‘Câu hỏi số 5′: Có hình nhưng chưa sự
Series phim truyền hình Cảnh sát hình sự – VFC với tên gọi Câu hỏi số 5 đang đi dần đến những tập cuối với nhiều tình tiết gây tò mò nhưng chưa thật sự hấp dẫn, gay cấn.
Phim do Bùi Quốc Việt, người mang dấu ấn với các phim hình sự trên VTV như: Đầm lầy bạc, Giọt nước rơi, Cuồng phong… làm đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên khá quen mặt trên các phim truyền hình lâu nay của VFC: Tiến Lộc, Kiều Thanh, Chí Nhân, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Thảo, Thanh Hoa… Là phim thuộc thể loại hình sự, điều tra phá án, nhưng Câu hỏi số 5 có phần mới hơn về nội dung, tạo ra các mối quan hệ phức tạp giữa các tuyến nhân vật và những mâu thuẫn nội tại ở bản thân mỗi người, không dễ dàng để biết ai xấu, ai tốt và lời giải đáp chỉ có ở tập cuối cùng của bộ phim. Tuy nhiên, phim chưa thật hấp dẫn bởi vẫn chỉ có chất hình mà chưa có chất sự như lâu nay các phim hình sự vụ án VN vẫn mắc phải.
Kịch tính, nhưng vẫn lặp lại
Thượng úy Phong (Tiến Lộc) được thăng chức Đội trưởng Đội trọng án sau khi bắt sống ông trùm Quý (NSƯT Minh Thảo), triệt phá băng đảng tội phạm khét tiếng Thiên Cơ. Đúng lúc này, anh phải đối đầu với một vụ án cực kỳ khó khăn: Truy bắt một kẻ giết người hàng loạt với 4 án mạng liên tiếp xảy ra với một điểm chung là hung thủ luôn để lại một câu hỏi tại hiện trường.
Vụ án càng thêm khó khăn với Phong khi trong những người liên quan còn có cả Thủy (Thanh Hoa), người mà Phong thầm đem lòng yêu thương. Bên cạnh đó, những đàn em của Quý như Linh Lam (Kiều Thanh) sát thủ chuyên dùng dao lam, Linh công tử (Chí Nhân) đại ca máu lạnh, liên tiếp có những thủ đoạn tàn độc. Ai là thủ phạm của những án mạng liên tiếp? Ai giật dây đằng sau cái chết của ông trùm Quý? Bằng cách kể chuyện theo kiểu án chồng lên án, mỗi tập phim dần dẫn đến một đầu mối để giải quyết những câu hỏi, để phá vụ án với nhiều tình tiết chưa có trong hồ sơ trinh sát hình sự từ trước tời giờ.
So với các phim khác trong series Cảnh sát hình sự trước đây, Câu hỏi số 5 có nhiều cái mới trong cách kể câu chuyện tạo nhiều nút thắt, kịch tính, xử lý tình huống mang tính nghiệp vụ chuyên ngành trinh sát điều tra khá, ít mắc lỗi ngô nghê, nhiều cảnh quay có sự tham gia trực tiếp của cán bộ chiến sĩ công an thật sự, làm tăng thêm tính chân thật của vụ việc trong các tình huống tiếp cận hiện trường hay đi đánh án…, thêm sinh động và góp phần hấp dẫn cho phim.
Tưởng chừng phim sẽ luôn tạo ra những pha gay cấn gây tò mò để khán giả cùng suy đoán, hồi hộp theo từng dấu chân trinh sát phá án, thì lại luôn làm cụt hứng khán giả, bởi các tình tiết trong phim hay bị lặp lại. Ví dụ như việc trùm Quý liên tiếp bị đầu độc, cho thấy công tác quản lý và quy chế trại giam lỏng lẻo đến mức một phạm nhân – tội phạm quan trọng mà có thể bị giết bất cứ lúc nào? Một tình huống khác, các phạm nhân tổ chức vượt ngục, liên lạc với nhau ở các phòng giam riêng biệt một cách dễ dàng, cứ như trong nhà mình. Hay như cách tạo ra 4 cái chết, với nghi án giết người hàng loạt bởi các chi tiết giống hệt nhau ở từng cái chết, thay vì có thể lướt qua ở các cái chết sau, thì cứ lặp lại các cảnh hiện trường vụ án, khám nghiệm hiện trường (một cách sơ sài, qua loa), rồi các trinh sát viên đi tới đi lui mà chẳng giải quyết gì hay khám phá gì tạo kịch tính. Các cảnh họp đưa ra phương án phá án cũng y như copy nhau, gây nhàm chán, làm cho tốc độ của phim chậm lại…
Video đang HOT
Diễn viên chưa nhiều sáng tạo
Điểm sáng nhất trong diễn xuất nhân vật phim có lẽ là Chí Nhân vai Linh công tử. Anh đã thoát được những vai diễn mờ nhạt, hiền lành, có phần nhạt nhẽo như đóng đinh tính cách ở các phim truyền hình khác. Trong phim, với tạo hình nhân vật khá hầm hố: Áo hoa chim cò, quần jean mài rách, khuyên tai, hình xăm vằn vện… và vẻ mặt đẹp trai nhưng không có nụ cười, ánh nhìn lạnh lẽo đầy sát khí với người đối diện…, cách điều hành đàn em xử lý công việc dù là giết người cũng tỉnh rụi, nhẹ nhàng…, vai diễn này có thể là một dấu ấn thành công của Chí Nhân.
