Cầu Nhị Thiên Đường: Đập hay sửa?
Cầu Nhị Thiên Đường (cầu 1) – một cây cầu có 90 năm tuổi, gắn bó với nhiều thế hệ của người dân Sài Gòn – Chợ Lớn đã được UBND TP.HCM (khóa trước) quyết định xây mới vì đã xuống cấp nghiêm trọng, hiện không đáp ứng tải trọng lớn của xe lưu thông khiến cầu Nhị Thiên Đường 2 phải “gánh” lượng xe có tải trọng lớn cho cầu Nhị Thiên Đường 1.
Khi được biết thông tin phá bỏ cầu Nhị Thiên Đường 1 cũ để xây lại cầu mới, nhiều người dân ở quanh đó và biết rõ lịch sử của cây cầu đã bày tỏ nhiều lo ngại và tiếc nuối, bởi cầu Nhị Thiên Đường 1 đã trở thành một biểu tượng của Sài Gòn từ ngày xưa, gắn liền vào cuộc sống của họ.
Trong 40 năm nay có nhiều chiếc cầu ở khu vực Chợ Lớn đã bị phá như cầu Bình Tây, Bình Tiên, Ba Cẳng, Cây Gõ (lấp một số kinh, bây giờ chuẩn bị đào lại)… nên việc phá bỏ một cây cầu gắn nhiều với cuộc sống của người Sài Gòn – Chợ Lớn đã khuấy động tâm khảm của họ. Chính vì vậy một số người đã đưa đề nghị như hiện nay, cầu Nhị Thiên Đường cũ chỉ cho xe máy, xe hơi, xe tải và xe thô sơ có trọng tải dưới 1,5 tấn lưu thông từ hướng phường 13 ( quận 8) qua phường 5 (quận 8), chiều từ Chợ Lớn đi Long An. Với lưu lượng xe và tải trọng nhỏ thì sức chịu đựng của cầu có thể kéo dài từ 20 đến 30 năm nữa. Thứ hai, do cầu Chà Và nối quận 8 và quận 5 luôn bị tắc đường. Vào giờ cao điểm thường xảy ra tình trạng kẹt xe, kéo dài từ cầu Chà Và cho đến cầu Nhị Thiên Đường, gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của hai cây cầu Nhị Thiên Đường mới và cũ. Để giải quyết tình trạng kẹt xe tại cầu Chà Và, các ngành chức năng nên xúc tiến xây gấp cầu Bình Tiên. Hoàn thành được việc này, lượng người và hàng hóa, các loại xe của ba phường 13, 14, 15 (quận 5) đi qua Chợ Lớn sẽ không còn phải chạy vòng qua cầu Chà Và vừa mất thời gian và tốn thêm chi phí xăng dầu. Những chiếc cầu sẽ được dựng lên liền phường 13, 14 với phường 6 và 7 (quận 8) qua kênh Đôi, khi đó lượng người lưu thông qua cầu Nhị Thiên Đường cũ sẽ giảm và huyết mạch lưu thông từ Chợ Lớn đi Long An sẽ thông thoáng hơn.
Tuy nhiên, mới đây có một thông tin đáng chú ý nhưng do… tết nên dư luận ít quan tâm đó là việc đại diện Liên danh SBTECH (Việt Nam) – Fyfe Asia Pte Ltd (trụ sở chính ở Mỹ, có văn phòng đại diện châu Á ở Singapore) vừa có thư gửi bí thư Thành ủy TP.HCM, UBND TP và Sở GTVT về việc sửa chữa, giữ lại cầu Nhị Thiên Đường.
Theo đó, liên danh này sẽ sửa chữa, gia cường cầu cũ – hiện chỉ cho xe 1,5 tấn đi qua – đạt tải trọng không hạn chế (HL 93); mở rộng mặt cầu thêm 0,5 m thành 9 m và lề bộ hành 2 m; cải tạo lại độ dốc đường hai đầu cầu để đảm bảo an toàn khi lưu thông; khôi phục nguyên trạng kiến trúc cổ của cầu.
Thời gian sửa chữa không quá 150 ngày và trong quá trình sửa chữa vẫn đảm bảo giao thông, không phải cấm cầu. Thời gian bảo hành công trình sau sửa chữa, gia cường là 20 năm, tổng kinh phí chỉ 30 tỉ đồng.
Theo như kế hoạch xây mới thì phải tốn chi phí khoảng 170 tỉ đồng. Ở đây, chúng tôi không bàn về vấn đề tiền, vì nếu đúng và cần thiết thì tốn bao nhiêu cũng được – miễn là đừng có “chấm mút” nhưng nếu như kế hoạch của liên danh này là hợp lý vì giữ lại được hình dáng cầu cũ, không tốn hao ngân sách khi tình hình kinh tế khó khăn, không làm ùn tắc giao thông… thì chúng ta có ủng hộ không? Đứng về mặt bảo tồn những cây cầu truyền thống thì đây cũng là một đề xuất cần đặt lên bàn làm việc của Bí thư Đinh La Thăng và Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong. Mặt nào đó, quyết định này là của những người tiền nhiệm nhưng nếu xét thấy hợp lý mong rằng những người kế nhiệm có thể điều chỉnh sửa đổi sao cho hợp lòng dân cũng như… túi tiền của Nhà nước.
