Câu lạc bộ tỷ phú trong nội các tương lai của Donald Trump
Những cái tên được Tổng thống đắc cử Mỹ Doanald Trump dự định đưa vào chính quyền mới đều là những doanh nhân nổi tiếng và sở hữu khối tài sản tỷ USD.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Giáo dục tương lai, tỷ phú Besty DeVos. Ảnh: SIPA
Chưa đầy một tháng sau khi đắc cử, đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần như đã định hình được bộ máy nhân sự dự kiến cho chính quyền tương lai.
Bên cạnh những cái tên được đánh giá theo trường phái bảo thủ và cứng rắn trong bộ máy an ninh đối ngoại, ông Trump đã lựa chọn không ít những doanh nhân giàu có, với tài sản lên đến hàng tỷ USD vào vị trí đứng đầu các bộ trong chính phủ Mỹ sắp tới, theo Les Echos.
Đầu tuần trước, Tổng thống đắc cử Mỹ bổ nhiệm Betsy DeVos, người thừa kế một tập đoàn công nghiệp lớn tại bang Michigan, sở hữu khối tài sản 5,4 tỷ USD làm Bộ trưởng Giáo dục. Betsy DeVos đứng thứ 88 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất nước Mỹ năm 2016 của tạp chí danh tiếng Forbes.
“Bà ấy sẽ điều hành Bộ Giáo dục để cải cách triệt để hệ thống trường học tại Mỹ”, ông Trump khẳng định với báo giới.
Ông Trump cũng mới chỉ định doanh nhân được mệnh danh “vua phá sản” của phố Wall là Wilbur Ross, như ứng viên hàng đầu cho chức Bộ trưởng Thương mại.
Ở tuổi 78, Ross đang nắm trong tay số tài sản trị giá 2,9 tỷ USD.
Xếp sau Ross cho vị trí này là nhà đầu tư ngân hàng Todd Ricketts, một nhà tài trợ hào phóng của đảng Cộng hòa trong nhiều năm qua, đang sở hữu câu lạc bộ bóng chày nổi tiếng Cubs Chicago với tài sản ước tính khoảng 1 tỷ USD.
“Phong cách lựa chọn nhân sự cho nội các mới của Tổng thống đắc cử Mỹ dường như được lấy cảm hứng từ bảng danh sách xếp hạng những người giàu nhất nước Mỹ của tạp chí Forbes”, bình luận viên Elsa Conesa nhận định.
Nội các 35 tỷ USD
Ngoài ba gương mặt trên, danh sách những ứng viên giàu có được ông Trump nhắm cho các vị trí quan trọng trong chính quyền Mỹ sắp tới còn khá dài, khiến một số tờ báo nước này đưa ra nhận định rằng Tổng thống đắc cử Mỹ đang xây dựng một câu lạc bộ tỷ phú tại Nhà Trắng.
Ở vị trí Bộ trưởng Năng lượng, giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ Continental, Harold Hamm, sở hữu khối tài sản khoảng 15 tỷ USD đang là ứng viên sáng giá nhất.
Đối với Bộ Ngoại giao, cả hai chính trị gia nhiều kinh nghiệm là Mitt Romney và cựu thị trưởng thành phố New York, Rudy Giuliani cũng đều có tài sản riêng trị giá lên đến hàng trăm triệu USD.
Video đang HOT
Cựu giám đốc điều hành tập đoàn Goldman Sachs, Steven Mnuchin, người được ông Trump mời làm Bộ trưởng Tài chính có khoảng 46 triệu USD, nằm rải rác ở một số công ty tài chính và bất động sản
Ngay cả bác sĩ giải phẫu thần kinh nghỉ hưu Ben Carson, người mới chấp nhận đề cử của ông Trump vào cương vị Bộ trưởng Nhà ở Phát triển đô thị, cũng có 26 triệu USD trong tài khoản ngân hàng.
Tạp chí Politico làm một phép tính rất thú vị, nếu tất cả cái tên này đều được lựa chọn vào nội các mới, tổng giá trị tài sản của họ và chính Tổng thống đắc cử Mỹ gộp lại sẽ rơi vào khoảng 35 tỷ USD.
Theo bình luận viên Conesa, tuy sự xuất hiện của các quan chức giàu có trong chính quyền không phải là trào lưu mới (Bộ trưởng Thương mại đương nhiệm Penny Pritzker cũng là người thừa kế của tập đoàn khách sạn Hyat với khối tài sản khoảng 2 tỷ USD), nhưng số lượng tỷ phú trong chính quyền mới của ông Trump sắp tới nhiều chưa từng có trong lịch sử chính trị Mỹ.
