Câu chuyện giới tính – Kỳ cuối: Bác sĩ ‘kê toa đặc trị’ như thế nào?
“Chạy bộ 1 km mỗi ngày hai buổi liên tục trong vòng 3 tháng, tập tiểu ngồi trong 6 tháng và phải mặc áo ngực 24/24 cũng như thường xuyên tập tạ…”, là những “liều thuốc đặc trị” hội chứng “con trai thích làm con gái”, do chính các bác sĩ nam khoa “kê toa”.
Hoạt động thể thao tập thể mạnh mẽ và hoạt động cộng đồng giúp nam thanh thiếu niên phát triển tốt thể chất, nhìn nhận đúng đắn giới tính – Ảnh: Nguyên Mi
Gian truân bắt đầu… nghĩ lại
Trở lại với trường hợp của cậu trai 100% tên N.M.T (16 tuổi, ngụ Cần Thơ) nằng nặc đòi chuyển giới vì “muốn làm con gái”, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình dân TP.HCM, đã chấp nhận giúp cho T. “thành con gái” với những “liều thuốc đặc trị” cười ra nước mắt.
Đầu tiên, bác sĩ giải thích cho T. rằng để chuyển giới, em phải trải qua những ca phẫu thuật kéo dài, phức tạp. Vì vậy cần phải có thể lực thật tốt.
Theo đó, bước đầu tiên là T. phải rèn luyện thể lực bằng cách chạy bộ 1 km mỗi ngày hai buổi liên tục trong vòng 3 tháng.
Ba tháng sau, T. hớn hở đến bác sĩ báo tin đã hoàn thành yêu cầu chạy bộ không thiếu ngày nào. Đến mẹ T. cũng ngạc nhiên vì “từ nhỏ đến giờ nó chưa bao giờ tập thể dục chạy bộ nhiều và đều đặn liên tục như vậy”.
Bước tiếp theo, bác sĩ Dũng yêu cầu T. phải tập làm quen, thay đổi hành vi của mình hệt như nữ giới. Cụ thể là bắt T. phải tiểu… ngồi trong vòng 6 tháng.
Nhờ có động lực muốn làm con gái, T. nuốt trọn “giáo án” trên của bác sĩ một cách xuất sắc. T. mang sự háo hức đó để trở lại gặp bác sĩ Dũng, chờ giao bước tiếp theo.
Lần này, bác sĩ Dũng yêu cầu cấp độ khó hơn rất nhiều khi bắt T. phải mặc áo ngực 24/24 trong vòng 6 tháng. Đồng thời là phải tiểu ngồi và… tập tạ để nâng cao sức khỏe.
Kết quả là anh chàng “đầu hàng” chỉ sau hơn 1 tháng ráng cầm cự thực hiện kiểu tập luyện hà khắc và kỳ cục nói trên.
Video đang HOT
T. ngao ngán than thở với bác sĩ: “Con không thích làm con gái nữa. Làm con trai thích hơn. Con là con trai chứ không phải con gái”.
Vậy là bác sĩ Dũng đã “điều trị” thành công.
Bác sĩ giải thích, những thử thách trên không phải là vô cớ, đùa giỡn mà nó giúp T. nói riêng và những trẻ có hội chứng “giả trang giới tính” nhận định đúng giới tính của mình. Qua các thử thách trên, trẻ tham gia hoạt động thể thao, nâng cao thể chất, biết được những “vất vả” của giới kia để không ảo tưởng “là con gái sướng hơn”. Đặc biệt, khi tập thể hình, trẻ được tham gia trong một môi trường thể dục của nam giới, phát triển cơ bắp, thể chất của nam và sẽ tự thấy mình “kỳ” khi là nam mà mặc áo ngực, ăn vận giống nữ, trong môi trường toàn đàn ông con trai như thế.
Để phát triển đúng giới tính
Theo bác sĩ Dũng, về mặt kỹ thuật thì chuyển giới là việc hiện giờ y khoa có thể làm được. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn bị cấm.
Còn ở các nước châu Âu có luật quy định rõ ràng, để thực hiện phẫu thuật chuyển giới cho bệnh nhân, các bác sĩ phải tuân thủ theo quy trình rất khắt khe, phức tạp và kéo dài qua các giai đoạn. Bác sĩ tư vấn, phân tích về nhiều mặt y khoa, giới tính, đời sống cho bệnh nhân suy nghĩ trong vòng 6 tháng; sau đó là các xét nghiệm, các hoạt động thể chất, thay đổi hành vi (tương tự như cách bác sĩ Dũng làm với T.) và mỗi giai đoạn cũng có thời gian ít nhất 6 tháng như thế. Sau đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tư vấn, suy nghĩ… 6 tháng nữa để quyết định.
Với việc nhiều nam thanh thiếu niên hiện nay có xu hướng nữ tính và muốn làm con gái, bác sĩ Dũng tư vấn phụ huynh nên dành thời gian cho con, quan tâm chăm sóc đến sự phát triển thế chất, tâm sinh lý về mặt giới tính của con.
