Câu chuyện tự chữa bệnh viêm phổi Vũ Hán của nữ y tá: Hành trình 11 ngày đủ cung bậc cảm xúc và lời khuyên quý báu tiếp thêm sức mạnh cho mọi người
“Ngày tôi bị chẩn đoán nhiễm virus corona là vào đêm Giao thừa. Tôi không ngờ rằng khoảnh khắc bắt đầu mùa xuân là lúc nhận lấy điều tiêu cực nhất. Nhưng tôi tin rằng mùa đông rồi cũng sẽ qua, mùa xuân nhất định sẽ đến”, nữ y tá 24 tuổi nghẹn ngào chia sẻ.
Vào tối ngày 4/2, Giả Na, một y tá 24 tuổi làm việc ở Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán đã đăng một bài viết trên Weibo, tường thuật lại quá trình khi phát hiện mình bị nhiễm virus corona đến việc cách ly tại nhà trong vòng 11 ngày. Cuối cùng, cô đã tự khỏi bệnh bằng cách uống thuốc và tự thân miễn dịch thành công.
Qua một đêm, bài đăng “nhật ký phục hồi” của Giả Na đã thu hút hơn 1,79 triệu lượt người xem và nhận được hơn 250.000 lượt thích. Việc tự phục hồi thành công của Giả Na dường như mang lại tia sáng cho mọi người trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành như hiện nay. Một cộng đồng mạng bình luận: “Tôi đã đưa ảnh chụp màn hình Weibo của cô cho các bạn đồng nghiệp bị bệnh xem, và đột nhiên họ cảm thấy tràn đầy hy vọng”.
Nhật ký tự chữa bệnh của Giả Na thu hút nhiều sự quan tâm của mọi người.
Vào ngày 23/1, một đồng nghiệp của Giả Na bị chẩn đoán nhiễm virus corona. Vì sự an toàn của mình, Giả Na quyết định đi chụp CT. Lúc đó, cô không có cảm giác khó chịu nào khác ngoài cơn đau mờ nhạt ở cổ họng. “Thời điểm đó, tôi đã quyết định đi chụp CT để chắc chắn rằng mình không bị nhiễm virus corona, mới có thể trấn an bản thân và quay trở lại làm việc bình thường”, cô chia sẻ. Thế nhưng mọi thứ không như cô nghĩ, kết quả chụp CT cho thấy phổi giống như thủy tinh mờ.
Vào sáng sớm ngày giao thừa (24/1), Giả Na đã biết rằng mình không thể thoát khỏi chuyện này. Tất cả những kết quả trong bảng kiểm tra sức khỏe cho thấy, cô đã bị nhiễm virus corona. “Tôi thức suốt đêm hôm đó và cứ nghĩ về việc mình bị bệnh. Không biết có vượt qua được không? Tôi sợ mình sẽ chết. Cực kỳ sợ”, cô viết trong bài đăng.
Công việc của Giả Na là làm việc trong phòng cấp cứu, nơi mà có rất nhiều bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Cô nhớ lại nhiều bệnh nhân đang sốt và được theo dõi bằng cách truyền dịch, và tất cả họ đều bị nghi ngờ nhiễm virus corona. Cô nghĩ rằng, có thể mình đã bị nhiễm trùng khi chích cho bệnh nhân.
“Tôi luôn đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ. Có thể nói rằng, xác suất bị lây bệnh như vậy là rất nhỏ. Nhưng tôi đã gặp phải điều rất nhỏ ấy. Vì vậy tôi chỉ có thể đối mặt với thực tế một cách dùng cảm”.
Vào sáng sớm ngày Giao thừa, Giả Na đã đưa các kết quả xét nghiệm, kiểm tra cho các bác sĩ khác để tham khảo ý kiến và họ kết luận rằng, các tổn thương tương đối nhỏ và các triệu chứng lâm sàng đều không rõ ràng. Cô chỉ là một bệnh nhân bị nhiễm bệnh nhẹ.
