Câu chuyện đời của cô bé Việt Nam làm rúng động Hollywood
Phim tài liệu do nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar Mira Sorvino cùng CNN sản xuất đã gây chấn động khi mở ra một góc nhìn chân thật về nạn buôn người ở Campuchia.
Đầu tháng 3 vừa qua, ban tổ chức Gracie Awards (giải thưởng nhằm tôn vinh những đóng góp dành cho phái nữ trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, truyền thông…) đã công bố danh sách những tác phẩm chiến thắng của năm nay. Trong số đó có bộ phim
Mỗi ngày tại Campuchia, tác phẩm đoạt giải ở hạng mục Outstanding Documentary do nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar Mira Sorvino phối hợp với đài truyền hình CNN sản xuất và thực hiện.
Câu chuyện đẫm nước mắt
Mỗi ngày tại Campuchia (tên tiếng Anh: Every Day in Cambodia: A CNN Freedom Project Documentary) được thực hiện vào năm 2013, trong hành trình đến Campuchia của nữ diễn viên Mira Sorvino.
Một trong những nhân vật trung tâm của câu chuyện là bé Kiều, cô gái 14 tuổi từng bị chính mẹ ruột bán vào nhà chứa khi chỉ mới 12 tuổi. Tại đó, Kiều đã bị đánh đập, hãm hiếp bởi nhiều người đàn ông và sau đó phải liên tục phục vụ khách. Kiều chỉ được giải thoát khi có sự trợ giúp của Agape International Missions (AIM), một tổ chức chuyên giúp đỡ các trẻ em bị rơi vào nạn buôn bán tình dục.
Video đang HOT
Khoảnh khắc Mira Sorvino ôm chầm lấy các cô bé được cứu ra từ các nhà chứa
Câu chuyện của Kiều không phải là duy nhất, có hàng trăm cô gái khác cũng ở tình cảnh như Kiều tại Svay Pak, một ngôi làng Việt Nam ở Phnom Penh, Campuchia.
Bộ phim của Mira Sorvino không chỉ giúp người xem có một cái nhìn trực diện và thấu suốt về vấn nạn này, mà còn giúp nâng cao nhận thức của mọi người về nó. Mỗi ngày tại Campuchia cũng góp phần gây quỹ cho tổ chức AIM có thể mở một ngôi trường nhằm giúp hơn 1.000 trẻ em tại khu vực này.
Bên cạnh đó, nhờ tiếng vang của bộ phim này mà tổ chức AIM cũng đã có cơ hội để làm việc cùng đội đặc nhiệm SWAT của Mỹ. Mục đích của chiến dịch là để triệt phá những đường dây buôn người đang lộng hành tại đây.
Hành trình làm phim của Mira Sorvino
Từ Mỹ sang Campuchia một tuần để làm phim tài liệu, nữ diễn viên Mira Sorvino đã ghi lại nhật ký của mình để khán giả hiểu hơn về quá trình khám phá sự thật về nạn buôn người tại vùng đất này.
Mira Sorvino.
Ngày đầu tiên: Khi đi thuyền trên sông để tìm hiểu về nơi đây, chúng tôi ngay lập tức để ý đến những chiếc thuyền nhỏ, hẹp và dài được sử dụng làm nhà của cộng đồng người Việt. Họ sống ở Campuchia mà không có tư cách công dân chính thức, dành phần lớn cuộc đời trên thuyền và để mặc cho trẻ em bơi lội, sinh hoạt trong nước bẩn.
Cũng trong ngày hôm nay, tôi được cho biết hầu hết các nhà chứa ở đây đều được bảo kê ngầm bởi các lực lượng cảnh sát, chính quyền. Chính vì vậy, dù có những cô gái đã được giải thoát khỏi nạn buôn người, nhiều số phận khác vẫn đang bị nhốt trong những căn phòng hôi thối, bị hành hạ và cưỡng hiếp mỗi ngày.
