Cậu bé 9 tuổi dành tiền mừng tuổi giúp học sinh mồ côi ăn Tết
Ngày Tết, nhận được tiền mừng tuổi, cậu bé 9 tuổi bỏ vào lợn đất tiết kiệm. Đến cuối năm, cậu bé 9 tuổi lấy số tiền này trao đến tận tay những bạn học sinh mồ côi khó khăn để có tiền ăn Tết.
Việc làm vô cùng ý nghĩa trên là của cháu Vũ Minh Châu (SN 2011), học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học thị trấn Me, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tôi gặp Minh Châu và được nghe cháu kể về việc làm ý nghĩa của mình. Minh Châu rất vui vì đã làm được việc dù không lớn về vật chất nhưng đã góp một phần để các bạn học sinh nghèo quê mình có thêm niềm vui ngày Tết đến xuân về.
Cháu Vũ Minh Châu, học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học thị trấn Me, huyện Gia Viễn, Ninh Bình.
Minh Châu chia sẻ, từ Tết Nguyên đán năm 2019, nhận được tiền mừng tuổi của mọi người, cháu đã bỏ vào lợn đất để tiết kiệm. Những ngày trong năm, ai cho tiền hay mỗi khi tiết kiệm được khoản tiền nào, Châu lại cho vào lợn để tiết kiệm.
Những ngày cuối năm 2019, được sự đồng ý của bố mẹ, Minh Châu đã bán đi chiếc xe máy mini đồ chơi của mình được số tiền 3 triệu đồng. Cùng với tiền mừng tuổi và tiết kiệm được 4 triệu đồng, Minh Châu đã quyết định dành trọn tổng số tiền 7 triệu đồng này để trao cho các bạn học sinh nghèo ở quê mình.
Minh Châu đã cùng với bố mẹ lên kế hoạch đến trao quà cho các bạn học sinh mồ côi bố mẹ, mồ côi bố hoặc mẹ, có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Tiểu học và THCS xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, Ninh Bình.
Vũ Minh Châu trao tận tay số tiền mình tiết kiệm được từ tiền mừng tuổi để các bạn học sinh mồ côi có tiền ăn Tết.
Theo đó, tổng số tiền 7 triệu đồng tiết kiệm được, Minh Châu đã trao cho 21 bạn học sinh nghèo khó. Trong đó có 3 suất trị giá 500.000 đồng, giúp đỡ thầy giáo có vợ bị ung thư gia cảnh khó khăn và 2 bạn học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ. 14 suất quà trị giá 300.000 đồng cho những bạn học sinh mồ côi cha hoặc mẹ và 4 suất quà 200.000 đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Vũ Minh Châu đã trao tận tay số tiền mình tiết kiệm được cho các bạn, các anh chị học sinh khó nghèo và cảm thấy rất vui sướng. Tại buổi trao quà của Minh Châu, đại diện chính quyền địa phương, Ban giám hiệu các nhà trường, các thầy cô giáo cùng các em học sinh đã vô cùng xúc động trước việc làm của cậu học sinh nhỏ tuổi nhưng có tấm lòng vô cùng cao cả.
Video đang HOT
Việc làm của cậu bé 9 tuổi khiến nhiều bạn học sinh cùng trang lứa cảm động, thầy cô giáo bất ngờ.
Thầy giáo Vũ Đức Danh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Hưng cảm ơn tấm lòng của Minh Châu, đồng thời mong muốn có nhiều em học sinh làm được việc làm ý nghĩa như Minh Châu để lòng tốt trong xã hội được lan tỏa, các em học sinh khó nghèo bớt đi những khó khăn trong cuộc sống.
Bố mẹ Minh Châu là anh Vũ Văn Đạt và chị Trần Thị Linh chỉ làm nghề sửa chữa lốp ô tô. Thế nhưng, cả hai vợ chồng lại có tấm lòng nhân ái cao cả. Mỗi năm, hai vợ chồng dành một khoản tiền tiết kiệm để giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó trên địa bàn để họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Thấy bố mẹ hay làm từ thiện, cũng như hay được đi trao quà cùng bố mẹ, Minh Châu đã thấu hiểu được sự khó khăn của nhiều người và từ đó em ý thức hơn được những giá trị trong cuộc sống. Vì thế, Minh Châu đã không hề nuối tiếc khi dành trọn số tiền 7 triệu đồng để trao cho các bạn học sinh nghèo khó để có tiền ăn Tết.
Minh Châu chia sẻ về việc làm của mình trong buổi trao tặng quà Tết cho các bạn học sinh mồ côi.
Anh Đạt tâm sự: “Trong cuộc sống hàng ngày, cháu được bố mẹ chỉ bảo cho những ý nghĩa, trong đó là việc không được lãng phí và phải tiết kiệm vì những gì làm ra đều phải đổ mồ hôi và nước mắt. Tôi thường nói với con, có rất nhiều bạn học sinh không có cha mẹ, cuộc sống còn khó khăn hơn con rất nhiều nên con phải trân trọng những gì mình đang có”.
Cũng từ những lời răn dạy của bố mà Minh Châu dù còn nhỏ tuổi đã hiểu được những mất mát, thiếu sót trong cuộc sống của nhiều bạn học sinh khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc sống kém xa những bạn bè cùng trang lứa.
Nói về việc làm của con, anh Đạt chia sẻ thêm, vợ chồng anh gợi ý cho con về việc trao tiền tiết kiệm và con nhanh chóng đồng ý luôn. Chúng tôi đã nhờ Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình kết nối, sau đó lên danh sách các bạn học sinh khó khăn và tổ chức buổi lễ trao quà để Minh Châu tận tay trao cho các bạn khó khăn.
Minh Châu chia sẻ việc làm của mình với PV Dân Trí.
Chị Linh cho hay, mỗi lần theo mẹ đi chợ, Minh Châu thấy những bà già ngồi bán rau, cháu lại níu tay mẹ bảo mẹ mua hết rau cho những bà cụ này. Hay khi gặp ai đó khó khăn, