Câu chuyện giảm nghèo chưa bao giờ dừng lại
TP HCM sẽ tiếp tục có những giải pháp đột phá và phát huy nghĩa tình của người dân trong công tác giảm nghèo
Những năm gần đây, công tác giảm nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh ngày càng đạt nhiều kết quả, số hộ nghèo và cận nghèo giảm rõ rệt, các hộ thoát nghèo có đời sống ổn định hơn. Đáng chú ý là các tiêu chí về hộ nghèo, cận nghèo của thành phố liên tục được điều chỉnh theo hướng tích cực, thực sự nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Mới đây nhất, thành phố đưa ra quyết tâm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, với mục đích các hộ thoát nghèo không chỉ được nâng lên về thu nhập mà cả các điều kiện sống khác.
TP HCM đưa ra quyết tâm thực hiện giảm nghèo bền vững (Ảnh minh họa)
Thoát nghèo từ 800.000 đồng vốn vay
Tết này, gia đình ông Võ Văn Ly ở ấp Xóm Huế, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi rất vui. Gia đình đã thoát khỏi cảnh nghèo từ nhiều năm nay, các con đi làm công nhân cũng có lương, thưởng khá. Ông Ly vui nhất là Tổ Giảm nghèo của ấp do ông làm tổ trưởng chỉ còn 3 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo và đều đang được hơn 500 hộ trong ấp bao bọc, sẻ chia.
Năm 1992, gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên được chương trình Xóa đói giảm nghèo của huyện Củ Chi cho vay 800.000 đồng tiền vốn để chăn nuôi heo. Từ con heo đầu tiên đó, ông tích cóp mua được con bò và cứ thế nhân lên cho đến lúc đủ tiền xây nhà, thoát khỏi tình trạng bữa đói bữa no. Với ông Ly, 800.000 đồng vốn ban đầu đó rất quý, nhưng quý hơn là nghĩa tình của bà con xóm làng.
Ông không có ruộng, những nhà khá giả hơn đã cho ông mượn 0,5ha ruộng để trồng lúa lấy gạo ăn và lấy rơm nuôi bò. Cách mà ông được giúp đỡ hơn 20 năm trước cũng là cách mà bà con vẫn làm hiện nay để giúp các hộ nghèo, cận nghèo. Hàng chục ha ruộng đang được người dân cho hộ khó khăn mượn để trồng lúa, ổn định cái ăn.
Ông Võ Văn Ly kể: “Từnăm 1992 đến giờ, tôi bám trụ luôn ở ấp này. Tôi nghĩ, nhà nước quan tâm tới mình là tốt rồi, mình phải ráng phấn đấu. Cho nên, được vay có 800.000 đồng mà tôi làm cơ sở để có nhà ở là mừng lắm rồi. Nhiều gia đình ở đây cũng nhờ vốn vay này mà làm ăn được. Bây giờ nhà nước đã giúp mình rồi thì mình phải giúp lại những người khác. Thí dụ như nhà kia chăn nuôi heo mà kẹt tiền thì nhà này có cho mượn qua mượn lại, giúp đỡ lẫn nhau. Hay ông này Tết nay ông không có lúa thì ông này làm lúa sẽ cho ổng một, hai thùng để ăn. Tết nay thấy phấn khởi, thấy thoải mái”.
Video đang HOT
Cho mượn đất sản xuất, đổi công, tặng con giống, cây giống… là cách mà người dân Củ Chi làm để san sẻ khó khăn với nhau. Cách làm ấy phù hợp với điều kiện tại địa phương, thiết thực với các hộ nghèo. Sau năm 1992, phong trào xóa đói giảm nghèo xuất phát từ Củ Chi dần nhân rộng ra toàn thành phố. Sau này không còn hộ đói nữa, phong trào trở thành chương trình giảm nghèo – tăng hộ khá, giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều.
Dù với tên gọi nào thì phong trào vẫn là sự quan tâm của các ngành các cấp và sự sẻ chia của người dân với những gia đình còn khó khăn. Tùy thực tế, từng quận, huyện đều có những cách làm hay, hiệu quả, phát huy được thế mạnh của mình. Như tại quận 5, quận đầu tiên của thành phố thoát nghèo vào năm 2015. Với đặc thù là quận có đông đồng bào người Hoa, sống chủ yếu bằng nghề buôn bán và nhiệt tình với công tác từ thiện xã hội, những người làm công tác giảm nghèo của quận đã nỗ lực giúp các hộ khó khăn tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định.
Với những hộ neo đơn, mất sức lao động, quận khơi dậy tinh thần tương trợ, từ thiện của các hội quán người Hoa để chia sẻ, đùm bọc, hỗ trợ thường xuyên. 300 hộ cận nghèo của quận hiện đang được hỗ trợ thường xuyên bằng cách như thế.
