Cầu quay xe lửa độc đáo nhất Việt Nam
Sau nửa thế kỷ hoạt động, cầu Quay Hải Phòng bị bom đạn đánh sập và không thể quay được nữa. Tuy nhiên, hiện công trình 114 tuổi này vẫn làm nhiệm vụ đưa tàu và người dân qua sông.
Việt Nam hiện có duy nhất cầu quay sông Hàn ở Đà Nẵng còn hoạt động, trở thành điểm nhấn của thành phố. Ít ai biết rằng cách đây 114 năm, tại TP Hải Phòng, người Pháp từng xây dựng một cây cầu quay dành cho xe lửa. Mỗi khi tàu thuyền qua lại, cầu lại được quay.
Mỗi khi có tàu thuyền qua lại, một nhịp cầu được điều khiển quay dọc sông 90 độ, sau đó trở lại vị trí ban đầu cho xe lửa và người dân lưu thông. Ảnh tư liệu
Vì sao người Pháp xây cầu Quay Hải Phòng
Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi (gần 90 tuổi), khu vực nội thành Hải Phòng hiện nay xưa kia chỉ là bãi đất bồi đắp, sông ngòi dày đặc, có 2 làng cổ là An Biên và Lạc Viên tập trung nhiều cư dân sinh sống. Năm 1870-1873, vua Tự Đức cho xây dựng một bến cảng bên cửa sông Cấm mang tên Ninh Hải và một căn cứ phòng ngự bờ biển ở liền kề, gọi là nha Hải Phòng sứ.
Sau khi Pháp đánh chiến Bắc Kỳ năm 1873-1874, để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa từ Pháp sang Việt Nam, từ Việt Nam đi Trung Quốc và ngược lại, nhà cầm quyền Pháp chọn Hải Phòng xây dựng cảng biển cùng tuyến đường sắt Hải Phòng đi Hà Nội, Lào Cai và sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Video đang HOT
Nhờ đó, một loạt cầu thép nối tuyến xe lửa này ra đời như cầu Quay (Hải Phòng), cầu Phú Lương (Hải Dương), cầu Long Biên (Hà Nội)… Năm 1901, cầu Quay bắc qua sông Tam Bạc được khởi công, sau một năm thì hoàn thành. Cầu bằng dầm thép, có 2 nhịp và 3 khoang thông thuyền, phục vụ cho cả đường bộ và đường sắt. Để không gây trở ngại cho các tàu thuyền qua lại trên sông, các kỹ sư người Pháp đã thiết kế nhịp giữa cầu có thể quay ngang 90 độ, dọc theo sông.
Những năm đầu, cầu được điều khiển thủ công bởi 5-6 công nhân người Việt. Họ sử dụng hệ thống ròng rọc để quay cả một nhịp cầu dài khoảng 50 m, nặng cả trăm tấn. Sau một thời gian, việc vận hành được thực hiện bằng động cơ điện.
Cầu được người Pháp xây dựng năm 1901 nhằm kết nối tuyến đường sắt từ Hải Phòng đi Hà Nội, Lào Cai và sang Vân Nam (Trung Quốc). Ảnh: Giang Chinh
Cầu Quay trở thành trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ
Năm 1951, chính quyền lâm thời Hải Phòng đổi tên cầu Quay thành Hoa Lư (tên kinh đô nước Việt Nam đời Đinh và Tiền Lê). Sau 3 năm, cầu Hoa Lư đổi tiếp thành cầu Tam Bạc, nhưng người dân Hải Phòng vẫn quen với tên cầu Quay.
Trong các năm 1966-1967, nhằm ngăn chặn miền Bắc tiếp nhận xăng dầu, vũ khí, đạn dược từ nước ngoài qua cảng Hải Phòng, từ Hải Phòng chi viện cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt bằng đường không. Hàng nghìn tấn bom đạn trút xuống Hải Phòng. Nhiều cây cầu bị trúng bom đổ sập, hư hỏng, trong đó có cầu Quay. Kể từ đó, cầu được sửa lại và đặt cố định.
Lớn lên bên dòng sông Tam Bạc, ông Lương Văn Cường (64 tuổi, trú tại phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng) kể khi còn nhỏ vẫn cùng bạn bè gần nhà ra bờ sông ngắm cầu Quay và tàu thuyền qua lại. Cầu không quay vào giờ nhất định mà khi có tàu thuyền lớn đi qua thì nhân viên vận hành lại cho cầu chuyển động.
“Tụi trẻ chúng tôi rất thích thú, không hiểu vì sao nửa cây cầu to đến vậy chỉ cần vài người là có thể làm nó quay đi quay lại”, ông Cường kể và cho biết giờ đây cầu không còn quay như trước nhưng mỗi lần đi qua vẫn ngắm nhìn và hoài niệm về những ngày thơ ấu.
Nhằm giảm tải cho cầu trước mật độ giao thông đông đúc, năm 2013 Hải Phòng cho xây dựng cây cầu bê tông dự ứng lực song song với cầu Quay. Ảnh: Giang Chinh
Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại giữa hai quận Hồng Bàng và Lê Chân, giảm tải người và phương tiện qua cây cầu trăm tuổi này, năm 2013 Hải Phòng xây dựng cầu đường bộ Tam Bạc song song cầu Quay. Công trình từ thời Pháp thuộc chỉ còn phục vụ xe lửa và một số ít người đi xe đạp, xe máy.
Tuy không còn quay, nhưng cầu Quay vẫn trở thành điểm nhấn, là chứng nhân thể hiện sức sống mãnh liệt của người dân thành phố Cảng không chịu khuất phục trước mưa bom bão đạn.
Giang Chinh
Theo VNE
Thanh niên 'ngáo đá' cởi trần bơi trong giá rét 11 độ C
Được cảnh sát giao thông đường thủy vận động lên bờ, nam thanh niên không hợp tác, còn bốc bùn và gạch đá ném.
Vận động không thành, công an buộc khống chế đối tượng từ dưới sông lên xuồng máy.
10h30 sáng 17/12, tại sông Tam Bạc đoạn qua quận Hồng Bàng (Hải Phòng), một thanh niên la hét giữa đường, sau đó cởi quần áo nhảy xuống sông bơi trong khi nhiệt độ ngoài trời chỉ 11-12 độ C. Thấy thanh niên ngâm mình dưới sông lâu, lo sợ nguy hiểm đến tính mạng, người dân đã gọi điện báo công an.
Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an TP Hải Phòng) đã huy động 3 xuồng máy cùng hơn chục chiến sĩ phối hợp với người dân vận động đối tượng lên bờ. Tuy nhiên, anh ta không hợp tác mà còn bốc bùn và gạch đá ném về phía công an buộc lực lượng này phải khống chế, kéo lên thuyền, đưa vào bờ.
Danh tính thanh niên được xác định là Trần Văn Thắng, trú tại phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng (Hải Phòng). Công an cho biết Thắng bị phê ma túy đá nên đã bàn giao cho gia đình.
Giang Chinh
Theo VNE
Trụ sở ngân hàng duy nhất làm bằng đá ghép ở Việt Nam Được xây dựng bằng những phiến đá xanh từ thời Pháp, trụ sở Ngân hàng Đông Dương, nay là Ngân hàng nhà nước chi nhánh Hải Phòng, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp. Ngân hàng Đông Dương (Banque de l'Indochine) là cơ sở tài chính được Pháp thành lập ngày 21/1/1875 tại thủ đô Paris với mục đích phát hành giấy bạc và tiền...