Câu chuyện về tài năng từ cuộc thi Vietnam’s Got Talent
Có ý kiến cho rằng, cuộc thi tìm kiếm tài năng Việt đang nhạt dần bởi những tiết mục dự thi chỉ “quanh quẩn” với chuyện múa, hát. Theo đúng góc nhìn ấy để lật lại vấn đề, có thể thấy được sự hưng thịnh của nghề hát và sự suy thoái của những tài năng…
Nghề hát “lấn át” nhiều giấc mơ
Cuộc thi tìm kiếm tài năng Việt (VietNam”s Got Talent 2012) đang đi đến những đêm bán kết cuối cùng. Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc thi ngày càng nhạt bởi những tiết mục dự thi chỉ “quẩn quanh” với chuyện hát, múa. Khi truyền hình đang bị “quá tải” với những sân chơi dành cho âm nhạc, khán giả chờ đợi ở một cuộc thi như Tìm kiếm tài năng Việt những điều mới, lạ. Khán giả mong mỏi ở hai chữ “Tài năng” nhiều hơn thế.
Đứng ở góc nhìn ấy để lật lại vấn đề, sẽ thấy được sự hưng thịnh của nghề hát hiện tại. Quá nhiều sân chơi dành cho ca hát. Quá nhiều gameshow, liveshow… phát sóng giờ vàng dành cho ca hát. Quá nhiều ca sỹ. Quá nhiều “chân dài”, diễn viên lấn sân đi hát. Cả khán giả, cả truyền hình, cả showbiz đều “quá tải” trước sức mạnh của âm nhạc.
Có quá nhiều sân chơi dành cho âm nhạc đang phát sóng trên truyền hình
Bởi vậy, không khó để lý giải cho sự lép vế của những tài năng khác tại mùa đầu tiên của cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt. Việc “quẩn quanh” với hát, múa tại VN”s Got Talent càng khẳng định âm nhạc đang có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nghề hát đang có sức quảng bá rộng rãi trong đông đảo công chúng. Từ những em bé còn ít tuổi như Vũ Song Vũ, Nguyễn Lê Nguyên, Thanh Trúc… đã sớm nuôi ước mơ cháy bỏng với âm nhạc.
Thử dừng lại một chút với tiết mục Đừng ngồi yên trong bóng tối (nhạc sỹ Võ Thiện Thanh) của cậu bé Nguyễn Lê Nguyên. Nguyễn Lê Nguyên khiến số đông khán giả “choáng váng” không chỉ bởi giọng hát còn bởi phong cách trình diễn quá đỗi chuyên nghiệp. Từ cách nhảy, cách tạo hình sân khấu, từ cách nhấn nhả hát đến sự dàn dựng công phu của tiết mục… Chỉ cho thấy sự chuyên nghiệp đã đến quá sớm với một cậu bé 12 tuổi. Ở lứa tuổi ấy, dù thế nào Nguyễn Lê Nguyên cũng chỉ là một… đứa trẻ. Ở một đứa trẻ, người ta vẫn thường thích sự hồn nhiên, trong sáng, thơ ngây. Nhưng tất cả những điều ấy đều không còn chút bóng dáng trong cách hát, cách trình diễn của Nguyễn Lê Nguyên. Một cậu bé 12 tuổi.
Phần trình diễn chuyên nghiệp của Nguyễn Lê Nguyên
Từ bao giờ, từ khi nào, nghề hát đã có được sức mạnh và sức ảnh hưởng lớn đến thế?
Từ khi Đàm Vĩnh Hưng “phủ sóng” tất cả những phòng hát Karaoke hay từ khi Hồ Ngọc Hà xuất hiện “đẹp như tiên sa” trên sân khấu? Từ khi Mỹ Tâm có giá cát-sê cao ngất ngưởng hay từ khi Mỹ Linh mua nhà vườn 1,3ha? Từ khi các “ sao” âm nhạc đua nhau mua siêu xe hay từ khi các “sao” rầm rập sắm hàng hiệu? Từ giọng hát, từ nhan sắc, hay từ sự giàu có, phù hoa… Nghề hát đã trở nên hưng thịnh?
Câu chuyện về hai chữ “Tài năng”
Giấc mơ trở thành ca sỹ không chỉ có sức… ám ảnh với những người có tài năng, còn có sức ám ảnh với cả những người không có tài năng.
