Câu chuyện ‘nhập khẩu cô dâu’ ở xứ sở hoa anh đào
Với dân số già và thế hệ phụ nữ mới độc lập và không thích lập gia đình, cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản đang trên đường trở thành một cường quốc về “ nhập khẩu cô dâu”.
Chúng tôi xin gửi đến quý độc giả bài viết “Câu chuyện &’nhập khẩu cô dâu’ ở xứ sở hoa anh đào” của tác giả Ngọc Diệp.
Bài viết là những quan sát và nghiên cứu của tác giả về một xu hướng thực tế đang diễn ra trong xã hội Nhật đương đại.
Tác giả Ngọc Diệp hiện đang theo học Thạc sĩ Ngành Quan hệ Quốc tế tại Nhật Bản.
Nội dung nổi bật:
- Đàn ông Nhật khó lấy vợ hơn trước: Đàn ông Nhật tuổi 40-50 thích lấy vợ trẻ nhưng phụ nữ Nhật kém họ 10 tuổi hoặc hơn không thích lấy đàn ông già hoặc thích sống độc thân.
- “Nhập khẩu cô dâu” là biện pháp tăng tỷ lệ sinh ở Nhật Bản: Đảm bảo nguồn cung cho lực lượng lao động và cố gắng từng bước đưa tỷ lệ sinh lên mức 2,1.
- Chi tiền cho công ty môi giới để lấy vợ nước ngoài: Phần lớn các cô dâu đến Nhật chủ yếu từ Philippines, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.
- Mục đích các cô dâu các nước tìm đến chồng Nhật: Để đảm bảo cuộc sống vật chất, công ăn việc làm hoặc cư trú dài hạn ở Nhật. Tuy nhiên, luật pháp Nhật chưa có khung pháp lý nào đủ mạnh để điều tiết cho hoạt động này cũng như để bảo vệ cô dâu trong trường hợp bị bạo hành.
Video đang HOT
Annie, một cô dâu Philippines đến sống ở Nhật đã 10 năm, cho biết 10 năm qua cuộc sống gia đình của cô dù có lúc cũng gặp nhiều sóng gió nhưng cho đến giờ có thể coi là ổn, tốt hơn rất nhiều nếu cô kết hôn với người đàn ông nghèo khó nào đó cùng làng ở Philippines.
Dù chỉ là nông dân, nhưng điều kiện kinh tế của gia đình chồng cô khá tốt, chồng cô dù khó tính nhưng thương vợ, biết chăm lo cho gia đình.
Cô chỉ cần làm tốt việc gia đình và chăm lo cho bố mẹ chồng. Vì người già ở Nhật cũng cố gắng độc lập hết mức nên Annie cũng không quá vất vả. Annie còn sắp xếp được cho em gái Laura của cô lấy một nông dân khác ở cách nhà cô ở khoảng 5 cây số, cuộc sống của Laura cũng ổn định. Hai chị em đã gửi khá nhiều tiền về gia đình.
Còn đối với Chang Chang, một phụ nữ Trung Quốc 37 tuổi, cô đến với đất nước Nhật sau khi đã có trong tay 2 bằng thạc sỹ, hiện cô làm việc cho một công ty điện thoại di động ở Tokyo và có một gia đình xinh xắn với người chồng Nhật hơn cô 10 tuổi. Câu chuyện như của Annie hay Chang Chang có thể coi như câu chuyện thành công của những cô dâu nước ngoài lấy chồng người Nhật.
Nước nào cung cấp cô dâu cho Nhật?
Xã hội Nhật thay đổi theo phương Tây, phụ nữ Nhật bước ra khỏi căn bếp để bước vào công sở nhiều hơn. Họ giàu có, độc lập hơn xưa và tất nhiên không muốn mất tất cả để chỉ ở nhà làm bà nội trợ. Từ năm 1955, tỷ lệ phụ nữ Nhật tham gia vào lực lượng lao động tăng từ 15% lên mức 40%.
Đàn ông Nhật dù ở thành phố cũng đang khó kiếm vợ hơn trước đây. Tình trạng này tồi tệ hơn ở các vùng nông thôn Nhật. Câu chuyện đàn ông nông thôn Nhật khó kiếm vợ không phải mới, mà thực tế nó đã diễn ra từ những năm thập niên 80, nhưng từ khoảng năm 1995 trở lại đây, xu thế này ngày một trở nên phổ biến hơn.
Số liệu thống kê của công ty Toru Orimoto, một công ty Nhật khá nổi tiếng trong lĩnh vực môi giới hôn nhân, cho thấy số lượng đàn ông Nhật kết hôn với phụ nữ nước ngoài tăng từ 4000 vào năm 1980 lên 23.000 vào năm 2012. Và tính cả số lượng phụ nữ Nhật kết hôn với người nước ngoài, mỗi năm ít nhất có 30.000 người Nhật kết hôn với người nước ngoài, tương đương khoảng 2% tổng số lượng kết hôn ở Nhật. Đỉnh điểm vào năm 2006, chỉ riêng số lượng đàn ông Nhật kết hôn với phụ nữ nước ngoài tăng vọt lên con số 35.000. Vậy Nhật nhập khẩu cô dâu từ những nước nào?
