Cậu sinh viên bán trái cây dạo để theo đuổi việc học
Ba mẹ chia tay nhau từ khi Trần Minh Dương còn rất nhỏ, cậu sống với ông bà nội. Để theo đuổi 4 năm đại học, Dương đi làm thêm đủ nghề để nuôi việc học, với niềm tin “ở đâu có ý chí, nơi đó có con đường”.
Sau khi bài viết được đăng trên báo điện tử Dân trí, đông đảo độc giả gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên em Trần Minh Dương ( sinh viên năm 3, đang học khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh). Chúng tôi xin đăng số điện thoại của em Dương để độc giả có thể chia sẻ với em: 0927 814 967
Ven con đường gần chợ Tân Long (thị xã Dĩ An, Bình Dương) chiều nào cũng có một chàng thanh niên trẻ bán trái cây, cách đó không xa là một chị bán khoai lang, bầu bí. Không có tiền thuê chỗ ngồi trong chợ nên họ đành ngồi bán ở lề đường, trong lòng phấp phỏng vì có thể bị đội an ninh trật tự tịch thu hàng bất cứ lúc nào.
Cùng cảnh “vừa bán vừa chạy” nên họ rất cảm thông với nhau. Ngày nào ế quá, cậu em lấy vài trái bí về nấu canh, đổi lại, bà chị nhận mấy trái mãng cầu (na) về cho con gái ở nhà. Trời mưa, bà chị cho cậu em mượn tấm áo. Tối muộn, cậu em lại giúp bà chị dọn dẹp hàng.
Chàng trai bán trái cây bên vệ đường ấy là Trần Minh Dương, sinh viên năm 3, đang học khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trần Minh Dương (hàng đầu, bên trái) trên giảng đường.
Ngoài giờ học, Minh Dương bán trái cây để kiếm tiền nuôi việc học.
Được biết, ba mẹ Dương chia tay nhau từ khi em còn nhỏ. Bên ngoại nuôi nấng Dương đến khi em được 3 tuổi rồi trả em về bên nội ở Bến Tre. Ông bà nội chăm lo cho em học từ mẫu giáo đến khi tốt nghiệp THPT.
Ba em lập gia đình mới còn mẹ cũng đi bước nữa, họ đều vất vả chăm lo cho gia đình riêng. Dương tâm sự: “Em biết là ba mẹ cũng thương em lắm nhưng họ không có điều kiện lo lắng cho em. Em chỉ mong ba mẹ khỏe mạnh là em thấy vui rồi”.
Ông bà nội lớn tuổi không làm gì ra tiền nhưng thương Dương nhiều lắm, mỗi ngày đều chăm lo và hỏi han việc học hành của cháu, thấy cháu học khuya thì mua mì gói cho cháu ăn. Tình thương của ông bà nội chính là động lực giúp Dương theo đuổi việc học cho đến ngày hôm nay.
Video đang HOT
Đạt Giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 12 môn Lịch sử nên Minh Dương quyết định theo đuổi khoa Sử.
Lên thành phố trọ học, Minh Dương phải tự lực cánh sinh. Hai năm đầu, em lăn lộn với nhiều công việc: dạy kèm, phụ việc ở hàng quán, làm công nhân nhà máy bột giặt… Những buổi làm đêm, vừa tan ca thì trời sáng, Dương đến giảng đường mà không kịp chợp mắt. Nhiều lúc quá mệt, em thiếp đi trong lớp…
Hiện tại, Dương ở trọ tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương để vừa đi học vừa đi làm. Dương may mắn gặp được chủ nhà trọ tốt bụng. Thương chàng sinh viên hiền lành, chăm chỉ, họ đề nghị Dương dạy kèm cho cậu con trai để giảm bớt tiền thuê phòng.
