Cậu học trò làm thuê nuôi bố mẹ bệnh tật
Chăn bò thuê, cắt lá mía, nhặt củi… ai có việc gì gọi, Lành ‘còi’ đều nhận làm. Hơn 8 năm, cậu học trò Nguyễn Đình Lành (17 tuổi) trở thành trụ cột của gia đình, nuôi bố bị tâm thần, mẹ bệnh nặng mất sức lao động.
Hình ảnh cậu bé còi cọc, đen nhẻm, lúc tất tả lùa đàn bò đi chăn, lúc lại len lỏi vào từng vườn mía cắt lá, khi ngược nông trường tìm củi cao su… đã quá quen thuộc với người dân xã Quảng Phú (Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Bà Nguyễn Thị Lịnh (mẹ Lành) bị bệnh khớp, hai tay cử động khó, đến tự chải đầu còn không làm được. Còn ông Nguyễn Đình Chăm (bố Lành) bị bệnh thần kinh, suốt ngày đi lang thang, nói cười. Để có gạo nuôi cả nhà, Lành vừa chăn bò vừa cắt lá mía thuê. Đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng cậu thanh niên 17 tuổi vẫn nhỏ tí khiến cả làng gọi là Lành “còi”.
Hết chăn bò, mót củi, Lành lại vào ruộng ngô cắt lá, sao cỏ. Ảnh: Hoàng Phương.
9 tuổi, Lành “còi” đi chăn bò thuê đổi gạo về cho mẹ. Lớn lên chút nữa, cậu nhận chăn cả đàn bò 11 con, đi cắt lá mía, mót củi cao su bán lấy tiền. Ai có việc gì thuê làm, Lành đều nhận hết.
Sáng đi học, chiều cậu lùa đàn bò lên nông trường cao su cách nhà 5 km để chăn. Thả cho bò ăn, cậu học trò tranh thủ đọc bài hoặc nhặt củi bán. Chiều về, trên lưng con bò đực to nhất đàn bao giờ cũng có một bó củi cao su. Lành bán hoặc đổi lấy gạo, mua thêm quả trứng, miếng đậu cải thiện bữa ăn cho cả nhà.
Có lần, trong lúc đi chăn bò, Lành phát hiện một con bê biến mất. Cậu vội vàng lùa bò về rồi chạy khắp nông trường tìm bê. “Em mừng suýt khóc khi thấy con bê cách chỗ chăn 3 km. Nếu để mất, em không biết lấy tiền đâu mà đền”, cậu bật cười nhớ lại.
Dắt bê về trả cho chủ lúc 22h đêm, Lành nuốt vội bát cơm nguội rồi nằm vật ra giường vì mệt. Tiền công chăn bò được 200.000 đồng mỗi tháng, Lành đưa mẹ một phần để đong gạo, phần còn lại đóng tiền học và mua sách vở. Con bê bị lạc hồi đó giờ thuộc sở hữu của cậu. Người hàng xóm tốt bụng đã bán lại cho Lành để em “làm vốn” và giờ nó là tài sản lớn nhất của gia đình.
Lên lớp 11 phải đi học cả ngày, Lành chỉ nhận chăn một con bò không công cho nhà hàng xóm để xin phân bón cho ngô. Nhà không có đất trồng lúa, chỉ có ít đất màu nên mình em “canh tác” gần sào ngô. Trưa nào cũng được sáo cỏ, bón phân nên ruộng ngô của Lành “còi” cho bắp to, mẩy hơn hẳn ruộng nhà khác.
Năm nay, ngô vừa trổ cờ, đang phun râu kết hạt thì đê Cầu Chày vỡ, lũ tràn về trắng đồng. Hôm đê vỡ, cả làng phải chạy lên đồi vì nước dâng nhanh quá. Nhìn cả cánh đồng ngô chìm trong nước lũ đục ngầu mà Lành “còi” xót xa: “Nước rút thì ngô cũng hỏng hết, em phải đốt cây làm phân bón ruộng rồi mua giống về trồng tiếp. Quê em năm nào cũng có bão lũ nên quen rồi”.
