: “Dù một tấc đất nhân dân cả nước cũng sẽ đoàn kết để bảo vệ”.
Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào khai thác dầu khí trái phép ở vùng biển Việt Nam, đồng thời những tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa… của Trung Quốc liên tục tấn công những tàu Việt Nam khiến người dân trong nước cũng như thế giới phản đối quyết liệt.
Với tư cách là một công dân Việt Nam, tiền vệ Nguyễn Minh Phương cho rằng: “Chúng ta là những con người chính nghĩa bảo vệ lẽ phải vì thế chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của các nước trên thế giới. Vì vậy dù một tấc đất nhân dân cả nước cũng sẽ đoàn kết để bảo vệ những gì mà tổ tiên đã để lại”.
Anh có cập nhập thông tin về những gì đang diễn ra trên biển Đông các ngày qua không?
Tôi thường xuyên lên mạng để truy cập thông tin và nắm khá rõ những gì diễn ra mấy ngày vừa rồi thông qua các trang báo điện tử. Mình cảm thấy rất bức xúc kiểu như có ai đó vào nhà bạn trộm đồ rồi còn đánh bạn nữa.
Chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong quá khứ, máu đã đổ rất nhiều rồi nên trân trọng những ngày tháng hòa bình như hiện nay để nhân dân được sống trong yên ấm. Trung Quốc đang lợi dụng điều đó để gây xung đột vì thế những hành động của họ, chúng ta phải lên án để có được công bằng.
Nguyễn Minh Phương tự tin Việt Nam sẽ bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ quốc gia
Với tư cách là một công dân Việt Nam, anh suy nghĩ thế nào về điều này?
Tôi không muốn chiến tranh và mong muốn những chuyện này không leo thang mà hai bên cần phải hợp tác để tìm được giải pháp chung cho mọi vấn đề. Tất nhiên điều kiện bắt buộc là họ phải chuyển hết giàn khoan và những tàu của Trung Quốc phải rút khỏi vùng biển do Việt Nam quản lý trước đã. Một tấc đất, một giọt dầu chúng ta cũng phải giữ bởi đó là tài nguyên của đất nước, là công sức của tổ tiên từ trước đến nay nên phải trân trọng điều đó.
Theo anh chúng ta phải làm gì để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới trong việc bảo vệ lãnh thổ?
Thế giới thế kỷ 21 này đã thay đổi rất nhiều rồi, một thế giới đa cực cùng hợp tác và phát triển để chung sống trong hòa bình là xu thế chung của mọi đất nước hướng tới. Không có chuyện nước lớn lợi dụng, chèn ép nước nhỏ, cộng đồng quốc tế không bao giờ ủng hộ điều đó.
Chúng ta ở sát Trung Quốc nên sự việc lần này phải giải quyết dứt điểm không để rắc rối kéo dài dẫn đến các lần khác và hậu quả sẽ khó lường hơn. Chúng ta có thể kiện ra tòa án quốc tế, có thể tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè thế giới để bảo vệ chủ quyền. Tôi nghĩ chúng ta nhân danh cho lẽ phải và thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam chống lại Trung Quốc trong việc này.
Theo VNE
Hành động ngang ngược của Trung Quốc trong mắt người Mỹ
Giáo sư Keith Johnson, giảng viên Khoa Ngôn ngữ học Đại học Berkely, (Đại học California) của Mỹ, vừa có bài bình luận về việc Trung Quốc đưa giàn khoan tới Biển Đông trên tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ ngày 5.5.
Trung Quốc đã châm ngòi cho leo thang căng thẳng nguy hiểm liên quan tranh chấp Biển Đông sau việc triển khai giàn khoan Hải dương Dầu khí 981 (HD-981), giàn khoan trị giá hàng tỷ USD để khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chạm trán giữa Trung Quốc và các nước láng giềng khu vực liên quan việc tìm kiếm năng lượng, tuy nhiên, động thái này đã tạo ra một vấn đề lớn do nhiều lý do.
Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động thăm dò năng lượng tại các khu vực tranh chấp và gặp phải sự ngăn cản từ các nước, trong đó có Việt Nam đối với các hoạt động thăm dò này tại các vùng biển tranh chấp; tuy nhiên, đây dường như là lần đầu tiên các công ty dầu mỏ Trung Quốc thực hiện hoạt động khai thác dầu mỏ tại vùng nước thuộc tuyên bố chủ quyền của quốc gia khác.
Bản đồ minh họa vị trí giàn khoan HD981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. (Nguồn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
Một điều đáng báo động là Trung Quốc và Việt Nam có lịch sử xung đột quân sự, bao gồm cả cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu 1979 và một loạt các cuộc đụng độ quân sự liên quan tranh chấp các đảo tại Biển Đông. Vấn đề khai thác dầu khí có khả năng châm ngòi cho các cuộc đối đầu mới.
Động thái của Trung Quốc cũng như là một cái tát vào mặt Tổng thống Obama, vừa mới trở về sau chuyến thăm châu Á với trấn an các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines rằng Mỹ sẽ ngăn cản các hành động bắt nạt trên biển của Trung Quốc. Sáu ngày sau đó, Trung Quốc đã thực hiện bước đi khiêu khích nhất.
Các chuyên gia nhận định: Việc triển khai một giàn khoan khó có thể dẫn tới một cuộc chiến, nhưng nó có thể dần dần giúp Trung Quốc kiểm soát khu vực.
Mike McDevit, Đô đốc nghỉ hưu, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược thuộc Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ nhận định: "Đây sẽ là một động thái nhỏ trong các bước nhỏ dần dần để không dẫn đến xung đột, nhưng qua thời gian, nó sẽ làm thay đổi hiện trạng."
Theo Reuters trích dẫn "người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng cho biết việc triển khai giàn khoan này hoàn toàn nằm trong vùng nước thuộc quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc".
Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ những năm 1970 và tuyên bố chủ quyền với các tài nguyên biển và các vùng đảo nhỏ xung quanh. Hoạt động này là một phần chiến lược mở rộng quyền chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông và cái gọi là "đường chín đoạn" và Trung Quốc thừa hưởng từ sau nội chiến cuối những năm 1940.
Không hề ngạc nhiên khi cả Bộ Ngoại giao Việt Nam và Công ty dầu khí Quốc gia Việt Nam đều lên tiếng phản đối động thái này của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng hành động này đã xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và vị trí đặt giàn khoan nằm trong vùng nước mà chỉ Việt Nam mới có quyền khai thác tài nguyên biển.
PetroVietNam đã lên tiếng yêu cầu Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) di dời giàn khoan và ngừng các hoạt động khai thác.
Giàn khoan khổng lổ của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam
Vấn đề Biển Đông luôn là điểm nóng lớn nhất tiềm ẩn xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines và các nước khác; đây là vùng biển không chỉ có giá trị thương mại quốc tế với hàng nghìn tỷ đôla giao dịch mà còn giàu tài nguyên dầu khí, luôn nằm trong sự "thèm thuồng" của các quốc gia nghèo tài nguyên trong khu vực.
Gần đây, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế La Hay về các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, một phần là do lợi ích to lớn từ dầu khí tại khu vực ngoài khơi Philippines.
Ít nhất, về vẻ bề ngoài, nhiệm vụ khai thác dầu khí nằm sau sự kiện mới nhất của Trung Quốc. Năm 2012, Trung Quốc công khai tuyên bố đấu thầu quyền khai thác năng lượng tại các vùng biển tranh chấp; cũng tại thời điểm đó, CNOOC đã tiến hành xây dựng giàn khoan nước sâu thay vì phải hợp đồng mua từ các nhà cung cấp đặc biệt.
Điều này khá là đắt đỏ nhưng là bước đi cần thiết cho công ty dầu khí Trung Quốc: CNOOC không muốn phải phụ thuộc vào các công ty phương Tây cung cấp các bộ phận khoan dầu đối với các khu vực tại Biển Đông vì các công ty này có thể từ chối cung cấp cho CNOOC nếu các công cụ này được sử dụng cho các dự án tại các vùng nước sâu nằm trong tranh chấp.
