Cầu thủ Việt đổi đời nhờ bóng đá
So với thời bao cấp, các cầu thủ chỉ xem bóng đá là niềm vui và tự hào địa phương.
Xế sang không còn quá xa lạ với cầu thủ Việt. Ảnh: Châu Thành.
Giờ đây, bóng đá đem lại cho cầu thủ khá nhiều. Với những cầu thủ có chút tiếng tăm, nhờ bóng đá mà họ có thể mua nhà, mua xe hơi và có dư dả tiền trang trải cuộc sống.
Nếu quay về cách đây 10 năm khi bóng đá Việt Nam mới đang chập chững bước vào giai đoạn chuyển giao từ chế độ bao cấp sang chuyên nghiệp thì nghề quần đùi áo số không đảm bảo mức sống cho đa phần cầu thủ. Nền kinh tế thời đó còn khó khăn, doanh nghiệp thì chưa mạnh dạn đầu tư do cơ chế. Bởi thế những hợp đồng tiền tỷ hầu như là không có.
Còn nhớ năm 2001, mức tiền lót tay kỷ lục được ghi nhận là trường hợp tiền vệ Trung Kiên khi anh chuyển từ CLB Nam Định về CLB TP HCM với phí lót tay 250 triệu đồng. Hai năm sau đó, là trường hợp của Minh Phương khi chuyển từ Cảng Sài Gòn sang Đồng Tâm cũng chỉ nằm ở mức vài trăm triệu.
Nếu so sánh với giai đoạn hiện nay thì số tiền đó chỉ ngang bằng với phí lót tay của một cầu thủ hạng trung tại giải hạng Nhất chứ chưa thể nói đến số cầu thủ đang thi đấu tại V-League.
Qua chuyện này mới thấy, mức trượt giá cầu thủ thời điểm này so với cách đây ngót thập kỷ có độ vênh lớn như thế nào. Ở đây chúng ta không đi phân tích khía cạnh, tại sao giá cầu thủ lại tăng một cách chóng mặt như vậy, bởi ở đằng sau nó là một loạt các zích zắc hậu trường và mục đích làm bóng đá của các nhà đầu tư.
Video đang HOT
Tại thời điểm hiện nay, độ nóng của giá trị cầu thủ có phần nào giảm xuống so với đỉnh điểm của nó là cách đây một năm khi giá trị một cầu thủ quốc gia như Công Vinh lên đến con số kỷ lục một triệu USD.
Tiếp theo Công Vinh là hàng loạt ngôi sao với những bảng hợp đồng “bom tấn” như Quang Hải từ Khánh Hòa chuyển về Navibank SG với giá 10 tỷ đồng, Phước Tứ từ Thanh Hóa cập bến Sài Gòn FC với con số 13 tỷ, Minh Đức từ Hải Phòng về Sài Gòn FC cũng gần 8 tỷ đồng.
Cùng hàng loạt cái tên khác cũng ngấp nghé 6-8 tỷ như Đình Tùng, Việt Thắng, Tăng Tuấn, Tấn Trường… Số cầu thủ chuyển nhượng khoảng 2-3 tỷ đồng thì nhiều vô kể.
Với số tiền lót tay cao như vậy cộng với mức tiền lương dao động từ mức 15-40 triệu đồng mỗi tháng chưa kể tiền thưởng sau mỗi trận đấu thì so với mặt bằng chung thu nhập của toàn xã hội ta thấy có một sự khập khiễng lớn như thế nào. Bởi thế, cầu thủ luôn là nghề có một sức hút to lớn với nhiều người. Đặc biệt là môi trường bóng đá Việt Nam trong thời buổi kim tiền này.
Với những cầu thủ thuộc hàng sao số, mức lương khoảng 30-40 triệu đồng cộng với tiền lót tay mỗi lần chuyện nhượng xấp xỉ chục tỷ đồng thì không khó để họ có tiền lo cho gia đình và trang trải cuộc sống.
Hầu hết cầu thủ nổi tiếng thuộc biên chế đội tuyển quốc gia như Công Vinh, Quang Hải, Minh Phương, Dương Hồng Sơn, Nguyễn Mạnh Dũng, Quang Thanh, Phước Tứ đều có nhà đẹp, đi xe hơi xịn và có nhà ở phố, chưa kể số đất đai được địa phương cấp.
