Cậu bé “chân voi” lê lết mưu sinh và ước mơ trong cuốn nhật ký
Mắc chứng bệnh lạ, Hà phải mang trên mình chiếc “ chân voi” dị dạng. Những dòng nhật ký của cậu bé chứa đựng một ước mơ khiến ai đọc cũng thương cảm cho em.
Mắc phải chứng bệnh lạ khiến một chân cậu bé to lớn “khủng khiếp”, kéo theo việc đi lại, sinh hoạt của em khó khăn. Tuy vậy, vượt qua bao mặc cảm tủi thân, em vẫn vươn lên sống và ước mơ bằng cả một nghị lực phi thường.
Cậu bé bất hạnh mà chúng tôi nhắc đến là Trương Quốc Hà (SN 1998), trú xã Quế Phong, huyện Quế Sơn (Quảng Nam), hiện là học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông Quế Sơn.
Theo lời Hà, hoàn cảnh gia đình cậu bé hiện tại rất nghặt nghèo. “Em không có cha, mẹ phải xa xứ vào Sài Gòn ở thuê giúp việc cho người ta. Hằng tháng ki cóp vài ba trăm ngàn gửi về nuôi em. Giờ chỉ còn mình em ở trong nhà này”, Hà chia sẻ.
Một mình trong ngôi nhà trống trơn, cùng đôi chân “không lành lặn” khiến Hà vô cùng khổ sở. Chân phải phình to khổng lồ, gấp 3 lần chân trái, nặng gần bằng trọng lượng cơ thể của em. Nhìn xuống cái “chân voi” của mình, Hà ái ngại: “Nó to quá nên em không thể di chuyển như người thường mà phải lê lết từng bước một”.
Theo quan sát của chúng tôi, những ngón chân bên phải của em cũng to hơn bình thường. Hà bảo, nó khiến em cảm thấy nặng nề, tựa như tảng đá buộc vào chân, khó khăn trong việc di chuyển.
Chưa hết, những rào cản mà em phải đối diện còn là sự tự ti, mặc cảm số phận. Suốt những năm tháng qua, em đã phải chịu đựng không biết bao lời trêu đùa của chúng bạn, có nhiều lúc, cậu bé tưởng chừng như muốn gục ngã. Hà chia sẻ: “Tủi thân nên nhiều lúc em muốn bỏ học, đóng cửa ở trong nhà. Nhưng rồi thương má vất vả, em lại cố gắng phấn đấu và ước mơ…”.
Mẹ đi làm thuê xa, một mình Hà “tự biên tự diễn”. Từ sáng sớm, cậu bé trở mình dậy, lục đục nấu cơm ăn để kịp giờ lên trường. Quãng đường hơn 20km từ nhà đến nơi học thực sự trở thành nỗi ám ảnh của em. Thời gian đầu, Hà tự vật lộn với chiếc xe đạp cà tàng. Bạn bè bình thường chỉ mất độ 30 phút là đạp xe đến nơi, còn Hà phải “trầy da tróc vảy” cả tiếng đồng hồ mới đến kịp giờ vào học. Cái chân voi nặng nề không cho phép em vận động nhiều.
“Chân voi” khổng lồ của Hà
Video đang HOT
Để có được chiếc dép vừa chân, em phải lặn lội khắp vùng nhờ thợ đóng riêng cho mình một cái ngoại cỡ. “Dép em mang là đồ cao su, một chiếc cỡ gần 50, một chiếc chỉ 38 mà thôi. Rồi quần cũng may ống to, ống nhỏ”, Hà ngại ngùng kể lại.
Không có mẹ bên cạnh, cuộc sống của cậu bé “chân voi” Trương Quốc Hà càng thêm bội phần khó khăn. Em tự lo lắng hoàn toàn cho mình, nhiều lúc đêm hôm chiếc chân phải tê nhức, đau đớn em chỉ biết nức nở khóc một mình.