Rất khó để có được một số liệu thực sự chính thức và tổng quan về các cô dâu nước ngoài ở Nhật bởi các công ty môi giới hôn nhân tại Nhật hoạt động đơn lẻ và xu thế này dù đã tăng lên nhưng các công ty môi giới đa phần cố tình giấu kín số liệu cũng như thông tin về các cô dâu mà họ môi giới. Nhưng theo một số nguồn tin, phần lớn các cô dâu đến Nhật chủ yếu từ Philippines, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Những cô dâu lấy chồng Nhật phần đông đến từ các miền quê nghèo khó, kết hôn với đàn ông Nhật hơn họ 5,7 cho đến 20 tuổi đa phần vì lý do kinh tế. Sang được nước Nhật, gia đình họ tại quê nhà bớt được một miệng ăn, chưa kể cô dâu cũng sẽ có thể gửi tiền về trợ giúp gia đình.
Trung Quốc và Philippines là 2 nước cung cấp cô dâu lớn nhất cho Nhật. Số liệu của Philippin không được công bố, nhưng với Trung Quốc, có đến 40% cô dâu nước ngoài ở Nhật đến từ đất nước này, trong đó bao gồm cả có học thức và kém học thức. Tính đến cuối năm 2011, đã có 259,527 nghìn phụ nữ Trung Quốc độ tuổi 20-30 đăng ký cư trú dài hạn ở Nhật. Số lượng trường học phục vụ cho đối tượng trẻ em có bố/mẹ người Trung Quốc vì thế cũng tăng lên ở Nhật.
Phần lớn đàn ông Nhật lấy vợ nước ngoài ở độ tuổi khoảng 40-50. Ở tuổi này, họ đã có tài sản, điều kiện vật chất ổn nhưng việc kiếm vợ, đặc biệt ở vùng nông thôn nơi các cô gái đã rời quê lên thành phố hoặc tự lập đủ để sống độc thân, không hề dễ dàng.
Đàn ông Nhật tuổi 40-50 thích lấy vợ trẻ nhưng phụ nữ Nhật kém họ 10 tuổi hoặc hơn không thích lấy đàn ông già hoặc thích sống độc thân. Đàn ông nông thôn Nhật thông thường phải chi số tiền tương đương khoảng 20.000USD cho công ty môi giới để kiếm vợ nước ngoài, trong đó 3.000USD sẽ được đưa cho gia đình cô dâu.
Lấy chồng nơi đất khách quê người, có người thành công, may mắn nhưng cũng có người không thành công. Dù không khốn khổ đến chết như một số cô dâu nước ngoài tại Hàn Quốc hay Trung Quốc nhưng không ít cô dâu đối đầu với cú sốc văn hóa, sự phân biệt đối xử, bị bạo hành. Cũng trong nhiều trường hợp khác, khi đã quen với cuộc sống Nhật và có được giấy phép cư trú dài hạn, nhiều cô dâu quyết tâm bỏ anh chồng quê mùa để tìm đến ánh đèn thành phố.
Tại sao Nhật là điểm đến?
Vế phía Nhật, với tỷ lệ sinh chỉ 1,29, thuộc nhóm thấp nhất thế giới và đã giảm liên tục suốt 3 thập kỷ qua, dân số già chiếm hơn 20% và tỷ lệ này sẽ còn tăng; số lượng phụ nữ Nhật tham gia vào lực lượng lao động cũng như không muốn lập gia đình ngày càng tăng, việc “nhập khẩu” cô dâu là xu thế không tránh khỏi.
Tình trạng tỷ lệ sinh sụt giảm mạnh đã căng thẳng đến mức số lượng các trường mầm non đóng cửa hoặc chuyển đổi công năng sử dụng tăng cao, còn tỷ lệ tiêu thụ sữa trẻ em giảm liên tiếp qua các năm. Khi mà những nguyên nhân căn bản của xã hội rất khó để thay đổi, Nhật thực sự cần đến các cô dâu nước ngoài để đảm bảo nguồn cung cho lực lượng lao động và cố gắng từng bước đưa tỷ lệ sinh lên mức 2,1 - mức đủ để đảm bảo nguồn cung cho lực lượng lao động.
Chính vì nguyên nhân xã hội trên mà các cơ quan của chính phủ Nhật cũng đã hỗ trợ cho hoạt động môi giới hôn nhân bắt đầu thập niên 70. Chính quyền tại nhiều tỉnh của Nhật từ thời điểm đó đã lập nên những “ngân hàng cô dâu” hoặc “trung tâm cô dâu” với mục tiêu khuyến khích phụ nữ Nhật lấy đàn ông Nhật. Nhưng từ thập niên 80, khi điều kiện kinh tế và trao đổi với thế giới tốt hơn, hoạt động kết hôn và môi giới hôn nhân với người nước ngoài bắt đầu trở nên phổ biến.