Gia đình Lành là một trong những hộ nghèo nhất xóm. Ảnh: Hoàng Phương.
Video đang HOT
Bận học không đi chăn bò thuê được, Lành đi chặt lá mía cho dân quanh vùng rồi xin lá về bán. Mỗi lần chặt được độ 10 bó, bán được 20.000 đồng. Số tiền ít ỏi đó đủ mua gạo ăn trong vài ngày.
Một lần đi cắt lá, Lành cắt cả vào tay. Máu chảy ra thấm ướt vạt áo, cậu cắn chặt vào môi, chạy về nhà nhờ hàng xóm đưa đi trạm xá. Vết thương phải khâu 4 mũi, bác sĩ bắt em nghỉ ngơi cả tháng cho khỏi hẳn. Tháng đó Lành không đi làm thuê được, cả gia đình đành phải bữa cơm bữa cháo.
8 năm chăn bò, cắt lá thuê, Lành mới sắm sửa được cho mình một chiếc quần bò. Chiếc quần duy nhất thường xuyên được giặt sạch mặc cho cả tuần. Đầu năm học, Lành nhận được áo trắng nhà trường tặng học sinh nghèo vượt khó. Còn những ngày chưa có đồng phục, cậu toàn mặc lại áo của các anh trong xóm cho.
Suốt 11 năm cắp sách tới trường, cậu chỉ toàn đi bộ. Từ nhà Lành băng qua rừng cao su, xuống trung tâm xã mất 7 km, cách trường cấp 3 gần nhất của huyện Thọ Xuân cũng 15 km. Do đó, Lành chọn thi vào trường THPT Thống Nhất (huyện Yên Định) cho gần nhà. Thường thì cậu phải đi bộ từ 5h sáng cho kịp giờ học, thỉnh thoảng Lành được bạn cho ngồi nhờ xe đến trường.
Nhà không có xe đạp nên mỗi khi chở củi, lá mía đi bán, Lành phải mượn chiếc xe cà tàng của hàng xóm. Chiếc xe cọc cạnh nhiều hôm thủng xăm, đứt xích giữa đường khiến cậu bé còi cọc phải dắt bộ cả cây số tìm chỗ sửa. Mới đây, một du học sinh nước ngoài biết hoàn cảnh của Lành đã gửi tặng em một xe đạp mới. Có xe mới, Lành “còi” cũng không dám chở củi hay chở lá mía mà chỉ để dành đi học.
Lành tâm sự, vất vả đến mấy em cũng không sợ, chỉ mong kiếm tiền để cả nhà có cơm ăn, không ngày nào bị đói. Bữa cơm của mẹ con Lành thường chỉ có đĩa rau luộc xin của hàng xóm, hiếm lắm mới có quả trứng, con cá. Lâu lắm rồi mâm cơm nhà Lành mới có thêm chút thịt của nhà có đám cưới mang cho.
Tám năm nay, cậu học trò 17 tuổi trở thành trụ cột gia đình, nuôi bố bị tâm thần, mẹ bị bệnh khớp. Ảnh:Hoàng Phương.
Đi làm thuê vất vả nhưng Lành chưa bao giờ có ý định bỏ học. Cậu tâm sự: “Bố mẹ em khổ nhiều rồi, khó khăn mấy em cũng phải học hết cấp 3 rồi thi vào một trường quân đội nào đó”. Nếu thi không đậu em mới tính đến chuyện đi làm xa kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ và nuôi bố, nhất quyết không nghỉ học giữa chừng.
Thầy Triệu Quang Hà, chủ nhiệm lớp 11A5 (THPT Thống Nhất) cho hay, Lành học không được vượt trội so với các bạn trong lớp nhưng em rất chịu khó tiếp thu bài vở, có học lực khá. Hoàn cảnh gia đình em khó khăn nhưng Lành rất ngoan, được bạn bè yêu mến.
Còn ông Nguyễn Đình Châu, Trưởng xóm 1 chia sẻ: “Gia đình Lành là một trong những hộ nghèo nhất xóm. Bố mẹ em người bị tâm thần, người không có khả năng lao động nên chính quyền muốn cho vay vốn tự làm ăn cũng khó, chỉ có thể cho hưởng trợ cấp theo quy định”.