Trước tình hình hiện tại, các bác sĩ đã khuyên cô nên về nhà uống thuốc cách ly để tránh bị nhiễm bệnh chéo. Trước khi rời đi, bác sĩ đặc biệt ra lệnh: “Về nhà hãy trở thành học sinh 3 giỏi: giỏi ăn, giỏi ngủ và giỏi giữ tinh thần”.
Đến buổi tối, Giả Na miễn cưỡng mở điện thoại tìm đoạn video ra ngoài đi chơi vui vẻ cùng bạn bè và đăng lên mạng xã hội. Trong bài đăng của mình, cô viết rằng, hôm nay là ngày năm mới, chúc mọi người có một năm mới hạnh phúc.
Trong video đó, có thể thấy được Giả Na vốn là cô gái vui vẻ, hoạt bát, thích làm nhiều trò trước máy chụp hình. Hình ảnh của cô là đại diện cho thế hệ sinh năm 1995 tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. “Đây thật sự là một chiến lược mà tôi hết sức cẩn trọng. Tôi cố gắng để bố mẹ không biết mình bị bệnh”. Sau khi hồi phục, Giả Na đã chia sẻ sự thật này.
Một trận chiến đơn độc
Giả Na tốt nghiệp Đại học Trịnh Châu với bằng cử nhân chuyên ngành điều dưỡng. Năm 2019, cô chính thức làm việc tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán. Cô đã thuê một căn nhà và ở cùng với những người bạn khác. Trước Tết, những người bạn cùng phòng cũng đã về quê, chỉ còn lại một mình Giả Na trong nhà.
“Tôi đã không đi ra ngoài và ở nhà một mình. Tôi tuyệt đối không để việc này ảnh hưởng đến ai và sẽ quyết tâm cắt đứt mọi sự lây lan. Việc cần làm tiếp theo chính là việc tôi phải chiến đấu để chống lại con virus này”, Giả Na viết trên Weibo.
Những ngày tự mình cô lập trong nhà, Giả Na ăn uống thường xuyên, làm việc thường xuyên. Cô ăn súp gà, súp cá, súp sườn heo, cháo kê… Thức dậy vào buổi sáng để uống sữa nóng và ăn trứng để tăng cường chất dinh dưỡng. Giả Na là người hiểu bản thân mình hơn ai hết, vũ khí lớn nhất trong trận chiến này chính là việc tự lực vươn lên, tự mình thay đổi sức khỏe để chống lại con virus này.
Video đang HOT
Mỗi ngày, đồng nghiệp Giả Na chủ động mua thịt và rau và đặt chúng trước cửa nhà của cô. Cô không bao giờ bỏ qua chất protein và rau tươi trong các bữa ăn của mình. Cô cũng bắt đầu dọn dẹp toàn diện và khử trùng nhà cửa.
Trên Weibo, Giả Na chia sẻ: “Tôi đã lau bàn bằng chất tẩy rửa 84 bằng cách pha loãng, dùng cồn 75% để xịt lên mền và quần áo. Tôi đã làm điều đó mỗi ngày. Mở cửa sổ ít nhất hai lần mỗi ngày, mỗi lần nửa tiếng. Tôi cũng cẩn thận để không bị cảm lạnh. Nếu thời tiết tốt thì phơi nắng. Tắm nước nóng vào ban đêm để tiêu diệt virus trên cơ thể bạn. Rửa tay thường xuyên. Sử dụng nước rửa tay chuyên dụng và phải rửa tay đúng 7 bước”.
Giả Na bắt đầu dùng thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ khó chịu nhưng Giả Na vẫn rất nội lực để vượt qua. Cô uống nhiều nước và sau đó nghỉ ngơi. Hầu hết các phản ứng khó chịu ấy từ từ giảm dần sau một giờ.
Giống như những bệnh nhân bị nhiễm virus corona, Giả Na cũng trải qua nỗi sợ hãi, buồn bã và bất lực trước những kết quả không xác định. Vào đêm giao thừa, bố cô đã gửi một đoạn video: “Vũ Hán, cố lên” như ý muốn cô tự bảo vệ sức khỏe của mình. Lúc đó, bố mẹ đều không hề hay biết việc cô đang một mình chống chọi với bệnh này.