Về phía các cô dâu nước ngoài, phần đông họ đến Nhật bởi cuộc sống quê hương họ quá khó khăn về vật chất, cơ hội nghề nghiệp học hành không có nhiều, nếu lấy một người chồng cùng hoàn cảnh, cuộc sống của họ mãi mãi vẫn không thay đổi.
Một số trường hợp ngoại lệ đến từ Trung Quốc, nơi khá nhiều phụ nữ có học vấn muốn đến Nhật lấy chồng. Họ cho biết lý do kinh tế chiếm vị trí chủ đạo.
Dù kinh tế Trung Quốc cải thiện mạnh trong những năm gần đây, nhưng theo nhiều phụ nữ như Chang Chang đã đề cập đến ở đầu bài viết, họ muốn định cư lâu dài ở Nhật bởi so giữa Nhật và Trung Quốc, dù Trung Quốc đã và đang phát triển mạnh về kinh tế nhưng hệ thống an sinh, môi trường không thể được như Nhật, và tương lai của Nhật ổn định và chắc chắn hơn Trung Quốc. Và việc lấy chồng Nhật sẽ giúp đảm bảo cho tương lai cuộc sống của họ ở đất nước này.
Một đám cưới truyền thống tại Kyoto, Nhật Bản.
Những tác động xã hội và đạo đức
Cho đến nay, dù đã diễn ra trong nhiều thập kỷ nhưng việc đàn ông Nhật kết hôn với phụ nữ nước ngoài chưa đến mức độ phổ biến tương đương như việc đàn Trung Quốc hay Hàn Quốc lấy vợ nước ngoài. Đồng thời sự việc này cũng chưa gây ra nhiều hậu quả tồi tệ lên phía cô dâu, cũng như xã hội Nhật Bản. Nhưng cũng có nhiều vấn đề cần phải lưu tâm. Cứ cho rằng tất cả những cô dâu đến Nhật đều tự nguyện, nhưng cho đến nay chưa có khung pháp lý nào đủ mạnh để điều tiết cho hoạt động này cũng như để bảo vệ cô dâu trong trường hợp bị bạo hành.
Rủi ro về đạo đức rất cao, rất khó để biết liệu cô gái đó có tự nguyện đi hay bị gia đình ép buộc, hoặc liệu có phải là hình thức mại dâm biến tướng hoặc buôn người trái phép. Có thế cô gái đó thậm chí không có liên quan gì đến gia đình đã gửi cô ra nước ngoài lấy chồng, cô gái có thể đã bị bắt cóc và bị bán sang Nhật. Các công ty môi giới hôn nhân thường giấu kín hoặc thậm chí không thèm tìm hiểu về những lý do này khi mà họ chỉ muốn môi giới càng nhiều càng tốt để kiếm tiền.
Khả năng khác có thể xảy ra là có những cô dâu chỉ muốn nhờ hôn nhân để kiếm giấy phép cư trú dài hạn tại Nhật, sau khi có được giấy này, cô sẽ xin ly dị và tìm cuộc sống mới. Công ty môi giới Keiko cho biết đã có không ít trường hợp cô dâu bỏ trốn không có lý do hợp lý hoặc biến mất khỏi nhà chồng và cuối cùng được tìm thấy khi đang cư trú ở các thành phố lớn tại Nhật.
Rủi ro cuối cùng cần phải nói đến là khả năng phụ nữ bị bạo hành gia đình. Trong trường hợp này, những cô dâu chưa nhập quốc tịch và còn kém tiếng Nhật cũng như không có tiền không hoặc không thể có đủ khả năng để tìm đến sự bảo vệ của pháp luật.
Và trong trường hợp ly hôn, nếu ở thời điểm ly hôn, người phụ nữ đã có con sẽ được gia hạn visa và con của cô chắc chắn mang quốc tịch Nhật, điều này sẽ đảm bảo cho tương lai cư trú của cô tại Nhật. Nhưng nếu không có con ở thời điểm ly hôn, và lại tiếng Nhật quá kém để xin việc (điều thường thấy ở các cô dâu nước ngoài), cô dâu đó có thể sẽ phải về nước dù nguyên nhân ly hôn không phải lỗi từ cô.
Cuộc sống ở Nhật dù rất tốt nhưng để sinh sống dài hạn ở đất nước này cũng không phải điều dễ dàng. Người Nhật vẫn rất dè dặt với người nước ngoài và tâm lý coi thường người xuất thân từ nước nghèo còn vô cùng phổ biến, tiếng Nhật cũng rất khó học. Vì vậy, cuộc sống cô dâu nước ngoài trên đất Nhật, đặc biệt với đối tượng học thức kém, sẽ không dễ suôn sẻ.
Theo Trí Thức Trẻ