Câu chuyện cảm động của cặp vợ chồng nhân viên y tế nơi tâm dịch
“Anh hãy tự chăm sóc bản thân mình. Em sẽ ổn miễn là anh an toàn”. Đây là câu nói của người vợ y tá nói với chồng bác sĩ trước ca làm việc tại Kim Ngân Đàn, một trong những bệnh viện được chỉ định tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm chủng mới của virus Corona (2019-nCoV).
Anh Li Shilong, nhân viên Trung tâm y tế quốc tế Tây An tạm biệt vợ để tới làm nhiệm vụ tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi được coi là tâm dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra, ngày 3/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Cô Tào Sơn, hiện là y tá tại bệnh viện Kim Ngân Đàn, còn chồng là Thổ Thăng Tiến, bác sĩ phụ trách tại Đơn vị Chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện này. Cặp vợ chồng này đã “chiến đấu” nơi tuyến đầu trong cuộc chiến chống chủng virus gây chết người bùng phát tại thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hồi cuối năm ngoái.
Chia sẻ khi được giao nhiệm vụ “đặc biệt” này, bác sĩ Thổ Thăng Tiến đã không ngần ngại trả lời: “Đây là công việc của tôi và tôi không muốn lùi bước”. Anh cho biết khi điều trị cho những bệnh nhân nặng, anh và đồng nghiệp phải đối mặt với áp lực lớn về cả về tinh thần lẫn công việc. Mặc dù lúc đầu có phần mất cảnh giác, song dần dần đã có sự chuẩn bị tốt hơn, điều này khiến các anh tự tin hơn trong cuộc chiến chống virus 2019-nCoV.
Trong thời gian này, vợ chồng bác sĩ Thổ Thăng Tiến và y tá Tào Sơn hiếm khi ở nhà lâu do lo sợ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người thân trong gia đình. Họ thường phải nghỉ ngơi trong văn phòng hoặc ngủ trong ô tô.
Bác sĩ Thổ Thăng Tiến chia sẻ nỗi vất vả của các y tá như vợ anh. Anh cho biết các y tá thậm chí còn mệt mỏi hơn các bác sĩ, đặc biệt là khi họ chăm sóc các bệnh nhân đã cách ly. Họ không chỉ điều trị y tế cho bệnh nhân mà còn chăm sóc về tinh thần và sinh hoạt cho người bệnh.
Trước dịch bệnh, các nhân viên y tế nơi đây lựa chọn cách tập trung vào công việc và luôn khuyến khích, động viên nhau giữ vững tinh thần. Nơi vùng tâm dịch, những cặp vợ chồng như bác sĩ Thổ Thăng Tiến và y tế Tào Sơn cùng các đồng nghiệp đã sống, làm việc kiên cường như thế.
Video đang HOT
Tiến Trung
Theo TTXVN
Cuộc chiến vì tiếng cười của triệu gia đình
Gần nửa tháng nay, thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) tràn ngập trên báo và mạng xã hội. Giữa "rừng" thông tin đó, không ít câu chuyện thấm đẫm tình người ở những quốc gia đang có dịch.
Từ "điểm nóng" Vũ Hán (Trung Quốc), BS Tào Hiểu Anh viết cho con trai lá thư đầy xúc động: "Mẹ yêu con 100%, nhưng thời gian của mẹ không thể dành cho con 100%. Con trai, con đã bao giờ nhìn vào ánh mắt cầu cứu của những bệnh nhân và gia đình họ chưa? Họ luôn nhìn mẹ để gửi trao niềm tin và sự khát khao sống".
Tào Hiểu Anh từng là giám đốc Trung tâm điều trị bệnh truyền nhiễm. Dù đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn quyết định quay lại bệnh viện, cùng đồng nghiệp vào khu vực cách ly chiến đấu với dịch. Quyết định đó không được con trai bà đồng ý. Anh nói với mẹ: "Tình hình rất nghiêm trọng. Sao mẹ đã nghỉ hưu mà vẫn vào khu vực cách ly?".
BS.Tào Hiểu Anh viết: "Xin lỗi con trai, cuộc chia ly ngắn ngủi của chúng ta sẽ là tiếng cười của hàng triệu gia đình. Đây là điều mà những bác sĩ như mẹ nên làm... Con trai, xin hãy yên tâm rằng cả mẹ và đồng nghiệp đều tự tin và có khả năng chiến thắng trong cuộc chiến này mà không cần thuốc súng".
Nhiều người không khỏi xúc động khi đọc lá thư của BS. Tào Hiểu Anh.