Theo VNE
Gian nan con chữ ở bản nghèo Cha Khót
Quanh năm sống với núi rừng, mây mù bao phủ, cặm cụi soạn những trang giáo án dưới ngọn đèn dầu leo lét, những giáo viên nơi bản vùng biên Cha Khót (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) vẫn miệt mài gieo chữ cho học trò nghèo giữa đại ngàn heo hút.
Giấc mơ của người Cha Khót
Cha Khót là một bản nằm sâu tít tắp sau những dãy núi đá cao chọc trời của xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Để đến được với Cha Khót, phải đi qua những đoạn đường nhầy nhụa bùn đất, băng qua những con suối và những con đường dốc, quanh co uốn lượn, một bên là mỏm đá, một bên là vực thẳm, những đám đá nhọn dựng đứng như những lưỡi rìu chỉ chực chờ hất tung cả người và xe xuống vực. Con đường chỉ không đầy 10km từ trung tâm xã dẫn vào bản nhưng phải mất đến hơn 2h đồng hồ đánh vật, chúng tôi mới đến được với đồng bào nơi đây.
Đường vào Cha Khót.
Đặt chân vào bản cũng là lúc mặt trời đã khuất sau những dãy núi. Chiều tà càng khiến bản làng trở nên âm u và ảm đạm với bao quanh là rừng núi là mây mù bao phủ. Những ngôi nhà sàn mái lá tuềnh toàng nằm cheo leo trên những vách núi, trông xa tựa hồ như những tổ chim.
Bản Cha Khót là bản của người dân tộc thiểu số di dân về đây định cư. Đường đi lại khó khăn, gần như biệt lập với bên ngoài, điện sáng không có nên dù đã hình thành từ rất lâu đời rồi nhưng cuộc sống nơi này vẫn còn khó khăn thiếu thốn trăm bề. Dường như cái đói, cái nghèo khiến cho người ta không "mặn mà" với con chữ. Chuyện đến trường vẫn là điều xa xỉ lắm. Nơi này, 5 năm qua chỉ có 2 học sinh học hết lớp 12, còn lại đều dang dở rồi theo cha mẹ đi rừng đi rẫy. Hiện cả bản có 45 hộ/198 nhân khẩu và có đến hơn 20 người không biết chữ.
Mùa mưa, gần như bà con nơi đây bị cô lập hoàn toàn.
Con chữ chỉ đến với họ khi có bộ đội Biên phòng vào giúp dân làm ăn, xóa đi cái đói nghèo, hướng bà con đến với sự học thì con chữ ở đây mới bắt đầu được người dân quan tâm. Với giọng đượm buồn, ông Vi Văn Hợi - Bí thư chi bộ bản Cha Khót chia sẻ: "Người Cha Khót bao đời ước mơ có một con đường đi lại dễ dàng hơn, kéo ánh sáng về với dân bản. Những thứ này nếu có thì cuộc sống của dân mới cải thiện được. Điều mong muốn nữa là ngôi trường của các cháu được hoàn thiện để các cháu có chỗ học tập, mấy năm rồi công trình xây dang dở rồi để đó còn các cháu vẫn phải học ở ghép ở căn nhà cấp 4 tồi tàn, dột nát".
Thương người "gieo chữ"
Đã đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều khó khăn của những giáo viên cắm bản ở vùng cao thế nhưng chỉ khi đến Cha Khót mới thực sự ngỡ ngàng trước sự kiên trì vì sự nghiệp trồng người của những giáo viên nơi này.
Nếu không được sự giới thiệu của chiến sỹ bộ đội Biên phòng, chắc chúng tôi không nhận ra ngôi trường tiểu học và trường mầm non. Ngôi trường cũ kỹ, xuống cấp nằm im ắng nép mình trên vách núi cheo leo. Nói là trường học cho sang chứ thực ra cũng chỉ là một căn nhà được ngăn thành hai phòng cho cả khối cấp 1. Còn lớp mầm non là ngôi nhà lá được dùng chung với nơi ở của giáo viên.
Một góc bản Cha Khót.
