Câu chuyện về em trai và chị gái khiến chúng ta rơi nước mắt
Bạn hãy đọc câu chuyện này, không phải để ước rằng mình có một người em trai như thế, mà để cố gắng trở thành một người đầy yêu thương và quan tâm như thế nhé!
Tôi sinh ra tại một ngôi làng hẻo lánh ở vùng núi. Hàng ngày, bố mẹ tôi cúi mặt xuống đất, hướng lưng lên trời để làm ruộng. Một ngày kia, tôi rất muốn mua một chiếc khăn tay, loại khăn mà hồi đó, hình như học sinh nữ nào cũng có. Thế là, tôi ăn trộm 50 xu trong ngăn kéo của bố. Bố tôi phát hiện ra số tiền thiếu ngay.
- Đứa nào đã lấy tiền vậy? – Bố hỏi hai chị em tôi. Tôi sững người, quá sợ hãi, không nói được gì.
Vì không ai nhận lỗi, nên bố tôi bảo:
- Được, nếu không đứa nào nhận, bố sẽ phạt cả hai!
Bỗng nhiên, em trai tôi kéo tay bố:
- Bố ơi, là con lấy, tại vì con muốn mua kẹo…
Em trai tôi bị bố mắng, và bị phạt, vì tôi.
Đêm hôm đó, tôi khóc ầm ỹ lên. Em trai tôi lấy tay che miệng tôi và thì thầm như ông cụ non:
- Chị đừng có khóc nữa. Chuyện gì xảy ra cũng xảy ra rồi.
Tôi không bao giờ quên được vẻ mặt của em tôi khi nó bảo vệ tôi. Năm đó, em trai tôi 8 tuổi còn tôi 11. Tôi vẫn không thể tha thứ nổi cho mình vì đã không đủ can đảm để thừa nhận lỗi lầm. Nhiều năm trôi qua, nhưng sự việc này vẫn như mới chỉ xảy ra vài ngày trước.
Khi em trai tôi học năm cuối cấp 2, nó được nhận vào một trường cấp 3 ở trung tâm thị trấn. Cùng lúc đó, tôi được nhận vào một trường đại học ở thành phố lớn. Tối hôm ấy, bố tôi ngồi ngoài vườn, hút thuốc rất nhiều. Tôi nghe lén thấy bố bảo mẹ:
- Hai đứa nhà ta đều học tốt à? Kết quả đều rất tốt à?
Mẹ lau nước mắt và thở dài:
- Thế thì cũng được gì chứ, làm sao chúng ta có đủ tiền cho cả hai đứa?
Bất chợt, em trai tôi từ đâu bước ra, đứng trước mặt bố tôi và bảo:
- Bố ơi, con không muốn học nữa, con học thế là đủ rồi.
Từ ngày nhỏ, em trai đã luôn bảo vệ và hy sinh vì tôi.
Video đang HOT
Bố tôi nổi giận:
- Sao mày kém thế hả? Cho dù bố phải đi xin tiền thì vẫn cho hai chị em mày đi học đến nơi đến chốn cơ mà!
Thế rồi, bố tôi đi gõ cửa từng nhà trong làng để vay tiền.
Trước khi đi ngủ, tôi gặp em trai tôi, nói với nó nhẹ nhàng hết mức có thể:
- Con trai thì phải học tiếp. Nếu không thì không làm sao thoát khỏi cái nghèo này.
Còn tôi, tôi đã quyết định sẽ không vào đại học rồi.
Nhưng không ai biết trước được rằng sáng sớm hôm sau, còn trước khi Mặt Trời mọc, em trai tôi đã gói một ít quần áo và gạo rồi rời nhà ra đi. Nó gài dưới chân cửa phòng tôi mẩu giấy, ghi: “Chị à, vào được đại học đâu phải dễ. Em sẽ tìm việc làm rồi sẽ gửi tiền cho chị học”. Tôi cầm mẩu giấy, ngồi trên giường, khóc đến khi cạn nước mắt và khản hết giọng.
Với số tiền bố tôi vay mượn khắp nơi, và tiền em trai tôi kiếm được từ đủ thứ công việc như khuân vác, phục vụ bàn, giao hàng…, cuối cùng, tôi cũng học được đến năm cuối đại học. Một ngày kia, trong khi tôi đang học bài trong phòng ký túc xá, thì người bạn cùng phòng từ ngoài vào bảo tôi:
- Có người cùng quê muốn gặp cậu kìa!
Sao lại có người cùng quê muốn gặp tôi? Tôi đi ra ngoài, và nhận ra em trai mình từ đằng xa. Người nó lấm lem những đất bụi, xi-măng. Tôi hỏi:
- Sao em không bảo bạn chị rằng em là em của chị?
- Ôi, chị nhìn em này – Em tôi cười – Họ sẽ nghĩ thế nào nếu biết em là em trai chị? Họ sẽ cười chị cho xem!