Trẻ trai cần có thời gian tập thể dục, chơi các môn thể thao mạnh mẽ tập thể như bóng rổ, bóng chuyền, đá banh; tham gia các sinh hoạt, hoạt động mang tính chất cộng đồng, các hoạt động đoàn hội, các hoạt động mạnh mẽ.
Đặc biệt, người cha nên gần gũi với con trai, nên cùng chơi những môn thể thao này với con trai; có sự hướng dẫn, giáo dục con trai trong sự phát triển thể chất, sinh lý, giới tính.
“Từ đó, trẻ sẽ có định hướng, sự phát triển theo đúng giới tính của mình khi lớn lên”, bác sĩ Dũng phân tích.
Đa số phụ huynh không thường chủ động giải thích cho con trẻ về giới tính Đề tài khoa học “Thực trạng nhận thức về giới và các hình thức giáo dục bình đẳng giới cho học sinh THPT tại TP.HCM” của một nhóm giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, do thạc sĩ Đào Thị Vân Anh làm chủ nhiệm đề tài, đã triển khai thực hiện ở 5 trường THPT (trường tư, trường công, trường ở ngoại thành và nội thành) tại TP.HCM. Qua khảo sát của nhóm giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho thấy khoảng 50,9% học sinh bắt đầu quan tâm đến vấn đề giới tính từ lứa tuổi THCS, điều này khá phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý giai đoạn dậy thì quan trọng của các em. Có hơn 41% học sinh không thường xuyên tìm hiểu kiến thức về giới và hơn 51% hầu như không tìm hiểu kiến thức về giới. Song song đó, tỷ lệ phụ huynh không thường xuyên chủ động giải thích cho học sinh các vấn đề về giới tính lại lên đến con số 61,2%. Và có 18,5% phụ huynh được khảo sát hầu như chưa bao giờ chủ động giải thích cho học sinh. Đồng thời, tỷ lệ thông tin học sinh lấy từ nguồn mạng internet là 40,8%, để tìm hiểu về giới tính. Con số này chứng tỏ sức hấp dẫn, sự thuận lợi đối với học sinh khi truy cập mạng để lấy thông tin về giới.
Theo TNO
Câu chuyện giới tính: Kỳ 2: Xin nửa tỉ đồng đi chuyển giới
N.M.T. (16 tuổi, ngụ Cần Thơ) nằng nặc đòi ba mẹ cho 500 triệu để qua Thái Lan phẫu thuật chuyển giới vì "con muốn làm con gái" với áp lực "nếu ba mẹ không cho con chuyển giới, con sẽ bỏ nhà ra đi". Trường hợp như N.M.T không còn là chuyện xưa nay hiếm.
Ngày nay, không ít bạn nam có xu hướng nữ tính hoặc muốn làm nữ - Ảnh: ShutterStock/Viên An (đồ họa)
Mơ thành con gái
Sốc, choáng và không thể dập tắt được mong muốn này của con, ba mẹ đành dỗ ngọt M.N.T. lên Bệnh viện Bình Dân TP.HCM khám, với lý do "phải đi khám trước rồi mới đi chuyển giới được".
Tại Bệnh viện Bình Dân, ba mẹ T. đã cầu cứu bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân để "xác định giới tính cho con mình".
Trường hợp khác, một hôm, ba mẹ bé trai T.T.D (12 tuổi, ngụ TP.HCM) về đến nhà thì "tá hỏa" khi thấy con trai mình diện nguyên bộ đầm và đánh son, phấn của mẹ ra mừng.
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng phân tích: Qua tiếp xúc, tìm hiểu với nhiều bạn đến Khoa Nam học nhờ can thiệp để thành nữ, thì các bạn còn bị ảnh hưởng bởi các nhân vật trong phim ảnh, âm nhạc hiện giờ, đặc biệt là các ban nhạc Hàn Quốc. Mẫu số chung của những nhân vật, ban nhạc nam này là vẻ đẹp nhẹ nhàng, nữ tính; phục sức cũng thế.
Cớ sự là D. hiện là con một, bố đi công tác suốt nên hầu như D. chỉ quanh quẩn với mẹ. Thế nên hình ảnh đập vào mắt D. chỉ có mẹ cũng như trang phục, những sinh hoạt hằng ngày của mẹ. Cậu bé cũng không ít lần nghịch trang phục, mỹ phẩm của mẹ và tỏ ra thích thú, quen thuộc.
Bác sĩ Dũng cho biết, trường hợp con trai muốn làm con gái như T. hay D. không phải là trường hợp hi hữu.
Thời gian gần đây, có nhiều trường hợp thanh thiếu niên đến Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân nhờ can thiệp với mong muốn được thay đổi giới tính của mình thành nữ.
Không ít trường hợp con trai nhưng lại thích dùng son phấn, thích mặc đồ nhẹ nhàng, ăn nói, cử chỉ rất dịu dàng, thùy mị và nữ tính.