Theo_PLO
Những cây cầu gắn với lịch sử của Sài Gòn
Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề xuất phá bỏ cầu Nhị Thiên Đường 1 khiến nhiều người Sài Gòn tiếc nuối. Hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất này có nhiều cây cầu gắn liền với lịch sử, ký ức sâu đậm của người dân.
Cầu Mống
Video đang HOT
Cầu Mống xưa. Ảnh tư liệu.
Nhắc đến Sài Gòn không thể không nhắc đến những cây cầu, bởi rất nhiều (trong tổng số 200 cây cầu lớn nhỏ) đã gắn với vùng đất này từ thuở mới được khai phá. Là một trong những cây cầu cổ xưa nhất còn sót lại ở Sài Gòn, cầu Mống bắc qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4 (đất Khánh Hội xưa). Cầu đậm nét phương Tây, do công ty vận chuyển hàng hải Pháp Messageries Maritimes đầu tư và công ty Levallois Perret (tức Eiffel cũ) thi công vào năm 1893-1894.
Cầu dài 128 m, rộng 5,2 m, lề bộ hành rộng 0,5 m, xây bằng thép kiên cố. Thành cầu uốn cong có những khoảng trống, sơn xanh (ban đầu cầu có nước sơn màu đen). Hình dáng vòng cung giống cầu vồng nên người dân gọi tên là cầu Mống.
Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông - Tây và Đường hầm sông Sài Gòn, cầu được tháo dỡ hoàn toàn, sau khi công trình này hoàn tất thì cầu được lắp ghép lại theo nguyên bản và gia cố thêm phần trụ móng kèm trang bị chiếu sáng mỹ thuật. Hiện cầu hơn 100 tuổi đã được khôi phục dành cho người đi bộ, nơi chụp ảnh cưới, ngắm cảnh về đêm, đứng xem pháo hoa mỗi dịp lễ, tết của người dân Sài Gòn.
Cầu Thị Nghè
Cầu Thị Nghè năm 1927. Ảnh tư liệu.
Cầu Thị Nghè bắc qua rạch Thị Nghè (đoạn gần hạ lưu đổ ra sông Sài Gòn), nối quận 1 và quận Bình Thạnh. Cầu được cho là do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây vào 18 (khoảng năm 1725-1750) để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc. Chồng bà là thư ký, đương thời gọi là ông Nghè, nên nhân dân gọi bà là Bà Nghè.
Năm 1867, cầu được làm lại bằng cầu sắt, đến năm 1970 được xây mới bằng bêtông cốt thép. Từ giữa thế kỷ 19, cầu được gọi là Thị Nghè cho đến nay.
Theo sử sách, vùng Thị Nghè xưa là nơi có khu ruộng Tịch Điền, đàn Xã Tắc, miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông (những cơ sở này nằm trước nhà thương dưỡng lão, nay là Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè), miếu Văn Thánh...
Trên địa bàn Thị Nghè từng có một số cơ sở công nghiệp như: hãng Chén (nay là Công ty sứ Thiên Thanh), nhà máy Dây thép Thị Nghè (nay là Công ty vật tư Bưu Điện), hãng Dầu Phú Mỹ, hãng ôtô buýt (nay là trường Phú Mỹ), hãng Mỡ Guyonnet... Thị Nghè cũng là nơi xuất hiện một trong những nhà in đầu tiên của đất Sài Gòn: Nhà in kiêm nhà sách Joseph Nguyễn Văn Viết ra đời năm 1917.
Cầu sắt Bình Lợi
Cầu sắt Bình Lợi năm 1960. Ảnh: Panoramio
Bình Lợi là cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên, được xây dựng và hoàn thành năm 1902. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt gỗ, và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Nhịp giữa quay được cho tàu qua, xây dựng bởi công ty Pháp Lavelois Perret (tên của công ty Eiffel do Gustav Eiffel, người kỹ sư xây tháp Eiffel sáng lập).
Sau 113 năm khai thác, cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chiều cao thông thuyền của cầu chỉ còn 1,8 m nên khi có thủy triều lên, nhiều tàu đã mắc kẹt dưới gầm cầu. Bộ GTVT đang thực hiện dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới để thay thế cầu cũ. Cầu mới được xây cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu với độ thông thuyền 7 m để không ảnh hưởng đến giao thông thủy. Sau khi hoàn thành sẽ giúp vận tốc chạy tàu qua cầu Bình Lợi đạt 100 km/h.
Cầu chữ Y
Cầu chữ Y xưa. Ảnh tư liệu.