Tôi lại bật khóc, phủi bớt bụi trên quần áo của em, rồi bảo:
- Họ nói kệ họ, chị quan tâm gì chứ? Em là em trai chị cơ mà.
Em tôi lấy trong túi ra một cái kẹp tóc hình con bướm, đưa cho tôi và bảo:
- Em thấy các cô gái ở thành phố hay dùng kẹp tóc kiểu này. Em nghĩ chị cũng sẽ thích.
Tôi ôm lấy em tôi mà khóc. Năm đó, em tôi 20 tuổi, còn tôi 23.
Sau khi kết hôn, tôi sống ở thành phố. Nhiều lần vợ chồng tôi mời bố mẹ đến ở cùng, nhưng bố mẹ bảo đã quen sống ở quê rồi, lên thành phố không biết làm gì sẽ rất buồn. Em trai tôi cũng đồng ý như vậy. Em tôi bảo:
- Chị à, chị cứ chăm sóc gia đình nhỏ của mình nhé. Em ở quê sẽ chăm sóc bố mẹ.
Chồng tôi trở thành quản lý một nhà máy. Chúng tôi bảo em tôi nhận chức phụ trách phòng bảo dưỡng, nhưng em tôi không nhận, mà cứ ở quê làm nghề thợ sửa máy.
Không may, một hôm đang sửa dây cáp thì em tôi bị điện giật và phải vào viện. Vợ chồng tôi tới viện thăm nó. Nhìn một bên chân bị bó bột của em tôi, tôi càu nhàu:
- Sao em không tới nhà máy để làm phụ trách? Người phụ trách không phải làm những việc sửa chữa nguy hiểm như thế! Sao em không nghe lời chị?
Em trai tôi nghiêm túc bảo vệ quyết định của mình:
- Chị nhìn anh rể xem, anh ấy mới trở thành giám đốc. Em thì không học hành đàng hoàng, nếu em làm phụ trách, mọi người sẽ nghĩ gì về anh rể?
- Nhưng em không được học là vì chị! – Tôi gắt.
- Sao chị cứ phải nói đến chuyện cũ thế? – Em tôi xua tay.
Năm đó, em tôi 26 tuổi, còn tôi 29.
Khi em tôi 30 tuổi, nó kết hôn với một cô gái ở quê. Trong buổi lễ kết hôn, khi người chủ hôn hỏi:
- Ai là người mà con tôn trọng và yêu quý nhất?
Em trai tôi lập tức đáp:
- Là chị của con ạ.
Từ em trai mình, tôi học được rằng cần luôn yêu thương và quan tâm đến người thân của mình mỗi ngày.
Và em tôi đã tiếp tục kể một câu chuyện mà chính tôi còn không nhớ:
- Khi con học lớp 1, hai chị em con học cùng trường, mà trường ở làng khác nên rất xa nhà. Hàng ngày, chị em con đi bộ hai tiếng để tới trường rồi hai tiếng để về nhà. Một hôm, giữa mùa đông lạnh buốt, con làm mất một chiếc găng tay. Chị con đưa một chiếc găng của chị ấy cho con. Chị ấy chỉ đeo một chiếc găng mà chúng con vẫn đi bộ rất xa về nhà. Khi về tới nơi, tay chị ấy run lên cầm cập vì lạnh, đến bữa ăn còn không cầm nổi cái thìa. Từ hôm ấy, con đã tự hứa rằng mình sẽ luôn đối xử tốt với chị.
Mọi người trong khán phòng đều đứng dậy vỗ tay, và họ quay ra nhìn tôi. Còn tôi chỉ nói được một câu: “Trong cả cuộc đời mình, người tôi muốn cảm ơn nhiều nhất chính là em trai tôi”.
Và nước mắt tôi lại rơi.
Từ em trai tôi, tôi đã nhận được bài học vô giá, đi theo tôi mãi mãi, đó là hãy luôn yêu thương và quan tâm đến người thân của mình mỗi ngày. Có những việc bạn làm và nghĩ đó chỉ là một hành động nhỏ, nhưng với người khác lại có ý nghĩa rất nhiều và có thể là một ký ức không thể quên. Các mối quan hệ bền vững đều cần được nuôi dưỡng bằng tình yêu và sự quan tâm như thế.
Theo hoahoctro.vn
Cha già con cọc vẫn vui
Sự bướng bỉnh và bồng bột của tôi đã dần dần được sự điềm tĩnh và chín chắn của anh chế ngự. Trong quá trình chung sống, tôi học được từ anh khá nhiều.
Khi tôi tiến tới với anh, bạn bè cảnh báo rằng đừng để tương lai gia đình lâm vào cảnh "cha già con cọc". Anh hơn tôi 15 tuổi, còn tôi mới bước sang hai lăm, còn trẻ trung phơi phới. Nhưng khi con tim đã có những lý lẽ riêng thì người ngoài nói gì chỉ là câu chuyện của họ. Tôi vẫn bướng bỉnh như cá tính con người tôi lâu nay vẫn thế. Việc tôi và anh "về chung một nhà" đã được người trong cuộc nhanh chóng tiến hành để mối tình nhiều đàm tiếu của chúng tôi đi đến kết thúc có hậu.
