Cậu bé chiến đấu với hội chứng bí ẩn liên quan đến virus corona
Jack McMorrow, học lớp 9 tại thành phố Queens, là một trường hợp giúp giới y học hiểu thêm về sự nguy hiểm của virus corona.
Vào những ngày giữa tháng 4, cậu bé 14 tuổi Jack McMorrow phát hiện nhiều nốt mẩn đỏ trên tay, cảm thấy mắt mờ đi và bị đau bụng dữ dội. Bố mẹ Jack chỉ xem đó là những vấn đề thông thường mà một đứa trẻ nghịch ngợm thường gặp phải.
Chỉ 10 ngày sau, Jack đối mặt với nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn. Bố mẹ Jack đành hỏi ý kiến của bác sĩ nhi thông qua hình thức gọi video trực tuyến. Đến cuối tuần, Jack được đưa đến một phòng khám khẩn cấp.
Một buổi sáng nọ, cậu bé thức dậy và không thể cử động được nữa. Jack liên tục sốt cao, tăng nhịp tim, giảm huyết áp và nổi hạch. “Những cơn đau nhói chạy xuyên qua tĩnh mạch”, Jack miêu tả về ký ức kinh hoàng.
Hội chứng bí ẩn
Cậu bé Jack, từng hoàn toàn khoẻ mạnh, nay phải nhập viện vì nhiều triệu chứng của bệnh suy tim. Jack là một trường hợp mắc Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em, hội chứng nguy hiểm và có liên quan đến virus corona.
Cậu bé Jack McMorrow và bố mẹ tại căn hộ ở Queens. Ảnh: The New York Times.
Theo The New York Times, hội chứng này đã được phát hiện ở khoảng 200 trẻ em tại Mỹ và châu Âu, nhiều trường hợp trong số đó đã tử vong. Các biểu hiện của hội chứng bao gồm sốt cao, gặp vấn đề về tiêu hoá, viêm động mạch vành cấp máu cho tim, thiếu máu cục bộ,…
Các chuyên gia đang nghiên cứu theo phương pháp đối chiếu giữa Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em và bệnh Kawasaki. Giới chuyên gia tin rằng hội chứng hiếm gặp này thường xuất hiện ở trẻ đang trong độ tuổi đi học, thay vì trẻ sơ sinh.
Sự xuất hiện của Hội chứng viêm đa hệ đã phá vỡ quan điểm cho rằng virus corona thường không ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, tiến sĩ Anthony S. Fauci cảnh báo: “Chúng ta không được chủ quan và cho rằng trẻ em miễn nhiễm với dịch bệnh”.
Bác sĩ lâu năm cho gia đình Jack, Gheorghe Ganea nhận định: “Một khi hệ tim mạch suy yếu, những cơ quan nội tạng khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cậu bé hoàn toàn có thể tử vong”.
Bố mẹ của Jack, ông John McMorrow và bà Doris Stroman, không biết tại sao con trai mình nhiễm virus corona. Sau ngày 18/3, cậu bé Jack chỉ học trực tuyến ở nhà và hiếm khi ra ngoài. Cả bố mẹ và chị gái Jack đều xét nghiệm âm tính với virus corona.
Những ngày không quên
Gia đình McMorrow đã đưa Jack tới bệnh viện nhi Morgan Stanley, cơ sở chuyên điều trị các trường hợp nhiễm virus corona. Jack kể lại: “Cháu van xin để được về nhà. Nhưng bác sĩ bảo nếu quay về, cháu sẽ chết. Câu nói đó khiến cháu muốn chiến đấu và chiến thắng căn bệnh”.
Jack hôn mê trên giường bệnh viện. Ảnh: The New York Times.
Khi nhập viện, nhịp tim của Jack cao gấp đôi bình thường để chống chọi lại mức huyết áp thấp. Bác sĩ Steven Kernie của ĐH Columbia nhận xét Jack bị suy tim khá nghiêm trọng, khiến việc lưu thông máu và oxy trong cơ thể gặp nhiều khó khăn.