Tiền đạo Quang Hải khi chuyển từ Khánh Hòa về Navibank Sài Gòn với số tiền lót tay 10 tỷ đồng. Hải “Gà” đã có thể trả nợ cho mẹ và lo lắng cho anh chị em trong gia đình. Đồng thời Hải có tiền cưới vợ và xây căn nhà 3 tấm ngay tại TP Nha Trang.
Thủ môn Dương Hồng Sơn sau nhiều năm thi đấu cho Hà Nội T&T cũng dư dả xây căn nhà 5 tầng ngay tại Nhổn, chưa kể anh chàng thủ môn này còn sở hữu trong tay vài ba chiếc xế hộp đắt tiền.
Hồng Sơn và cơ ngơi hoành tráng. Ảnh: MZ.
Một vài cầu thủ khoác áo Bình Dương ngoài chế độ lương thưởng cao còn được lãnh đạo công ty Becamex cấp đất ở những khu quy hoạch. Tiêu biểu như thủ môn Thế Anh trước đây thi đấu cho đội bóng đất Thủ có rất nhiều đất tại Bình Dương nhờ biết tính toán cộng với việc kinh doanh hàng loạt cụm sân cỏ nhân tạo khiến bạn bè cầu thủ nể phục. Theo ước tính, số tài sản của thủ môn hiện đang thuộc biên chế Navibank Sài Gòn này cũng xấp xỉ 50 tỷ đồng.
Với những chế độ đãi ngộ cao của các CLB đang thi đấu tại các giải bóng đá Việt Nam như hiện nay thì đây không chỉ là “miếng bánh” cho cầu thủ nội mà ngay cả các cầu thủ tận phương trời xa cũng về đây “kiếm cơm” và mong đổi đời.
Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó, để có được thành công như thế này, rất nhiều cầu thủ ngoài tài năng vốn có ra, họ đã phải đánh đổi rất nhiều thứ.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Chuyên gia nước ngoài ngạc nhiên về sự giàu có của cầu thủ Việt
"Tôi thực sự bất ngờ bởi tại châu Âu, chỉ có những ngôi sao hàng đầu mới dám chơi sang như vậy", ông Scott Wagstaff nói.
Scott Wagstaff, chuyên gia theo dõi mảng bóng đá châu Á của Bet-At-Home, nhà cái có trụ sở tại Dusseldorf (Đức) vừa có dịp ghé qua Việt Nam nhân chuyến công tác đến Đông Nam Á. Trong một tuần lưu lại dải đất hình chữ S, Wagstaff đã thu thập được không ít thông tin về nền bóng đá đang đứng thứ 97 trên bảng xếp hạng của FIFA. Song, điều khiến Wagstaff, người từng có một thời gian gắn bó với nghiệp quần đùi áo số không khỏi ngỡ ngàng, đó chính là khoản bạo chi của các cầu thủ Việt Nam.
Theo Wagstaff, cuộc sống hiện tại của các cầu thủ Việt đang chơi tại giải V-League cũng như hạng nhất khác hẳn với những gì anh được nghe và hình dung. Wagstaff viết: "Tôi từng nghe câu chuyện các CĐV tràn xuống sân sau khi kết thúc một trận đấu, trên tay cầm những tờ bạc vài chục ngàn để thưởng nóng cho các cầu thủ con cưng sau khi họ cống hiến hết mình. Rồi sau khi giành được 3 điểm trên sân khách, lãnh đạo của một đội bóng đã khao quân bằng những tô phở cùng hột vịt lộn trên đường trở lại đại bản doanh. Tôi biết, vài năm trở lại đây, khi một số nhà tài phiệt nhảy vào làm bóng đá, mức thu nhập của các cầu thủ đã được cải thiện đáng kể. Một cầu thủ loại A, lương tháng bình quân 40 đến 50 triệu đồng. Nếu đội có thêm vài trận thắng trong một tháng, tổng số tiền mà họ nhận khoảng trên dưới 100 triệu, tương đương với 5.000 USD. Ngoài ra, mỗi khi tái ký hợp đồng, hoặc chuyển sang một đội bóng mới, các cầu thủ cũng bỏ túi một khoản đáng kể, mà trong giới gọi là tiền lót tay".
