Cậu thủ khoa mồ côi cả cha lẫn mẹ
Bùi Chí Hướng, học sinh trường THPT Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội vừa đỗ thủ khoa trường Học Viện Bưu chính Viễn thông, khối A với 27 điểm, nhưng ít ai biết rằng em có hoàn cảnh gia đình rất éo le. Hướng mồ côi cả cha lẫn mẹ, 4 chị em Hướng sống nương nhờ với bà nội già yếu.
Chưa đầy hai năm, mồ côi cả cha lẫn mẹ
Đến nhà Hướng tại thôn Tiên Hội, Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội vào giờ nghỉ trưa, trên chiếc võng mắc trước cửa nhà, bà nội Hướng đang ngủ, em ngồi bên cạnh đọc sách. Dường như tin Hướng đỗ thủ khoa cũng không làm cho không khí của gia đình em huyên náo hơn. Đã nhiều năm nay, sau khi bố mẹ mất, căn nhà nhỏ chỉ còn có Hướng và bà nội ở.
Sinh ra trong gia đình có 4 chị em, Hướng là út nên được bố mẹ và các chị chiều chuộng. Ít ai biết rằng, cậu bé học lớp 9 chưa đến tuổi lo, tuổi nghĩ lại phải chịu nỗi đau lớn đến vậy.
Cuối năm lớp 9, mẹ Hướng đột ngột đổ bệnh. Chống chọi với căn bệnh ung thư gan quái ác được hơn nửa năm thì mẹ mất. Bao nhiêu tiền của tích góp được đều theo những đợt xạ trị để kéo dài sự sống cho mẹ.
Để kiếm tiền nuôi 4 chị em ăn học, bố Hướng phải lao động vất vả hơn. Trông chờ vào 8 sào ruộng và số tiền phụ cấp ít ỏi liệt sĩ của bà nội, kinh tế gia đình sa sút.
Bằng giọng run run, nước mắt chực rơi bà Đặng Thị Tuất, bà nội Hướng nhắc lại chuyện gia đình mình: “Ngày mẹ nó bị bệnh viện trả về nhà, chỉ nằm được một chỗ, tôi vừa chăm con dâu, vừa lo việc nhà. Vì trèo lên ghế thắp hương, tôi bị ngã tưởng chừng không qua khỏi. Sau hai ngày tôi ra viện thì mẹ thằng Hướng mất”.
Sau gần một năm mẹ mất, bố Hướng cũng phát bệnh. Ngót nghét gần hai năm, bố em cũng ra đi vì căn bệnh ung thư tụy.
Video đang HOT
Thủ khoa Học viện Bưu chính Viễn thông bên bà nội
Bà Tuất đau đớn: “Tôi không ngờ cuộc sống gia đình tôi lại gặp biến cố nhiều đến vậy. Sau khi mẹ Hướng mất, khoảng hơn 1 năm bố nó cũng đổ bệnh, cũng lại là căn bệnh ung thư. Trong vòng hai năm cả bố và mẹ đều ra đi, để lại 4 đứa con thơ dại”.
Các chị của Hướng lại thay bố mẹ vừa học vừa kiếm tiền nuôi em. Không phải ai uốn nắn, dường như ý thức được nỗi đau của bà, 4 chị em Hướng đều đạt những thành tích suất sắc trong học tập. Với cậu cháu đích tôn 12 năm liền học sinh giỏi, là niềm an ủi lớn nhất của bà Tuất.
Ý thức được hoàn cảnh gia đình mình, Hướng chịu khó hơn các bạn cùng trang lứa. Chị Bùi Thị Thu Huế, chị gái thứ 3 của Hướng chia sẻ: “Sau bố mẹ mất, Hướng học có sút một học kì. Nhưng khác hẳn với sự lo lắng của các chị, lo Hướng trầm cảm, lầm lì nhưng Hướng đã kiên cường vượt qua, đôi khi còn làm chỗ dựa cho các chị”.
Học tập tốt để đền đáp cho bà và các chị
Năm nay, Hướng thi hai trường ĐH, khối A, trường Học viện Bưu chính Viễn thông, khối B là trường ĐH Y Hà Nội.
Xác định thi khối A chỉ là thử sức, tập luyện cho khối B, Hướng không ngờ em lại đứng đầu danh sách của Học viện Bưu chính Viễn Thông, với các điểm số cao, Toán 8,5, Lý 9, Hóa 9,5 điểm.
