Cầu Thanh Trì: Vừa sử dụng đã xuống cấp
Khánh thành và đi vào sử dụng đầu năm 2007, nhưng chỉ sau thời gian ngắn, cầu Thanh Trì đã nằm trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù đơn vị quản lý đã nhiều lần duy tu, sửa chữa, nhưng những vết sụt, lún, “sống trâu” vẫn xuất hiện ngày một nhiều, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Cầu Thanh Trì đang bị xuống cấp.
Với chiều dài cầu chính vượt sông hơn 3km, rộng 33m, cầu Thanh Trì được xem là cầu bê tông cốt thép lớn nhất Việt Nam. Việc xây dựng cầu Thanh Trì nhằm giải tỏa sức ép giao thông vốn đè nặng lên cầu Chương Dương, đồng thời phân bổ, giảm bớt lưu lượng ô tô, nhất là xe tải lưu thông qua nội thành. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, cầu Thanh Trì đã trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ mặt cầu Thanh Trì, kéo dài từ đường dẫn tiếp giáp đường Pháp Vân đến điểm cuối tại Sài Đồng (Long Biên) đã bị lún sụt, trong đó đoạn vượt qua sông Hồng bị xuống cấp nặng nhất. Những vết lún sụt xuất hiện dày đặc hai bên thành cầu, trong khi làn đường dành cho ô tô bị tụt hẳn xuống, tạo nên hai rãnh cao gần 10cm, rộng hơn 1m chạy song song trải dài nhiều cây số. Anh Nguyễn Văn Nhâm, một lái xe taxi thường xuyên qua cầu Thanh Trì cho biết: “Cầu Thanh Trì đi vào hoạt động được khoảng 2 năm, mặt cầu đã bắt đầu xuống cấp. Một vài lần có thấy các đơn vị quản lý cầu tiến hành duy tu, sửa chữa, nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Lâu ngày, mặt cầu hình thành những vệt “sống trâu” gồ ghề, gây nhiều phiền toái cho người tham gia giao thông. Ban ngày còn đỡ, những hôm trời mưa to hoặc trời tối, chỉ cần người tham gia giao thông thiếu quan sát, bánh xe đi chệch vào những vệt “sống trâu” là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào…”. Cũng theo người dân, sự xuống cấp của mặt cầu Thanh Trì là hậu quả của các loại xe siêu trường, siêu trọng chạy qua cầu với tần suất dày đặc cả ngày lẫn đêm. Bất chấp việc lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên cầu với tốc độ cao, một quán nước nhỏ vẫn được người dân bày bán ngay trên mặt cầu để phục vụ “thượng đế”. Người bán hàng vô tư rót nước, người uống nước thản nhiên dựng xe ngay trên mặt cầu để hút thuốc, uống chè… như không hề biết mình đang vi phạm hành lang an toàn giao thông.
Không những thế, do đường dẫn lên cầu Thanh Trì được bố trí bất hợp lý, làn xe đi từ điểm đầu cầu phía đường Pháp Vân khi xuống điểm cuối cầu Thanh Trì phía Sài Đồng thường xung đột với luồng phương tiện đông đúc trên quốc lộ 5. Mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông luôn phải ứng trực tại đây, song tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra bất cứ lúc nào, khiến dòng xe cộ thường xuyên phải nối đuôi nhau xếp hàng trên mặt cầu Thanh Trì.
Video đang HOT
Để bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông, đã đến lúc đơn vị quản lý cần nghiêm túc kiểm tra, có biện pháp duy tu, sửa chữa mặt cầu Thanh Trì, đồng thời lập lại trật tự an toàn giao thông tại đây.
Theo Hà Nội Mới
25 triệu đô tân trang tàu chiến cổ nhất thế giới
Giới chức Anh sẽ chi 25 triệu USD để khôi phục cho tàu chiến cổ nhất thế giới HMS Victory.
Chiến thuyền HMS Victory của Anh là tàu chiến cổ nhất trên thế giới còn tồn tại. Ảnh: CNN
Chiến hạm hơn 200 năm tuổi này sẽ trải qua quá trình khôi phục trong khoảng thời gian ít nhất là 5 năm hoặc lâu hơn nữa. Ông John O"Sullivan thuộc hãng BAE Systems, nơi được giao nhiệm vụ khôi phục HMS Victory, nói với CNN: "Đây là một nhiệm vụ to lớn. Năm năm tới sẽ rất căng thẳng, nhưng mọi việc đang được tiến hành và công việc sẽ diễn ra liên tục".
Tàu chiến HMS Victory được đưa vào hoạt động từ năm 1778, chinh chiến trong ba thập kỷ sau đó và đã chứng kiến nhiều trận đánh quan trọng. Đây là con tàu duy nhất còn "sống sót" sau nhiều trận chiến bao gồm cuộc chiến giành độc lập của Mỹ, cách mạng Pháp và các trận chiến của Napoleon.
Trận chiến Trafalgar là trận chiến nổi tiếng nhất của tàu chiến này. Khi đó, nó nằm dưới sự chỉ huy của Đô đốc Nelson, tham gia chiến đấu trên tiền tuyến tại bờ biển Tây Ban Nha. Trong trận chiến đó, mặc dù có ít chiến thuyền hơn của Pháp và Tây Ban Nha nhưng Nelson đã khôn khéo chèo lái HSM Victory và giành chiến thắng cho nước Anh.
O"Sullivan cũng cho biết thêm về quá trình sửa chữa chiến thuyền, hiện nay chỉ có 20% các chi tiết là của chiến thuyền gốc ban đầu, còn lại các chuyên gia sẽ cố gắng tái tạo các bộ phận cũng như thêm vào đó những chi tiết hiện đại. "Đây là công việc đầy tính nghệ thuật", O"Sullivan nói.
Tuy đã trải qua nhiều lần sửa chữa và tu bổ nhưng đây là lần tu bổ có quy mô lớn nhất. Toàn bộ vỏ ngoài của chiến thuyền sẽ được làm lại, cột buồm và nội thất cũng sẽ được thay thế.
Phần lớn các thao tác sẽ được làm bằng tay theo phương pháp truyền thống, nhất là quá trình khắc và tạo hình gỗ. O"Sullivan còn hi vọng trong quá trình khôi phục chiến thuyền sẽ truyền lại kinh nghiệm được cho những học viên để công nghệ sửa chữa tàu truyền thống không bị mai một.
Sau khi bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh quyết định chi cho dự án này hàng triệu bảng Anh, nhiều người đặt câu hỏi về quyết định được đưa ra trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng của cả nước. Tuy nhiên, những người liên quan tin rằng cần thiết phải khôi phục những chứng tích của hải quân, một phần quan trọng trong lịch sử Anh quốc.
Vì hiện trạng của con tàu hiện nay đã xuống cấp, nếu không khôi phục ngay thì tình hình sẽ càng nghiêm trọng. O"Sullivan khẳng định: "Chúng ta không thể để mất nó, nếu chúng ta không khôi phục thì chúng ta sẽ đánh mất những gì chúng ra từng có".
Theo VNExpress
Nữ thần Tự do 'dưỡng bệnh' một năm Công trình biểu tượng của New York - tượng Nữ thần tự do - sẽ đóng cửa để đại tu với tổng chi phí lên tới 27,5 triệu USD vào tháng 10 tới. Tượng Nữ thần tự do. Ảnh: PA. Sở công viên quốc gia Mỹ cho hay bức tượng 125 tuổi cao 93 m sẽ ngừng hoạt động để bổ sung thêm...