Câu chuyện những đứa trẻ “đòi lớn” trong Hồn Papa Da Con Gái
Mượn chuyện hoán đổi hồn – xác, Hồn Papa Da Con Gái đã nói tới câu chuyện mà tất cả mọi người đều đã, đang hoặc sẽ trải qua. Đó là chuyện cứ giả như mình đã lớn và cư xử như một người trưởng thành đích thực.
Đứa trẻ nào cũng vậy, khi còn bé thì thiết tha được lớn lên. Khi lớn lại thấy mình như bị bán cho một món đồ chơi hỏng, vứt không được, dùng không xong. Thế nhưng “bất hạnh” hơn cả việc chúng nó đã lớn, ấy là chuyện chúng nó nghĩ mình đã lớn. Với hình tượng một cô con gái “cụ non” tên Châu ( Kaity Nguyễn), bộ phim Hồn Papa Da Con Gái đã nhẹ nhàng kể về những hệ luỵ khi lũ trẻ cứ cố gồng mình lên để thành một hình tượng trưởng thành nào đó trong mắt chúng.
Trailer phim Hồn Papa, Da Con Gái
Hồn Papa Da Con Gái là câu chuyện cuộc sống của hai cha con Hải (Thái Hoà) và Châu sau khi mẹ mất. Mẹ Châu là người phụ nữ đảm việc nhà, có niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn múa ballet. Trong cả hai cha con, mẹ chính là người hoàn hảo nhất trên thế giới. Vì một tai biến mà người phụ nữ ấy đã không còn ở cạnh hai bố con nữa. Đối diện với sự thật nghiệt ngã, Hải như sụp đổ. Anh dần trở nên buông thả với cuộc sống hơn, kì vọng vào con nhưng lại chỉ hỏi bề nổi làm cô bé Châu bị áp lực… Còn Châu, một cô thiếu nữ có tiếng ở trường là giỏi giang và tài năng thì lại không thể chấp nhận được một người bố xộc xệch cả về ngoại hình lẫn lối sống như vậy. Khoảng cách của hai bố con ngày một xa, đến nỗi Châu đã tìm mọi cách để đi du học, để được sống cuộc sống của riêng mình chứ không phải lo cho bố nữa.
Hai bố con Hải và Châu
Khi những đứa con cố gắng đứng ở vị trí người lớn
Sắm vai một cô con gái đang ở tuổi ăn tuổi học nhưng lại luôn phải sống thay vị trí của người mẹ đã khuất, Kaity Nguyễn đã khiến khán giả cảm nhận rõ nét sự tủi thân và cô đơn khi không được là mình. Sáng nào cũng vậy, cô bé Châu tất bật với chuyện cá nhân, rồi lại nấu nướng dọn dẹp bữa sáng cho hai bố con. Và nếu như Châu được lái xe, thì có lẽ cô bé sẽ còn đưa bố đi làm rồi vào trường học. Vị trí của hai bố con đảo ngược so với những gia đình khác. Châu dường như làm một bản dupe hoàn hảo của mẹ, nhưng cô không biết rằng chuyện này không giúp ai thoải mái cả. Thậm chí, cô còn làm cho bố khó xử hơn.
Hai bố con cãi nhau liên miên
Con mệt lắm vì phải mặc một cái áo quá rộng!
Châu, hay bất cứ đứa trẻ nào khác đều vậy. Khi người lớn kì vọng nhiều, chúng càng sợ sẽ làm họ thất vọng. Thế cho nên dù có phải gồng lên, chúng cũng sẽ làm và làm một mình. Châu sợ mẹ nhìn từ một thế giới khác xuống, thấy hai bố con ngày một tệ đi, ấy là một điều kinh khủng. Châu cũng sợ mình không giỏi giang, không chỉn chu để vực lại bố. Và Châu còn muốn làm mẹ nữa, nhưng làm một người phụ nữ hoàn hảo như mẹ cô đâu phải dễ.
