Cậu bé bất hạnh nửa đêm bị cha đẻ hết bạo hành lại đem núi vứt bỏ
Cậu bé bất hạnh nửa đêm bị cha đẻ hết bạo hành lại đem núi vứt bỏ đó là câu chuyện của em Nguyễn Kiệt Đông mới 3 tháng tuổi đã phải sống trong bi kịch gia đình.
Số phận mỉm cười với cậu bé bất hạnh nửa đêm bị cha đẻ hết bạo hành lại đem núi vứt bỏ (ảnh minh họa)
Khi mới 3 tháng tuổi, em Nguyễn Kiệt Đông (SN 2004, ngụ xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đã phải sống trong bi kịch gia đình khi cha mẹ ly hôn.
Đắng cay hơn, sau chuỗi ngày bị bạo hành, em còn bị chính cha đẻ nhẫn tâm mang lên núi vứt bỏgiữa đêm khuya…
Chơi vơi một thân phận
Cậu bé Đông đáng thương ngày nào giờ đã lên 10 tuổi, hiện em đang sống cùng cha mẹ nuôi là vợ chồng bà Đặng Thị Đào và ông Lê Xuân Thạnh (cùng SN 1961, ở thôn Trà Thung, x ã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Đã 4 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, bà Đào và mọi người đều không khỏi xót xa. “Thằng Đông mấy hôm nay được nghỉ hè rồi nên hàng ngày đi chăn bò phụ giúp cha mẹ, mặt trời lên cao tới ngọn dừa rồi chắc cháu cũng sắp lùa bò về đấy!”, bà Đào nhìn ra đầu ngõ trông ngóng đứa con nuôi.
Giọng bùi ngùi, bà Đào kể lại câu chuyện thương tâm xảy ra cách đây nhiều năm. Nỗi bất hạnh của Đông bắt nguồn từ bi kịch gia đình đổ vỡ. Cha mẹ đẻ của em là ông Nguyễn Văn Quý và bà Nguyễn Thị Hiệp (ngụ thôn An Giang, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ). Hai người lấy nhau chẳng bao lâu thì đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Cố ràng buộc nhau một thời gian vì con cái nhưng khi Đông được 3 tháng tuổi, mâu thuẫn vợ chồng đến đỉnh điểm khiến hai người dắt nhau ra tòa. Gia đình tan vỡ, chị gái Đông về sống cùng mẹ còn Đông thì được người cha nhận nuôi.
Sau vài tháng sống cảnh “gà trống nuôi con”, ông Quý lấy người phụ nữ khác làm vợ. Người dì ghẻ thấy Đông tội nghiệp đã hết mực yêu thương trong khi chính ông Quý lại đối xử tệ bạc với con trai. Từ ngày lấy vợ hai, ông Quý thường xuyên rượu chè, cờ bạc. Mỗi lần say xỉn, người cha lại trút hết bực tức lên đứa con vô tội. “Mới 6 tuổi đầu nhưng ngày nào thằng Đông cũng bị chính cha ruột mình đánh đập thậm tệ dù chẳng làm gì nên tội. Mọi người can ngăn nhưng ông Quý vẫn không thôi bạo hành con trai. Thậm chí có lần ông Quý dùng dây thừng trói, nhốt con trong nhà để đánh đập”, bà Đào chua xót kể lại.
Câu chuyện của người phụ nữ bỗng nhiên ngắt quãng khi có một cậu bé mặt mày lem luốc, mái tóc khét nắng lon ton chạy vào nhà. Vừa thấy khách lạ, cậu bé vòng tay chào rồi chạy đến nấp sau lưng bà Đào, đó chính là Đông. Nghe mọi người nhắc về mình, Đông ngồi lặng lẽ với đôi mắt thoáng buồn.”Lúc con 6 tuổi, cứ chiều tối cha say rượu về nhà là lại chụp đầu con ra đánh đấm. Vừa đánh cha vừa chửi mắng con tại sao không làm ra tiền cho bố uống rượu. Có lần con bị đánh gãy mấy cái răng phải nhập viện, may mà sau này nó mọc lại…”, cậu bé hồn nhiên kể lại.
Bị cha mang lên núi vứt bỏ
Thế nhưng những trận “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” vẫn không tàn ác nhẫn tâm bằng việc người cha đem vứt bỏ con lên núi. Theo lời Đông kể lại, một buổi tối năm 2010, ông Quý say rượu rồi đùng đùng chở em đi lên núi Mỹ Trinh (cách nhà khoảng 15km). Khi mang con trai lên tới đỉnh núi, ông Quý bảo Đông xuống xe rồi nói rằng: “Mày đứng đây lát nữa có người đến chở về. Nếu không ai chở về thì mày tự lo liệu đi, sống hay chết thì mặc xác mày”. Đông thơ dại không hiểu chuyện gì, còn ông Qúy vội vàng quay xe, rồ ga bỏ đi.
