“Cẩu tặc” hoành hành: Bị đốt vẫn không tởn!
Chính sự manh động, liều lĩnh của “cẩu tặc” là một phần nguyên nhân khiến người dân quá khích. Khi bắt được “cẩu tặc”, nhiều người đã “tự xử” trước khi cơ quan chức năng có mặt.
LTS: Trong vòng chưa đầy 3 năm kể từ khi một “cẩu tặc” bị người dân đánh rồi đổ xăng đốt cùng với xe máy, trên địa bàn tỉnh Nghệ An và một số địa phương khác đã xảy ra hàng chục vụ xử “cẩu tặc” gây rúng động. Tất cả đều xuất phát từ sự manh động, liều lĩnh của các đối tượng trộm chó vốn được người dân gọi là những kẻ cướp của. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân quá khích, mỗi khi truy bắt được cẩu tặc thường “tự xử” trước khi giao cho cơ quan chức năng, dẫn đến sự việc đau lòng.
Người chết, xe bị đốt trụi…
Giữa tháng 12 vừa qua, người dân xóm 6, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) khi đang chuẩn bị bữa cơm tối thì nghe tiếng tri hô có bọn trộm chó. Cả làng lao ra đường truy bắt. Lúc này, 4 tên “cẩu tặc” đi trên 2 xe máy liều lĩnh cầm mã tấu, kích điện đánh trả người dân. 2 cẩu tặc nhanh chóng tẩu thoát, 2 đối tượng còn lại vì ngã xe nên đã chạy ra một cánh đồng rồi ra QL1A tẩu thoát, trên tay vẫn cầm 2 kiếm dài. Chiếc xe máy 2 đối tượng bỏ lại bị người dân đốt chạy rụi.
Trước đó 2 năm, ngày 7/6/2010, toàn xã Hưng Đông, thành phố Vinh mất điện. Sau đó, người ta nghe tiếng tri hô rượt đuổi 2 tên trộm chó. Lúc ấy, nhiều gia đình vẫn ngủ say nên không biết. Tới sáng sớm, khi đi làm, mọi người mới tá hỏa phát hiện xác một người đàn ông đã bị đốt cháy biến dạng cùng với chiếc xe máy cháy rụi. Nạn nhân được xác định là Nguyễn Đình Phong (SN 1983, trú tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Theo phán đoán, nạn nhân đã bị đánh chết, cắt gân ở khu vực cạnh UBND xã Hưng Đông trước khi kéo ra đồng cánh đồng vắng để thuận lợi cho việc thiêu cháy.
Cách hành xử dã man ấy khiến nhiều người chứng kiến không khỏi rùng mình. Đây không còn là hành vi vi phạm pháp luật nữa mà còn là hành vi vô nhân đạo. Thậm chí rất nhiều cơ quan báo chí đã lên án và lưu ý người dân không được phép manh động trong những vụ việc tương tự. Tuy nhiên, sau đó vụ việc chìm vào quên lãng và người nhà nạn nhân cũng không dám lên tiếng, bởi đơn giản, người thân của họ là người có tội.
Hai anh em “cẩu tặc” bị người dân đánh chết và trọng thương tại huyện Yên Thành
Cách làm không triệt để của cơ quan điều tra cũng như thái độ “im lặng” của người nhà nạn nhân đã vô tình tạo nên một tiền lệ xấu. Từ năm 2010 tới nay, đã có hàng chục vụ người dân “tự xử” cẩu tặc, đốt xe, đánh trọng thương thậm chí là đánh chết người trước khi cơ quan chức năng có mặt.
