Cầu thủ Việt mất nghiệp vì cá độ
Là hậu vệ trái triển vọng nhưng Trương Đắc Khánh phải bỏ cả nghiệp đi trốn nợ vì thua cá độ tiền tỷ. Sinh năm 1987, khi 15 tuổi, từ miền quê nghèo Quỳnh Lưu, Trương Đắc Khánh khăn gói vào Vinh lập nghiệp. Hành trang đáng giá nhất của Khánh ngoài hai bộ quần áo là đôi giày bata. Khỏe, khéo, ý chí cao, chẳng mấy Đắc Khánh trở thành một trong những cầu thủ trẻ tốt nhất của “lò” Sông Lam. Chỉ ba năm sau đó, Khánh được nhận vào đội một SLNA và luôn có tên trong các đội tuyển trẻ Việt Nam.
Đắc Khánh mất nghiệp vì cá độ. Ảnh: V.S.I
Sự nghiệp đang lên như diều, Đắc Khánh dính vào cá độ. Bắt đầu chỉ vài trăm nghìn một cuộc chơi. Càng chơi càng ham, không biết Khánh chơi to cỡ nào mà như cha mẹ anh – vốn nghề bốc vác, than thở là “luôn kêu thiếu tiền” dù Sông Lam trả lương cả chục triệu mỗi tháng. Cuối năm 2009, Khánh tưởng như đã trở lại chính đạo bằng đám cưới với một cô gái ở thành Vinh. Cũng năm này, Khánh đá tốt. Giới chuyên môn đánh giá Khánh còn tiến xa. Bạn bè, gia đình đều mừng bởi Đắc Khánh tu chí hẳn.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Cái máu đỏ đen đã ngấm sâu, Đắc Khánh lại tiếp tục sa chân vào cá độ ở World Cup 2010. Các cầu thủ Sông Lam vẫn rỉ tai nhau, giải này nhiều đồng đội của họ thua nặng. Nhiều nhất là Đắc Khánh với số âm hàng tiền tỷ. Đắc Khánh là cầu thủ tài năng nhưng ở Sông Lam, vẫn chỉ hưởng lương loại hai chừng chục triệu đồng mỗi tháng. Không như nhiều đồng nghiệp khác có tiền “lót tay” khi chuyển chỗ làm, Khánh lâm vào ngõ cụt. Trốn chui trốn lủi, bỏ cả tập, không dám bén mảng đến sân Vinh bởi ở đó có những tay xăm trổ đầy mình tìm Khánh đòi tiền. Đầu mùa bóng 2011, Đắc Khánh ra Ninh Bình thử việc hòng kiếm một bản hợp đồng lấy tiền trang trải nợ nần. Ngặt nỗi, mê cờ bạc, thức đêm suốt quãng thời gian dài, Đắc Khánh không đủ sức chơi đủ một hiệp. Thất bại ở Ninh Bình, Khánh trở về Sông Lam và được HLV Nguyễn Hữu Thắng giang tay cứu vớt. Nếu chơi tốt, Khánh sẽ có khoảng gần 2 tỷ đồng “lót tay” cho một bản hợp đồng mới với Sông Lam. Thời gian thử thách chưa hết, các chủ nợ đến tận sân bóng hằm hè, Khánh không thể tập trung chơi bóng. Cái bản hợp đồng mà đàn anh Hữu Thắng đề nghị vì thế không thành hiện thực. Sông Lam từ chối cầu thủ do chính mình đào tạo, phần vì chuyên môn, phần vì lo sự có mặt của Đắc Khánh sẽ khiến đội thêm phức tạp. Cũng từ đó, mọi kênh liên lạc với Đắc Khánh đều bị cắt. Mang món nợ tiền tỷ không thể trang trải, từ một cầu thủ đầy triển vọng, giờ chẳng ai biết Đắc Khánh làm gì, ở đâu…
Video đang HOT
Đắc Khánh chỉ là một trong hàng chục cầu thủ Việt khốn đốn vì cá độ. Trung vệ Như Thành khi chuyển đến Bình Dương đã có tất cả. Nhà, xe, lương thưởng cao ngất nhưng sau đó đã phải bán đi tất cả để trang trải nợ nần. Có thông tin cho rằng, Như Thành, vì nợ mà phải bỏ Bình Dương ra Ninh Bình lấy tiền “lót tay” trang trải… Theo chân Như Thành, một hậu vệ gốc Đồng Tháp từng đá cho HAGL, nay chuyển về Navibank Sài Gòn cũng nướng bạc tỷ vào cá độ. Chuyện cá độ của giới cầu thủ Việt ít khi bị phanh phui nhưng theo một HLV gạo cội thì đội nào cũng có người dính vào trò đỏ đen này.