Hội chứng giả trang giới tính
"Hầu như các bạn có "ước mong" này đa số ở vào độ tuổi 19-25 tuổi, với tâm sự "Bác sĩ ơi, giờ em mới hiểu được mình giới nào". Thế là các bạn nam muốn phẫu thuật để thành nữ", bác sĩ Dũng kể.
Bác sĩ Dũng nói thêm: Nhiều phụ huynh gặp phải trường hợp này đã đặt thẳng câu hỏi với bác sĩ: "Con tôi có đồng tính không?"
Tuy nhiên, qua thăm khám, khảo sát, làm các xét nghiệm về giới tính, sự phát triển cơ thể, thể chất, cơ quan sinh dục, sinh lý cũng như nhiễm sắc thể thì các trường hợp này đều bình thường, 100% là nam.
"Như vậy, các bạn nam này hoàn toàn không bị nhầm lẫn giới tính, cần xác định lại cũng như cần phân biệt rõ ràng đây không phải là đồng tính", bác sĩ Dũng khẳng định.
Bác sĩ Dũng cho biết, trong y khoa xác định những trường hợp này là "hội chứng giả trang giới tính". Đây là một bệnh lý về tâm lý.
Bác sĩ Dũng giải thích những trường hợp nam thích làm nữ như "hội chứng giả trang giới tính" thế này có nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể xác định nguyên nhân do ảnh hưởng của yếu tố gia đình trong quá trình phát triển của trẻ.
Thường là trẻ rơi vào hoàn cảnh gia đình hơi phức tạp, éo le như có trục trặc trong mối quan hệ với bố mẹ, bố mẹ ly dị, trẻ sống chung với mẹ, xung quanh có nhiều chị em gái, cô dì. Người mẹ không chú ý chăm sóc con về mặt tâm sinh lý mà để trẻ tự phát triển theo những ảnh hưởng môi trường.
"Trẻ phát triển như cây con tự lớn, gió cuốn chiều nào thì theo chiều nấy", bác sĩ Dũng nói.
"Giới tính thứ ba" tác động đến các em
Thạc sĩ Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy, giảng viên tâm lý, Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM lưu ý rằng cần phân biệt rõ giữa giới tính và xu hướng tính dục. Giới tính chỉ có 2 dạng do nhiễm sắc thể giới tính quy định trong quá trình mang thai là XX và XY, trong khi xu hướng tính dục lại có nhiều dạng: xu hướng tính dục khác giới (hấp dẫn về mặt tình cảm và tình dục với người khác giới nam - nữ, nữ - nam); xu hướng tính dục đồng giới; và xu hướng tính dục cả hai giới (lưỡng giới). Theo thạc sĩ Thy, về mặt sinh lý, giới tính một người được xác định rõ ngay từ khi sinh ra nhưng chưa xác định được xu hướng tính dục. Xu hướng tính dục đa phần bước sang tuổi dậy thì mới thể hiện rõ. "Còn nhiều bàn cãi về độ tuổi nào thì trẻ nhận biết được về giới tính, nhưng các nhà tâm lý học đều khẳng định, ở tuổi vị thành niên, các bạn đã nhận thức được về giới tính của mình. Tuy nhiên, tuổi vị thành niên là độ tuổi gắn liền với hiện tượng dậy thì, thay đổi hormone sinh dục dẫn đến thay đổi nhiều về sinh lý và phát triển về mặt tình cảm và cảm xúc giới tính nên sẽ có một số trường hợp chưa nhận diện rõ xu hướng tính dục của mình", giảng viên Dạ Thy phân tích. Còn theo thạc sĩ Đào Thị Vân Anh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khi thực hiện khảo sát ở các trường THPT, qua phỏng vấn trực tiếp giáo viên và học sinh thì thấy rằng có một thực tế là học sinh có những suy nghĩ, phân vân về hiện tượng "giới tính thứ ba" và tình yêu đồng giới. "Có lẽ các trường hợp "giới tính thứ ba" ngoài xã hội cũng tác động đến các em. Vấn đề này cũng đáng lưu ý nhằm giải thích cho các em khi xã hội ngày nay đã cởi mở và dần công nhận "giới tính thứ ba", thạc sĩ Vân Anh nhận xét. Thạc sĩ Vân Anh cũng thừa nhận rằng, từ trước đến nay, vẫn chưa có một đề tài hay nghiên cứu nào liên quan đến vấn đề này trong học đường, dù đây là thực tế được nhận thấy trong quá trình khảo sát về kiến thức giới tính.
Theo TNO
Sau khi đâm chết bạn, nam sinh trường TDTT còn up ảnh còng tay lên FB Như đã đưa tin, đêm ngày 20/11, một nam sinh đã đâm chết bạn ngay trong KTX trường ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội. Bất ngờ sau đó, một tài khoản Facebook được cho là của nam sinh này đã đăng tải bức ảnh bị công an còng tay. Vụ việc một nam sinh học lớp cầu lông cầm dao đâm một nhát...