Ngày 27/6/2012, người dân xóm 2 xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu phát hiện 2 đối tượng đi xe máy mang biển kiểm soát tỉnh Hưng Yên, trên tay cầm dụng cụ bắt trộm chó. Người dân liền tri hô đuổi theo 2 người này. Sau một hồi rượt đuổi như phim hành động, 2 cẩu tặc bị người dân áp sát chặn đầu xe ngã xuống đường. Một đối tượng may mắn chạy thoát, đối tượng còn lại (tỉnh Hưng Yên) bị người dân đánh hội đồng đến tử vong. Chiếc xe máy của 2 đối tượng này cũng bị người dân châm lửa đốt cháy rụi. Sau khi “xử” cẩu tặc, người dân thu giữa được một bao tải đựng 3 con chó và một bộ dụng cụ bắt chó.
Đến gần cuối năm 2012, một vụ dân “tự xử” cẩu tặc lại diễn ra. Sự việc bắt đầu từ việc chó nhà ông Phạm Bá Cậy ở xóm Xuân Phúc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc bị 2 cẩu tặc bắt trộm. Ông Cậy thấy vậy nên đã tri hô và đuổi theo. Nhưng 2 cẩu tặc Hoàng Công Hiệp, Đào Ngọc Lâm (cùng trú xã Nghi Long, Nghi Lộc) đã đánh trả khiến ông Cậy phải nhập viện cấp cứu. Người dân trong xã sau đó đã truy đuổi và bắt được Hiệp và “tự xử”. Kết quả, xe máy 2 cẩu tặc bị đốt cháy rụi, Hiệp bị người dân đánh tử vong. Khi người nhà Hiệp đến, người dân yêu cầu viết giấy cam kết đền bù chi phí thuốc men cho ông Cậy (20 triệu đồng) mới cho mang xác Hiệp về an táng.
Hàng ngàn người dân vây đánh cẩu tặc, ngăn xe chở kẻ bị đánh trọng thương đi cấp cứu.
Video đang HOT
Trước đó, người dân xã Tân Thành, huyện Yên Thành cũng thường xuyên bị mất trộm chó. Điều này đã tạo nên một sự căn phẫn trong nhân dân. Đến sáng 10/6/2013, người dân xã Tân Thành phát hiện 2 cẩu tặc đi trên xe máy nên đã đuổi đánh rồi đốt xe máy khiến 1 người trọng thương, 1 người tử vong. Hai tên trộm chó được xác định là hai anh em ruột Nguyễn Trọng Hóa (27 tuổi) và Nguyễn Trọng Minh (24 tuổi), đều ngụ xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu. Cả hai anh em đều nghiện ma túy nặng.
Truy đuổi “cẩu tặc” như phim hành động
Huyện Nghi Lộc (Nghệ An) từng được xem là điểm nóng về nạn trộm chó kể cả số vụ bị bắt trên địa bàn này và các vụ bị bắt trên địa bàn khác. Tại xã Nghi Long (Nghi Lộc), người dân nhiều lần truy đuổi “cẩu tặc” như phim hành động.
Ông Hoàng Văn Thìn (xóm 6, xã Nghi Long) bức xúc: “Trước đây, xóm chúng tôi mất chó nhiều vô kể. Mỗi khi bắt được bọn trộm chó, người dân đều đánh cho một trận nhừ tử rồi giao nộp cho công an. Thế nhưng, sau khi xử phạt hành chính, chúng lại tiếp tục về đây bắt trộm chó. Bởi có xử phạt thì chỉ cần bắt 1 – 2 con chó là bù lại được. Vì vậy, bọn trộm chó ngày càng lộng hành. Bây giờ, chỉ cần có báo động là cả làng ùa ra đánh ngay”.
Ông Hoàng Văn Thìn (xóm 6, xã Nghi Long) bức xúc kể chuyện cẩu tặc vào nhà cướp chó
Cũng theo ông Thìn, nguyên nhân người dân bức xúc và manh động như vậy là vì họ mất chó quá nhiều mà những tên vào bắt trộm chó quá manh động, liễu lĩnh. Đỉnh điểm là những năm 2011 – 2012, “cẩu tặc” còn vào tận nhà để cướp chó.