Video đang HOT
Xem chương trình VietNam”s Got Talent, ít ra, chúng ta đôi khi cũng được giật mình, thảng thốt. Chẳng phải, khán giả đã trầm trồ trước một Vũ Song Vũ hát My heart will go on đầy cảm xúc, Thanh Trúc hát Con cò chuyên nghiệp? Chẳng phải khán giả đã bị thày giáo Vũ Trọng Phúc bỏ bùa mê? Chẳng phải, cô bé xương thủy tinh Phương Anh đã có thể khiến hàng triệu trái tim thổn thức…?
Những gương mặt nổi bật của Vietnam”s Got Talent 2012 đều chinh phục khán giả bởi tài năng… ca hát.
Từ những tài năng âm nhạc bước ra từ đời thường ấy, người ta có dịp để quay lại nhìn sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp. Bấy lâu nay, giới truyền thông vẫn mô tả đời sống âm nhạc hiện tại bằng những từ: hỗn loạn, bão hòa, tranh tối tranh sáng, vàng thau lẫn lộn… Vậy nhưng, mỗi ngày vẫn có hàng tá những tuyên ngôn sẽ lấn sân sang ca hát, sẽ trở thành ca sỹ chuyên nghiệp… Những tuyên ngôn “hùng hồn” được phát ra từ những người thậm chí chưa biết đủ “đồ, rê, mi, fa, son…”.
Số người tuyên bố lấn sân sang ca hát “ngang ngửa” với số lượng những sản phẩm âm nhạc “thảm họa” tung ra thị trường mỗi ngày.
Sự việc ca sỹ Minh Hằng “mượn” giọng hát của ca sỹ đàn chị Lan Anh, là sự việc hiếm hoi. Nhưng, là sự việc khiến người ta đặt câu hỏi, “một việc ghê gớm như thế cũng có thể xảy ra?”. Việc một ca sỹ tự xưng là chuyên nghiệp lại có thể “ăn cắp” giọng hát của một ca sỹ khác, và thản nhiên như chẳng có chuyện gì!
Minh Hằng cho rằng cô không có lỗi trong việc “mượn” giọng hát của ca sỹ Lan Anh.
Minh Hằng là một ca sỹ của sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp. Giọng hát ấy có thể sống được với sân khấu chuyên nghiệp là nhờ có những khán giả tuổi teen thích những giai điệu dễ nghe, dễ thuộc. Ca khúcBeautiful girl của Minh Hằng từng được “tung hê” như một ca khúc ăn khách với giới trẻ. Nhưng, chỉ cần bạn lắng lòng lại một chút, chỉ cần để tâm hồn mình tĩnh lại để nghe Beautiful girl, bạn sẽ đặt câu hỏi, tại sao ca khúc này chưa bị xếp vào dạng “thảm họa”?
***
Thiết nghĩ, để cảm nhận được âm nhạc, không phải là điều quá khó. Nếu bạn đã từng khóc trước giọng hát của cô bé xương thủy tinh, nếu bạn đã từng thích Thanh Trúc hát Hơ ren lên rẫy, nếu bạn từng mở You Tube để nghe lại Võ Trọng Phúc hát… Bạn hoàn toàn có thể thẩm định được ca khúc Beautiful girl của Minh Hằng, hay Da nâu của Phi Thanh Vân.
Phi Thanh Vân có nói, “định mệnh” đã quyết định từ nay cô sẽ không hát nhép nữa!
Sự ngộ nhận về tài năng của những người mạo danh ca sỹ đang góp phần khiến sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp trở nên hỗn loạn. Âm nhạc bị xô đẩy để trở thành… “thảm họa”. Những tiếng hát cất lên từ đời thường bỗng trở nên… trong trẻo lạ thường.
Khán giả sẽ tiếc nuối nếu như Võ Trọng Phúc hay Phương Anh bị loại khỏi Vietnam”s Got Talent.
Và ai sẽ tiếc nuối khi những ca sỹ như Phi Thanh Vân giải nghệ?
Theo Dân Trí
VN's Got Talent: Chờ đợi gì ở tài năng Việt?