Cuối tuần trước, CNOOC đã tiến hành triển khai đặt giàn khoan nước sâu của mình trong khu vực 120 hải lý từ phía đông bờ biển Việt Nam, không xa khu vực mà các công ty quốc tế như Tập đoàn Exxon Mobil đã phát hiện lượng lớn khí gas dự trữ.
Việc triển khai giàn khoan HD981 dường như là một phần chiến lược của CNOOC để phục vụ "lãnh thổ quốc gia di động" để có thể mở rộng chủ quyền của Trung Quốc tới các vùng nước mở.
Bà Holly Marrow, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Belfer, Đại học Havard nói: "Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí trên thực địa trong các khu vực tranh chấp."
Hoạt động leo thang căng thẳng của Trung Quốc với việc triển khai giàn khoan HD-981 đã gây ra những ngạc nhiên vì hai nước đã ký một bản cam kết năm 2011 để giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, như là đã giải quyết thành công trước đây trong việc phân định ranh giới Vịnh Bắc Bộ.
Ông McDevitt nhận định: "Tôi cho rằng hiệp định đó có thể làm giảm căng thẳng giữa hai nước và Trung Quốc sẽ không có các hành động làm bẽ mặt Việt Nam nhưng Trung Quốc dường như cảm thấy họ có một cuộc tranh luận thuận lợi đối với việc Trung Quốc sẽ đi đâu và sẽ làm gì."
Nguyên tắc của Mỹ là không đứng về bên nào liên quan tranh chấp nhưng trong những năm gần đây đã nhấn mạnh các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam cần phải dựa trên các nguyên tắc của luật quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền chủ quyền tại Biển Đông.
Tháng 12/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã công bố một thỏa thuận giúp cùng cố lực lượng phòng vệ bờ biển của Việt Nam, một hoạt động được cho là nhằm giúp đối phó các hoạt động mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực.
Các giàn khoan dầu khí là các điểm kết của tranh chấp chủ quyền, tuy nhiên, vẫn có nhiều điều không chắc chắn về việc khu vực này thực sự giàu tài nguyên tới mức nào. Một phần, đó là bởi vì tất cả các bên tranh chấp đều khuyến khích các hoạt động thăm do tài nguyên dầu khí quy mô lớn.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ ước tính tại Biển Đông có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 tỷ m3 khí gas tự nhiên. CNOOC tin rằng có thể có nhiều hơn 10 lần lượng dầu mỏ và khí gas so với ước tính của Mỹ tại Biển Đông. Việt Nam, với sự hỗ trợ của các công ty quốc tế như Exxon Mobil, cũng lạc quan về triển vọng năng lượng tại các vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của mình.
Bà Morrow nhận định: Tuy có nhiều lượng dầu khí dưới đại dương song các hoạt động tiếp cận "nặng tay" của Trung Quốc đối với các quan hệ tại khu vực các hoạt động hủy hoại khó có thể khai thác được thùng dầu nào. Điều này cũng sẽ tạo ra một lọat hành động khiêu khích, va chạm về chủ quyền quốc gia hơn là một cuộc tranh chấp tài nguyên.
Bà cũng cho rằng: "Cái giá về ngoại giao mà Trung Quốc phải trả về những gì đang làm là quá cao, vì thế, những gì mà Trung Quốc mong muốn phải cao hơn những lợi ích an ninh năng lượng đem lại".
Bên trong giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc
Theo Vietnam
Nữ tài xế hất công an lên nóc capô Thấy lực lượng chức năng đến giải quyết vụ va chạm giao thông, Xuân tháo dép đập vào mặt cảnh sát, hất sĩ quan lên nóc capô để bỏ chạy. Ngày 5.5, công an quận Ba Đình (Hà Nội) tạm giữ Nguyễn Ngọc Xuân (51 tuổi, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) để điều tra hành vi Chống người thi hành...