Nhà anh Nguyễn Đình Tuấn (xóm 6, Nghi Long) cũng mất chó trong một tình huống như vậy. Lúc đó, khoảng 15h chiều, anh vừa ra khỏi nhà để ra sân vận động của xóm xem đánh bóng chuyền thì hai tên “cẩu tặc” vào nhà bắt lấy một con chó đang nhốt trong cũi rồi ngang nhiên đi ra. Nhiều người nhìn thấy nhưng bọn trộm chó đã lên xe chạy, một trong hai đối tượng còn giơ kiếm lên vẫy chào “bye bye”.
Không lâu sau, cũng trong xóm này, tại nhà bà Giai, một mình bà ở nhà, 2 tên “cẩu tặc” chạy xe máy vào sân rồi kéo lấy sợi dây đang xích con chó trên tay bà rồi trả lời “cho xin con chó”. Bà van xin nhưng bọn chúng cười hô hố rồi phóng xe chạy đi. Thậm chí, khoảng đầu tháng 12/2013 vừa qua, một nhóm thanh niên không rõ danh tính giả vờ vào nhà anh Nguyễn Văn Nương (cùng xóm 6, Nghi Long) chơi rồi xin nước uống. Thế nhưng, một lúc sau khi đám “khách” này ra về thì con chó lăn đùng ra chết. Nguyên nhân được xác định là do có người đã bỏ bã chó.
Ông Nguyễn Văn Lộc, xóm phó, công an viên xóm 6, xã Nghi Long lý giải nguyên nhân dân phẫn nộ trước nạn trộm chó.
Ông Nguyễn Văn Lộc, công an viên, xóm phó xóm 6 (xã Nghi Long) bức xúc: “Không riêng gì xóm này mà cả xã đều mất chó. Có nhà nhốt chó, xích lại sau nhà nhưng bọn chúng còn mang kiếm vào uy hiếp chủ nhà rồi mang chó đi. Chủ nhà đành bất trước sự hung hãn, trắng trợn của bọn chúng. Nuôi chó để giữ nhà, thế nhưng chủ nhà lại phải suốt ngày giữ chó. Con chó là vật nuôi thân thiết trong nhà, chúng ngang nhiên vào cướp trắng trợn, dân bức xức là điều tất nhiên. Ở đây, người dân không còn so sánh về giá trị vật chất nữa. Có khi bắt được kẻ trộm xe máy chắc gì đã bị đánh chết nhưng nếu bắt được kẻ trộm chó, nếu không can thiệp kịp thời, mạng sống của các đối tượng này sẽ khó giữ”.
Sau hàng loạt vụ mất trộm chó rồi dẫn đến án mạng, người dân đã nghĩ ra nhiều cách để ngăn chặn trộm chó. Lập ra hàng trăm barie, cắt cử người chốt chặn tại các đường ra vào các xóm, là cách làm độc đáo ở các xã huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đón đọc Kỳ 2: Trộm chó hoành hành: Lập 100 barie chống “cẩu tặc” vào 19h ngày 25/1
Theo Khampha
Đánh chết "cẩu tặc": Xử sao cho vẹn cả làng?
Trước vụ việc 2 "cẩu tặc" bị "đánh hội đồng" đến chết tại làng Danh Thượng (Hiệp Hòa, Bắc Giang), một độc giả lý giải: "Một người không dám đánh chết ai nhưng khi 800 người cùng xúm lại đánh, cái ác của mỗi người sẽ tăng lên".
Cả làng cùng đánh, xử sao cho vẹn... "cả làng"?
Phản đối cách làm của người dân làng Danh Thượng (Bắc Giang), độc giả thienduong...@yahoo.comviết: "Đây là hành động giết người có tổ chức. Nếu bắt được trộm chó, người dân phải giao cho cơ quan chức năng giải quyết chứ không thể "tự xử" như vậy được". Còn độc giả Trung Hiếu (trunghieu_mc...@yahoo.com) đặt câu hỏi: "Phải chăng những người này coi thường mạng sống của con người hơn con vật?".
