Cậu bé nghèo vượt lên số phận bằng đam mê đọc sách
Từng bỏ học giữa chừng vì nghèo đói nhưng nhờ ham mê đọc sách, cậu bé 14 tuổi được tạp chí Time bình chọn là người thay đổi thế giới khi dưới 30 tuổi.
Cuốn sách Người thu gió do ETS – tủ sách giáo dục STEM (Alphabooks) phát hành là câu chuyện phi thường mà có thực về óc sáng tạo của con người và khả năng vượt qua nghịch cảnh.
Đây là một cuốn hồi ký, mà ở đó nhân vật chính – cũng là đồng tác giả – William Kamkwamba, đã kể về chặng đường đời từ cậu bé nghèo ở một quốc gia châu Phi kém phát triển trở thành một hình mẫu vượt lên số phận bằng lòng đam mê, việc đọc sách, và quan trọng hơn tất cả là bắt tay vào làm theo như tinh thần của giáo dục STEM (trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).
William Kamkwamba bên sáng chế đầu tiên của mình.
Cậu bé thất học ham mê đọc sách
William Kamkwamba sinh ra và lớn lên ở Masitala, làng quê nhỏ bé và nghèo khó của nước Malawi (Châu Phi). Trước khi chế tạo cối xay gió, Kamkwamba nuôi ước mơ trở thành thợ chữa xe hơi.
14 tuổi, Kamkwamba buộc phải thôi học trường công lập vì gia đình cậu không thể chi trả khoản học phí 80 USD. Năm 2001 – lúc ấy cậu nghĩ cuộc đời mình sẽ chỉ mãi gắn bó với những cánh đồng. Nhưng hạn hán kéo đến khiến cả gia đình cậu và dân làng rơi vào cảnh đói kém. Hàng xóm và bạn bè của Kamkwamba lần lượt qua đời.
Vào mùa tiếp theo, trời có mưa và cây trồng dần tươi xanh trở lại nhưng gia đình Kamkwamba vẫn không có tiền đóng học phí. Cậu không được tới trường, thời gian rảnh, Kamkwamba bắt đầu đến thăm thư viện làng. Ở đó cậu đọc được hai cuốn sách giáo khoa viết về việc tạo ra điện. Hình ảnh những chiếc cối xay gió ở bìa cuốn sách gây ấn tượng đặc biệt cho Kamkwamba.
Sản phẩm đầu tay của anh Kamkwamba.
Kamkwamba nghĩ rằng một chiếc cối xay gió sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cho bố mẹ cậu và sáu chị em gái. Cậu quyết định sẽ làm một chiếc cối xay gió với nguyên liệu là ống nhựa PVC, các bộ phận của chiếc xe hơi và xe đạp gỉ sắt. Ban đầu Kamkwamba làm một mô hình nhỏ. Sau đó cậu dành nhiều tuần lễ làm các bộ phận để tạo ra chiếc cối xay gió thật sự. Có cối xay gió, Kamkwamba có thể thức khuya đọc sách mà không phải đi ngủ từ lúc 7 giờ tối như đa số người dân Malawi.
Video đang HOT
Không chỉ tạo ra điện để tiết kiệm tiền cho gia đình và giảm những nguy cơ sức khỏe của việc thắp sáng bằng dầu hỏa, Kamkwamba còn dùng điện để bơm nước từ giếng sâu tưới cho cánh đồng ngô và thuốc lá của gia đình. Nhờ đó, gia đình Kamkwamba đỡ lo hơn trước sự tàn bạo của thiên nhiên và có thể trồng thêm một vụ mùa nữa.
Từ ý định khiêm tốn ban đầu, cuối cùng Kamkwamba đã có những thiết kế rất lớn lao. Hiện nay Kamkwamba chế tạo ra ba cối xay gió, đủ để tạo điện thắp sáng cho vài bóng đèn trong nhà, chạy đài và tivi, bơm nước cho các cánh đồng trong làng và cho sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân.
Câu chuyện về Kamkwamba được lan rộng ra khỏi ngôi làng bé nhỏ và cuối năm 2006, một nhân viên giáo dục đến thăm cậu và rất sửng sốt khi biết Kamkwamba bỏ học suốt 5 năm qua. Nhân viên này sắp xếp cho Kamkwamba đi học trường cấp II theo chi trả của chính phủ và còn cử phóng viên đến viết bài về chiếc cối xay gió.