Bà Trần Thị Anh Vũ, Phó Bí thư thường trực Quận ủy quận 5 cho biết: “Truyền thống lá lành đùm lá rách, cũng như công tác xã hội từ thiện của quận 5 có từ nhiều năm. Quận 5 cũng có thế mạnh là người dân, các hộ kinh doanh buôn bán, các hội đoàn, hội quán đều rất quan tâm chăm lo tới công tác xã hội từ thiện. Cho nên, làm sao để người dân quận 5 không còn hộ diện cận nghèo, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho bản thân các hộ thoát nghèo, chứ không chỉ có trợ cấp. Nếu mình trợ cấp mà người ta thoát nghèo thì sẽ không căn cơ”.
Mục tiêu là thoát nghèo bền vững
Trong tổng kết 23 năm chương trình giảm nghèo của thành phố, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã khẳng định: Thành phố là nơi khởi xướng, thực hiện hiệu quả và hiện vẫn là nơi đi đầu trong chương trình giảm nghèo của cả nước. Hiện hộ nghèo của thành phố có mức thu nhập bình quân đầu người từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống và cận nghèo từ 16 triệu đến 21 triệu đồng/người/năm.
Tính đến cuối năm 2015, thành phố còn gần 17.400 hộ nghèo, bằng 0,89% tổng số hộ và gần 47.000 hộ cận nghèo, bằng 2,39% tổng số hộ. Không dừng ở đó, thành phố đang triển khai chương trình giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Với chương trình này, hộ nghèo và cận nghèo được quan tâm để không chỉ nâng cao thu nhập mà còn có thêm điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm, bảo hiểm xã hội…
Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong tình hình thực tế của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thì những tiêu chí đó rất phù hợp. Chúng ta không chỉ quan tâm về tiêu chí thu nhập mà những tiêu chí khác rất quan trọng. Để làm sao giúp cho hộ nghèo, cận nghèo vượt nghèo một cách bền vững, không chỉ về cái ăn mà là về y tế, sức khỏe, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, phát triển hơn, đáp ứng tình hình, đặc biệt là đối với thành phố Hồ Chí Minh”.
Do mức sống của người dân ngày một cao, nên thành phố vẫn còn hộ nghèo phát sinh cần được trợ giúp. Ông Lê Thành Tâm, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, nơi xuất phát phong trào xóa đói giảm nghèo của thành phố hơn 23 năm trước, nói: “Hiện nay so với ngày đầu thì có sự chênh lệch rất lớn. Điều kiện vật chất, đời sống người dân mặc dầu là nghèo nhưng cũng không đến nỗi. Có điều, xã hội luôn luôn vận động, phát triển, dân mình có thu nhập đỡ hơn nhưng so với các nước trong khu vực thì chưa phải là lớn lắm. Vì vậy, chủ trương của thành phố hiện nay là tạo điều kiện cho người dân khấm khá hơn thì rất là phù hợp, đúng đắn”.
Tin rằng, với truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, từ người dân cho đến chính quyền thành phố sẽ thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững. Được như vậy, các gia đình còn nghèo, còn khó khăn của thành phố sẽ được chăm lo, hỗ trợ về nhiều mặt, ổn định cuộc sống và vươn lên khá giả. Đời sống của các gia đình ở đô thị này sẽ dần bớt đi khoảng cách, sự chênh lệch về các dịch vụ thiết yếu và điều kiện hưởng thụ./.
Minh Hạnh
Theo_VOV
Đà Nẵng: Nâng chuẩn hộ nghèo là cách thoát nghèo bền vững
Nâng chuẩn hộ nghèo được xem là khâu đột phá của thành phố Đà Nẵng trong thực hiện chính sách giảm nghèo.
Năm 2015, thành phố Đà Nẵng cơ bản xóa hết hộ nghèo, về đích sớm 2 năm so với kế hoạch. Không dừng lại kết quả này, Đà Nẵng quyết định nâng mức chuẩn thu nhập hộ nghèo cao hơn quy định chung của cả nước, đồng thời thực hiện nhiều chính sách đột phá trong giai đoạn tiếp theo với mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Lãnh đạo Q. Hải Châu - Đà Nẵng phối hợp với DN trên địa bàn hỗ trợ xây nhà cho người nghèo (ảnh: CAND)
Gia đình bà Hoàng Thị Mỹ, ở tổ 106, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu là điển hình của sự vươn lên thoát nghèo ở thành phố Đà Nẵng. Năm 2004, chồng bà Mỹ đột ngột qua đời vì bệnh ung thư để lại bà và 3 đứa con nhỏ cùng khoản nợ hàng chục triệu đồng. Bà Mỹ làm thuê, làm mướn đủ nghề, bất kể sớm khuya nhưng phận nghèo luôn bám riết gia đình.