“Bất chấp đường lối tranh cử hướng tới tầng lớp trung lưu da trắng và chống lại giới tinh hoa Mỹ, ông Trump vẫn muốn lựa chọn nhiều người giàu có vào nội các sắp tới. Bởi một tỷ phú luôn có xu hướng thích cộng tác với những tỷ phú”, giáo sư chính trị học Larry Sabato thuộc Đại học Virginia nhận định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Tranh cãi quanh chiếc ghế ngoại trưởng dưới thời Trump
Cuộc đua vào ghế ngoại trưởng dưới thời Donald Trump được ví như chương trình truyền hình thực tế mãi chưa hạ hồi, khiến cho việc bổ nhiệm các vị trí khác bị trì trệ.
Mitt Romney (phải) đến gặp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại Câu lạc bộ Golf quốc gia Trump ở Bedminster, bang New Jersey hôm 19/11. Ảnh: Reuters
Sau hai tuần liên tục thông báo quyết định bổ nhiệm cho các chức danh trong chính phủ mới, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang đối mặt với một loạt quyết định khó khăn về việc chỉ định những vị trí còn lại trong nội các.
Một trong số đó là liệu có nên bổ nhiệm cựu thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney vào ghế ngoại trưởng hay không. Ông Romney nổi lên như là một ứng viên mà ông Trump yêu thích ngay từ đầu cho chiếc ghế ngoại trưởng, dù ông đã kịch liệt chỉ trích tỷ phú trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, theo Wall Street Journal.
Tắc nghẽn
Hôm 27/11, bà Kellyanne Conway, cố vấn cấp cao đồng thời là người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói rằng một số người sẽ cảm thấy "bị phản bội" nếu ông Romney được bổ nhiệm vào chức ngoại trưởng sau khi ông đã công khai chỉ trích ông Trump. Ông Romney đã gặp và nói chuyện riêng với ông Trump về chiếc ghế ngoại trưởng ít nhất hai lần, nhưng người phát ngôn của ông không đưa ra bình luận về vấn đề này.
Cuộc trang cãi nội bộ xung quanh chức ngoại giao cao nhất nước đã làm trì trệ mạch bổ nhiệm tương đối mau lẹ, kể từ khi phó tổng thống đắc cử Mike Pence được chỉ định làm người đứng đầu ban chuyển giao quyền lực một tuần sau ngày bầu cử. Cuộc tranh cãi cũng làm lu mờ thảo luận về các chức vụ quan trọng khác chưa được bổ nhiệm.
Ông Trump đã phỏng vấn một số ứng viên nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định bổ nhiệm ghế bộ trưởng quốc phòng. Ông cho biết ông đang cân nhắc tướng thủy quân lục chiến về hưu James Mattis cho vị trí này. Ban chuyển giao quyền lực của ông cũng bắn tín hiệu về khả năng bổ nhiệm đô đốc hải quân Mỹ Michael Rogers làm giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, nhưng quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Bên cạnh đó, có rất ít các thảo luận công khai về ứng viên có thể được bổ nhiệm vào vị trí bộ trưởng an ninh nội địa, chức vụ có trọng trách bảo đảm an toàn cho nước Mỹ trước các cuộc tấn công khủng bố trong nước.
Một số thành viên của ban chuyển giao quyền lực có kế hoạch chuyển sang các quyết định bổ nhiệm về kinh tế như Bộ Thương mại và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, các tranh cãi nội bộ có khả năng sẽ buộc Donald Trump trước mắt phải tập trung hoàn thiện đội ngũ an ninh quốc gia
Giống chương trình truyền hình thực tế
Cựu chủ tịch hạ viện Mỹ Newt Gingrich, người ủng hộ bổ nhiệm cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani vào ghế ngoại trưởng, nói rằng cuộc tìm kiếm ứng viên cho chức vụ này đang diễn ra giống như chương trình truyền hình thực tế dài hơi của Donald Trump mang tên Người tập sự (The Apprentice), khi ông công khai nghiền ngẫm về năng lực của các ứng viên và "mời gọi khán giả tham gia góp ý".
"Ghế ngoại trưởng là chức vụ duy nhất chúng tôi thấy ông ấy cố gắng tuyển dụng công khai", Gingrich nói.
Ông Gingrich, người đã chính thức từ chối làm việc trong chính quyền mới, nói rằng ông Trump có thể đang tìm kiếm các ứng viên khác và một số người bảo thủ đang tái vận động bổ nhiệm ông John Bolton, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, vào ghế ngoại trưởng.
Một nhà hoạt động bảo thủ nói rằng ông tin sự lựa chọn rốt cục sẽ dành cho hai cái tên Romney và Bolton, dù thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vẫn còn cơ hội nhỏ.
Nhà hoạt động nhận định rằng quyết định chọn ông Romney sẽ khiến ông Trump hiện lên mạnh mẽ hơn vì chống lại phe đối lập trong nội bộ của ông. Ông cho rằng Bolton sẽ là cái tên được phần lớn liên minh đảng Cộng hòa hoan nghênh dù có thể vấp phải sự phản đối ở quốc hội, vì thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Paul bày tỏ lo ngại về lập trường chính sách ngoại giao "diều hâu" của Bolton.