Video đang HOT
Các bác sĩ không hiểu tại sao Jack đột ngột bị suy tim dù các chỉ số hoàn toàn bình thường. Song họ chú ý đến hiện tượng viêm mạch máu ở khắp cơ thể, từ đó phỏng đoán về chứng viêm cơ tim nghiêm trọng.
Bệnh viện nhi Morgan Stanley đã tiếp nhận hàng chục trường hợp có triệu chứng tương tự với Jack McMorrow. Song Jack là bệnh nhân duy nhất xét nghiệm dương tính với virus corona và là “manh mối” giúp giới y khoa nghiên cứu thêm về hội chứng hiếm gặp này.
Đến ngày điều trị tích cực thứ 3, thuốc huyết áp đường uống không có tác dụng nên các bác sĩ đành phải đặt ống thông để bơm trực tiếp thuốc vào cơ thể cậu bé. Bệnh viện cũng chuẩn bị thêm máy thở phòng trường hợp tim Jack suy giảm chức năng nghiêm trọng.
Bệnh viện nhi Morgan Stanley, nơi Jack được điều trị. Ảnh: The New York Times.
Sau thất bại của hàng loạt phương pháp thử nghiệm, các bác sĩ quyết định kê thuốc steroid tăng cơ bắp để chống viêm nhiễm và ức chế hệ miễn dịch. Thật bất ngờ, Jack dần bình phục và chỉ cần đến thuốc huyết áp sau vài giờ.
Các bác sĩ không chắc thuốc steroid là phương pháp điều trị hiệu quả Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em. Song loại thuốc này bắt đầu được ứng dụng và ghi nhận nhiều kết quả khả quan.
Truyền lửa cho ước mơ
Sau một tuần, Jack hoàn toàn bình phục và có thể gửi email cho giáo viên từ giường bệnh. Jack vẫn phải đi kiểm tra tim mạch định kỳ và uống thuốc steroid trong vài tuần tới. Các bác sĩ hy vọng một vài tổn thương tim mạch còn sót lại sẽ tự lành và không tái phát.
Sau khi bị bệnh, Jack mong muốn trở thành một bác sĩ. Ảnh: The New York Times.
Cậu bé chia sẻ: “Trước khi bị bệnh, cháu đã suy nghĩ về việc theo học ngành y. Sau khi sống sót qua cửa tử, cháu thật sự say mê và mong muốn trở thành một bác sĩ. Có thêm cơ hội sống làm cháu muốn cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời”.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang xem xét liệu hội chứng này có nguồn gốc từ gene di truyền hay không. Nhiều ca bệnh tương tự với Jack McMorrow đã được ghi nhận tại Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha.
10 điều người bệnh rối loạn nhịp tim cần biết để phòng chống COVID-19
Người bị rối loạn nhịp tim nếu nhiễm virus corona mới có tỷ lệ tử vong gấp 10 lần so với nhóm người không có tiền sử mắc các bệnh tim mạch.
Trong nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa Hoa Kỳ cho biết trong 138 người nhập viện vì SARS-CoV-2 thì có 17% bị rối loạn nhịp tim và 7% là bị tổn thương tim cấp tính.
Virus SARS-CoV-2 thuộc chủng virus corona mới rất dễ lây lan qua giọt bắn từ người bệnh tới người lành. Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh, tuy nhiên nhóm người mắc các bệnh mãn tính nếu nhiễm virus thì có nguy cơ bệnh trở nặng nhanh hơn so với nhóm người không có bệnh nền khác; trong đó có nhóm người mắc các bệnh tim mạch như rối loạn nhịp tim.