Bác sĩ Tào Hiểu Anh làm việc trong khu vực cách ly, người đã viết lá thư xúc động cho con trai (Nguồn ảnh: Weibo. cn)
Sự xúc động dâng lên thành niềm cảm phục khi báo chí đăng hình ảnh khuôn mặt hằn vết khẩu trang do phải đeo liên tục suốt chuỗi ngày cứu chữa bệnh nhân trong khu vực cách ly của Liu Li, nữ y tá trưởng Khoa gan mật, Bệnh viện Tây Nam; hay hình ảnh đôi bàn tay biến dạng vì tiếp xúc với hóa chất của các nhân viên y tế.
Những câu chuyện thấm đẫm tình người cứ ngày một nhiều thêm ở những quốc gia đang có dịch.
Hôm 29 Tết, tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương (Hà Nội), những "chiến sĩ áo trắng" đang tất bật chuẩn bị cho một chiến dịch không tiếng súng. Trong số họ, có cả những chuyên gia đã nghỉ hưu, vẫn trở lại bệnh viện sát cánh cùng đồng nghiệp.
Rồi mới đây, dù đang gồng mình ngăn chặn sự lây lan của dịch, Việt Nam đã quyết định viện trợ bằng vật dụng y tế trị giá khoảng 0,5 triệu USD cho Trung Quốc.
Tại Nhật Bản, Chính phủ nước này xếp dịch nCoV là bệnh truyền nhiễm, khẳng định người nhiễm bệnh trên lãnh thổ Nhật Bản, không phân biệt quốc tịch, đều được hỗ trợ 100% chi phí điều trị.
Nhiều tập đoàn trên thế giới lên kế hoạch tiếp sức Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc kêu gọi kinh phí cho giới khoa học nghiên cứu vaccine trị virus...
Các hãng hàng không trở thành lực lượng chính vận chuyển vật tư, trang thiết bị phòng dịch tới Trung Quốc. Hàng không còn phối hợp với Chính phủ nhiều nước giải cứu hàng nghìn người mạnh khỏe ra khỏi vùng dịch, đưa họ trở về cuộc sống bình thường.
Nữ y tá Lưu Li với khuôn mặt hằn vết khẩu trang sau nhiều ngày làm việc trong khu vực cách ly (Nguồn ảnh: China.org.cn)
Tại Việt Nam, Vietjet đã hỗ trợ đưa về nước miễn phí những du khách người Việt bị kẹt lại sau khi chuyến bay của đoàn khách này bị hủy. Các hãng hàng không Việt Nam khác cũng đang sẵn sàng đưa máy bay sang đón công dân về nước. Cộng đồng có thể yên tâm bởi ngành hàng không có các chuẩn mực quốc tế trong phòng chống dịch, có sự tham gia của cơ quan cảng hàng không, y tế, hải quan, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các nhà chức trách để đảm bảo an toàn cho phương tiện và sức khoẻ hành khách.
Cả thế giới chung sức ngăn chặn sự lây lan của dịch nCoV bởi ai cũng hiểu với một dịch lây lan xuyên biên giới như nCoV, sự phối hợp giữa ngành y tế các nước, sự chỉ đạo của Chính phủ các quốc gia, sự hỗ trợ từ các tập đoàn, doanh nghiệp và sự hợp tác của người dân đóng vai trò quan trọng vào sự thành công phòng chống dịch.
Điều gì sẽ xảy ra nếu các bác sĩ không vào bệnh viện, các chuyến bay cứu trợ không bay đến vùng dịch?
Nhớ lại tháng 2/2003, Việt Nam đối mặt với dịch SARS khiến nhiều người khiếp sợ. Nhưng chỉ 45 ngày sau khi có ca nhiễm, Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới khống chế được dịch SARS. Thành công đó có sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của Tổ chức Y tế thế giới và bạn bè quốc tế.
Cuộc chống dịch nCoV cũng giống chuyện chống SARS, sẽ cần đến sự chung sức của rất nhiều người và tiềm ẩn những bất trắc nhưng ai cũng tin, giai đoạn khó rồi sẽ qua, nụ cười sẽ nở trên môi mỗi người.
Xuân Thạch
Theo vietnamnet
Những 'chiến sĩ' áo trắng kiên cường giữa tâm dịch ở Vũ Hán Tỉnh Hồ Bắc hầu như đã tự cô lập chính mình trong các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus corona chủng mới (2019-nCoV) trên khắp Trung Quốc. Các bác sĩ và y tá của tỉnh này đang túc trực 24/24 để điều trị cho bệnh nhân, mà không hề nề hà đến sự an toàn của chính mình....