Video đang HOT
Giữa đêm tối ở chốn rừng núi hoang vu, cậu bé ngồi co ro sợ hãi nhưng đợi mãi vẫn chẳng thấy ai đến đón. “Lúc đó cháu nghe tiếng chim thú kêu thì sợ quá nên dò dẫm theo đường mòn xuống núi. Cháu đi bộ mấy giờ liền mới tìm được xóm có nhà ở nhưng lúc đó mọi người đều đã đi ngủ hết nên liều vào hè một ngôi nhà ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, chủ nhà thấy cháu đói rét nên cho ăn cơm rồi chở ra chợ An Giang để tìm cha mẹ. Khi mọi người gọi cha cháu ra đón về thì ông ấy giận dữ mắng cháu rằng: “Mày vẫn chưa chết à. Sao lại sống dai như vậy”. Rồi ông bỏ đi mà chẳng quay lại nhìn cháu một lần”, cậu bé vẫn còn nhớ kể.
Bị cha bỏ rơi một lần nữa, người mẹ cũng chẳng thèm ngó ngàng, Đông chẳng biết đi đâu về đâu nên đành ở lại chợ xin ăn. Nhiều người thấy Đông đáng thương nên có gì cho nấy để cậu bé không phải chết vì đói. Tối đến Đông khoanh mình nằm trong căn chòi của những người họp chợ. Sống lay lắt được một tháng, Đông trôi dạt ra thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn). Đông nhớ lại: “Ban ngày thì cháu đi xin ăn. Đến đêm thì tìm nhà hoang hay gầm cầu để ngủ, nhiều khi ở nơi vắng vẻ không tìm được chỗ ngủ thì cháu đào một cái hố rồi dùng đất, lá cây lấp lên người để ngủ cho đỡ lạnh”.
Ảnh minh họa
Sau nhiều ngày lang thang, Đông lại dạt về chợ Bình Dương (thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ). Tại đây, cậu bé lại tiếp tục sống cảnh ban ngày lăn lóc xin ăn, ban đêm ngủ bờ ngủ bụi. Sức cùng lực kiệt vì đói rét, Đông chỉ còn da bọc xương, toàn thân ghẻ lở. Nhìn cậu bé rách rưới, bẩn thỉu, người lở loét, nhiều người xa lánh, xua đuổi. “Có lần đói quá cháu trộm mấy trái ổi thì bị đánh đến ngất xỉu. Khi mở mắt ra thì thấy mình nằm ở trên giường bệnh. Cô bán hàng đưa cháu đi cấp cứu sau đó còn cho cháu tiền. Nghe cô ấy bảo ăn trộm là không tốt nên từ đó cháu không ăn cắp nữa”, Đông kể lại.
Niềm hạnh phúc có mẹ có cha
Vừa rời giường bệnh, Đông lại tiếp tục sống lay lắt ngoài đường. Số tiền ít ỏi mà người bán hàng trái cây cho chẳng giúp Đông no bụng được bao lâu. Trong cảnh bơ vơ lạc lõng không biết sống chết lúc nào, số phận đã mỉm cười với Đông khi em gặp được người phụ nữ tốt bụng, là mẹ nuôi em bây giờ. Đó là vào một đêm mưa gió bão bùng tháng 9/2010, bà Đào đạp xe về đến ngã tư đường thì thấy một cậu bé ngồi run rẩy dưới gốc cây, mặt mày tái nhợt, thân hình gầy nhom ướt như chuột lột. Thấy tội nghiệp, bà Đào chở cậu bé về nhà cho ăn cho mặc rồi cho ngủ lại.
“Tôi mang quần áo cho mặc, cho ăn xong là cháu lên giường rồi ngủ thiếp đi. Lúc đó tôi mới biết là cháu bị sốt cao. Lúc ngủ cháu cũng còn rên rỉ trong khi khắp người ghẻ lở, khẽ trở mình là đau đớn. Tôi thấy vậy thương cháu lắm nhưng cũng không biết được vì sao Đông lại ra nông nổi như vậy. Lúc đó, vợ chồng tôi cũng không nghĩ là mình sẽ giữ cháu ở lại làm con nuôi vì chúng tôi nhà nghèo lại có 3 đứa con trai”, bà Đào tâm sự.
Ngày hôm sau trước khi Đông đi, bà Đào mới biết được hoàn cảnh đáng thương của em. Nghĩ đến cảnh Đông lại làm “ăn mày” ở đầu đường xó chợ, bà Đào không đành lòng nên ngỏ ý với chồng nhận nuôi Đông. Dù cảnh nhà khó khăn, đôi vợ chồng nghèo vẫn chấp nhận che chở cậu bé “mồ côi”. Thế là chuỗi ngày bơ vơ lay lắt của Đông kết thúc từ đó. Chẳng những có mái ấm, một tuần sau đó Đông còn được cắp sách đến trường học con chữ.