Năm 2013, địa phương hỗ trợ cho bà bộ tủ, bàn ghế và 30 triệu đồng làm vốn để bán hàng ăn uống. Sáng, bà Mỹ bán bánh mỳ, nước uống; chiều bán thức ăn nhanh. Bà con trong khu phố đến quán ăn "ủng hộ" bà Mỹ. Ba đứa con của bà, một buổi đi học, buổi ở nhà phụ mẹ bán quán. Nhờ khéo tay, nấu ăn ngon, quán bà Mỹ ngày một đông khách.
Bây giờ, mỗi ngày bà kiếm được từ 250 đến 300.000 đồng, gia đình đã thoát khỏi nghèo đói. Niềm vui lớn của bà Mỹ là 3 đứa con đều học giỏi, nhận được học bổng của nhiều tổ chức quốc tế. Riêng đứa con gái đầu đang du học tại Nhật Bản. Bà Mỹ cho biết, nhờ dành dụm bao năm nay, bà đã cất được ngôi nhà kiên cố và mua sắm nhiều tiện nghi trong gia đình.
Qua 2 năm thực hiện Đề án giảm nghèo, thành phố Đà Nẵng đã vận động được hơn 1.400 tỷ đồng, giúp đỡ hơn 23.000 hộ thoát nghèo, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đặt ra. Thành công của Đà Nẵng trong công tác giảm nghèo là nắm sát hoàn cảnh từng hộ nghèo.
Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho rằng, thông qua đối thoại, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể biết được bà con cần gì để hỗ trợ. Người nghèo cần nhà ở thì hỗ trợ tiền làm nhà, chưa có nghề hoặc nâng cao tay nghề thì đào tạo, cần sinh kế làm ăn thì hỗ trợ sinh kế, người đau ốm thường xuyên thì cấp thẻ bảo hiểm y tế...
Ông Nguyễn Đăng Hải cho biết: "Chính sự linh hoạt trong cách làm và biết huy động sự hỗ trợ từ mọi nguồn lực đã giúp công tác giảm nghèo thành công. Riêng với Mặt trận, tiếp tục vận động cuộc vận động Ngày vì người nghèo. Một năm, bình quân các cấp Mặt trận thành phố vận động khoảng 20 tỷ đồng vào Quỹ vì người nghèo. Các tổ chức chính trị - xã hội vận động vào Quỹ an sinh xã hội gấp 10 lần như vậy, vận động vào các mục tiêu an sinh xã hội để thực hiện".
Không thỏa mãn với kết quả đạt được, thành phố Đà Nẵng quyết định nâng mức chuẩn thu nhập hộ nghèo cao hơn mức quy định chung của cả nước. Theo đó, mức chuẩn hộ nghèo mới ở Đà Nẵng có thu nhập 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Trong khi đó, chuẩn hộ nghèo của cả nước hiện nay là có thu nhập 700.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở thành thị.
Theo chuẩn mới này, Đà Nẵng phấn đấu mỗi năm hỗ trợ từ 400 đến 600 hộ thoát nghèo, đến năm 2020 hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn mới. Để đạt mục tiêu này, thành phố Đà Nẵng tiếp tục áp dụng nhiều chính sách đột phá như: Nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tối đa 35 triệu đồng, sửa chữa tối đa 20 triệu đồng; giảm 60% tiền thuê nhà khi thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước; giảm 50% tiền sử dụng đất; vận động các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh phong trào giúp đỡ nhau nguồn vốn phát triển kinh tế để thoát nghèo.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, đây là chỉ tiêu rất cao, là thách thức lớn, đòi hỏi thành phố phải tập trung huy động mọi nguồn lực mới đạt được. Phải xem giảm nghèo là bộ phận của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Muốn giảm nghèo thực sự, muốn giảm nghèo đa chiều phải dùng tổng lực nguồn xã hội. Không chỉ nguồn lực tập trung cho hộ nghèo mà phải có nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội, phải đảm bảo thoát nghèo thực chất, thoát nghèo bền vững.
Nâng chuẩn hộ nghèo được xem là khâu đột phá của thành phố Đà Nẵng trong thực hiện chính sách giảm nghèo. Điều quan trọng là Đà Nẵng loại bỏ tư tưởng "giấu nghèo" vì chạy theo căn bệnh thành tích. Bởi trên thực tế không ít địa phương vì áp lực "giảm nghèo", áp đặt chỉ tiêu mà nhiều hộ chịu oan loại khỏi danh sách hộ nghèo. Hoặc nhiều hộ sớm tái nghèo do sự hỗ trợ, chăm lo chưa đến nơi đến chốn.
Đà Nẵng điều chỉnh chuẩn mức hộ nghèo cũng là cách để thoát nghèo bền vững../.
Đình Thiệu
Theo_VOV
Sớm điều chỉnh chính sách cho vay với hộ nghèo - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến sơ kết sáu năm (2009-2014) triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo. Thủ tướng cho rằng việc thực hiện nghị quyết trên...