Khó khăn là vậy, nhưng Hà thực sự khiến chúng tôi cảm phục về nghị lực tuyệt vời của em. Hàng ngày sau giờ học, cậu quay về nhà chăn nuôi con gà, con bò – những tài sản quý giá nhất của gia đình. Với cái “chân voi” nặng nề, Hà không thể theo kịp con bò nên em nghĩ ra cách buộc dây vào mũi nó, rồi cầm tay dắt đi. “Nó đi còn nhanh hơn cả em nữa. Em buộc dây dài rồi đi sau kéo nó lại, lắm lúc tuột mất dây là phải kêu cô bác hàng xóm giúp đỡ”, Hà nói.
Ngoài việc học, Hà còn cố gắng nuôi gà, chăn bò
Được hỏi về ước mơ của mình, cậu bé chỉ cười rồi nhìn ra xa xăm. Trong cuốn nhật ký nhỏ, Hà bộc bạch: “Mình sẽ chiến đấu với bệnh tật này. Đau mấy cũng ráng chịu để còn học tập, giữ bò phụ giúp má. Sau này, phải học đại học kiếm nghề nuôi má. Rồi đi học bác sĩ để chữa bệnh, có thể chạy nhảy, vui đùa như bạn bè…”. Những dòng nhật ký chứa đựng một ước mơ đơn giản đến bình dị, khiến ai cũng thương cảm cho em.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Huân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Quế Phong xác nhận thông tin trên. Theo lời ông Huân, hoàn cảnh gia đình em Hà cực kỳ khó khăn. “Gia đình cháu Trương Quốc Hà là hộ nghèo của xã, mẹ phải đi làm ăn xa nuôi con. Với cái “chân voi”, Hà chịu rất nhiều tủi nhục, vất vả. Cháu ấy cũng trải qua một số ca phẫu thuật nhưng tình hình không mấy khả quan, chân ngày một phình to, gây đau đớn”.
Nhâm Thân
Theo_Người Đưa Tin
Nuôi giấc mơ đổi đời từ phế liệu
"Không có bằng cấp, học vấn thì ngoài công việc này chúng tôi còn có thể làm gì với số vốn ít ỏi", anh Phùng Thanh Thắng chia sẻ việc đến với nghề mua bán phế liệu để nuôi giấc mơ đổi đời.
Thay vì mua vật liệu mới đắt tiền người đàn ông này đang chọn mua vật liệu cũ còn tốt - Ảnh: Phan Giang
Khóc - cười với... rác
Nhà đông anh em, không được học hành đến nơi đến chốn, sau khi lập gia đình, anh Phùng Thanh Thắng (ngụ quận 11, TP.HCM) với có chút vốn từ tiền mừng đám cưới, anh cùng vợ mở một vựa thu mua phế liệu để mưu sinh.
Vốn không cần nhiều như mở các hàng quán buôn bán nhưng rủi ro trong công việc này cũng rất cao. "Năm 2008 kinh tế khủng hoảng. Năm đó mua sắt cũ 8.000 đồng/kg, đang thấy lời chúng tôi mua vào rất nhiều. Đùng cái, sắt mất giá xuống còn 1.500 đồng/kg khiến chúng tôi lỗ nặng với hơn cả tấn sắt thu mua được. Đó cũng là lần gia đình tôi lao đao vì vừa mất tiền, vừa phải trả nợ và đối mặt chuyện chạy chợ từng bữa", anh Thắng kể.
"Lúc mởi mở chỗ thu mua phế liệu, ít người tới bán cho tôi lắm vì không quen. Rồi đến quản lý phường, công ty môi trường đến kiểm tra, nhắc nhở, bắt tháo bỏ cái này, cái kia khiến chúng tôi nhiều lúc muốn bỏ nghề. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, không có bằng cấp, học vấn thì ngoài công việc này chúng tôi còn có thể làm gì nữa với số vốn ít ỏi", anh Thắng tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Biểu cặm cụi tính toán sau một ngày buôn bán - Ảnh: Phan Giang
Còn câu chuyện của bà Nguyễn Thị Biểu, chủ tiệm thu mua ve chai ở quận 11 lại khác. Là một gia đình làm nông nghèo ở vùng quê Quảng Ngãi, cuộc sống quanh năm ruộng đồng không thể nào đủ nuôi 3 người con lần lượt vào đại học. Theo lời của một số người quen, bà vào Sài Gòn làm nghề thu mua ve chai.
