Cầu Nhật Tân có hai tên gọi
Hôm nay 26.12, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, cầu Nhật Tân sẽ không đổi tên mà được đặt thêm một tên nữa để kỷ niệm quan hệ hữu nghị Việt – Nhật.
Cầu Nhật Tân sẽ chính thức khánh thành vào ngày 4.1.2015
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, vấn đề đặt tên cho cầu Nhật Tân được nhắc đến nhiều lần. “Gần đây nhất có cuộc làm việc giữa Việt Nam và Nhật Bản, phía bạn muốn đặt tên cây cầu là cầu hữu nghị Việt – Nhật. Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến thì đại đa số đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội không đồng ý đổi tên cầu Nhật Tân”, ông Trường nói. Lý do các đại biểu từ chối đổi tên do cây cầu gắn chặt với làng đào Nhật Tân và có ý nghĩa lịch sử với Hà Nội.
Tuy nhiên, để ghi lại mối quan hệ Việt – Nhật tốt đẹp trong giai đoạn này nên trên bảng tên gắn ở cầu Nhật Tân còn thêm tên gọi khác bằng tiếng anh với ý nghĩa Cầu hữu nghị Việt – Nhật.
Video đang HOT
“Chúng tôi đã đúc bảng tên cầu Nhật Tân bằng đồng. Trên đó có hình quốc kỳ Việt Nam và Nhật Bản, ngày khởi công, ngày hoàn thành. Bên dưới tên cầu Nhật Tân có dòng tên tiếng Anh, dịch ra có nghĩa là Cầu hữu nghị Việt – Nhật”, ông Trường nói.
Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện các đèn chiếu sáng, trang trí trên cầu Nhật Tân được bật sáng liên tục vào ban đêm để người dân góp ý. Tuy nhiên, do lượng ý kiến đóng góp về trang trí đèn không nhiều nên Bộ sẽ chuyển giao cho Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung phương án chiếu sáng, phục vụ những dịp lễ tết.
Về phương án phân luồng giao thông, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải cho hay, cầu Nhật Tân được thiết kế phục vụ cả xe máy và ô tô. Luồng xe máy được tách riêng và sẽ lên – xuống cầu thông qua các đường gom. Trước ý kiến xe máy có thể mất an toàn khi lưu thông qua cầu Nhật Tân những ngày mưa to, gió lớn, ông Trường khẳng định, sẽ không có nguy hiểm như vậy do thiết kế không giống cầu Bãi Cháy.
“Cầu Nhật Tân có 6 làn ô tô và 2 làn xe máy. Sau khi bàn bạc, Bộ đã thống nhất với Hà Nội không cho xe tải nặng đi lên cầu. Phía chân cầu Nhật Tân bên trung tâm Hà Nội sẽ được kết nối theo 2 hướng: đường Âu Cơ và đường Lạc Long Quân qua khu đô thị Ciputra. Tại đường Lạc Long Quân, đến tháng 6.2015, khi đường vành đai 2 hoàn thành, tuyến đường dẫn nối cầu Nhật Tân sẽ khớp nối với nút giao vòng xuyến Cầu Giấy, chủ yếu để xe khách, xe con lưu thông trên cao tốc cầu Nhật Tân – sân bay Nội Bài. Các xe tải đi cùng tuyến Hà Nội – Nội Bài sẽ đi trên cao tốc Thăng Long – Nội Bài”, ông Trường thông tin thêm.
Lê Quân
Theo Thanhnien
Cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam chính thức mang tên Nhật Tân
Sáng nay (5/12), HĐND thành phố Hà Nội chính thức thông qua Nghị quyết đặt đổi tên đường phố mới và các công trình công cộng. Theo Nghị quyết, cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam nối từ quận Tây Hồ sang Đông Anh chính thức mang tên Nhật Tân.
Cầu Nhật Tân (Ảnh: Như Quỳnh)
Tờ trình trước đó của UBND thành phố có 19 tên phố mới được đề xuất gồm: Thọ Giáp (quận Cầu Giấy); Bằng Liệt, Hưng Phúc, Đông Thiên (quận Hoàng Mai); Thiên Hiền, Sa Đôi, Phú Đô, Phố Nhổn, Hòe Thị, Tu Hoàng, Thị Cấm, Ngọc Trục, Đại Mỗ, Cầu Cốc, Miêu Nha, Cương Kiên, Đồng Me, Miếu Đầm (quận Nam Từ Liêm); Cầu Hang (thị xã Sơn Tây).
Công trình công cộng được đề nghị đặt tên là cầu Nhật Tân (cầu chính dài trên 3.750 m; đường dẫn 5.170 m; rộng 33,2 m) có điểm đầu phường Phú Thượng, quận Tây Hồ và điểm cuối giao với quốc lộ 3 tại km7 100, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.
Cầu Nhật Tân có tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng, kết cấu chính theo dạng dây văng với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng. Cầu Nhật Tân được triển khai đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc nội đô hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội.
Trước đó, Đại sứ quán Nhật Bản đã đề xuất đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật. Lí do được đưa ra nhằm đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Quang Phong
Theo Dantri
"Chất vấn" 3 Bộ trưởng về việc nên "ở nhà" hay "chạy ra đường" Góp ý của một đại biểu Quốc hội về việc Bộ trưởng nên tập trung làm thể chế, chính sách hơn là căng sức để giải quyết những việc sự vụ phát sinh được báo giới đưa ra "chất vấn" lại chính các tư lệnh ngành - những người hàng ngày ngồi "ghế nóng". Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: "Làm chính sách...