1. Nếu bị nhiễm virus Covid-19 người bị rối loạn nhịp tim có tỷ lệ tử vong cao hơn
Nguyên nhân được giải thích là do:
- Các tác động từ bên ngoài: ví dụ như lo âu, căng thẳng, bất an về số người tử vong trên toàn cầu đang tăng lên; tim người bệnh có thể đập nhanh hơn, gây cảm giác hồi hộp, đập trống ngực và mệt mỏi tăng lên.
- Rối loạn nhịp tim làm giảm đi khả năng bơm máu của tim tới các cơ quan khác trong cơ thể. Lúc này hệ miễn dịch không có đủ oxy cần thiết để hoạt động, đi kèm với đó là những căng thẳng bất an của người bệnh gây bất lợi không nhỏ tới sức khỏe của người bị bệnh tim mạch.
Cơ chế gây bệnh của virus corona chủng mới là việc chúng ức chế hệ miễn dịch của vật chủ và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, từ đó nồng độ oxy trong máu bị giảm và gây ra biến chứng rối loạn nhịp tim. Sự xuất hiện của virus "lạ" trong cơ thể cũng kích thích các phản ứng miễn dịch tạo ra các báo động giả, kích hoạt hoạt động của thần kinh tự chủ làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim.
2. 10 điều người bệnh rối loạn nhịp tim cần biết để phòng tránh Covid-19
Đối với người bị rối loạn nhịp tim thì việc quan trọng nhất chính là ổn định nhịp tim bằng mọi cách có thể sao cho nhịp tim ở trong mức an toàn là từ 60 - 100 nhịp/1 phút đồng thời xử lý tốt những bệnh lý kèm theo. Tất nhiên việc thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO hướng dẫn trong phòng tránh COVID-19 là nguyên tắc bắt buộc như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên hay hạn chế ra ngoài khi không cần thiết.
Dưới đây là 10 điều người bị rối loạn nhịp tim cần nhớ để bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch:
2.1. Dự phòng và uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ
Không chỉ người bị rối loạn nhịp tim, tất cả những người đang điều trị theo đơn của bác sĩ đều cần dùng đúng và đủ; đây là cách tốt nhất để có thể bảo vệ trái tim được an toàn từ đó hạn chế những biến chứng nguy hiểm nếu như chẳng may nhiễm virus.
Điều này cũng được khuyến cáo đối với việc bỏ thuốc khi nhận thấy bệnh đang có dấu hiệu thuyên giảm. Nếu không sử dụng đủ liều và đúng thời gian, nhịp tim có thể tăng trở lại.
Người bị rối loạn nhịp tim cần uống thuốc đúng và đủ theo đơn kê của bác sĩ (Ảnh: Internet)
Đối với việc dự phòng thuốc cần xét theo tình hình mà dự phòng thuốc cho hợp lý, không nên mua tích trữ quá nhiều dẫn đến không dùng hết hoặc mua quá ít. Bạn có thể liên hệ với bác sĩ chủ trị để yêu cầu kê đơn thuốc trong thời gian từ 2 đến 3 tháng là hợp lý. Dự phòng thuốc cũng cần đảm bảo có thuốc khác với hoạt chất tương tự thuốc trong đơn nếu không mua được.
2.2. Giữ huyết áp và mỡ máu trong mức ổn định
Nhịp tim của bạn sẽ ở mức ổn định nếu huyết áp được kiểm soát tốt. Trong trường hợp bạn đang phải dùng thuốc để giảm mỡ máu thuộc nhóm Statin thì cần dùng đúng liều chỉ định và chỉ ngừng thuốc khi có sự đồng ý và tư vấn của bác sĩ.
Có rất nhiều báo cáo cho thấy thuốc mỡ máu nhóm Statin được dùng cho người bị tim mạch vành và rối loạn lipid máu có thể giúp giảm các rủi ro tim mạch tốt hơn trong mùa dịch như hiện tại.
