Câu chuyện sinh tồn của nạn nhân động đất Thổ Nhĩ Kỳ được cứu sau 187 giờ
Sau khi kêu cứu đến khản giọng, ông Huseyin Berber đã được đưa ra khỏi đống đổ nát sau hơn 1 tuần xảy ra trận động đất kinh hoàng.
Các bác sĩ nói rằng, mọi người có thể tồn tại ngay cả khi không có nước trong nhiều ngày. Nhưng có quá nhiều biến số – mức độ chấn thương họ gặp phải sau khi nhà bị sập; thời tiết bên ngoài nóng, lạnh ra sao. Điều này khiến lực lượng cứu hộ tin rằng, bất kỳ ai được cứu sống sau 5 ngày bị vùi lấp đều là điều kỳ diệu.
Berber, một bệnh nhân tiểu đường 62 tuổi, đã sống sót sau 187 giờ kể từ khi căn hộ của ông sụp đổ. Tủ lạnh và tủ đồ đã chống đỡ các bức tường, để lại khoảng trống quanh một chiếc ghế bành và thảm giúp ông giữ ấm.
Trường hợp của ông Berber được đánh giá là hiếm gặp, bởi người đàn ông mắc bệnh tiểu đường này được cứu sau 187 giờ mắc kẹt dưới đống đổ nát vì động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Reuters)
Berber có một chai nước duy nhất, và khi hết, ông đã phải uống nước tiểu của chính mình để có thể duy trì sự sống.
Ông Berber chia sẻ về câu chuyện của mình khi vẫn đang nằm trên giường bệnh của Bệnh viện thành phố Mersin, cách tòa nhà 15 tầng bị sập ở thành phố Antakya, phía Nam tỉnh Hatay khoảng 250 km, nơi một nửa số tòa nhà bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng sau trận động đất hôm 6/2. Berber được đưa tới bệnh viện hôm 14/2.
“Khi động đất xảy ra, tôi lập tức bật dậy, cháu tôi đang ngủ bên cạnh. Tôi quan sát xung quanh, con trai tôi bật đèn, cầm theo đèn pin và nói: ‘Bố ơi, động đất rồi!’”.
Video đang HOT
“Trong đợt rung lắc lần thứ hai, trần nhà đổ sập xuống, nhưng không đè lên tôi. Tôi ngay lập tức cúi thấp, ngồi xuống. Bức tường đổ xuống tủ lạnh và tủ quần áo. Tôi bị mắc kẹt ở đó. Có một tấm thảm. Tôi nhặt lấy nó và trùm lên người… Tôi thấy có một chiếc ghế bành, tôi trèo qua, cầm theo tấm thảm và ngồi ở đó.
Tôi la hét, la hét và la hét. Không ai nghe thấy cả. Tôi la hét nhiều đến nỗi cổ họng đau rát. Tôi nghĩ con trai tôi đã đưa bọn trẻ ra ngoài. Chúng tôi có tất cả 5 người trong nhà”, ông Berber kể.
Berber tìm thấy thuốc tiểu đường và một chai nước trên sàn nhà.
“Một giờ sau, tôi lấy chai nước và uống. Xin lỗi, tôi đã đi tiểu vào chai và giữ lại. Tôi đã uống khi trời lạnh. Nhờ đó, tôi đã tự cứu mình”.
Một thành viên của đội cứu hộ y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát nhìn chung có thể sống sót tới 5 ngày. “Bất cứ điều gì vượt quá năm ngày là một phép lạ”, anh này chia sẻ.
Deniz Gezer, chuyên gia nội khoa tại Bệnh viện thành phố Mersin cho biết, một trong những vấn đề lớn nhất đối với sự sống còn là cái lạnh.
“Nhưng một số bệnh nhân ở trong khu vực kín, vì vậy họ có thể sống dưới các tòa nhà, trong không gian kín chật hẹp. Một số mang theo nước”, Gezer nói.
Mohana Amirtharajah, cố vấn của tổ chức Bác sĩ Không biên giới cho biết tình trạng mất nước diễn ra nhanh hơn ở trẻ em.
Khi được hỏi liệu uống nước tiểu có phải là một chiến lược sinh tồn thực sự hay không, Amirtharajah nói rằng cá nhân bà không khuyến nghị điều đó.
“Chắc chắn có những trường hợp được báo cáo về người sống sót theo cách đó. Nhưng những gì bạn thấy theo thời gian là bạn sẽ ngày càng mất nước nhiều hơn, nước tiểu của bạn ngày càng bị cô đặc hơn. Vì thế, hàm lượng nước thực tế trong nước tiểu của bạn cũng giảm đi”.
Nằm trên giường bệnh khi đã nhận được sự chăm sóc y tế chu đáo và tính mạng được bảo toàn, Berber cho biết ông không nghĩ sẽ được giải cứu.
