Cậu sinh viên mồ côi gồng gánh hai em vượt khó giữa đại dịch
Cha bị đột quỵ mất, mẹ bị bệnh ung thư hành hạ một thời gian dài rồi cũng qua đời. Nhưng đau đớn chưa dừng lại với Trần Quang Tân, sinh viên lớp 21HD01 Trường ĐH Bình Dương, khi em trai kế bị chứng tâm thần phân liệt hành hạ, rồi đại dịch Covid-19 ập đến đóng sập cánh cửa mưu sinh.
Trần Quang Tân (trái), cậu sinh viên giàu nghị lực đang lâm cảnh bế tắc vì đại dịch Covid-19 – NVCC
Những ngày cuối tháng 9.2021, sinh viên Trần Quang Tân không thể ngồi yên chờ dịch bệnh lắng xuống mà phải trông ngược trông xuôi tìm cách kiếm tiền nuôi hai em và lo đóng học phí. Dù đã được nhà trường chiếu cố, cho gia hạn học phí đến 10.10, nhưng do đang kẹt giữa “vùng đỏ” của đại dịch nên Tân chỉ còn biết gửi đơn xin được cứu xét.
Trong đơn, chàng sinh viên năm thứ 3 ngành dược học kể: “Hằng ngày khi đi học về em đi dạy thêm, hết giờ dạy thì chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Đợt dịch kéo dài nên em không chạy xe ôm và làm gia sư được. Ngoài ra mỗi năm em phải đóng khoản học phí lên tới 50 triệu đồng, phải lo ăn học và thuốc thang cho các em mình. Gia đình em còn nợ nần khá nhiều do vay tiền chữa bệnh cho ba mẹ và đứa em nhỏ. Kinh tế em khó khăn và còn phải lo cho 2 em nên rất mong nhà trường giúp đỡ…”.
Theo trích lục khai tử do UBND P.Tân Định (TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cấp, cha Tân là ông Trần Quang Khoa, sinh năm 1964, bệnh chết ngày 19.10.2009; mẹ là bà Tô Kim Phượng, sinh năm 1969, mất ngày 16.2.2018. Một thời gian sau khi ba qua đời, em trai kế Tân là Trần Quang Vinh mắc bệnh tâm thần và hiện vẫn đang phải điều trị ngoại trú.
Ông Khoa quê ở Quảng Nam, còn bà Phượng quê Vĩnh Long, gặp nhau thời sinh viên tại làng đại học Thủ Đức và thành vợ chồng sau khi tốt nghiệp đại học. Ông Khoa công tác ở Sở Nông nghiệp tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương), một thời gian sau chuyển ra làm cho doanh nghiệp rồi mất. Bà Phượng theo chồng lên xứ người chăm con và mở tiệm nail, buôn bán mỹ phẩm. “Ông bà ngoại mất lâu rồi, hoàn cảnh họ hàng đều khó khăn nên anh em tụi con phải tự cưu mang nhau”, Tân nói.
Bình thường, vừa đi học vừa kiếm tiền lo cho đứa em bệnh tâm thần và cậu em út đang học cấp 2 cũng đã là quá sức với Tân. Khi đại dịch ập đến, mọi cánh cửa mưu sinh gần như đóng lại khiến chàng sinh viên này rơi vào bế tắc, không biết bấu víu vào đâu. Không thể trách chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể chưa quan tâm, bởi lẽ anh em Tân tuy có hộ khẩu thường trú ở P.Tân Định, TX.Bến Cát, nhưng lại đang ở nhờ nhà của người dì ruột thuê tại khu 154 Nguyễn Đức Cảnh, P.Hiệp An, TX.Thủ Dầu Một. Người một nơi, đăng ký thường trú một nẻo thì khó tránh khỏi việc “lọt sổ” trợ giúp xã hội, nhất là trong lúc ai nấy phải căng mình chống dịch.
Video đang HOT
Chính vì vậy, cũng như tâm trạng của bao nhiêu người khác, cậu sinh viên mồ côi giàu nghị lực chỉ biết cầu mong đại dịch qua mau để có thể đi làm thêm kiếm tiền học tiếp đại học và chăm lo cho hai em.
Cảm động về những cô giáo tận tình giúp sinh viên nghèo
Nhằm giúp đỡ sinh viên khó khăn trong dịch Covid-19, một nhóm tình nguyện gồm những cô giáo ở TP.Cần Thơ đã quyên góp hàng trăm phần quà nhu yếu phẩm đem tặng.
Cô giáo chất hàng hóa lủ khủ lên xe để đi tặng sinh viên nghèo - THANH DUY
Hành trình chạm đến trái tim
Người khởi xướng ý tưởng này là cô giáo Cao Thiên Lý (28 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều), công tác tại một trung tâm Anh ngữ ở TP.Cần Thơ. Cô Lý cho biết giãn cách xã hội kéo dài, lời "kêu cứu" trên mạng xã hội của sinh viên nghèo ngày một nhiều hơn. Biết được cảnh này, lòng cô trăn trở rồi nghĩ đến việc tặng nhu yếu phẩm cho sinh viên.
Món quà chuyển trực tiếp cho sinh viên trong khu vực được phép - THANH DUY
"Tôi muốn giúp đỡ các bạn sinh viên nhưng ngặt là mình trong khu phong tỏa. Vì vậy, tôi ngỏ ý với những người bạn là giáo viên và cô giáo của mình về hoạt động. Hầu hết mọi người đều đang bận bịu với việc dạy học trực tuyến, nhưng họ không mảy may khi quyết định tham gia", cô Lý chia sẻ.