Năm 2007, khi cậu 19 tuổi, với vốn Tiếng Anh bập bẹ và ngại ngùng, Kamkwamba đã có bài nói chuyện đầu tiên trên TED Talk. Sau đó 2 năm, cũng trên chương trình này, Kamkwamba đã nói chuyện tự tin hơn rất nhiều. Năm 2013, Tạp chí TIMES đã đưa Kamkwamba vào danh sách những người thay đổi thế giới khi dưới 30 tuổi (30 People Under 30 Changing The World).
Sách sẽ hữu ích cho những người biết đọc
TS. Đặng Văn Sơn – Nghiên cứu viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, Nhà sáng lập Học viện Sáng tạo S3 chia sẻ, có rất nhiều cách để sống qua khó khăn, đói kém, thất học. Có người bi quan, có người bỏ đi, có người vui vẻ chấp nhận. Nhưng cách của William Kamkwamka lại hoàn toàn khác: Tìm được niềm đam mê của mình là đọc sách và làm STEM.
Kamkwamba trở thành người truyền cảm hứng, như một sự nhắc nhở về văn hoá đọc với nhiều người.
“Ở đất nước châu Phi xa xôi ấy, cậu thiếu niên William không có đủ tiền để theo học tiếp, nền tảng tiếng Anh cũng rất yếu. Nhưng, vượt qua trở ngại, cậu vẫn đến thư viện, tìm đọc các cuốn sách khoa học cũ bằng tiếng Anh, tự tìm cách để dịch các từ tiếng Anh chuyên ngành. Chính những ngày bới cả bãi rác thải để tìm linh kiện trong khi dân làng và cả gia đình nghĩ rằng cậu có vấn đề về thần kinh lại là lúc mà năng lượng tích cực của William đang ở mức cao nhất, niềm đam mê không còn giới hạn”, TS. Đặng Văn Sơn chia sẻ.
Xét từ góc độ khoa học, chiếc máy phát điện gió của William không phải là sản phẩm của sự sáng tạo khoa học kỹ thuật quá cao, nhưng đối với một chàng thiếu niên 14-15 tuổi đó là cả một gia tài của sự đam mê và khao khát làm nên một điều gì đó có ích. Nhờ những cố gắng không mệt mỏi, thậm chí phải chấp nhận bị chế nhạo, nhờ sự chân thành và may mắn được các nhà khoa học, giới truyền thông và các tổ chức quốc tế quan tâm, chàng trai vô danh ở một vùng quê nghèo với vốn liếng tiếng Anh còn hạn chế, chưa có nổi một chiếc áo sơ mi trắng và chưa bao giờ được đi máy bay, ở khách sạn bỗng thành người của công chúng. Sự xuất hiện trên các phương tiện truyền thông biến anh thành người truyền cảm hứng.
Trong những thập kỷ gần đây, giáo dục STEM đã được đẩy mạnh tại các quốc gia phát triển và lan sang các quốc gia đang phát triển tại châu Á và châu Phi. Giáo dục STEM được thúc đẩy bởi đơn giản nó sẽ hỗ trợ và tạo động lực cho những con người như William Kamkwamka, nhân vật chính trong hồi ký Người thu gió.
“Người thu gió thực ra lại là người truyền năng lượng, một thứ năng lượng sống tích cực được soi bởi ánh sáng của khoa học và sưởi ấm bằng tinh thần nhân loại đẹp đẽ.
Thiết nghĩ, không phải chờ tới khi vào đại học, mà các bạn trẻ từ bậc trung học đã có thể tìm đến với cuốn sách này như một người bạn tin cậy, một người truyền cảm hứng. Và những người không còn trẻ, sẽ thấy bóng dáng của mình trong đó, để nuôi giữ những khát vọng và đam mê trong thông điệp về việc vượt lên số phận, sẻ chia, giúp đỡ con người trên khắp hành tinh này. Đó chẳng cũng chính là đích đến chung trong hành trình làm cho cuộc sống của mỗi người tốt và đẹp hơn sao?” , TS. Đặng Văn Sơn nói.
Cuốn ‘Người thu gió’ được nhiều trường đại học của Mỹ đưa vào danh mục sách cần đọc.