Châu cho rằng, bố đã không còn là bố nữa nên cô tự tìm cách để chuẩn bị cho cuộc sống của mình. Châu như gạt ông Hải ra khỏi mọi quyết định của cuộc đời. Những gì ông Hải biết về con chỉ là việc con đi học, tham gia những cuộc thi múa ballet để thoả mãn niềm đam mê. Châu giấu tiệt việc đi du học nên chính cô bé cũng gặp rắc rối. Không có chữ kí của bố, làm sao mà Châu hiện thực hoá được ước mơ ấy.
Việc cô bé cứ cố gắng để trở thành một người lớn giống như việc đang cố gắng mặc một cái áo rộng. Nếu gồng đôi vai để giữ áo thì sẽ mỏi. Nhưng nếu không thì chiếc áo sẽ che kín cô bé mất. Châu tập cách “thoát khỏi” tấm áo mà chính cô đã tự mặc lên bản thân mình. Châu rất mệt nhưng cô biết phải than vãn với ai khi bố mình cứ luôn sống một cuộc đời vô tư chẳng nghĩ ngợi nhiều.
Đến trang điểm, cô bé cũng giống mẹ
Ba mẹ cũng sẽ tự giận mình vì không giúp được con
Thế nhưng Châu không biết một sự thật rằng, bố rất thương mình. Ông Hải không nói không có nghĩa là ông không để ý đến con. Nhưng việc Châu là con gái đã cản trở Hải rất nhiều. Thứ duy nhất ông có thể hỏi con gái, ấy là chuyện học hành của con. Có lẽ Châu, hay rất nhiều khán giả khác đều không nhận ra việc ông Hải trốn tránh cãi nhau không phải hèn nhát, mà là vì ông không muốn ngôi nhà phải nặng nề với sự chỉ trích, trách móc lẫn nhau. Trong giây phút bất lực nhất, ông đã hét lên và hỏi Châu “Con không thấy mệt mỏi sao?”.
Ông Hải không thể nào chăm bẵm con được như vợ đã từng, thêm vào đó, việc Châu cố gắng trở thành mẹ mình cũng khiến Hải lúng túng. Ông dường như mất đi vị trí của mình tại gia đình. Tất cả những điều ấy khiến người trụ cột của gia đình ngày nào càng trở nên cách xa với cương vị của mình, cách xa với đứa con gái thân yêu.
Điều khiến ông Hải sốc không phải việc mình đã hoán đổi thân xác với con, mà là sau khi hoán đổi thân xác, ông mới thực sự biết con gái mình là người như thế nào. Việc con đã gần hoàn thiện được hồ sơ đi du học khiến ông cảm nhận rõ nét nhất chuyện mình bị con gạt ra khỏi cuộc sống. Lúc này với ông, không phải là tức giận nữa, mà là tủi thân. Sống cùng một mái nhà, mỗi ngày đều chạm mặt nhau, nhưng nếu không biết sớm thì rất có thể một sáng nào đó tỉnh dậy, ngôi nhà chỉ còn có ông. Và vì ông đã không thể bước chân vào cuộc sống của con, nên ông đành dốc hết sức cho màn ballet cuối cùng để giúp con dành được học bổng của chuyến du học mơ ước.
Hải đã sống những tháng ngày chìm đắm trong nỗi đau mất vợ
Hãy cứ là mình, đừng trở thành một ai đó khi trở về gia đình
Chắc chắn, ở cái ngưỡng mười tám, đôi mươi, khi được va vấp vài ba lần với cuộc đời, chúng ta tự thấy mình đã lớn quá rồi. Chúng ta tự cho mình quyền quyết định mọi thứ mà chẳng hề nói với cha mẹ một câu. Thì hãy nhớ rằng, cùng lúc chúng ta đang ngẩng cao đầu cũng là lúc tấm lưng cha mẹ đang ngày một “bé nhỏ” đi. Đến một ngày nào đó, khi chúng ta không còn được nấp sau lưng cha những ngày mưa, không còn được mẹ dắt tay sang đường, khi ấy chúng ta mới tiếc nuối vô hạn thì quá muộn. Vậy nên đừng cố trở thành một ai đó khi trở về gia đình, đừng vì một lý tưởng nào đó mà đẩy những người thân ra xa.