Đã tới vòng bán kết gay cấn, loại trực tiếp từng tuần mà VN"s Got Talent dường như vẫn mới chỉ như đang đi khai hoang tài năng. Một vài ứng viên được coi là nặng ký cũng không làm cho khán giả bớt nghi ngại về cái gọi là "Talent" Việt.
Bán kết hứa hẹn sẽ là sân chơi riêng của những tài năng vượt trội, nhưng ngược lại, dù có đầu tư, có chuyên nghiệp hơn, các tài năng VN"s Got Talent vẫn chưa thật sự lột xác
Thí sinh đặc biệt: không có cơ hội được ưu ái
Với một sân chơi rộng mở như VN"s Got Talent, những thí sinh khuyết tật luôn nhận được sự ủng hộ lớn từ phía khán giả. Với họ, vượt hoàn cảnh để sống tốt đã khó, nhưng nuôi dưỡng tình yêu cuộc sống bằng chính niềm đam mê nghệ thuật là một sự đáng thán phục. Quán quân Got Talent của Trung Quốc năm 2010 Lưu Vĩ cũng đã đi từng bước thuyết phục khán giả đến ngôi vị cao nhất bằng chính tài năng chơi piano bằng chân sau khi bị tai nạn cướp đi đôi tay.
Trên sân khấu của VN"s Got Talent năm nay cũng mang đến nhiều cái tên được trông đợi như Vũ Khánh Vân, Nguyễn Thanh Bình hay cô gái xương thủy tinh Phương Anh...
Nhưng, hai trong số những tài năng này đã bị loại khỏi danh sách chung kết với việc bình chọn cũng như sự lựa chọn của ban giám khảo. Nguyễn Thanh Bình đã vô tình từ bỏ cơ hội lọt vòng trong chỉ bởi, anh muốn đổi mới trong mắt khán giả bằng tài năng hát bên cây đàn piano hơn là tài năng xuất sắc nổi trội của anh là có khả năng chơi trên 6 loại nhạc cụ. Thanh Bình bị loại là một sự đáng tiếc khi giá như, anh được tư vấn giữ nguyên phong độ cũng như tài năng mà anh từng chinh phục khán giả như ở sơ loại, có lẽ, anh sẽ trở thành đối thủ đáng gờm ở vòng chung kết.
Liệu Phương Anh có vượt các đối thủ nặng ký khác lọt chung kết
Cô gái bạch tạng Vũ Khánh Vân có lẽ là trường hợp đáng tiếc hơn cả khi mặc dù đã lọt tới top 3, cô lại bị gạt ra bởi hai vị giám khảo Thành Lộc và Thúy Hạnh để nhường cho Trường Giang chiếc vé vào bán kết. Đúng là, ở một sân chơi có nhiều tài năng ca hát thi thố như VN"s Got Talent, giọng ca của Vân chỉ vừa đủ về kỹ thuật để tự tin đứng trên sân khấu. Nhưng cái mà Vân có hơn hẳn, đó chính là niềm đam mê, cảm xúc mà cô mang lại trong từng câu hát. Cảm xúc này, cuối cùng cũng không thuyết phục được khán giả.
Màn hài độc thoại của Nguyễn Phúc Gia Huy ở vòng bán kết được bật mí sẽ có nhiều bất ngờ cuối cùng lại trở thành nỗi thất vọng. Không lấy nổi tiếng cười của khán giả, giám khảo cũng rất nhợt nhạt với lối kể chuyện hài của thí sinh khuyết tật này.
Ở nhóm các thí sinh này, chỉ còn lại cô gái mắc bệnh xương thủy tinh Phương Anh. Gây ấn tượng cực mạnh từ vòng sơ loại, Let"s dance này đã làm cho những ai, dù có đang bi quan nhất, dù có đôi chân không thể nhảy nhót cũng muốn nhún nhảy theo sự lạc quan, tự tin và đầy lôi cuốn của giọng ca ngồi trên xe lăn này. Phương Anh chắc chắn sẽ có một chiếc vé vào chung kết bằng việc bình chọn của khán giả.