Không muốn để lộ bất cứ nghi vấn nào, vào ngày đầu tiên của năm mới, Giả Na đã gọi điện thoại cho từng người lớn tuổi trong nhà để chúc Tết. Lúc này, các triệu chứng của bệnh của dần xuất hiện, cơ thể bắt đầu đau và yếu, nôn mửa nhiều, miệng khô rát. Chỉ cần mở cửa sổ nhỏ đã khiến cô ho dữ dội. May mắn thay, cô không bao giờ bị sốt.
Một sự kiên trì không gì so sánh được
Có lẽ vì tính cách lạc quan của mình mà Giả Na bắt đầu biết điều chỉnh tâm lý hơn. Trong số những yêu cầu của bác sĩ trước khi Giả Na về nhà, thì việc giỏi giữ tinh thần là một việc vô cùng khó khăn.
Vài ngày sau, Giả Na bắt đầu vui vẻ trở lại. “Sợ hãi chỉ có thể khiến tôi thêm lo lắng và buồn bã. Nó thật sự không giúp ích được gì cho bệnh tình. Mặc dù tôi phải đối mặt với nhiều điều chưa biết, kết quả có thể không quá tệ. Nhưng việc điều trị hợp lý sẽ là quan trọng hơn tất cả”.
Vào buổi sáng ngày 28/1, Giả Na quấn mình thật chặt và đi bộ đến bệnh viện để xem xét các xét nghiệm khác. Có rất nhiều người ở bệnh viện trong ngày hôm đó, và cô ấy đã ngồi chờ nhiều tiếng đồng hồ.
“Có lẽ trong mắt nhiều người, nhân viên y tế chắc chắn sẽ được đặc cách hơn trong việc điều trị, nhưng trong trường hợp này thì không phải. Hiện tại, Vũ Hán chỉ có quyền kê đơn thuốc cho bệnh nhân bị sốt. Các quyền kê đơn khác đều tạm dừng. Vì vậy, tôi đã xếp hàng như những bệnh nhân ngoại trú thông thường và không ai biết tôi là ai cả”, cô viết.
Trong lúc xếp hàng, Giả Na nhìn thấy rất nhiều bệnh nhân, một số người đến đây từ 3 giờ sáng, một số thì rất ốm yếu, một số thì tranh cãi không kiên nhẫn. Giả Na có chút khó chịu. “Tôi cũng bị bệnh. Tôi không có khả năng làm cho bệnh nhân cảm thấy bớt đau. Thật bất lực. Sau đó, tôi đã ngồi một mình trên ghế bệnh viện và khóc rất lâu”.
Sau khi nhận được kết quả chụp CT, Giả Na cảm thấy khá tốt vì tình trạng sức khỏe có tiến triển tốt. Mặc dù xét nghiệm axit nucleic vẫn dương tính nhưng cô có đủ tự tin để tự an ủi bản thân rằng, bệnh nội tạng đã được kiểm soát và những cái khác có thể từ từ hồi phục. Ngày cả khi cảm lạnh, mọi người cần 7 ngày mới phục hồi thì việc viêm phổi phải cần kiên trì và nhẫn nại hơn.
Những ngày sau đó, cô tiếp tục đi ngủ sớm, bổ sung dinh dưỡng và tự giải trí bằng cách đọc và xem lại bài luyện thi. Cô cũng chú ý đến thông tin trợ giúp của một số bệnh nhân trên Weibo, và có thể trả lời một số câu hỏi trong khả năng.
Vào ngày 4/2, Giả Na đến bệnh viện để xét nghiệm về axit nucleic một lần nữa và mọi thứ khiến cô bất ngờ.
“Cảm giác chờ đợi kết quả như tâm trạng khi nhìn vào kết quả của kỳ thi tuyển sinh Đại học và tôi không dám đối mặt với nó. Nhưng cuối cùng, tôi đã thực sự tự chữa lành bệnh của mình”.