Trong khi đó, độc giả vominhhoang...@gmail.com chia sẻ mình đã thay đổi cách nhìn về việc xử lý trộm chó: "Tôi từng nghĩ "chỉ vì một con chó mà đánh chết người, sao không cho họ cơ hội sửa lỗi?". Nhưng "cẩu tặc" dường như không e sợ, trái lại, càng hung hăng. Điều đó khiến tôi phải thay đổi quan điểm".
Theo độc giả nguyenthanh...@gmail.com, với độ manh động của những tay trộm chó, nên gọi đó là cướp chứ không thể là trộm cắp được nữa. Còn độc giả teskdkn...@gmail.com lại ví việc "đánh hội đồng" này như thước đo sự tức giận và nỗi lo lắng của người dân khi nạn trộm chó hoành hành.
Những vụ người dân "đánh hội đồng" trộm chó liên tiếp xảy ra (Ảnh minh họa: Người lao động)
Về chuyện người dân làng Danh Thượng đồng loạt ký tên vào đơn nhận tội đánh chết "cẩu tặc", độc giả Nguyễn Tiến Trung (icafe...@gmail.com) đưa ra vấn đề: "Cần phải hiểu tại sao cả làng lại cùng nhận tội đánh chết 2 kẻ trộm chó? Và nếu xét kỹ ra thì không thể chứng minh được ai trong số họ gây ra vết thương chí mạng để tên trộm kia phải chết".
Vậy phải xử lý ra sao với trường hợp này?
Nhiều độc giả cho rằng không nên truy cứu cả làng: "Tôi tán thành việc không truy cứu cả làng, tuy rằng việc đánh chết người như vậy là không được. Nhà nước cần xem xét sửa luật sao cho phù hợp với tình hình hiện nay. Kẻ trộm chó mang hung khí và sẵn sàng chống đối." - Độc giả Hoàng Ngọc (kimngoc...@yahoo.com) nêu quan điểm.
Tuy nhiên, nhiều độc giả lại không đồng tình với ý kiến này. Độc giả Khuất Quang Dương (quangduong...@yahoo.com) lo lắng nếu vụ việc này không mang ra xét xử thì sẽ có nhiều vụ án tương tự sẽ xảy ra. "Pháp luật không thể làm ngơ với những hành vi đánh người có tổ chức như vậy được. Quốc có quốc pháp, gia có gia quy..." - Độc giả này viết.
Tương tự, độc giả nhatthuc...@yahoo.com nhấn mạnh: "Không thể để việc đổ lỗi cho tập thể trở thành văn hóa của người Việt được. Đây chính là cái gọi là "tâm lý đám đông" rất đáng lên án. Không thể đổ lỗi cho cả làng để rồi lại "huề cả làng được". Và ngày nay cũng không thể tồn tại cái gọi là "phép vua thua lệ làng" nữa".
Một cách hóm hỉnh, độc giả sonnn...@yahoo.com đưa ra giải pháp: Hãy tính ra mức án với tội đánh chết "cẩu tặc" rồi sau đó sẽ chia mức án ra theo... đầu người. Độc giả này cũng bày tỏ sự lo lắng: "Với tình hình nhiều "cẩu tặc" thế này, 3 năm nữa chó có thể thành động vật quý hiếm".
Người dân Yên Thành (Nghệ An) vây xe cảnh sát không cho đưa "cẩu tặc" đi cấp cứu hôm 10/6 vừa qua (Ảnh: Infonet.vn)
Diệt "cẩu tặc" phải diệt từ gốc
Đánh giá về hành động có phần "quá tay" của người dân làng Danh Thượng (Bắc Giang), độc giả Minh Hiếu (hieuvutp...@mail.com) cho rằng để xảy ra sự việc này, có lẽ sự phẫn uất trong lòng dân đã lên tới đỉnh điểm, "tức nước thì phải vỡ bờ".