Cho đến vòng bán kết này, ngay cả những thí sinh có hoàn cảnh khá đặc biệt như các bác nông dân trong Dàn nhạc dây làng Then hay các cô tiểu thương ở chợ... cũng khó kiếm được sự bình chọn của khán giả hay cái gật đầu của ba vị giám khảo. Bởi, nếu cứ lấy một cái mốc của sự chuẩn chỉnh trong một bộ môn nghệ thuật, thì các tài năng ngoại đạo này phải rèn bao nhiêu nữa để trở thành nghệ sỹ chuyên nghiệp. Trong khi, mục đích của VN"s Got Talent không phải tìm kiếm những gương mặt chuyên nghiệp.
Tài năng nào sẽ lên ngôi
Quán quân Got Talent của nhiều nước trong nhiều mùa giải đã cho thấy, tài năng nhóm rất khó bước lên bục cao nhất. Cho nên, sự xuất hiện của Tia chớp, Ngẫu hứng, Gió mới, Khát vọng, Dàn nhạc dây làng Then... có lẽ, chỉ là thứ gia vị thêm phần ngon vị cho khán giả ở vòng bán kết. Một số tiết mục thiên về biểu cảm hình thể như belly dance của Hoài Yên, múa võ trên nền nhạc cổ truyền của Nguyễn Văn Thịnh, nuốt kiếm của nhóm Bảo Cường... chỉ đủ để giải trí, nếu không muốn nói rằng, không tìm thấy đâu tài năng trong các tiết mục này.
Vì thế, có hai nhóm đối tượng khá được để tâm khi lọt tới vòng bán kết này là các tài năng nhí và các tài năng có phong độ và điển trai.
Sau hiệu ứng thầy giáo điển trai Võ Trọng Phúc, trên sân khấu VN"s Got Talent cũng vừa lộ diện vài gương mặt điển trai, hát hay và cũng có khả năng bứt phá như Ngọc Hoàng, Thái Hoàng... Một số cái tên như Hương Thảo với tài năng hát nhạc kịch, hai thí sinh có "giọng hát che lấp ngoại hình" như Nguyễn Ngọc Gia Bảo hay thầy giáo Nguyễn Xuân Trung... được kỳ vọng cũng sẽ tạo nên kịch tính cho vòng bán kết.
Các tài năng nhí đang thật sự có cơ hội tỏa sáng tại VN"s Got Talent
Các tài năng nhí ở sân chơi VN"s Got Talent năm nay khá xôm tụ với những cái tên gây hiệu ứng khán giả rất tốt như Trần My Anh, Tri Giao, Vũ Song Vũ, Thanh Trúc, Nguyễn Lê Nguyên... Gây ấn tượng ở vòng loại bằng giọng ca trong trẻo, sự hồn nhiên đến từ cách ăn mặc lẫn suy nghĩ, các tài năng nhí luôn mang đến làn gió rất mới, rất lạ và rất thú vị cho khán giả theo dõi chương trình. Nhưng việc tư vấn cho các cháu chín ép bằng những bài hát rất khó kiểu dân gian đương đại, trúc trắc như "Bà tôi" của Vũ Song Vũ hay "Con cò" của Thanh Trúc khiến người nghe cũng thấy sự non nớt và quá sức của các bé. Việc chọn một ca khúc khó của Adele khiến My Anh bị loại cũng là một điều đáng tiếc cho sân chơi tài năng này.
Còn 4 tuần bán kết nữa, khán giả vẫn đặt nhiều kỳ vọng sẽ tìm thấy những "Talent" thật sự của Việt Nam. Nhưng với những gì mà các thí sinh đang thể hiện, ngay cả những tiết mục đã chắc vé vào chung kết, vẫn chưa thật sự làm khán giả nước nhà bớt nghi ngại. Khi thí sinh đã "hết vốn", người ngoại đạo như họ sẽ lấy gì để bứt phá tạo nên sự độc đáo.
Theo Vnmedia
Vietnam's GT: Giấc mơ Susan Boyle xa vời Giấc mơ về 1 Susan Boyle của Vietnam"s Got Talent khó lòng thành hiện thực. Đi tìm Susan Boyle Việt Nam: Khó như lên trời Tại buổi họp báo công bố chính thức chương trình Vietnam's Got Talent vào tháng cuối 9/2011 nhà báo Lại Văn Sâm - đại diện VTV3 khi đó đã đưa ra kì vọng cuộc thi sẽ tìm kiếm...