Trong trận chiến không có khói này, Giả Na ngày càng tiến gần đến sự chiến thắng. Tối hôm đó, cô đã tóm tắt kinh nghiệm của mình trên Weibo như sau:
“Khi bạn nghi ngờ rằng mình bị nhiễm virus corona và bạn không thể xác định được điều đó, hãy chú ý cách ly, bảo vệ người khác và bảo vệ chính mình. Để nhận biết những thay đổi trong cơ thể, hãy nghĩ về lý do và thực hiện các biện pháp như, liệu dạ dày bạn có lạnh không, hãy thử uống nước nóng. Cầm điện thoại di động chơi rồi nằm ngủ.
Đừng nghi ngờ về căn bệnh này. Virus corona không quá khủng khiếp đối với những người khỏe mạnh và không mắc các bệnh cơ bản. Chỉ cần cố gắng vài ngày thôi. Nhưng ít nhất chúng ta không lây nó sang cho người khác. Chúng ta phải tự cô lập chính bản thân mình”.
Kinh nghiệm cho bản thân
Trong hai ngày, Giả Na cảm thấy rằng cô không sợ lạnh và thỉnh thoảng nhìn vào khung cảnh bên cửa sổ, chợt phát hiện ra rằng nơi mình đang sống là một góc đẹp của Vũ Hán. Vào mùa đông ở Vũ Hán, bầu trời rất xanh, cây cũng xanh, con đường dưới cửa sổ dẫn thẳng đến cầu sông Dương Tử, mọi thứ rất yên bình và nên thơ.
Trong các bình luận trên Weibo, có nhiều cư dân mạng đã gửi lời chúc phúc đến Giả Na. Khi cô rảnh rỗi và cảm thấy khỏe trong người thì sẽ trả lời từng câu hỏi của mọi người, sử dụng kinh nghiệm của bản thân để làm giảm bớt đi sự lo lắng cho họ. Đối với một số bệnh nhân khác, cô đã kịp thời khuyên họ đến bệnh viện điều trị.
“Vóc dáng của mỗi người đều có đặc thù riêng. Kinh nghiệm của tôi chỉ có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho mọi người. Những gì tôi chia sẻ không phải để mọi người làm theo y chang, nhưng để khuyến khích mọi người nên có lòng tự tin. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta sẽ tốt hơn nếu như chúng ta biết chữa lành cho chính mình. Chỉ cần mình khỏe mạnh, thì sẽ giúp được người khác cùng khỏe”.
Trong cuộc phỏng vấn, Giả Na luôn nhấn mạnh rằng phòng ngừa và điều trị khoa học là cách quan trọng nhất để đối phó với virus corona. Và một suy nghĩ tích cực, hợp lý cũng quan trọng không kém. Giả Na nói rằng, cô là một người may mắn.
“Mọi người đang làm phần việc của mình để giành chiến thắng trong trận chiến này. Đối với chúng ta, việc cần làm là không nên lan truyền tin đồn mà hãy bảo vệ chính mình”, cô viết trên Weibo.
Giả Na nói rằng, trong 11 ngày bị cô lập, mỗi ngày cô đều nhận được nhiều lời động viên từ các nhà lãnh đạo và đồng nghiệp, điều đó khiến cô cảm thấy biết ơn sâu sắc rằng, trong trận chiến kia không phải có một mình mình chiến đấu mà còn được bảo vệ bởi rất nhiều tình yêu thương xung quanh.
Và Vũ Hán không phải là một thành phố để chiến đấu.
Giả Na sẽ kiểm tra axit nucleic một lần nữa trong những ngày tới đây. Nếu như cô nhận kết quả âm tính thì sẽ trở lại công việc của mình càng sớm càng tốt và tham gia vào trận chiến cùng mọi người. Không có mùa đông nào không thể vượt qua, không có mùa xuân nào không thể đến. “Vào thời điểm đó, Vũ Hán vẫn là Vũ Hán, nhưng người Trung Quốc sẽ thắt chặt tình yêu thương hơn”, cô viết vào cuối bài đăng.