Các thành viên trong nhóm người góp công, người góp tiền trong khả năng để giúp đỡ sinh viên kẹt lại TP.Cần Thơ trong dịch Covid-19. Tuy nhiên, hành trình trao quà ý nghĩa của các cô giáo đã chạm đến trái tim của những nhà hảo tâm đặc biệt. Cô Lý nói: "Chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm của những giáo viên khác. Ngay cả những người bạn, học trò cũ của chúng tôi ở Philippines, Singapore cũng ủng hộ vì mong muốn hoạt động này được duy trì lâu hơn khi sinh viên còn cần sự giúp đỡ".
Quà là gạo, mì gói, gia vị, cá mồi, bánh và rau củ các loại - THANH DUY
Vượt khó để sớm mang quà đến sinh viên
Hiện tại, nhóm tình nguyện có 5 thành viên. Trong khu phong tỏa, cô Lý và một người bạn nữa phụ trách ghi nhận nhu cầu cần hỗ trợ của sinh viên. Thông tin chương trình tặng quà được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Ngoài ra, cô còn truy cập vào các hội, nhóm có đông đảo sinh viên tương tác trên zalo, facebook để chủ động liên hệ với các chủ tài khoản đăng lời "kêu cứu" trong mùa dịch Covid-19.
Các cô giáo tranh thủ thời gian để thực hiện chương trình tặng quà cho sinh viên. - THANH DUY
Bên ngoài, cô Võ Thị Bích Thảo (38 tuổi, cán bộ Trường ĐH Cần Thơ) cùng các người đồng nghiệp đảm nhận công việc tìm mua vật phẩm, soạn quà và chuyển tặng. "Cái khó là chúng tôi chỉ trực tiếp trao quà trong phạm vi giấy đi đường cho phép. Có sinh viên cần sự giúp đỡ khẩn nhưng ở ngoại ô, nhóm phải nhờ shipper. Song, trong thời điểm giao hàng liên quận khó khăn nên khá lâu nhu yếu phẩm mới chuyển đến được. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy áy náy với các bạn", cô Thảo bày tỏ.
Trở ngại là vậy nhưng nhóm thiện nguyện của các cô giáo vẫn tổ chức thành công mỗi khi hoạt động. Bởi lẽ, bên cạnh sự nỗ lực của tất cả các thành viên thì nhóm còn nhận được sự góp sức nhiệt tình của những tấm lòng tốt xung quanh.
Cô Thảo thông tin: "Vừa rồi, chúng tôi mua nông sản giúp nông dân thì bà con khuyến mãi lại 25 kg su hào tặng cho sinh viên. Đơn hàng xa shipper cũng tính như đơn hàng gần, họ chỉ lấy 10.000 đồng vì biết ý nghĩa của chương trình. Ngoài ra, một số chủ trọ đã tận tình đến nhận quà giúp vì thấy chúng tôi chật vật chuyển hàng hoá".
Món quà ấm áp
Đến nay, hoạt động đã tổ chức 3 lần với hơn 400 phần quà tặng cho sinh viên khó khăn. Mỗi phần gồm gạo, mì, gia vị, cá mồi, bánh, rau củ các loại. Những nơi nhu yếu phẩm không đến được nhóm sẽ chuyển tiền mặt tương ứng với giá trị phần quà là khoảng 130.000 đồng. Sinh viên học trường nào cũng có thể đăng ký nhận hỗ trợ. Nếu còn khó khăn, các bạn vẫn được giúp đỡ lần sau.
Sinh viên trường nào cũng có thể đang ký nhận quà - THANH DUY
Võ Trần Kim Bình (21 tuổi, ngụ An Giang), sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, cho biết bị kẹt lại TP.Cần Thơ hơn 2 tháng. "Tiền tích luỹ của em đã dần cạn rồi mà không biết khi nào mới về quê. Em cũng đang cách ly tại phòng, không thể ra ngoài mua thực phẩm được. Các cô đến tặng quà em rất xúc động, cảm thấy ấm lòng trong lúc khó khăn", Bình bộc bạch.
Tương tự, bà Nguyễn Ngọc Hà (40 tuổi) cũng rất vui trong ngày tiếp nhận các phần quà. Bà Hà ở trọ thuê, thấy các sinh viên cùng dãy chật vật bám trụ lại thành phố trong cảnh ăn đong từng bát gạo, bà kêu gọi sự cứu trợ trên mạng xã hội và nhận được phản hồi ngay.
"Thấy thông tin của tôi, các cô giáo đã chủ động liên hệ để giúp đỡ. Hôm nay, mọi người chở quà lỉnh kỉnh trên xe máy đến trao quà giữa nắng nóng. Phòng sinh viên nào cũng có quà hết, tôi cũng vui lây cùng các em", bà Hà chia sẻ.
Tiền hỗ trợ đến với sinh viên nghèo, lao động không tạm trú ở Hà Nội Nhiều sinh viên, người lao động ngoại tỉnh không có tạm trú đang được các tổ trưởng dân phố ở Hà Nội vận động, hướng dẫn làm hồ sơ nhận hỗ trợ 500.000 đồng. Số tiền đủ để một người "ăn dè" được nửa tháng. Nhiều bạn trẻ nộp hồ sơ để nhận hỗ trợ 500.000 đồng ngay sau khi xét nghiệm COVID-19...