Bùi Chí Hướng, Thủ khoa Học viện Bưu chính Viễn thông
Hướng tâm sự: “Em đã xác định thi Đại học Y từ rất nhỏ, em mong muốn trở thành một bác sĩ giỏi để chữa được bệnh cho mọi người. Nhưng em không ngờ khối A em lại đạt điểm tốt đến như vậy, lại là thủ khoa nữa. Tối hôm 23/7 khi biết điểm thi, các chị gái đã gọi điện chúc mừng em, các chị tự hào về em lắm. Sáng sớm hôm sau em mới báo cho bà biết. Bà chỉ ôm mà em mà khóc”.
Khiêm tốn nói về thành tích học tập của mình, Hướng tự nhận mình chỉ đứng thứ 20 ở lớp. Ngoài việc học tập ở trường, và học chuyên đề ở trường, Hướng và các bạn thường xuyên trao đổi bài vở và cùng nhau luyện đề thi.
Hướng chia sẻ về bí kíp dành điểm của mình: “Em thường lên mạng để tìm những đề thi thử, nhất là đề Toán, có rất nhiều đề độc đáo và hay. Em thường dành thời gian để luyện lý thuyết nhiều hơn. Nắm chắc lí thuyết sẽ làm được khoảng 50% đề thi và vận dụng làm bài tập dễ dàng hơn”.
Hướng nhìn lên bàn thờ mẹ, và cha, đôi mắt em đỏ hoe, Hướng tâm sự: “Em luôn nhớ lời bà dặn, bà luôn động viên chị em em phải sống có ích, em nhớ như in lời bà nói, ‘các bạn có cha có mẹ sống còn không ra gì, con học giỏi ngoan ngoãn là bà mừng, bà thêm tuổi thọ’. Đấy luôn là động lực sống của em”.
Theo Khampha
Cò nhà trọ "khủng bố" nhà chùa và thí sinh
Ngày 9/7, đội sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, một số đối tượng tổ chức ném đá, tạt nước và gây gổ với thí sinh, phụ huynh và cả các ni cô, sư cô ở tịnh xá Ngọc Đạo (246/41/1 Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6).
Sư cô Hoa Liên (SN 1951), ở tịnh xá Ngọc Đạo cho biết, từ ngày 3/7, có nhiều người ném đá, tạt nước vào khuôn viên tịnh xá, khiến nhiều phụ huynh và học sinh bất an.
Khoảng 12h trưa 6/7, một đối tượng xông vào hành hung, đạp vào mặt sư cô Hoa Liên, đe dọa thí sinh và phụ huynh trong tịnh xá. Nguyễn Anh Khoa, sinh viên năm thứ 2, đội trưởng đội Tiếp sức mùa thi Trường Đại học Sư phạm TPHCM đóng ở điểm thi Trường tiểu học Phú Lâm cho biết, sau khi nhận tin báo từ nhóm sinh viên tình nguyện phụ trách khu vực nhà trọ, các sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi ở các điểm thi gần đó đã đến tịnh xá Ngọc Đạo vào chiều tối 4/7.
Sư cô Hoa Liên mô tả lại lúc bị côn đồ tấn công
Lúc đó, phía trước khuôn viên tịnh xá ướt sũng nước, đất đá được các sư cô và phụ huynh thí sinh thu dọn. Các bạn đã động viên tinh thần và mang cơm miễn phí đến cho thí sinh, đồng thời báo cáo Công an phường 12, quận 6.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, chủ một số nhà trọ lân cận bức xúc vì sinh viên tình nguyện đưa thí sinh về các điểm trọ miễn phí, giá rẻ, trong đó có tịnh xá Ngọc Đạo nên đã uy hiếp, đe dọa thí sinh.
Nhiều thí sinh cho biết, mặc dù đã được sinh viên tình nguyện đưa địa chỉ những chỗ ở miễn phí, giá rẻ, nhưng những xe ôm ở Bến xe miền Tây vẫn cố tình đưa về các nhà trọ khác, với mức giá 150-250 ngàn đồng/người/ngày.
Theo 24h
Sĩ tử 90cm giấu bố mẹ đi thi đại học Ước muốn trở thành nhà báo, cô bé có thân hình nhỏ nhắn đến từ Hải Dương đã giấu gia đình tự một mình bắt xe lên Hà Nội thi đại học. Trong ngày làm thủ tục dự thi đại học đợt 2 tại trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhiều phụ huynh và...