Còn ban ngày, ngoài giờ học trên lớp, công việc chính của Dương là bán trái cây dạo bên lề đường. Thế nhưng: “Dạo này bán ế lắm vì có nhiều người cạnh tranh với em. Bình thường em học ở Thủ Đức nhưng giờ bước vào năm thứ 3, có nhiều buổi phải đến cơ sở chính ở quận 1 thì phải nghỉ bán. Vì vậy nên cũng mất khách” – Dương giải thích.
Những hôm học sáng, Minh Dương thức dậy lúc 3 rưỡi sáng đi lấy hàng để chiều bán. Những ngày học chiều thì Dương bán buổi sáng, rồi tối tranh thủ bán tiếp.
Trong bóng tối nhập nhoạng, Minh Dương giúp chị Hòa (bán khoai) dọn hàng. Phần hàng của em thì gọn nhẹ hơn, vì qua nhiều lần bị tịch thu, vốn liếng chỉ còn đủ mua một thùng 13kg mãng cầu mà thôi. Bán hết số mãng cầu ấy, em có được 40.000 – 60.000 đ tiền lời.
Chị Hòa kể: “Hôm nào nó không kịp lấy mãng cầu thì bán tạm mấy trái dừa tươi. Bán từ chiều tới tối được 7 trái, tức là kiếm được 7.000 đồng thôi. Đó là chưa kể còn tốn tiền đổ xăng”.
Một buổi mưu sinh của cậu sinh viên Trần Minh Dương.
Minh Dương chia sẻ: “Nhiều lúc em muốn dừng bước, nhưng có gì đó ngăn em lại. Em biết mình sẽ không thể làm gì với trình độ thấp nên em vẫn cố gắng. Em tin là Ở đâu có ý chí nơi đó có con đường. Em phải theo việc học cho tới cùng, dù có gặp phải bao nhiêu khó khăn đi chăng nữa”.
Bạn Võ Nguyễn Vũ Lam, lớp trưởng của Dương cho biết: “Minh Dương là một trong những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong lớp em, phải đi làm để nuôi việc học. Trong lớp có 5 – 6 sinh viên gặp khó khăn như vậy, có bạn phải bảo lưu kết quả, chừng nào có điều kiện mới quay lại học tiếp. Minh Dương rất có ý chí phấn đấu, mong rằng bạn ấy sẽ không bỏ học nửa chừng”.
Hồng Nhung
Theo Dantri
"Nhân văn" hay... "nhẫn tâm", thưa bác Vượng EVN?
Nói trắng ra, EVN đã móc túi tiền của gần 90 triệu đồng bào cả nước để làm cái việc gọi là "nhân văn" như lời bác Chủ tịch Vượng...
(Minh họa: Ngọc Diệp)
"Tôi cho rằng đây là một việc làm nhân văn...". Đó là lời giải thích của ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN trên báo Công an Nhân dân điện tử ngày 8/10 vừa qua liên quan đến khoản tiền 595 tỉ đồng xây biệt thự, bể bơi, sân tennis...
Trước hết, xin chúc mừng ông Vượng, một con người nhân văn, một trái tim nhân hậu, hết lòng hết sức lo cho thuộc cấp của mình.
Ông quả không hổ danh với truyền thống thương yêu nhân viên của người tiền nhiệm là Tổng GĐ Tập đoàn điện lực EVN Phạm Lê Thanh. Năm 2011, ông Thanh đã "não nề" kêu lên: "Với mức lương này (7,3 triệu đồng/tháng - NV), nếu ở Hà Nội, chắc chắn cán bộ, nhân viên ngành điện sẽ không đủ sống".
Cách đây 2 năm, tức là khi đó giá cả chưa đắt đỏ như bây giờ mà lương 7,3 triệu đồng không đủ sống thì cái mức sống của cán bộ, nhân viên EVN cao, cao ngất ngưởng so với mặt bằng chung xã hội.
Thế mà hôm nay, không dừng ở đó, EVN còn xây biệt thự, bể bơi, sân tennis... cho cán bộ của mình thì bác quả là đại nhân văn chứ không chỉ là nhân văn nữa, thưa bác Vượng.