Ông Thạnh tâm sự: “Nuôi thêm thằng Đông, vợ chồng tôi phải vất vả nhiều hơn. Vậy mà, người mẹ ruột của Đông không biết nghĩ sao mà còn cho rằng chúng tôi “ăn không ngồi rồi” bóc lột cháu. Chúng tôi nghĩ rằng gặp cháu cũng như cái duyên cái số nên vợ chồng bỏ ngoài tai hết những lời đàm tiếu, thị phi để yêu thương Đông như con ruột vậy”.
Ngót nghét thế mà đã 4 năm trôi qua, cậu bé Đông chẳng những chăm học mà còn học rất giỏi. Năm học vừa qua Đông đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn trường, được thầy bạn yêu mến. Chia sẻ về ước mơ của mình, Đông cho biết em muốn trở thành bác sỹ để giúp đỡ, cưu mang những mảnh đời bất hạnh như mình trước đây. Chúc cho ước mơ của cậu bé bất hạnh sẽ trở thành hiện thực. Đó cũng là một cái kết có hậu cho câu chuyện.
Theo Xahoi
Ngôi đình nơi nhiều người chết oan bị mang tiếng 'sát thủ từ'
Từ ngày ngôi đình Trát Cầu (thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) được dân làng quyên góp tiền của để tu bổ lại, nhiều chuyện kỳ lạ trùng hợp đã xảy ra.
Lễ hội đình Trát Cầu
Trong mấy năm sau khi được tu bổ lại, một số cụ từ ra trông coi, hương khói tại đình đều qua đời sau đó.
Quá khứ đau thương
Không ai rõ đình Trát Cầu có từ bao giờ, ước tính hơn trăm năm tuổi. Vùng đất nơi ngôi đình tọa lạc xưa kia gắn với nhiều điển tích của làng. Bản thân ngôi đình trước đây được dựng trên một gốc đa bị chết. Vị trí ngôi đình còn được coi là đẹp nhất trong làng khi xung quanh cảnh vật quang đãng, thơ mộng, nhìn ra phía trước là một nhánh của con sông Nhuệ, nước trong vắt, quanh năm chảy hiền hòa.
Theo cụ Tâm (78 tuổi, một cao niên trong làng), trước đây đình Trát Cầu uy nghi, đồ sộ, khuôn viên rộng tới vài héc ta. Đình được làm bằng các loại gỗ quý hiếm như lim, sến, táu. Trên thanh văng, thanh xà, cửa đều được các thợ điêu khắc chạm trổ tinh xảo. Đình làng Trát Cầu khi đó nổi tiếng bởi độ to và bề thế so với những ngôi đình khác xung quanh.
Những năm 1945, kháng chiến chống Pháp, giặc nhiều lần tìm cách phá hủy ngôi đình. Ngày mùng 3 Tết năm 1948, quân Pháp đã nhân lúc người dân đi xem buổi văn nghệ của du kích mà ập tới đánh úp bất ngờ. Giặc giết hại 113 người dân vô tội. Ngoài những người bị giết trên đường càn quét, số bị bắt sống, giặc Pháp đem về trước sân đình rồi "xử tử" từng người một.
Cụ Tâm nhớ lại, ngày đó, cụ hơn 10 tuổi, là một trong những người bị đưa về đình nhưng may mắn sau đó cụ đã chạy thoát. Sau cuộc xử bắn kinh hoàng những người dân vô tội, giặc châm lửa đốt luôn đình. "Lửa ở ngôi đình cháy bốc lên ngùn ngụt, sáng trưng một góc trời. Dưới sân đình ngổn ngang xác người, khung cảnh tang thương vô cùng", cụ Tâm nhớ lại.
Hòa bình lập lại, ký ức đau thương đã qua, ngôi đình được dựng lại sơ sài làm nơi người dân hương khói. Đến năm 2003-2004, thấy ngôi đình ngày càng xuống cấp, đổ nát nghiêm trọng, dân làng quyên góp xây dựng lại, lại tuy không được to và bề thế như ngôi đình bị cháy trước kia nhưng được xây dựng gần như đúng "bản gốc" trước đó.
Cũng từ đó xảy ra điều kỳ lạ trùng hợp, các cụ từ được cắt cử ra trông nom đình liên tiếp nhau đột tử. Người mê tín đồn đại rằng ngôi đình "sát khí" nhiều. Có đến bốn cụ từ theo nhau qua đời từ năm 2004. Người làng sợ hãi không ai dám ra trông nom đình. Sau đó làng phải ra "luật" những ai đến tuổi 60 mới được làng cắt cử, thay phiên nhau ra trông đình vào ban ngày chứ không trông đêm.