Nhưng cũng chỉ có thế, các vai diễn chính như Tiến Lộc vai Phong – Đội trưởng Trinh sát hình sự, Kiều Thanh vai Linh lam, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Thảo, Thanh Hoa… đều lặp lại, chưa thoát khỏi các vai diễn trước của mình.
Vai diễn Phong mặt mày lúc nào cũng đăm chiêu, ngay cả khi ngồi cạnh người con gái mình thầm yêu. Khi trinh sát hiện trường thì lại rất lúng túng, từ cách cầm súng đến những bước đi tránh gây tiếng động, còn đối diện với tử thần vẫn chỉ là một gương mặt buồn buồn, thiếu hấp dẫn.
Kiều Thanh vào vai sát thủ Linh Lam – có lẽ bao nhiêu cái sắc sảo, thông minh đã dốc cho Khi đàn chim trở về – nên ở Câu hỏi số 5 vẫn ánh mắt ấy, nụ cười ấy, vẫn kiểu chị hai vừa độc ác vừa ngây thơ không có gì mới. Còn NSƯT Minh Thảo vào vai trùm Quý, anh cả băng tội phạm khét tiếng Thiên Cơ, là một kẻ khôn ngoan, quỷ quyệt, khi vào tù vẫn thao túng được nhiều việc bên ngoài, nhưng diễn xuất vẫn với kiểu mặt gian gian như ở nhiều vai diễn phim truyền hình khác và có phần nhàm chán bởi tình tiết cứ bị lặp lại nhiều lần… Vai Thủy của Thanh Hoa, bạn gái một đồng đội của Phong đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, với những quan hệ rắc rối giữa thiện – ác, nhưng diễn xuất của cô cũng chỉ là gương mặt buồn buồn, cái chau mày, cắn môi, vài giọt nước mắt, chưa ra được thân phận phức tạp của nhân vật..
Theo Việt Văn/Báo Lao Động
Khi diễn viên lên... bàn thờ
Bức hình khi còn nhỏ của sao Kpop Shim Changmin (ban nhạc DBSK) trên bàn thờ ở VN - một cảnh quay của phim truyền hình "Thề không gục ngã"... làm các fan của Changmin nổi giận.
Đoàn làm phim Quyên trong một cảnh đưa diễn viên... lên bàn thờ. Ảnh: ĐPCC
Chuyện diễn viên lên phim chết, rồi ảnh lên bàn thờ hoặc ra... nghĩa trang không có gì xa lạ. Có chăng với người phương Đông vốn duy tâm thì chuyện người còn sống mà bị thờ cúng dẫu chỉ trên phim cũng có gì đó hơi... không ổn.
Changmin ở Hàn Quốc có lẽ chưa kịp biết rằng bức hình hồi nhỏ của mình đã bị... đem thờ ở một phim Việt như Thề không gục ngã, nhưng những người hâm mộ Changmin thì nổi giận, kể ra cũng có ít căn cứ.
Cũng may là sau khi sự vụ bị "phát giác" thì ê-kíp đã gửi lời xin lỗi đến người hâm mộ, đồng thời tuyên bố sẽ chỉnh sửa các tập sau để không có hình ảnh Changmin trên bàn thờ nữa...
Nghe chuyện, đạo diễn Phan Đăng Di, khi được hỏi, đã nói: "Rõ ràng fan của Changmin nổi giận là đúng vì việc đưa bức hình một cậu bé Hàn lên phim là thiếu tôn trọng và vi phạm quyền nhân thân của người ta, đồng thời đó là một hành động vi phạm bản quyền mà đương sự có thể kiện mình được".
Đạo diễn của Bi, đừng sợ!, Cha và con và... cũng kể kinh nghiệm cá nhân của anh khi làm việc với NSND Trần Tiến (vai ông nội của bé Bi trong Bi, đừng sợ!): "Đương nhiên tôi phải thương lượng với chú về việc sẽ... chết, sẽ có đám ma cùng đám giỗ và ảnh sẽ lên bàn thờ".