(Nguồn: People)
Theo toquoc.vn
Bác sĩ Việt giữa tâm dịch
Đã tám ngày, các y bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới trung ương phải cách ly để chống dịch viêm phổi nCoV, nhiều người bị chủ nhà trọ dọa đuổi vì sợ lây bệnh.
7h30' sáng 7/2, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội, mặc quần áo phòng hộ vào khám cho bốn bệnh nhân dương tính với virus corona. Sức khoẻ họ ổn định, đa số đã dứt sốt.
Khoa Cấp cứu có 5 bác sĩ, cùng một số y tá đã bị "cấm trại" suốt tám ngày qua để theo dõi, điều trị bốn bệnh nhân đồng thời sẵn sàng ứng phó trước những diễn biến mới của dịch.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng. Ảnh: Phan Dương.
Từ tối 30/1, khi có kết quả hai bệnh nhân Vĩnh Phúc dương tính với nCoV, anh Hùng chỉ kịp về nhà xách vali đã được vợ chuẩn bị, hôn má hai con khi chúng đã ngủ, rồi vào viện. Vợ anh làm cùng ngành y nên không lạ lẫm với việc này nhưng mẹ anh thì lo. "Bà khóc tu tu, không muốn cho đi. Tôi nói: 'Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai", bác sĩ Hùng kể. Ngày nào anh cũng phải gọi cho mẹ một hai lần để bà yên tâm.
Ngồi nói chuyện nhưng chốc chốc bác sĩ Hùng vòng tay ra sau lưng, đấm nhẹ. Tám đêm nằm trên ghế lạnh và cứng của bệnh viện, không quen nên lưng đau ê ẩm. Hôm qua, anh buộc phải mua một tuýp thuốc giảm đau.
"Tôi từng tham gia chống dịch H1N1 năm 2009, chiến đấu với dịch MERS-CoV năm 2012, cùng các dịch cúm, sởi, sốt xuất huyết... Hồi chống dịch H1N1, tôi từng rất lo vì chưa biết khả năng lây lan, độc lực của chủng virus mới này thế nào. Đến khi có kiến thức về bệnh rồi thì yên tâm", bác sĩ Hùng nói và cho biết, ngay khi Trung Quốc báo trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên, anh và các đồng nghiệp đã lao vào tìm hiểu cơ chế bệnh sinh của nó.
"Lúc Việt Nam chưa có trường hợp nào mắc, chúng tôi đã biên soạn tài liệu, phổ biến về bệnh, xây dựng kịch bản ứng phó", anh Hùng kể.
Trong căn phòng nhỏ ở khoa, bác sĩ treo mấy chiếc áo len bên ngoài cánh tủ, tận dụng chút gió điều hoà cho khô. Dưới gầm bàn làm việc là chiếc vali chứa tất cả quần áo cho những ngày chống dịch, chưa biết kéo dài tới bao giờ.
Bữa trưa 7/2, các y bác sĩ có thêm bánh tro, do một người dân mang tới tặng. Ảnh: Phan Dương.
Khoảng một tuần nay, Khoa Nội Tổng hợp đón thêm 15 bệnh nhân mới mỗi ngày. Tại khoa luôn có khoảng 30 bệnh nhân nghi nhiễm virus corona. Do tính chất lây truyền của virus và tiết kiệm trang phục phòng hộ nên khoa luôn cố gắng hạn chế tối đa y bác sĩ phải tiếp xúc với người bệnh.
"Mỗi ca có một bác sĩ, hai y tá lo cho khoảng 30 bệnh nhân, nên khối lượng công việc rất nhiều. Đặc biệt, do tính chất lây lan nên bệnh nhân phải cách ly hoàn toàn. Chúng tôi không chỉ phải thăm khám sức khoẻ, còn phải lo cả hậu cần cho họ", bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, trưởng khoa Nội tổng hợp, chia sẻ.
Những y bác sĩ hay đùa đang phải làm "nhân viên khách sạn" vì phải lo từ từng bữa ăn, vệ sinh, bàn chải đánh răng cho người bệnh. Có những bệnh nhân thèm đồ ăn vặt, các y tá phải nhờ người lặn lội đi mua rồi mang vào cho họ.
