Câu chuyện của bà tôi…
Bà tôi sống gần như cả đời tại một khu tập thể cũ. Gian buồng nhỏ hẹp của bà chỉ chứa vừa một vài đồ đạc đơn sơ như cái tủ gỗ cây dụ sử dụng mấy chục năm nay đã bong tróc lớp ván gỗ, bốc lên mùi mối mọt nhưng bà nhất quyết không chịu đổi cái mới.
Bà nói, đây là chiếc tủ mà ông nội quý nhất. Hay cái ti vi cổ lỗ sĩ từ đời nào, vẫn còn cần ăng-ten mới bắt được sóng; bộ ấm chén vàng ố vết chè khô cong, miệng sứt mẻ còn ấm trà mất hẳn quai; cả chiếc tràng kỷ lỗi thời từ những thập niên 80 nữa. Bà nói, ông bà thường ngồi đây xem ti vi, cùng nhau uống trà đàm đạo và ôn kỷ niệm… Tôi nhìn quanh, đâu đâu cũng đầy ắp tình cảm thủy chung son sắt, cảm nhận được hơi ấm trên từng đồ vật dù nhỏ nhất. Ngước lên bàn thờ cúng gia tiên và di ảnh của ông, tôi nghĩ, chắc ông đang mỉm cười ở thế giới bên kia.
Tôi luôn mơ ước có thể gặp một người đàn ông sẽ đi cùng mình đến cuối chặng đường đời, có thể nấu những bữa cơm và là từng chiếc quần, cái áo thật phẳng phiu cho anh. Rồi, mỗi sáng, trước khi đi làm được chỉnh lại nút cravat thắt vội trên cổ áo giúp anh. Còn tối đến, cuộn tròn trong vòng tay nhau và làm những việc chỉ của hai người. Cứ thế, cuối đời, chẳng may âm dương cách biệt, cũng sẽ gìn giữ mọi kỷ vật của đối phương giống như bà tôi vậy.
Video đang HOT
Nhưng càng sống lâu, tôi càng ý thức sự đời lắm điều trái khoáy, cái viễn cảnh kia đặt ở thì tương lai xa lắm. Có những người yêu thương và chờ đợi nhau rất lâu, rồi vẫn đường ai nấy bước. Có những say đắm điên cuồng thuở ban đầu, vì đâu kết cuộc nhạt nhẽo hơn nước ốc. Thực ra, chuyện hợp tan cũng là lẽ thường tình, đi qua đổ vỡ mới càng thấu tình đạt lý, biết cách tinh lọc. Chỉ có điều, phụ nữ vốn là giống loài nhạy cảm, họ thường nghĩ quá lên và đôi khi làm điều trái cảm xúc. Nhưng chính vì thế, họ sở hữu trái tim yêu mãnh liệt, nên chỉ một lần đổ vỡ thôi cũng sẽ khiến phụ nữ như hoa rụng cánh, héo mòn tàn lụi. Dù có thắm cũng đầy gai nhọn, mà phụ nữ chẳng ai muốn mình trở nên gai góc cả, tổn thương người, tổn thương mình. Vì lẽ đó, có rất nhiều phụ nữ, dù biết rõ tên đàn ông kia chẳng còn xứng đáng, vẫn không nỡ buông trôi, bỏ thì thương vương thì tội.
Đàn ông thường dứt khoát trong chuyện tình cảm hơn phụ nữ, bởi họ yêu thích chinh phục, càng đi qua nhiều đổ vỡ, họ càng trưởng thành và nam tính. Thời gian là kẻ thù của phụ nữ, nhưng lại là bạn của đàn ông. Tôi ngưỡng mộ cánh đàn ông vì trong khi phụ nữ thường trông về quá khứ, thì họ vẫn phăm phăm tiến lên phía trước. Đôi khi nhìn lại, phụ nữ cho là nỗi đau, còn họ cho là trải nghiệm, là chiến tích. Vậy là họ mang tiếng bạc tình.
Tôi vẫn cho rằng, ông trời bắt ta chờ đợi là để gặp được đúng người. Trong khoảng thời gian đó, thế giới rất rộng lớn và tôi có rất nhiều việc phải làm. Với tôi, thanh xuân không nên phí hoài trong vài mẩu chuyện được mất, lão hóa tâm hồn. Cuộc đời con người ta, yêu chừng ba lần là đủ, đến lần thứ tư thứ năm thành thất bại mất rồi, bởi yêu hoài mà vẫn không hiểu thế nào là trân trọng. Thế thì thà ở một mình, còn hơn làm vướng bận kẻ khác.
Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ là kẻ yêu cuồng sống vội. Mỗi người đàn ông bước ngang đời tôi, dù họ đơn phương tôi, tôi đơn phương họ, dù họ vô tình đánh rơi tôi, tôi cũng vì thế mà bỏ rơi họ, nhưng suy cho cùng, đó là những người tôi trân trọng, cho đến bây giờ chưa từng hối hận.
Giờ thì quay về với câu chuyện bà tôi.
Nhà của bà tôi chỉ có một khung cửa sổ hướng ra một cái hồ lớn, song sắt lồng họa tiết hoa văn phổ biến ngày xưa, đã bị nắng mưa làm gỉ sét gần hết, nhưng vị trí lại đẹp một cách kỳ lạ: hè đón gió mát, đông mang nắng ấm. Tôi thường bắc ghế bên cửa, ngồi nhổ tóc sâu cho bà, miệng lẩm nhẩm đếm từng sợi bạc như cước. Còn bà kê cuốn album ảnh đã phai màu, kể cho tôi nghe về ngày xửa ngày xưa. Những câu chuyện lặp đi lặp lại, vậy mà tôi nghe không thấy chán.
Những ngày hè nóng nực như thiêu đốt, mỗi khi đi học về, bà đều chuẩn bị cho tôi một cốc nước hoa quả tươi mát lạnh làm dịu cái cổ họng khô khốc. Những tháng đông rét mướt, bà thường nấu chè nóng cho tôi ăn ấm dạ. Bát chè đỗ đen đặc quánh thơm nức mũi, vừa thổi vừa ăn, vị ngon hết xẩy. Mãi sau này, chỉ cần nhắc tới chè, tôi liền nhớ tới cái hương vị đặc trưng, mộc mạc của riêng bà. Nhờ nó, tôi mới hiểu ra rằng, có những thứ chỉ tồn tại ở một khoảng ký ức nhất định.
Màn đêm buông xuống, bà cầm chiếc quạt nan phe phẩy, thì thầm đôi lời. Bà nói, người lớn có những chuyện bất đắc dĩ, họ cũng đã khổ tâm nhiều rồi. Người ta gặp được nhau bởi chữ “duyên”, được ở bên nhau hay không lại là do chữ “nợ”.
Như khi xưa bà gặp ông rồi tưởng như duyên tận, nhưng chỉ vì một cái quàng vai mà bà nhất định không chịu lấy người khác. Gặp lại, duyên nối đến tận lúc lìa đời.
Giữ trọn tấm lòng thủy chung với ông, bà chấp nhận cô độc nửa phần đời còn lại, tình yêu chuyển sang hết cho các con. Người già hay hoài cổ, người trẻ lại quá vô tâm. Lớn lên bộn bề công việc, tôi chẳng quấn bà như hồi bé được nữa. Mỗi khi thấy bà lủi thủi một mình, thương lắm, lại chạy tới ôm bà, nghe bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa.
Theo Guu