Hôm chúng tôi đến, cô giáo mầm non Vi Thị Phấn bị ốm nên các cháu ở đây nghỉ học. Căn phòng hoang tàn, trống huơ trống hoác với vài chiếc bàn ghế cũ kỹ đặt cạnh một chiếc giường ọp ẹp là nơi cô giáo trở về sau giờ lên lớp. Khối tiểu học chỉ có 2 phòng nên 5 lớp với 31 học sinh đều phải học ghép. Một phòng bao gồm lớp 1, 2, 3 và một phòng dành cho lớp 4, 5. Học sinh của hai khối lớp ngồi quay lưng về phía nhau còn giáo viên thì cùng lúc phải dạy chương trình của nhiều lớp. Không những thế, những ngày mưa, phòng dột, lớp học tối, các thầy lại phải cho học sinh nghỉ học.
Lớp học của học trò Cha Khót.
Thiếu thốn về cơ sở vật chất đã đành, việc vận động con em của bản làng đi học cũng không đơn giản. Trò chuyện với chúng tôi, thầy Hà Văn Ninh (26 tuổi) bùi ngùi: "Cuộc sống khó khăn, trình độ dân trí thấp khiến cho ý thức về việc học con chữ không được bà con ở đây mấy bận tâm, nhiều cháu đang học giữa chừng đã bỏ để theo cha mẹ lên nương lên rẫy. Chúng tôi luôn phải cùng bộ đội biên phòng đi vận động các cháu đến trường. Hơn nữa, việc dạy các cháu ở đây cũng tương đối vất vả khi mà trình độ tiếp thu của các cháu còn nhiều hạn chế, nhiều cháu tiếng Kinh còn chưa sõi".
Khó khăn chồng chất khó khăn, ở đây do địa hình cũng như kinh phí địa phương còn hạn hẹp nên điện vẫn chưa có, chợ cũng không. Năm 2008, bộ đội Biên phòng đã tạo một con đường dẫn vào bản nhưng con đường ấy vẫn còn vô vàn khó khăn. Trời nắng đường đi đã khó, mưa xuống thì phải đến nửa tháng trời, người bản Cha Khót biệt lập với thế giới bên ngoài. Cũng chính vì thế mà mọi sinh hoạt của thầy cô đều phải tự cung tự cấp.
"Chúng tôi phải tự trồng rau, nuôi vài con gà để lấy trứng. Ngày nghỉ thì đi vào rừng kiếm con chim, con chuột cải thiện bữa ăn. Mới đầu thấy khổ nhưng lâu dần cũng quen. Mình đã chọn con đường này thì mình phải chấp nhận và thích nghi với nó". Nghe những lời tâm sự từ đáy lòng của thầy giáo trẻ mà chúng tôi thấy lòng chùng xuống.
Giáo viên nơi đây gần như phải tự cung, tự cấp là chính.
Nơi ở của các giáo viên chỉ là những ngôi nhà dựng tạm bằng tre nứa, mưa xuống dột lỗ chỗ nước. Bên trong chỉ có chiếc giường và cái bàn là tài sản. Có lẽ chính trái tim hướng về đồng bào Cha Khót đã tạo nên sức mạnh níu giữ bước chân của những giáo viên nơi đại ngàn heo hút này.
Chị Hà Thị Từng - người dân bản Cha Khót tâm sự: "Trước đây dân chúng tôi quanh năm chỉ biết đến đi làm mà còn không đủ ăn nên không ai ham chữ cả. May nhờ có cán bộ Biên phòng và các thầy cô giáo nên mấy năm nay no cái bụng, con cái biết chữ, mừng lắm".
Nguyễn Thùy
Theo dân trí
Cô học trò nghèo nuôi ước mơ từ những trang giấy nát Sau khi tan học, Hoàng Thị Vân Anh (HS lớp 9A Trường THCS Hồ Xuân Hương, Quỳnh Lưu, Nghệ An) không về nhà mà ở lại trường lặng lẽ thu nhặt những trang giấy cũ nát của các bạn mang về nhà bán gom lấy tiền mua sách vở, có tiền tiếp tục được đến trường. Đó là câu chuyện cảm động mà...