Chuyên gia của Bet-At-Home tiếp tục: "Ở một quốc gia có mức GDP bình quân đầu người chỉ là 1.300 USD mỗi năm, rõ ràng mức thu nhập 5.000 USD mỗi tháng là rất cao. Song nếu chỉ có từng đó, chưa chắc nhiều cầu thủ đã dám chơi sang như những gì tôi được chứng kiến".
Theo Wagstaff, nhiều cầu thủ sẵn sàng bỏ ra vài ngàn USD chỉ để tậu một chiếc điện thoại di động và tất nhiên đi kèm với đó là những chiếc sim "số đẹp" có giá rẻ nhất cũng lên tới 100 triệu đồng. Sau mỗi trận đấu, giới cầu thủ cũng thường tìm đến vũ trường để giải sầu.
Tại đây, tất nhiên không thể thiếu sự góp mặt của các chân dài. Thường thì mỗi cuộc vui như vậy cũng phải tốn tới vài chục triệu. Đó là chuyện chơi, còn chuyện ăn, hóa đơn cho một bữa ăn chỉ 2 người cũng không bao giờ có dưới 6 con số.
Tiền vệ Tài Em và vợ bên chiếc xe sang. Ảnh: ĐH.
Wagstaff cho biết: "Phần đông các cầu thủ Việt đều đã tự mình lái xe đến sân tập, trong số đó có không ít là những chiếc xế hộp loại đắt tiền. Vài năm trước, Huy Hoàng đã sở hữu chiếc Honda CRV có giá khoảng 70.000 USD. Còn hiện tại thủ quân của SLNA đang vi vu trên siêu xe mà ai cũng mơ ước, Bentley. Ngoài Huy Hoàng, Dương Hồng Sơn (Hà Nội T&T) cũng từng sở hữu chiếc Audi Q7 và mới đây là Lexus RX 350. Bên cạnh đó, Mạnh Dũng (Ninh Bình) ngoài chiếc Lexus RX350, thủ môn này còn có thêm một chiếc Mazda 3 để thay đổi. Tiền đạo Việt Thắng (Thanh Hóa) cũng sắm cho mình một siêu xe Lexus. Cầu thủ từng là đồng đội của Việt Thắng tại Ninh Bình, Tiến Thành mới đây cũng tậu cho mình chiếc Toyota Venza trị giá gần 2 tỷ đồng".
Và tất nhiên, Wagstaff cũng không quên nhắc đến Lê Công Vinh, cầu thủ được coi là tiền đạo số một của Việt Nam vào thời điểm hiện tại. "Đầu năm 2010, giới mộ điệu bắt gặp Công Vinh rạng rỡ bên chiếc xế hộp cáu cạnh mới tậu, Mercedes SLK 200 màu đỏ, mui trần. Thời điểm đó, giá sau thuế của model rất được giới thượng lưu ưa chuộng này là 1,8 tỷ đồng. Nhưng thật bất ngờ, chỉ 6 tháng sau, Công Vinh chấp nhận lỗ gần 600 triệu đồng để làm sao đẩy chiếc xe đi càng sớm càng tốt. Lý do đưa ra là kể từ ngày tậu xe mới, anh gặp quá nhiều vận đen. Hiện tại, nghe đâu, cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội đang đặt một siêu xe khủng về cho mình trong thời gian tới".
Cuối cùng Wagstaff viết: "Tôi thực sự bất ngờ với sự bạo chi của các cầu thủ Việt, bởi tại châu Âu, chỉ có những ngôi sao hàng đầu mới dám chơi sang như vậy, còn đa số mức lương từ việc đá bóng chỉ giúp họ có được cuộc sống vừa đủ. Như một cầu thủ mà tôi biết hiện đang chơi cho một CLB thuộc Championship (giải hạng Nhất Anh), anh ta vẫn phải thuê nhà và đi xe có giá 20.000 USD. Ở các giải đấu thấp hơn, ngoài đá bóng, các cầu thủ vẫn phải tăng thêm thu nhập bằng các công việc khác".
Theo Bưu Điện Việt Nam
"Đừng nghe những gì giới cầu thủ nói" Theo kết quả một cuộc khảo sát của tổ chức YouGov về chỉ số niềm tin (The RatedPeople Trust Index), giới cầu thủ có chỉ số tin tưởng thấp thứ 2 trong cách ngành nghề ở Vương quốc Anh. Vụ Suarez từ chối bắt tay Evra khiến lòng tin của NHM vào giới cầu thủ suy giảm Cụ thể, những cầu thủ đang...