Phim vẫn đang công chiếu các rạp toàn quốc.
Theo Trí thức trẻ
Hồn Papa Da Con Gái: Nhịp phim nhanh nhưng nhịp tim rất chậm
Có lẽ 115 phút là một khoảng thời gian quá ngắn để lột tả cho hết diễn biến hoán đổi thân xác của hai con người. Thế nhưng 115 phút là vừa đủ để khán giả có thể thấu hiểu tình cảm của hai cha con trong bộ phim Hồn Papa Da Con Gái.
Sau một vài ngày ra rạp, Hồn Papa Da Con Gái đã vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều về nội dung, cách khai thác câu chuyện và hình thức thể hiện. Thế nhưng không thể phủ nhận rằng, đây là một bộ phim tốt.
Bộ phim là câu chuyện về mối quan hệ của hai bố con Hải (Thái Hoà) và Châu (Kaity Nguyễn) sau khi mẹ mất. Đó đã từng là một gia đình rất hạnh phúc. Thế nhưng sự ra đi của người mẹ đã làm cho mọi thứ đảo lộn. Hai bố con Hải - Châu cứ dần cách xa nhau. Hải trở thành một ông bố "trẻ con" từ cách ăn mặc đến phong thái. Còn Châu, cô "lột xác" thành "bà cụ non" từ bao giờ không hay.
Trailer phim Hồn Papa, Da Con Gái
Nhịp phim quá nhanh, bỏ qua logic đời thường
Không biết vì lý do gì, mà Hồn Papa Da Con Gái lại "cắt xén" khá nhiều chi tiết quan trọng của cuộc hoán đổi định mệnh này. Chẳng cần là người tinh ý, bạn vẫn dễ dàng nhận ra lỗi logic trong bộ phim, đó là Hải và Châu hoàn toàn khác nhau về tâm - sinh lý, nhưng dường như hai cha con lại không hề có phản ứng gì quá đà với việc bị đổi cơ thể. Khán giả không thấy bất cứ một đoạn chuyển cảnh hay một đoạn soi gương ngắm vuốt để làm quen với cơ thể mới nào. Tất cả chỉ đơn giản là chuyện hét ầm lên và biểu cảm sự bất ngờ bằng đôi mắt mở không thể to hơn "Ba là con, con là ba sao?". Sau đó họ về nhà ngủ và sáng hôm sau chỉ dặn nhau phải sống thế nào.
Rồi rõ ràng, cách sống của Hải và Châu là hai thái cực đối lập, nhưng những người thân cận với họ lại không nhận ra họ đang là một con người khác. Khánh (Trang Hý) và Bình (Vân Trang) vẫn chấp nhận một Hải và Châu mới rất dễ dàng.
Bạn thân của Châu
Bạn thân của Hải (giữa)
Tình cảm của hai cha con không quá mãnh liệt, nhưng mưa phùn thì thấm mới lâu
Bỏ qua lỗi logic đã nói ở phía trên, thì những tình cảm trong bộ phim Hồn Papa Da Con Gái thực sự khiến người ta cảm động. Khác hẳn hướng khai thác so với Khi Con Là Nhà, Mặt Trời Con Ở Đâu hay hàng loạt các bộ phim về tình phụ tử khác, Hồn Papa Da Con Gái không để cho khán giả thấy cảnh người bố hớt hải vì con, không có người bố lo lắng cho con mà thể hiện ra mặt. Mặt khác, Châu cũng không phải một đứa con như Phan Á hay cu Bin. Có lẽ vì là con gái, cho nên cô bé không thể gần gũi cha quá nhiều như những đứa con trai được. Thế nhưng thêm một điểm nữa để Châu không thể quá yêu ba, là bởi cô bé có một người mẹ quá hoàn hảo, còn ba thì càng ngày càng tệ hại.