Ông còn nói thêm rằng chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Corker có thể vẫn còn bất an trước động thái hợp tác giữa Bolton và bà Hillary Clinton vào năm 2011, nhằm giúp Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới - một thỏa thuận nhằm cắt giảm tên lửa hạt nhân, vượt qua sự phản đối của những người phe bảo thủ.
Ông Corker nói rằng ông vui vì được cân nhắc cho vị trí ngoại trưởng nhưng ông mong muốn tiếp tục làm việc ở thượng viện, trong khi đó, ông Giuliani và các đồng minh đang vận động mạnh mẽ để ông giành được chiếc ghế này.
Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton (trái) và cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani là hai ứng viên triển vọng khác cho chiếc ghế ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: MSNBC
Ba phe nhóm
Hogan Gidley, nhà chiến lược đảng Cộng hòa, nói rằng quyết định bổ nhiệm của ông Trump cho thấy cam kết của ông không chỉ với đối với tính đa dạng hóa chủng tộc hay giới tính, mà còn đa dạng về tư tưởng.
"Ông ấy không muốn xung quanh mình là một đám người chỉ biết phục tùng", ông Gidley nói.
Tuy nhiên, Gidley cho rằng quyết định bổ nhiệm Romney sẽ rất khó chấp nhận đối với nhiều người bởi cựu thống đốc bang Massachusetts đã phản đối mạnh mẽ ông Trump trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa.
Lúc đó, ông Romney đã nói rằng ông Trump là mối đe dọa cho nền dân chủ Mỹ và "triển vọng cho một tương lai thịnh vượng và an toàn sẽ bị giảm sút nghiêm trọng" nếu đảng Cộng hòa chọn Trump làm ứng viên đại diện.
"Rõ ràng một số người trong phe của Trump có lý do để lo ngại trước khả năng ông Trump đáp lại sự căm ghét Romney dành cho mình bằng một chức vụ nội các", ông Gidley nói.
Ông nói thêm rằng nếu ông Romney đưa ra lời xin lỗi chân thành, "tôi có thể thấy quyết định bổ nhiệm Romney có lý hơn một chút".
Shawn Steel, cựu chủ tịch đảng Cộng hòa ở bang California, nói rằng nếu ông Trump chọn ông Romney, "điều này cho thấy ông ấy là một con người vô cùng khoan dung".
Reince Priebus, người được ông Trump chỉ định vào ghế chánh văn phòng Nhà Trắng, nói rằng quyết định chọn ông Romney sẽ tạo ra "đội ngũ của những người kình địch nhau" bên trong chính quyền của ông Trump, vì ông Romney có những quan điểm trái ngược với tổng thống đắc cử về nhiều vấn đề, chẳng hạn như cách Mỹ ứng xử với Nga.
Nhà bình luận Damian Paletta cho rằng các quyết định bổ nhiệm của ông Trump cho thấy ông sẵn sàng chọn người từ ba phe nhóm.
Nhóm thứ nhất là những người trung thành, chẳng hạn như Reince Priebus, thượng nghị sĩ Jeff Sessions - người được chọn vào ghế bộ trưởng Tư pháp, Steve Bannon - được bổ nhiệm làm chiến lược gia trưởng và trung tướng về hưu Mike Flynn - được chỉ định làm cố vấn an ninh quốc gia.
Nhóm thứ hai gồm những người không ủng hộ mạnh mẽ ông Trump trong vòng bầu cử sơ bộ nhưng có lý lịch sáng giá, chẳng hạn hạ nghị sĩ Mike Pompeo, người được chọn làm giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Nhóm thứ ba tập hợp những người chỉ trích ông Trump ở giai đoạn đầu của cuộc vận động tranh cử nhưng sau đó giải hòa với tỷ phú này ngay trước khi hoặc sau khi ông đắc cử. Nhóm bao gồm Nikki Haley, thống đốc bang Nam Carolina, người được chỉ định làm đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc.
"Tổng thống đắc cử đã nói trong quá trình vận động tranh cử, ông ấy sẽ tuyển chọn những người có năng lực tốt nhất có thể. Ông ấy đang thực hiện tiến trình này", ông Priebus nói.
Hồng Vân
Theo VNE
Donald Trump gặp ứng viên ngoại trưởng mới Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm nay gặp ông David Petraeus, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), để cân nhắc bổ nhiệm cho vị trí ngoại trưởng. Ông David Petraeus xuất hiện tại Tháp Trump. Ảnh: Reuters "Vừa gặp tướng Petraeus, rất ấn tượng", Reuters dẫn lời ông Trump viết trên Twitter sau khi trao đổi với...