Cho rằng pháp luật hiện hành chưa thực sự hợp lý, độc giả Hoàng Trung (hta...@gmail.com) viết: "Nạn trộm chó nghiêm trọng vậy nhưng cẩu tặc vẫn nhởn nhơ. Kẻ trộm có bị bắt thì cũng chỉ bị xử lý hành chính. Trong khi đó, khi đi bắt chó, "cẩu tặc" có thể đánh lại chủ nhà. Nếu chủ nhà bị thương "chưa đến mức khởi tố" thì "cẩu tặc" cũng chỉ bị xử lý hành chính?".
Cùng chung quan điểm đó, độc giả anxquang...@gmail.com bình luận: "Chỉ phạt hành chính một ít rồi "cẩu tặc" lại được thả. Chúng chỉ cần đi bắt vài con chó là đã đủ tiền nộp phạt. Vậy có đủ sức răn đe cho những kẻ muốn làm "cẩu tặc" không?".
Độc giả Nguyễn Diệp (dpnt...@gmail.com) phân tích: "Nhân dân ta từ trước đến nay đều sống rất nhân nghĩa, trọng đạo lý. Thế nhưng vì đâu mà họ phải bất chấp luật pháp để hành xử quá tay? Tôi nghĩ rằng luật hiện nay chưa sát với tình hình thực tế nên các chế tài bị vô hiệu, xử không đúng với mức độ phạm tội. Dẫn đến việc khi ra xét xử, bị cáo thì hớn hở còn bị hại thì ấm ức".
Độc giả Minh Hiếu viết: "Các cơ quan chứ năng của xã, huyện luôn nắm rõ những đối tượng này. Bởi trong xã nếu xuất hiện một đối tượng lạ, một kẻ chuyên trộm cắp, nghiện hút... thông tin lan truyền rất nhanh. Vậy cần đặt ra câu hỏi: Cơ quan chức năng đã có những hành động như thế nào để quản lý, răn đe, giáo dục những đối tượng này? Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật đến từng người dân cũng rất quan trọng".
"Đánh hội đồng", đốt xe là những cách phổ biến nhất người dân hay dùng khi bắt được kẻ trộm chó (Ảnh minh họa: Infonet)
Độc giả Thẩm Hoài Đức (thamduc...@gmail.com) nêu giả thiết: "Nếu như trộm chó được quy vào tội bắt cóc. Đối tượng phải bồi thường không những về mặt kinh tế mà còn bị phạt tù thì người dân có còn bức xúc đến nỗi phải đánh chết "cẩu tặc" hay không?". Độc giả này cũng cho rằng không thể nhầm lẫn người đi đường với kẻ trộm chó vì "Nếu như người qua đường không mang theo dụng cụ bắt trộm chó như thòng lọng, roi điện...thì người dân có nghi ngờ hay không?".
Một bạn đọc có địa chỉ email ducngan...@yahoo.com đưa ra kế sách: "Khuyến khích người dân nếu bắt được "cẩu tặc" thì giao cho công an để nhận thưởng. Phạt hành chánh đối với "cẩu tặc" thật nặng, đồng thời bồi thường cho người bị trộm chó một số tiền thích đáng. Nếu vậy chắc chắn tình trạng "cẩu tặc" bị dân đánh cũng sẽ giảm đi. Vấn đề là mức phạt và mức thưởng có làm cho người dân cấp nhận hay không mà thôi".
Theo khampha
Cả làng đánh chết "cẩu tặc": Xử sao cho trọn vẹn? "Một người không dám đánh chết ai nhưng khi 800 người cùng xúm lại đánh, cái ác của mỗi người sẽ tăng lên". Những vụ người dân "đánh hội đồng" trộm chó liên tiếp xảy ra (Ảnh minh họa) Cả làng cùng đánh, xử sao cho vẹn... "cả làng"? Phản đối cách làm của người dân làng Danh Thượng (Bắc Giang), độc giả...