Cầu do người Pháp xây dựng vào cuối năm 1938 và hoàn thành năm 1941. Cầu nối quận 5 và quận 8 với ba nhánh giống như hình một chữ Y lớn: nhánh đường Nguyễn Biểu dài 175 m, nhánh Nguyễn Thị Tần dài 178,3 m; nhánh Hưng Phú dài 137 m. Tổng cộng chiều dài các nhánh là 490,3 m tính luôn đoạn cầu dẫn dài 913 m. Khu vực lồng cầu (ở giữa) có ba nhánh rộng 9 m, mỗi lề 0,7 m. Độ cao tĩnh không cách mặt nước là 6,3 m. Toàn bộ công trình khi xây dựng tiêu tốn 800 tấn thép và hơn 4.000 m3 bêtông.
Cầu được nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1948, 1957, 1992. Ngày 30/9/2006, trong chương trình cải tạo về giao thông của thành phố, nhánh cầu chữ Y phía quận 5 được hạn chế xe để tháo dỡ và xây lại cầu mới để đảm bảo độ cao đi dưới đường Đại lộ Đông - Tây.
Cầu Bông (còn có tên là cầu Cao Miên)
Theo cố nhà văn Sơn Nam, cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, có sách ghi năm 1736. Đây là một trong những cầu được xây dựng đầu tiên ở vùng đất Sài Gòn. Cầu này được làm bằng gỗ, nhỏ và ngắn nhưng khá nổi tiếng của đất Sài Gòn - Gia Định. Ban đầu cầu có tên là Cao Miên vì có một Phó vương Cao Miên lúc đó đang xin tá túc tại Bến Nghé, cho bắc qua sông để tiện việc đi lại (Sách Thành phố bất khuất do NXB TPHCM in năm 1984).
Câu Bông cũ trước khi được xây mới vào năm 2013. Ảnh: Panoramio.
Về cái tên cầu Bông có nhiều giả thiết, nhưng giả thiết được nhiều nhà nghiên cứu vùng đất Sài Gòn nhắc đến nhiều nhất là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt xây dựng một vườn hoa gần cầu này thì dân gian bắt đầu gọi là cầu Hoa. Sau này, người dân phải đọc trại thành cầu Huê vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa là vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị (triều Nguyễn). Sau cùng, người dân Sài Gòn đổi hẳn tên cây cầu này là cầu Bông (bông là hoa theo cách gọi của người miền Nam) cho đến nay.
Trải qua hơn 200 năm lịch sử, cầu Bông nhiều lần bị phá hủy, đánh sập nhưng nó vẫn được xây mới ngay tại vị trí cũ. Bởi đây là cây cầu huyết mạch nối liền hai vùng thị tứ của vùng đất Sài Gòn xưa kia. Trước 1975, cầu Bông được xem là trọng yếu nhất nối liền vùng Đakao của đô thành Sài Gòn với trung tâm tỉnh Gia Định (đóng tại khu vực chợ Bà Chiểu ngày nay.
Tháng 10/2013, cầu Bông xây dựng từ trước năm 1975 được tháo dỡ để xây dựng mới. Cầu Bông mới được thông xe vào tháng 6/2014 với độ tỉnh không được nâng cao thêm tạo thuận lợi cho các phương tiện đi trên đường Hoàng Sa và Trường Sa được lưu thông thông suốt dưới dạ cầu.
Cầu Nhị Thiên Đường
Cầu Nhị Thiên Đường 1: Ảnh: Panoramio.
Là một trong nhưng cầu già cỗi nhất Sài Gòn, Nhị Thiên Đường dài khoảng 1 km được xây dựng từ năm 1925, bắc qua Kênh Đôi quận 8 của vùng Chợ Lớn. Cầu không chỉ có bề dày lịch sử, mà còn là cửa ngõ kết nối Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, qua quốc lộ 50.
Điểm đặc biệt của công trình là hàng cột xanh rêu trên cầu (tương tự sắc xanh của ô cửa sổ trong các biệt thự Pháp xưa cũ) và các mái vòm cong dưới chân cầu giống nhưng các cầu cổ nổi tiếng ở châu Âu. Ngoài ra, dù được xây trong thời đại hoàng kim của cầu sắt nhưng Nhị Thiên Đường lại ngoại lệ khi được thiết kế hoàn toàn bằng bêtông cốt thép.
Sau 90 năm, cầu được cho là đã bị xuống cấp nghiêm trọng, Sở GTVT TP HCM đề nghị chi khoảng 163 tỷ đồng để xây mới cầu với kiểu dáng, kết cấu tương tự cầu Nhị Thiên Đường 2. Vị trí cầu mới cần dịch chuyển về phía cầu cũ nhằm giảm chi phí bồi thường. Quá trình xây dựng sẽ có nghiên cứu thiết kế khôi phục (lan can, chiếu sáng, trang trí...) để gợi nhớ nét kiến trúc của cầu Nhị Thiên Đường hiện hữu.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Sở XD đề nghị đình chỉ tuyệt đối dự án của Tân Hoàng Minh Sở Xây dựng HN đã đề xuất UBND TP chỉ đạo đình chỉ tuyệt đối công trình chung cư CT1 - khu nhà ở di dân GPMB của Tân Hoàng Minh do xây dựng sai phép. Sở Xây dựng HN đã đề xuất UBND TP chỉ đạo đình chỉ tuyệt đối công trình chung cư CT1 - khu nhà ở di dân GPMB...