Dẫu vậy, sau tất cả, điều thiêng liêng nhất vẫn còn ở bên hai cha con. Suốt bộ phim, khán giả chỉ thấy Hải và Châu trách móc nhau chứ không hề có một câu tình cảm nảo. Nhưng âm thầm đằng sau vẫn luôn là sự quan tâm lẫn nhau của cả hai. Không phải Hải không để ý đến con gái, nhưng điều duy nhất để ông có thể nói chuyện với con chỉ có thể là học hành. Bởi ông sợ khi nhớ lại người vợ cũ của mình trong từng khoảnh khắc mà con đang thể hiện. Từ nấu nướng, nhảy múa... tất cả mọi hành động đều làm ông thổn thức.
Dù cho ông rất sốc, rất sợ con sẽ bỏ mình lại để đi du học, nhưng ông hiểu đấy là ước muốn của con, là điều tốt nhất cho tương lai con sau này. Cho nên Hải đồng ý tập múa ballet một cách nghiêm túc, trình diễn bằng tất cả khả năng để hy vọng giúp được con. Đó là lần đầu tiên, Châu cảm nhận được tình yêu thương mà cha dành cho mình.
Hãy chân thành, tình cảm của bạn sẽ được công nhận
Bên cạnh tình cảm thiêng liêng của hai cha con Hải và Châu, còn có tình cảm trong sáng của Vũ (Gi A Nguyễn) dành cho Châu. Cô bé đã từng chia tay Vũ vì cậu bé quá lông bông, khác hẳn với hình tượng Châu cố gắng gây dựng ở trường. Châu giữ mình "sạch" và tất cả những thứ xung quanh mình cũng phải đẹp. Vì vậy, cô đã không cho phép Vũ bên cạnh mình.
Gi A Nguyễn và đạo diễn Charlie Nguyễn
Nhưng nhờ biến cố hoán đổi thân xác, Châu đã hiểu ra một điều rằng, Vũ là một chàng trai có trái tim cực kì ấm áp. Cậu sẵn sàng hy sinh tấm vé duy nhất, cơ hội duy nhất được ngắm nhìn Châu (thực ra là Hải) biểu diễn cho Hải (lúc này đang là Châu). Vũ hiểu rằng, việc một người bố sốt sắng, muốn thưởng thức phần trình diễn của con gái sẽ quan trọng hơn cậu nhiều. Sự xuất hiện của ông Hải tại buổi diễn ấy không chỉ giúp ông gần con hơn, mà còn là liều thuốc tinh thần rất tốt cho Châu.
Tạo hình của Gi A Nguyễn trong vai Vũ
Vũ không bóng bẩy, ngoại hình và vẻ mặt còn có chút bất cần. Có lẽ, Vũ không cần gì mà chỉ cần Châu. Thế nên cậu mới cố gắng tìm và sửa lỗi sai. Cậu chân thành và chắc chắn với thứ tình cảm của độ tuổi mà chẳng có gì được gọi là chắc chắn. Chính vì thế, Châu đã thay đổi suy nghĩ. Bởi vậy, nếu yêu, cứ chân thành thì tình cảm của bạn sẽ được công nhận.
Những điều ngọt ngào thầm kín ấy đủ để bạn đặt lịch thưởng thức Hồn Papa Da Con Gái ngay rồi chứ?
Theo Trí thức trẻ
Nhìn lại điện ảnh Việt 2018: Một năm bùng nổ của tình phụ tử Ba bộ phim nói trực tiếp về tình phụ tử, hai bộ phim đề cập tới tình phụ tử. Đây là những con số đáng ghi nhận trong địa hạt phim điện ảnh Việt Nam năm 2018. 2018 là năm ghi dấu bước chuyển mình khá lớn của phim ảnh Việt. Các nhà làm phim chịu chơi lớn cho web drama, dám khai...