Chiều 7/2, bác sĩ Ninh đi khảo sát một địa điểm trong khoa để lắp một đường mạng Internet mới. Khu vực cách ly trước đây là phòng dành cho nhân viên y tế. Khi dịch bùng phát, bệnh nhân được đưa vào đó nên phải trang bị wifi để họ có thể cập nhật thông tin và giải trí, giảm buồn chán. "Bệnh viện cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để hạn chế bệnh nhân trốn về", chị Ninh cho biết.
Bác sĩ Ninh trực ở viện liên tục từ tối 30/1. Chồng chị làm tại Viện vệ sinh dịch tễ, cũng quay cuồng chống dịch. Hai con nhỏ phải nhờ ông bà chăm. Những cuộc điện thoại ngắn ngủi gọi về, chị chỉ kịp dặn con không được nghịch và hạn chế ra ngoài.
"Ban ngày bận tới nỗi, hai đứa nhỏ mà gọi là tôi dập máy, chỉ dám nghe điện thoại của ông bà vì sợ chẳng may có việc gì. Tới 9h tối mới gọi cho hai đứa trước lúc chúng ngủ", chị Ninh chia sẻ.
Bác sĩ Ninh cùng nhân viên kỹ thuật của bệnh viện khảo sát lắp đường mạng Internet mới phục vụ bệnh nhân bị cách ly. Ảnh: P.Dương.
Bệnh viện có bốn khoa tiếp xúc với với bệnh nhân liên quan virus corona, là Khám bệnh, Cấp Cứu, Virus - Kí sinh trùng và khoa Nội. Luôn có hơn 60 y bác sĩ túc trực ở viện. Quy trình cách ly tại viện nghiêm ngặt và chính bản thân các y bác sĩ cũng luôn ý thức bảo vệ mình. Tuy nhiên, không ít người trong số họ bị kỳ thị.
Một điều dưỡng tại khoa Virus - Kí sinh trùng bị chủ nhà trọ doạ đuổi. Thạc sĩ Phạm Thị Nguyệt Quyên, phụ trách Phòng Công tác xã hội kể: "Chủ nhà rải vôi khắp nơi sợ lây nhiễm bệnh. Chồng cô ấy phải giải thích vợ đã cách ly và tuyệt đối không về nhà nữa thì mới được yên".
Một nam điều dưỡng của khoa Cấp cứu bị trạm y tế xã phát tán thông tin có tiếp xúc với người dương tính với virus coroa khiến anh cũng bị chủ trọ đòi đuổi khỏi nhà. Bác sĩ Thân Mạnh Hùng phải gọi đến trạm y tế can thiệp. Những ngày qua, nhiều y bác sĩ chuyển vào bệnh viện sống dù không thuộc diện được huy động cách ly. Nguyên nhân cũng vì "không được chào đón ở nơi trọ".
"Tôi gọi điện cho trạm trưởng y tế phường và nói: 'Em là người làm chuyên môn, có kiến thức phòng dịch. Nếu có gì cần trao đổi thì gọi chứ đừng làm gì xáo trộn cuộc sống gia đình em'. Thú thật tôi rất sợ khi vợ con ở nhà bị kỳ thị", bác sĩ Hùng bộc bạch.
Sáng 7/2, đọc tin bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch nCoV ở Vũ Hán, qua đời sau gần một tháng lây nhiễm từ bệnh nhân, anh Hùng, cũng như nhiều bác sĩ hiểu tình cảnh bác sĩ Lý đã phải trải qua.
Phan Dương
Theo VNE
Người dân Vũ Hán 'thà chết ở nhà còn hơn đi cách ly' Wenjun Wang là một người dân Vũ Hán, thành phố đang là tâm điểm của đại dịch viêm phổi do virus corona mới (nCoV) gây ra. Số người chết và nhiễm nCoV ở Vũ Hán liên tục lập kỷ lục mới. (Ảnh: Getty Images) Chị Wang, một bà nội trợ 33 tuổi, và gia đình vẫn ở thành phố này để từ khi...