Cuốn Người thu gió được nhiều trường đại học của Mỹ đưa vào danh mục sách cần đọc cho tất cả sinh viên mới vào trường. Nó là nguồn cảm hứng cho bất cứ ai còn đang nghi ngại sức mạnh của khả năng có trong mỗi cá nhân để làm thay đổi cộng đồng của mình và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người xung quanh.
Sách không bao giờ là thừa, và luôn hữu ích ở bất cứ nơi đâu miễn là có người biết đọc. Những vùng nghèo khó lại rất cần kiến thức về kỹ thuật.
Thói quen đọc sách của học sinh Australia
Ở bậc tiểu học, từ lớp dự bị đến lớp 6, mỗi ngày học sinh Australia đều có 30 phút đọc sách ở trường và khoảng 20 phút đọc sách ở nhà với bố mẹ.
Các nhà khoa học cho rằng đọc sách cho trẻ sơ sinh kích thích trí tưởng tượng và phát triển não, dạy trẻ ngôn ngữ và cảm xúc, cũng như gia tăng kết nối giữa cha mẹ và trẻ. Vì vậy không bao giờ là quá sớm để đọc sách cho trẻ. Theo một nghiên cứu năm 2017, khoảng 80% trẻ từ sơ sinh cho tới 2 tuổi ở Australia được cha mẹ đọc sách cho thường xuyên.
Học sinh Australia bắt đầu đi học lúc 5 tuổi (lớp dự bị). Từ đây cho đến lớp 2 (7 tuổi) là thời gian học sinh chính thức được dạy tập đọc. Mỗi ngày các em sẽ được học những từ đơn giản và được thầy cô đọc cho một câu chuyện. Sau đó học sinh sẽ tự đọc những quyển sách do mình chọn, thỉnh thoảng đọc với thầy cô để được chỉnh sửa. Đôi khi thầy cô yêu cầu tóm tắt sách cũng như trả lời câu hỏi để kiểm tra khả năng đọc hiểu của các em.
Trong lớp, sách tập đọc được xếp vào những thùng khác màu nhau từ dễ nhất màu vàng cho tới khó nhất màu đen. Khi mới cắp sách đến trường, nhiều học sinh đã biết tất cả chữ cái hay viết được tên mình. Nhưng cũng không ít em một chữ bẻ đôi không biết thì cũng chẳng có vấn đề gì. Giáo viên sẽ đánh giá trình độ của từng học sinh và chỉ định cho mỗi em một màu.
Nếu học sinh cảm thấy khó hay dễ thì cho giáo viên biết để gia giảm. Thầy cô theo dõi và đảm bảo học sinh tập đọc theo đúng khả năng của mình, không quá dễ để các em không chán mà cũng không quá khó khiến các em nản. Nhờ tập đọc theo đúng trình độ nên các em vui vẻ đọc mỗi ngày và sớm tiến bộ.
Ở bậc tiểu học, từ lớp dự bị đến lớp 6, thời khóa biểu mỗi ngày đều có 30 phút đọc sách. Ngoài ra, mỗi tối các em nhỏ được khuyến khích tập đọc với cha mẹ khoảng 20 phút. Trẻ vừa bắt đầu tập đọc sẽ hiểu nhanh hơn khi nghe người lớn đọc cho hơn là tự đọc, vì phụ huynh có thể giảng giải cho các em nghĩa của một chữ mới. Khi trẻ có thể tự đọc lúc 8 tuổi (lớp 3), không có nghĩa là phụ huynh ngưng không đọc cho trẻ nữa. Đọc sách chung giúp trẻ mở rộng vốn từ vựng, tăng kỹ năng đọc hiểu và tạo sự gần gũi giữa ba mẹ và con cái.
Để kích thích học sinh tiểu học đọc sách ở nhà, trường học Asutralia phát cho mỗi em một quyển nhật ký. Sau khi đọc một cuốn sách cha mẹ sẽ ghi nhận xét và ký tên. Khi cán vạch 25 cuốn, các em sẽ được thưởng một ngôi sao, 50 cuốn và cứ thế các em tự giác đọc mỗi đêm để sớm về đích.
Những học sinh lớn hơn có thể đọc một mình thường được yêu cầu dành ít nhất nửa giờ mỗi đêm tự đọc. Nhiều gia đình Australia có thói quen cùng nhau đọc sách chung trước khi các em đi ngủ.
Ảnh: Shutterstock.