Từ khi cắt cử những người đàn ông tuổi 60 thay phiên nhau ra trông nom ngôi đình, sau đó không còn xảy ra thêm chuyện chết chóc trùng hợp nào nữa, nhưng nỗi sợ ngôi đình vẫn ám ảnh.
Ông Hòa (62 tuổi), một người từng được làng cắt cử ra trông đình tâm sự rằng, bản thân ông từng bị "chết hụt" ở đình. Ông Hòa chia sẻ, năm 2012, khi vừa tròn 60 tuổi, ông được cử ra trông đình. Bình thường ngày ông ra dọn dẹp ở đình, tối lại khóa cửa và trở về nhà. Hôm đó là ngày 30/7/2012, ông ngồi ở đình tới 16h thì có người gọi mở cửa thắp hương. Thấy vậy ông tranh thủ quét dọn lại trước khi người kia vào làm lễ. "Trong lúc quét dọn tự dưng tôi cảm thấy người choáng váng khó chịu. Đợi người làng cúng lễ, tôi ra ghế ngồi nghỉ, nhưng thấy càng mệt hơn, tôi liền nhờ người quen tới trông đình giúp. Vừa ra tới cửa chính, tôi nôn nao hết cả người. Về nhà không kịp cơm nước gì, tôi uống thuốc và leo lên giường, mê man mãi chiều hôm sau mới có thể gượng dậy được".
Thấy ông thủ từ bị như vậy, dân chúng càng hoang mang hơn. Gần nửa tháng sau, ngày 12/8/2012, các cụ trong làng lập đàn cúng bái, mời một "thầy cúng" về vừa xem phong thủy, vừa "giải trừ tà khí". Làng còn đảo lại nóc và xây lại cột đình. Dân làng lo đình không được chăm lo chu đáo nên lại tiếp tục cử người tuổi 60 thay phiên nhau ra trông nom.
Một góc thôn Trát Cầu
"Con ma" ung thư và gió độc
Sự thật câu chuyện này ra sao? Theo ông Đỗ Phi Hùng, Trưởng ban trông coi và quản lý đình Trát Cầu, những cái chết của các cụ thủ từ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. "Đình làng thiêng thật đấy nhưng tấm lòng mọi người dành dụm, quyên góp, ủng hộ xây dựng đình thì không thánh thần nào không vui mà lại đi vật chết dân", ông Hùng phản bác.
Ông Hùng phân tích, sau khi hoàn thành đình, các cụ cao niên phụ trách đình đi tìm cụ từ trông đình. Cả xã có 8 cơ sở đội nhưng không tìm được ai. Sau này, có cụ Hồng Quang Độ vốn có tâm huyết nên tự nguyện xin ra trông nom đình. Cụ Độ làm được hai nhiệm kỳ, đến nhiệm kỳ hai, bị ung thư phổi giai đoạn cuối, dần dà sức khỏe cụ yếu, cụ xin nghỉ về nhà và qua đời.
Dân làng tiếp tục tiến cử một cụ khác. Sau một thời gian, vì gia đình bận rộn chăn nuôi nên cụ làm đơn xin nghỉ, sau đó bị cảm đột ngột qua đời.
Vài tháng sau, một cao niên khác lại tiếp tục được tiến cử ra trông đình. Theo thói quen, vào buổi sáng cụ này hay dậy đun nước pha ấm chè để nhâm nhi. Buổi sáng hôm đó, cụ dậy đi đun nước, khi vào cửa chẳng may bị vấp phải bậc cửa và quỵ ngay xuống. Bàn chân bị sưng lên, gia đình đưa đi chữa chạy nhiều nhưng chân vẫn tập tễnh, rồi ngồi ở võng, có thể trúng cơn gió độc dẫn đến đột tử.
Cụ thủ từ cuối cùng qua đời là người ở đội 5, vốn mắc bệnh ung thư gan nên cũng chỉ ra trông nom được vài tháng rồi qua đời. Như vậy là đã rõ, chẳng có "con ma" nào, hai người qua đời vì ung thư, hai vì trúng gió độc.
Hiện nay, ngày nào ở đình cũng có 2-3 người tuổi 60 ra trông nom, coi giữ. Người làng cũng phần nào yên tâm hơn và vào ngày Rằm, ngày mùng Một, dân làng lại mang lễ vật ra cầu cúng, mong mọi điều bình an, tốt đẹp.
Theo Xahoi
Thực hư lời đồn về "rắn thành tinh" ở Hà Giang Những lời đồn thổi về "rắn thành tinh", trên đầu có chữ "thiên", khiến gia đình anh Bình không ngày nào ngủ yên. Để tìm hiểu thực hư câu chuyện huyền bí này, PV đã đi tìm lời giải từ phía chính quyền và các ngành chức năng. Đối với một thợ săn thiện nghệ, từ nhỏ đã được cha dạy dỗ cách...