Thế nên cứ khi có giải đấu lớn, việc quản quân lại khiến các HLV đau đầu. Euro không phải là ngoại lệ. V-League, hạng Nhất vì nỗi lo ế khách, phải tạm nghỉ nhường chỗ cho Euro. Cầu thủ Việt nhờ đó mà được xả trại, ít thì một tuần, nhiều thì 10 ngày. Ninh Bình, đội có nhiều cầu thủ từng điêu đứng vì cá độ, đã thu toàn bộ máy tính xách tay của các cầu thủ. Trong dịp diễn ra Euro, hết ngày nghỉ, cầu thủ Ninh Bình sẽ được lãnh đạo đội giám sát chặt chẽ. Tương tự như vậy là SLNA. Giám đốc điều hành Hồ Văn Chiêm cho biết, CLB đang cân nhắc việc nhờ địa phương cùng giám sát, quản lý cầu thủ trong dịp nghỉ Euro. “Có nhiều cách để phòng ngừa nhưng không ai quản lý chặt chẽ được 100%. Các cầu thủ đã phải lao động cực nhọc để có đồng tiền. Hơn ai hết họ phải biết giá trị đấy và tự có ý thức giữ gìn”, HLV Phan Thanh Hùng của Hà Nội T&T tin vào ý thức cầu thủ của mình.
Tấm gương của Đắc Khánh, Như Thành là bài học lớn. Có “mẹo” quản lý khác nhau nhưng Euro, các CLB vẫn phập phồng nỗi lo quân mình “dính chàm”…
Theo Bưu Điện Việt Nam
Muôn kiểu trốn tuyển của cầu thủ Việt
Việc thủ thành Dương Hồng Sơn bất ngờ bị chấn thương trong đợt tập trung lần này đang khiến nhiều người nghi ngờ.
Thủ môn Hồng Sơn từng bị nghi ngờ vì vụ mất hộ chiếu. Ảnh: Hoàng Hà.
Đây không phải là lần đầu thủ thành này vướng vào những nghi án trốn tuyển. Dương Hồng Sơn cũng không phải là trường hợp đầu tiên được nhắc đến trong series dài tập của những câu chuyện liên quan đến việc thoái thác làm nhiệm vụ quốc gia của các cầu thủ Việt Nam.
Một cựu danh thủ từng tâm sự rằng: "Sao giờ đây các cầu thủ lên tuyển dễ thật, chỉ cần đá hay, bắt hay một vài trận là gần như cầm một vé lên tuyển. Có lẽ cũng chính vì dễ lên nên việc thoái thác nhiệm vụ quốc gia cũng quá dễ. Chứ thời của tôi, được lên tuyển là một khát khao cháy bỏng, là một nỗ lực cực lớn trong một quá trình thử thách lâu dài. Ai không được gọi thì càng quyết tâm ở lần sau, chứ đừng nói chuyện đã lên rồi lại về".
Thế nhưng, đúng là mỗi thời mỗi khác và giời đây, việc từ chối lên tuyển trở thành chuyện cơm bữa và cũng không còn đơn thuần chỉ là vấn đề chấn thương đã trở nên quá cũ.