Thời gian đầu mưu sinh ở Sài Gòn, bà Biểu làm thuê cho nhiều tiệm phế liệu khác nhau, vừa làm vừa tích góp mãi vẫn không đủ tiền nuôi con ăn học. Bà đánh liều, mở một tiệm thu mua ve chai, với hy vọng thu lợi cao hơn việc đi thu mua nhỏ lẻ.
"Đi mua lẻ thì không có lời, làm cả nửa năm trời, tích góp lắm mới có được 5 triệu. Sau đó tôi quyết định mở một tiệm thu mua. Vốn mình có 5 triệu đồng, vay mượn bà con được 3 triệu nữa thì tôi mở được chỗ này. Làm dần rồi thấy cũng khấm khá hơn lúc đi thu mua lẻ. Tôi trụ với nghề này cũng được 10 năm rồi", bà Biểu kể.
Người đàn bà khắc khổ với làn da rạm đi vì nắng, đôi mắt đượm buồn nhưng lại luôn tràn đầy hy vọng về một tương lai đổi đời cho các con của bà.
Đổi đời nhờ ve chai
Đồng vốn bỏ ra ít, thu lợi nhuận trên từng loại phế liệu không nhiều nhưng nếu cố gắng bám trụ và buôn theo số lượng lớn thì lợi nhuận khá cao. Anh Phùng Thanh Thắng chia sẻ: "Thu nhập theo tháng thì tôi không ước lường được vì có tháng làm nhiều, tháng làm ít nhưng tính bình quân một năm thì lợi nhuận từ 500 - 700 triệu đồng. Có năm làm ăn được thì trên 700 triệu đồng...".
Sau nhiều năm làm nghề thu mua phế liệu anh Phùng Thanh Thắng đã "tậu" được những chiếc xe tải để chuyên chở phế liệu đi tái chế - Ảnh: Phan Giang
Với khoản thu nhập cao như vậy, không chỉ anh Thắng, bà Biểu mà còn nhiều chủ tiệm thu mua ve chai khác có cơ hội đổi đời. Sau nhiều năm kiên trì trụ lại với nghề, hiện nay anh Phùng Thanh Thắng đang là chủ của một đại lý thu mua ve chai lớn ở quận 11, có 4 xe tải chuyên vận chuyển phế liệu đã được phân loại bán cho các nhà máy và cơ sở tái chế.
Những thứ tưởng chừng vứt đi đấy, nó không có giá trị với người này nhưng lại có ý nghĩa với người khác và thậm chí đã trở thành cơ hội không chỉ để mưu sinh mà còn có thể làm giàu. Từ việc mở đại lý thu mua phế liệu, họ đã vượt nghèo và làm giàu từ những thứ bỏ đi.
"Khi kiếm được một số vốn kha khá hơn, tôi sẽ chuyển sang nghề cho thuê xe vận chuyển hàng...", anh Thắng nói về mong ước của mình.
Phan Giang
Theo Thanhnien
Những phụ nữ dầm mình vớt rong làm thạch Tháng 10, nhiều phụ nữ ven biển Thái Bình lại dầm mình dưới đầm nước đục vớt rong câu, phơi khô, bán cho các nhà máy chế biến làm thạch rau câu. Rong câu phát triển nhiều ở vùng ven biển xã Đông Long, huyện Tiền Hải. Chủ đầm nuôi tôm sú, hải sản ở ven đê lấn biển thường thả thêm ít...