2.3. Uống thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C
Người bị rối loạn nhịp tim hay người bình thường dù sốt bởi bất cứ lý do gì trên 38 độ 5 đều cần phải uống thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt tốt nhất thường được khuyên dùng là Paracetamol để có thể hạ thân nhiệt.
Việc cơ thể bị sốt có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù sao thì việc bị sốt cao hay cơ thể bị nhiễm khuẩn đều có thể gây rối loạn nhịp tim - đối với những người đang bị rối loạn nhịp tim thì điều này có thể gây nguy hiểm.
2.4. Quan sát các biểu hiện bất thường của cơ thể
Các biểu hiện bất thường của cơ thể có thể phản ánh sức khỏe của bạn đang có vấn đề. Trong mùa dịch, điều mà người bị rối loạn nhịp tim cần nhớ chính là quan sát các dấu hiệu bất thường như ho, khó thở,...
Tuy nhiên không phải ai nhiễm virus corona chủng mới cũng có biểu hiện sốt, ho hay khó thở, điều này cũng phản ánh ở những người có bệnh lý nền rất dễ bị che lấp. Dưới đây là một số dấu hiệu mà bạn cần chú ý:
Triệu chứng khi nhiễm virus Covid-19 theo từng giai đoạn (Ảnh: Sức khỏe đời sống)
2.5. Hạn chế đeo khẩu trang khi ở trong nhà
Đeo khẩu trang liên tục trong thời gian dài có thể gây bí bức, khó thở dẫn tới nhịp tim tăng. Trừ trường hợp phải ra ngoài hay trong nhà có người bị cách ly, còn lại thì người bị rối loạn nhịp tim không nên đeo khẩu trang.
2.6. Ưu tiên thăm khám bệnh tại nhà
Mới đây thì Sở Y tế TP.HCM đã có công văn ưu tiên khám bệnh cho người cao tuổi tại nhà. Nhìn chung nếu có thể bạn hãy xin số điện thoại của bác sĩ chủ trị để có thể trao đổi trực tiếp hoặc thăm khám tại nhà nếu cảm thấy không khoẻ.
Điều này cũng được khuyến khích với những người đang có bệnh nền đi khám trong mùa Covid. Nếu không thể thăm khám tại nhà thì cần có các biện pháp đảm bảo an toàn khi tới khám tại các cơ cơ y tế.
2.7. Duy trì tập luyện thể dục
Việc tập luyện thể dục đều đặn giúp nâng cao sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch của người bệnh. Các bài tập nên phù hợp với mức độ bệnh lý, có thể là đi bộ nhẹ nhàng, leo cầu thang, tập yoga, thiền,...
2.8. Giữ tâm trạng thoải mái, lạc quan
Các bác sĩ cho biết chứng rối loạn nhịp tim chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi yếu tố tâm lý, bởi cảm xúc và môi trường xung quanh.
Do vậy để có sức khỏe chống dịch, người bị rối loạn nhịp tim cần giữ tâm trạng thoải mái, thư giãn bằng các bài tập hít thở, nghe nhạc, đọc sách,...
2.9. Cập nhật thông tin từ các kênh chính thống
Để đảm bảo không bị gây hoang mang ảnh hưởng tới tâm lý thì người bị bệnh tim mạch cần theo dõi tin tức về dịch bệnh tại các trang thông tin chính thống từ Chính Phủ, Bộ Y tế,... tránh bị lo lắng hay sợ hãi ảnh hưởng tới nhịp tim, huyết áp.
Cứ nghĩ đau đầu, háo nước, mệt mỏi là do stress, ai ngờ đó lại là những dấu hiệu cảnh báo của một căn bệnh nguy hiểm Nếu bạn thấy mình có bất kỳ triệu chứng nào được nêu ở dưới đây thì hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng. Đường huyết là một thuật ngữ chỉ lượng đường trong máu. Thông thường đường là nguồn năng lượng chính của cơ thể, đồng thời cũng là nguồn nhiên liệu cực kỳ quan trọng...