Ảnh minh họa.
Sau khi kết hôn rồi, tôi mới cảm nhận việc người đàn ông trong gia đình chênh lệch tuổi với người bạn đời trước đó bị mọi người cảnh báo nọ kia, hóa ra với tôi đó lại là một may mắn. Anh là người chồng và cũng là người anh lớn của tôi. Sự bướng bỉnh và bồng bột của tôi đã dần dần được sự điềm tĩnh và chín chắn của anh chế ngự. Trong quá trình chung sống, tôi học được từ anh khá nhiều.
Rồi chúng tôi có con. Trong suốt quá trình tôi mang bầu, vì là người từng trải và đọc nhiều sách nên anh nắm khá vững tâm lý không ổn định của người phụ nữ sắp lên thiên chức làm mẹ, và luôn sát cánh động viên tôi mọi lúc mọi nơi. Chứng cáu kỉnh và sớm nắng chiều mưa của tôi, anh cũng không lấy đó làm phiền lòng mà nhanh chóng nắm bắt cũng như hóa giải. Thành thử tôi tận hưởng quãng thời gian bầu bì khá dễ chịu.
Công chúa bé bỏng chào đời trong niềm hạnh phúc lâng lâng của những người mới đảm nhận thiên chức làm cha làm mẹ. Anh yêu chiều con gái nhỏ vô điều kiện, và với trái tim nồng ấm cùng sự tận tụy hiếm thấy. Chúng tôi và con gái đã lớn lên cùng nhau, nắm tay nhau vượt qua mọi khó khăn vui buồn của cuộc sống.
Anh yêu chiều con gái nhỏ khiến tôi hạnh phúc và yên tâm vô cùng. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên mọi sự chỉ bắt đầu khi con gái chúng tôi đi mẫu giáo. Thời điểm đó anh bận bịu nên khá xuề xòa trong ăn vận và không trau chuốt nhiều về mặt hình thức. Râu anh để trong thời gian dài mà không chịu cạo, khiến trông anh như già thêm chục tuổi.
Có lần anh đi đón con, mà cô giáo mới chuyển đến còn tưởng ông đi đón cháu. Khi anh bước vào và còn đang đứng tần ngần ở cừa lớp, cô giáo mới đã nhanh nhảu thông báo với con gái tôi việc cháu nên ngừng chơi để thu xếp ra về vì có ông đến đón. Cả lớp cười ồ.
Cháu khóc suốt dọc đường hôm đó. Về tới nhà, cháu gào lên và nói rằng không muốn ba đi đón con nữa. Con bị bạn bè trêu chọc quê muốn chết.
Hình ảnh minh họa
Lúc đó con gái vẫn đang đứng khóc và trút nỗi oán hận vào người cha. Anh nhẹ nhàng ngồi xuống, thấp hơn con và nhìn sâu vào mắt cô con gái nhỏ. Cảm giác con gái được anh tôn trọng như một người bạn có tâm thế ngang bằng. Anh nói rằng con gái là báu vật lớn nhất trong cuộc đời anh, rằng nếu hôm nào anh được về sớm đón con thì ngày đó là ngày anh cảm nhận được ý nghĩa và hạnh phúc nhất. Chỉ cần con hạnh phúc vì có ba và mẹ luôn bên cạnh con, thì những lời nói nhạo báng hay sự cười cợt ngoài kia chỉ chứng tỏ đám đông ấy kém tế nhị. Hãy dũng cảm vượt qua sự chỉ trỏ của đám đông bằng cách đi xuyên qua nó.
Ngày hôm sau, anh đưa con gái đến lớp. Trước mặt cô giáo và cả lớp, con gái tự tin dõng dạc giới thiệu đây là ba của con. Con yêu và tự hào về ba nhất trên đời. Rồi con gái ôm lấy ba thơm chút chít. Cả lớp vỗ tay rào rào.
Thời gian trôi đi, con gái càng ngày càng hợp tính và quấn quýt với ba còn hơn cả mẹ. Ngắm nhìn cha con họ chăm nhau, tôi thầm nhủ: "Mặc đám đông kia nói gì, cha già con cọc vẫn vui".
Theo phunuonline.com.vn
Tâm sự của mẹ 9x gây sốt mạng xã hội: Đừng vì cho chúng tôi miếng cơm, rồi nói chúng tôi ở nhà chăm con là ăn bám Câu chuyện nói về nỗi niềm của bà mẹ bỉm sữa, gác mọi công việc của mình để ở nhà chăm con. Thế nhưng, cũng chính vì vậy mà "người không đi làm, ở nhà chăm con, sẽ được mang tiếng là" ăn bám" Có không ít bà mẹ bỉm sữa sau khi sinh con, chọn cách từ bỏ công việc hiện tại,...