Ngay cả Calisto, một HLV luôn được các cầu thủ kính nể bởi tính cách vừa kỷ luật, vừa tâm lý cũng phải chứng kiến những "màn ảo thuật" cười ra nước mắt của các học trò. Trong hai năm cầm quân, liên tiếp những cầu thủ vì nhiều lý do mà xin rút lui khỏi đội tuyển quốc gia khiến ông thầy này chỉ biết than trời. Đình đám nhất là là vụ đội trưởng Huy Hoàng xin rút lui vì chấn thương bàn chân. Bất chấp những lời can ngăn của VFF, HLV Calisto và cả dư luận, Huy Hoàng vẫn khăng khăng không nghe theo. Không còn cách nào khác, ông Calisto đành chấp nhận để Huy Hoàng về CLB. Thực ra trước đó ông Calisto cũng đã biết Huy Hoàng không còn mặn mà gì với đội tuyển Việt Nam khi trung vệ xứ Nghệ này đã ít nhất hai lần công khai xin được chia tay đội tuyển, nhưng ông vẫn muốn trung vệ này góp sức vì anh còn hữu ích.
Chuyện Huy Hoàng vẫn đang còn là chủ đề "nóng" của dư luận thì đùng một cái, đến lượt thủ thành Thế Anh xin được ở nhà vì lý do... con ốm. "Chiêu bài" rất hồn nhiên này của Tiến Anh khiến các đồng đội ngã ngửa, còn HLV Calisto thì mặt đỏ tía tai: "Chừng nào còn tôi ở đội tuyển quốc gia, Thế Anh sẽ không bao giờ được lên tuyển". Tuyên bố của ông Calisto chỉ mang tính "đánh động" với những cầu thủ còn lại, bởi với riêng Thế Anh, đó chính là cái anh mong muốn. Và chỉ vài ngày sau, một số báo chí đã đưa tin bắt gặp thủ thành Bình Dương này "lượn" phố cùng bạn bè.
Một thủ môn khác là Santos cũng bất ngờ nói lời chia tay với đội tuyển quốc gia vì bận việc riêng ở quê nhà, nhưng ai cũng biết thủ môn này không chịu nổi áp lực sau những màn biểu diễn gây tai hoạ của mình. Lần này có vẻ ông Calisto "đau" nhất bởi Santos do chính tay ông đào tạo và cực kỳ tin tưởng.
Ngay cả cầu thủ cỡ Công Vinh cũng khiến tốn không ít giấy mực bởi cái cách cầu thủ này từ chối khéo tuyển Việt Nam. Vừa đạt được mục đích của mình, vừa không ai có thể nói được, việc Vinh "tự nhiên" dính thẻ đỏ trước hai chuyến làm khách trên Trung Quốc hồi đầu năm 2009 và Libăng đầu năm 2010 tại Asian Cup khiến nhiều người đặt ra câu hỏi đây có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Đến lượt thủ môn Hồng Sơn, với lý do chấn thương, Hồng Sơn cũng từng tránh hành quân cùng tuyển Việt Nam sang Trung Quốc dự trận lượt đi vòng loại Asian Cup 2011. Cũng năm đó nghi án mất hộ chiếu khiến người hâm mộ tỏ ra ngán ngẩm. Năm ngoái, Việt Thắng cũng từng xin về CLB vì chấn thương. Năm nay, chấn thương tiếp tục là lý do khiến một gương mặt quen thuộc là Hồng Sơn có khả năng sẽ không phải ra sân thi đấu.
Để ý kỹ, những trường hợp rút lui khỏi đội tuyển quốc gia đều thuộc loại cầu thủ "có số, có má". Và dù có giải thích như nào đi chăng nữa, ánh mắt của dư luận vẫn hướng vào những ràng buộc của các cầu thủ này với CLB chủ quản của họ. CLB không muốn những hợp đồng tiền tỷ của mình bị chấn thương trong những trận đấu không còn ý nghĩa, nhất là những trận "vô thưởng vô phạt" như giao hữu.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cầu thủ Việt đổi đời nhờ bóng đá So với thời bao cấp, các cầu thủ chỉ xem bóng đá là niềm vui và tự hào địa phương. Xế sang không còn quá xa lạ với cầu thủ Việt. Ảnh: Châu Thành. Giờ đây, bóng đá đem lại cho cầu thủ khá nhiều. Với những cầu thủ có chút tiếng tăm, nhờ bóng đá mà họ có thể mua nhà, mua...