Tôi đồ rằng với mức sống như thế, với tấm lòng nhân hậu của lãnh đạo như thế, nếu EVN mở cửa, chắc 90% dân Việt sẽ tình nguyện đầu quân cho EVN.
Vâng. Nếu như chỉ dừng ở đây thì có lẽ bác Vượng xứng đáng được dựng tượng đồng, bia đá nếu như không có cái đoạn nói về kết luận của Thanh tra Chính phủ. Nó là như thế này, xin được trích nguyên văn trong bài báo trên:
"Theo kết luận thanh tra, tính đến hết năm 2011, EVN đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính khi đầu tư vốn ra ngoài lên đến 121.000 tỉ đồng, vượt 45.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ của công ty mẹ. Việc đầu tư này khiến EVN lỗ 2.195 tỉ đồng.
Cũng trong thời gian này, 7 đơn vị thành viên 100% vốn của EVN như các Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam; Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; Công ty Nhiệt điện Uông Bí, Cần Thơ đều lỗ với số tiền hơn 3.648 tỉ đồng.
Ngoài kinh doanh lỗ, việc triển khai các dự án chậm tiến độ của EVN cũng khiến tăng chi phí đầu tư lớn cho nhiều dự án. Cụ thể, từ năm 2005 đến tháng 7/2012, EVN triển khai 20/42 dự án chậm tiến độ.
Kết luận thanh tra cũng cho biết, EVN chi đến 595 tỷ đồng cho hạng mục "khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa" trong 6 dự án gồm nhiệt điện Ô Môn 1, nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Quảng Ninh 1; nhưng thực chất là 355.000m2 đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis...
Toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định".
Té ra là như vậy.
Là EVN đang thua lỗ trầm trọng. Thua lỗ cả đầu tư trong ngành lẫn ngoài ngành. Là con số "khủng", lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Té ra là tất cả chi phí xây biệt thự, bể bơi, sân tennis... được tính vào giá bán điện cho dân, khiến giá điện nay tăng, mai tăng và còn tiếp tục tăng. Nó là lời giải thích cụ thể nhất cho câu hỏi vì sao từ năm 2009 đến nay, EVN đã 7 lần tăng giá.
Té ra là nói trắng ra, EVN đã móc túi tiền của gần 90 triệu đồng bào cả nước để làm cái việc gọi là "nhân văn" theo như lời bác Chủ tịch Vượng.
Đến đây thì xin nói thẳng, nếu như EVN là công ty tư nhân, nếu EVN không độc quyền, nếu như EVN bằng tài năng của những nhà lãnh đạo mà làm ra tiền bạc để phục vụ cho cán bộ (nói cán bộ là vì tôi đồ rằng sẽ chẳng có một cô nhân viên hay cậu công nhân lao động trực tiếp, những người đang bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên những tuyến đường dây của Tổ quốc được hưởng sự nhân văn "biệt thự, bể bơi, sân tennis... cả) của mình thì quả là đáng kính phục.
Còn nếu cái "nhân văn" ấy lại có từ sự móc túi của đồng bào cả nước (như kết luận của Thanh tra Chính phủ) qua việc tăng giá điện để xây biệt thự, bể bơi, sân tennis... cho cán bộ của mình liệu có đáng được gọi là "nhân văn" hay... nhẫn tâm, thưa bác Vượng!???
Theo Dân trí
Xe ben biển số "thần tài" gây tai nạn nghiêm trọng Cố vượt vào làn đường dành cho xe mô tô, chiếc xe ben mang biển số 7979 đã gây tai nạn làm 3 người đi trên xe máy thương vong. Vào khoảng 16h ngày 7/10, ông Tuấn (50 tuổi) điều khiển xe máy BKS 94F2-1937 chở bà Lê Thị Kim Hằng (70 tuổi, cùng ngụ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và...