“Tôi ở đây, họ ở đó. Tôi trèo lên cạnh tủ và cố với tay lên trần nhà nhưng không thể chạm vào được. Ở phía bên kia căn phòng, trần nhà sập xuống giường. Con trai tôi mang theo 3 máy đào và họ đang đào. Tôi nghe thấy một giọng nói và tôi đã hét lên.
Có người đưa tay vào và chạm vào tay tôi. Họ kéo tôi ra khỏi đó. Cái lỗ mà tôi chui ra rất nhỏ. Điều đó khiến tôi hơi sợ. Tôi không nhớ bất cứ điều gì sau khi họ lôi tôi ra. Tôi đã được giải cứu ra ngoài, tôi muốn uống nước và thèm ăn. Tôi đã không ăn gì cả, không có gì để ăn”, Berber kể.
Theo chia sẻ của Berber, ông đã có thời gian 7 năm ở thánh địa Mecca – nơi ông đã cầu nguyện cho mọi người chứ không chỉ cho riêng gia đình mình.
“Tôi nghĩ nhờ đó mà đấng tối cao đã cứu tôi”, Berber nói.
Caglar Aksoy Colak, bác sĩ tại bệnh viện thành phố Mersin cho biết, hiện các nhân viên y tế chỉ điều trị hỗ trợ cho Berber. “Ông ấy không bị gãy xương, tình trạng chung của ông ấy khá tốt”.
Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ: Chính phủ cam kết phục dựng các di tích lịch sử bị tàn phá
Ngày 17/2, Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Nuri Ersoy khẳng định các di tích lịch sử bị tàn phá trong thảm họa động đất ở nước này sẽ được khôi phục.
Khu vực hứng chịu động đất tại Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay. Ảnh minh họa: Hải Linh/PV TTXVN từ Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ
Phát biểu với các phóng viên bên ngoài Bảo tàng Khảo cổ Antakya, Bộ trưởng Mehmet Nuri Ersoy cho biết huyện Antakya là một mảnh ghép quan trọng, là nơi các tín ngưỡng giao lưu. Ông khẳng định Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu trách nhiệm với mọi công trình đã đăng ký trong khu vực và nỗ lực phối hợp để phục dựng các cơ sở có ý nghĩa quan trọng này.
Bộ trưởng Ersoy cho biết thêm các di tích lịch sử ở Antakya đã được xác nhận và đánh dấu để các đội dọn dẹp hiện trường động đất tránh làm tổn hại tới các di tích này. Bộ trên sẽ bắt đầu thực hiện các dự án khôi phục các di tích bị tàn phá ngay từ tháng 3 tới.
Cùng ngày, Bộ trưởng Môi trường và Quy hoạch đô thị Thổ Nhĩ Kỳ Murat Kurum cho biết 84.726 tòa nhà đã bị đổ sập, có nguy cơ sập hoặc bị hư hại nghiêm trọng sau trận động đất ngày 6/2. Trận động đất có tâm chấn tại tỉnh Kahramanmaras đã ảnh hưởng tới 10 thành phố gần đó. Trong số những vùng bị tàn phá có cả các khu định cư lâu đời nhất ở Anatolia và nhiều di tích lịch sử.
Huyện Antakya, thuộc tỉnh Hatay ở miền Nam, là một trong những địa phương bị tàn phá nặng nề nhất. Ra đời từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, Antakya đã từng là nơi hình thành nhiều nền văn minh, từ thời Alexander Đại đế tới Đế chế Ottoman và cũng là một trong những trung tâm sớm nhất của đạo Thiên Chúa.
Nơi đây có một trong những nhà thờ lâu đời nhất trên thế giới, nhà thờ St. Pierre nằm trong hang đá, được tin là có từ năm 38 sau Công nguyên. Rất may mắn, công trình này đã đứng vững trong trận động đất tuần trước.
Tuy nhiên, đền thờ Habib-i Najjar ở Antakya đã bị phá hủy hoàn toàn. Trở thành đền thờ từ năm 638 sau Công nguyên khi người Arab theo đạo Hồi đến tiếp quản Antakya, Habib-i Najjar được coi là đền thờ Hồi giáo đầu tiên trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Một đền thờ nổi tiếng khác cũng bị tàn phá trong trận động đất vừa qua là đền Ulu, được xây dựng từ thế kỷ 16.
Nhà thờ các thánh Peter và Paul ở trung tâm Antakya cũng bị phá hủy. Nhà thờ được xây dựng lần đầu vào những năm 1830 với kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ trước khi đổ sập trong trận động đất năm 1872. Sau đó, một nhà thờ bằng đã được dựng lên thay thế nhà thờ cũ vào đầu những năm 1900 nhưng cũng không thể đứng vững trong trận động đất có độ lớn 7,8 vừa qua.
Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Giải cứu thêm 3 nạn nhân sau 260 giờ mắc kẹt Ngày 17/2, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lực lượng cứu hộ nước này đã giải cứu được 1 bé trai và 2 người đàn ông, gần 11 ngày sau khi trận động đất kinh hoàng xảy ra. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca tới thăm bé trai Osman Halebiye tại bệnh viện ở Hatay, ngày 17/2/2023. Em may...