Cầu Thủ Thiêm 2 vướng mặt bằng
Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn nối quận 2 và quận 1, tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng, thi công được 70% đang bị vướng mặt bằng, chưa thể làm tiếp.
Mặt bằng bị vướng nằm ở khu vực nhà máy Ba Son, quận 1, khiến nhịp cuối của dự án không thể thi công, theo đại diện Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (nhà đầu tư) chiều14/9.
Thi công cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, tháng 7/2020. Ảnh: Hữu Khoa.
Hiện, phần cầu chính nhịp dây văng ở phía quận 2 đã hoàn thành kết cầu dầm bêtông. Phần trụ tháp ở giữa sông Sài Gòn cũng xong 27 trong tổng số 34 đốt trụ. 56 bộ cáp dây văng được chủ đầu tư nhập từ nước ngoài và 36 bộ cáp đã lắp đặt ở công trình.
Trong khi đó, ở phần cầu dẫn phía quận 1 đến nay đã hoàn thành kết cấu dầm đoạn từ đường Nguyễn Trung Ngạn đến đoạn phần đường cong tuyến Tôn Đức Thắng (đoạn gần ga ngầm Ba Son thuộc metro Bến Thành – Suối Tiên).
Hồi tháng 7, UBND TP HCM dự tính bàn giao mặt bằng ở quận 1 để thi công dự án trước ngày 10/9 nhưng đến nay chưa thực hiện được. Do vướng mặt bằng nên trên công trường ở phía quận 1, các kỹ sư, công nhân đã rút. Một số bộ phận vẫn làm việc ở khu vực trụ tháp phía quận 2.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 dài hơn 1,4 km (phần cầu dài 886 m, 6 làn xe), vốn đầu tư 3.082 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Cầu có thiết kế dây văng với trụ tháp chính hình Rồng cao 113 m, nghiêng về phía Thủ Thiêm, khi hoàn thành được xem biểu tượng mới tại TP HCM.
Cầu khởi công năm 2015, dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng trễ hẹn do một số vướng mắc. Cầu được gia hạn thời gian hoàn thành đến tháng 9/2021. Công trình được đánh giá có vai trò quan trọng với giao thông TP HCM, nhất là kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố.
Hồi cuối tháng 8, UBND TP HCM cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng giao khu đất số 2 Tôn Đức Thắng (quận 1) thuộc di tích lịch sử quốc gia và là địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng do Tổng công ty Ba Son quản lý để thành phố quản lý, đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích.
Hiện trạng cầu Thủ Thiêm hồi tháng 5. Video: Thanh Huyền – Đức Huy.
TP.HCM sẵn sàng đón tàu metro số 1 vào tháng 10
Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) cho biết đơn vị đã tiến hành kiểm tra các bước để chuẩn bị đón tàu metro số 1 trong tháng 10 này.
MAUR cho biết mới đây lãnh đạo đơn vị đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị đón tàu metro đầu tiên của TP.HCM tại depot Long Bình, quận 9. Đây là đoàn tàu thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Dự kiến tàu metro sẽ cập cảng TP vào đầu tháng 10.
Để chuẩn bị cho công tác đón đoàn tàu đầu tiên, MAUR đã phối hợp các nhà thầu tập trung cho công tác chuẩn bị từ việc nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài, công tác nhập khẩu đoàn tàu và chuẩn bị mặt bằng tại công trường...
MAUR kiểm tra các bước để đón tàu metro số 1. Ảnh: MAUR.
Theo MAUR, gói thầu đoạn trên cao và depot hiện nay đạt khoảng 86% khối lượng công việc. Trong đó, Depot Long Bình (quận 9) đang hoàn thiện các hạng mục nhằm đảm bảo cho hai đoàn tàu metro đầu tiên sắp về chạy thử đoạn trên cao từ Bình Thái đến depot này.
Tuyến metro số 1 sẽ có 17 đoàn tàu hoạt động, trong đó giai đoạn đầu là loại ba toa và sau này loại sáu toa, đều sản xuất tại Nhật Bản.
Tàu ba toa dài 61,5 m có thể chở 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Tốc độ tối đa của các đoàn tàu là 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm).
Tuyến metro số 1 dài gần 20 km từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (quận 9). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng.
Tuyến có 14 nhà ga bao gồm 11 ga trên cao và 3 ga ngầm. Trong đó, MAUR đặt mục tiêu trong năm 2020 dự án đạt 85% khối lượng và đưa vào khai thác cuối năm 2021, hiện toàn tuyến đạt gần 76% khối lượng.
Cầu Thủ Thiêm 2 tiếp tục lùi thời gian về đích Theo dự kiến, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hợp long cầu chính vào tháng 9-2020, song mới đây chủ đầu tư đã xin lùi thời gian hoàn thành dự án và được UBND TP chấp thuận. Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, chủ đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 và quận 2, TP.HCM), cho...