Nhà trường hàng năm sẽ cập nhật danh mục sách phổ biến cho từng lứa tuổi để phụ huynh và học sinh tìm đọc. Học sinh lớp 3 thường yêu thích văn hào Roald Dahl, một trong những tác giả thiếu nhi nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, có em chỉ mê mẩn truyện hài hước như Diary of a Wimpy Kid.
Thầy cô khuyên phụ huynh không nên ép các em đọc những thể loại sách không hứng thú. Mỗi thể loại sách có một giá trị riêng của nó, nên cho các em được tự do chọn lựa những gì mình thích để khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong mỗi em. Đừng nóng vội vì gu đọc sách của học sinh sẽ thay đổi theo thời gian.
Khi trẻ lớn hơn một chút, sở thích của trẻ mở rộng ra thiên nhiên, khoa học, xã hội và các vấn đề đạo đức. Học sinh lớp 4 phần đông thích sách về trẻ em giải quyết những vấn đề của trẻ em, như truyện Boy Overboard của Morris Gleitzman, hay bộ truyện bí hiểm Samurai Kids của Sandy Fussell. Học sinh lớp 5 bắt đầu say mê những quyển sách dày 500 trang như truyện giả tưởng nhiều tập Heroes of Olympus của Rick Riordan. Các bạn lớp 6 rất yêu thích bộ sách khoa học viễn tưởng Harry Potter của nữ tác giả J. K. Rowling, dù có quyển gần 800 trang.
Trong chương trình tiếng Anh của học sinh trung học (từ lớp 7 đến 12), mỗi năm các em phải đọc 3 quyển sách bắt buộc và viết bài luận phân tích tác phẩm. Ngoài ra, các em cũng đọc thêm khoảng 2 cuốn nên trung bình một học sinh trung học Australia đọc khoảng 5 quyển sách mỗi năm.
Để khuyến đọc, vào tháng 4 hàng năm các tiểu bang tổ chức chương trình Thử thách đọc sách của Thủ hiến dành cho học sinh từ lớp dự bị tới lớp 10. Mỗi học sinh tham gia sẽ nhận được chứng chỉ xác nhận số quyển sách đã đọc khi chương trình kết thúc vào tháng 9.
Trong thời gian thử thách từ tháng 4 đến tháng 9, học sinh các lớp dự bị, lớp 1 và lớp 2 được khuyến khích đọc 30 quyển. Sách tập đọc của các em độ tuối này rất đơn giản, nhiều hình minh họa, màu sắc hấp dẫn. Thực tế trung bình mỗi tuần các em đọc khoảng 5 cuốn, nếu tính luôn những quyển đọc lại thì một năm các em đọc hơn 200 quyển sách.
Sách của học sinh từ lớp 3 đến 6 dày hơn, khó hơn nên các em được khuyến khích đọc 15 quyển trong chương trình năm tháng đọc sách này. Điều này hợp lý vì thông thường một học sinh lớp 5 sẽ đọc xong một quyển sách dày 300 trang trong vòng 10 ngày, mỗi năm em có thể đọc trên dưới 30 quyển sách.
Chương trình Thử thách đọc sách của Thủ hiến cung cấp danh mục sách được chọn lọc có nội dung và thể loại phong phú phù hợp với từng lứa tuổi. Danh mục này được bổ sung mỗi năm và hiện có gần 20.000 quyển sách của hàng nghìn tác giả xưa và nay. Học sinh có thể mượn những quyển sách này ở thư viện trường hay thư viện địa phương. Các gia đình có điều kiện thường mua ở tiệm sách hay trên mạng.
"Nếu bạn muốn có con thông minh, hãy cho con một quyển sách. Nếu bạn muốn con thông minh hơn nữa, hãy cho con nhiều sách hơn nữa", Jackie French, một tác giả sách thiếu nhi Australia từng nói.
24h qua ảnh: Đại bàng đầu trắng bắt cá trên hồ ở Alaska Đại bàng đầu trắng bắt cá trên hồ ở Alaska, bé gái ngồi đọc sách trong hiệu sách ở Trung Quốc,... là những hình ảnh ấn tượng nhất thế giới 24 giờ qua. Các công nhân làm việc tại một đài hỏa táng ở ngoại ô thành phố Mexico City, Mexico. Ảnh: Reuters Các máy bay của hãng hàng không JetBlue đậu tại...