Chú Trần Tiến chỉ cười: "Làm gì cũng được, tao chết bao nhiêu lần trên phim rồi, không quan trọng".
Chung suy nghĩ như Phan Đăng Di, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói: "Phim của tôi (Em là bà nội của anh - PV) có hình cô diễn viên Minh Đức chết, cô cũng vui vẻ vì đó là một phần nội dung phim. Có lẽ đã là diễn viên chuyên nghiệp thì không ai quan trọng hóa những chuyện này đâu.
Tôi còn nhớ phim Quyên (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, Phan Gia Nhật Linh làm phó đạo diễn), khi cần chi tiết ảnh Trần Bảo Sơn trên bàn thờ sau khi chết, anh Sơn chỉ nói: "Chọn hình nào đẹp trai sáng sủa nha, chứ không có lo ngại kiêng kỵ gì".
Gần đây nhất, Người trở về của đạo diễn Đặng Thái Huyền (Điện ảnh Quân đội nhân dân) cũng có cảnh bàn thờ với ảnh diễn viên Lã Thanh Huyền cười rất... tươi! Còn nhớ khi xem đến cảnh này, sau lưng người viết bài này có mấy bác khán giả lớn tuổi, thấy hình Lã Thanh Huyền trên bàn thờ, các bác cười rộ lên và nói: "Khổ, ăn bao nhiêu nải chuối rồi".
Đặng Thái Huyền thoải mái khi kể lại: "Tôi chẳng gặp khó khăn gì với việc đưa Lã Thanh Huyền lên... bàn thờ! Đọc kịch bản xong, Lã Thanh Huyền chỉ bảo chị chọn hình nào em xinh vào nhé. Thậm chí, tôi chưa hài lòng với bức hình ban đầu Lã Thanh Huyền mặc áo trắng, bảo đi chụp lại Huyền cũng vui vẻ làm ngay. Rồi tôi và quay phim ngồi chọn hình, vui như chọn... ảnh cưới ấy".
Có vẻ như các đạo diễn thì vô tư với chuyện này, nhưng còn diễn viên thì sao? Người viết đem băn khoăn ấy hỏi Lương Mạnh Hải. Anh chàng diễn viên điển trai của các phim lãng mạn nói: "Đã làm phim thì chẳng nên suy nghĩ kiêng kỵ gì hết.
Cũng chẳng có nguyên tắc gì cho việc này. Tôi dị ứng với mấy diễn viên lên báo khoe cảnh hôn này nọ là hôn giả vì sợ bạn trai ghen, rồi quan sát trong phim thì thấy hôn giả, quay né góc. Với tôi, như vậy là thiếu sự chuyên nghiệp! Đóng phim mà kiêng đóng cảnh hôn, kiêng khỏa thân, kiêng đặt ảnh lên bàn thờ, kiêng làm mặt xấu thế thì ngược đãi đoàn phim à?".
Đúng là sự chuyên nghiệp (bao gồm cả biết tôn trọng quyền nhân thân, bản quyền) là đương nhiên trong một công việc đòi hỏi nhiều yếu tố như làm phim. Nhưng, nếu ảnh trên bàn thờ là trẻ con thì sao? Lý do gì mà đoàn phim Thề không gục ngã lại chọn hình một bé trai người Hàn thay vì hình một diễn viên nhí người Việt?
Với đạo diễn Đặng Thái Huyền, cô nói: "Tôi chưa từng dùng hình trẻ con trên bàn thờ trong các phim của mình. Thì cứ tưởng tượng, đó là con mình, mình có đồng ý điều đó không? Chắc là khó! Thôi thì nếu phải dùng hình trẻ con trên bàn thờ trong phim, tôi sẽ chọn cách thương lượng với phụ huynh của diễn viên nhí, không được thì cắt ghép photoshop ảnh để chẳng giống con ai hết...!".
Đấy, nguồn cơn là vậy. Dẫu sao cũng vẫn là sự e ngại, cái kiêng kỵ, nhất là với hình ảnh của trẻ con, vẫn có nỗi sợ hãi mơ hồ, khó bước qua! Thế nên lên bàn thờ vẫn không phải là việc dễ dàng, ít ra là cho đa số!
Theo Cát Khuê/ Tuổi Trẻ
Đinh Y Nhung đóng phim của đạo diễn người Đức Nàng Lụa trong phim "Lấy chồng người ta" sẽ có mặt tại Đức vào cuối tháng 7 để tham gia phim điện ảnh của đạo diễn Norbert Lechner. Suốt 3 tháng qua, diễn viên Đinh Y Nhung sắp xếp thời gian tham gia vào khóa học tiếng Đức cấp tốc để góp mặt trong phim điện ảnh của đạo diễn Norbert Lechner. Bà...