Ngày thứ hai: Tôi gặp Don Brewster, người điều hành tổ chức hỗ trợ và giải cứu trẻ em Agape International Missions (AIM). Don dẫn tôi đến một phòng gym, nơi anh mời về rất nhiều chuyên gia thể hình từ Mỹ để huấn luyện cho các nam thanh niên trong vùng trở thành một võ sĩ, đồng thời dạy cho họ cách đối xử tốt với phụ nữ. Những nam thanh niên này từng kiếm được khoảng 200 đô-la Mỹ mỗi tháng nhờ bán trẻ em từ Việt Nam cho các nhà chứa. Rất nhiều trong số họ đã từ bỏ việc đó nhờ niềm đam mê trở thành võ sĩ chân chính. Tôi rất ấn tượng với phương pháp kỳ lạ này của Don.
Ngày thứ ba: Tôi đến trung tâm phục hồi của AIM và gặp được Kiều, nghe cô gái nhỏ kể về việc mình bị chính mẹ ruột bán vào nhà chứa. Trinh tiết của Kiều được bán vào tay một người đàn ông khoảng 50 tuổi, đã có 3 con với giá 1.500 đô-la Mỹ (khoảng 30 triệu đồng). Thế nhưng, Kiều chỉ nhận được 1.000 đô-la Mỹ, phải đưa lại cho người dắt mối 400 đô-la Mỹ và cuối cùng đưa về cho mẹ 600 đô-la Mỹ. Kiều kể cô bị nhốt như trong tù và nhà chứa thường xuyên có cảnh sát ghé đến nhưng không ai buồn giúp gì.
Ngày thứ tư: Tôi có một cuộc phỏng vấn với bà Chou Ben Eng, người đứng đầu lực lượng chống buôn người, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia. Tôi đã tự cho phép mình có một chút tức giận khi nói về những vấn đề mà các cô gái trẻ đang gánh chịu. Tôi đề nghị Campuchia nên thực thi giáo dục phổ cập với tất cả mọi người, cả những người chưa có tư cách công dân hợp pháp. Điều này có thể giúp Campuchia kết thúc mối tại hoạ bởi nhận thức cao hơn sẽ giúp các bà mẹ ngừng việc bán con vào nhà chứa.
Ngày thứ năm: Tôi gặp một nhóm sinh viên trẻ dẫn đầu bởi Han Hunlida đang thực hiện một chiến dịch nâng cao nhận thức về nạn buôn người. Hunlida dù chỉ mới 16 tuổi những đã biết tham gia quản lý và cải tiến xã hội mình sống. Tôi cũng có một buổi trò chuyện cùng Haley Welgus, một nhà nghiên cứu của tổ chức chống nạn nô lệ tình dục Somaly Mam Foundation, và đã có cái nhìn lạc quan hơn về tương lai của những cô gái trẻ.
Ngày thứ sáu: Tôi leo đền Angkor Wat và đã có những suy nghĩ mông lung về thân phận của người phụ nữ trong xuyên suốt chiều dài lịch sử ở Campuchia. Trước khi rời khỏi Siem Riep để quay lại Phnom Penh, tôi gặp Don và vợ ông một lần nữa, lại không khỏi thán phục cái cách mà ông đã làm hết sức mình để cải tạo Sway Pak như một người hùng thực thụ.
Ngày thứ bảy: Thời gian của tôi tại Campuchia đã hết. Ngày về, nhìn lại toàn bộ câu chuyện, tôi biết rằng chính phủ Campuchia đang từng bước nỗ lực bằng cách đưa những người khai thác tình dục trẻ em ra toà. Dù sự kết tội có thể chưa tương xứng và còn quá nhẹ, nhưng dù sao vẫn là một tín hiệu lạc quan. Vấn đề còn lại là làm sao để các bà mẹ dừng không bán con mình nữa, hay làm sao để những người đàn ông không tiếp tục bỏ tiền ra để mua trinh tiết các cô gái trẻ? Câu chuyện này cần có những sự nỗ lực nhiều hơn nữa…
Theo An Hoa/ Báo Thế Giới Văn Hoá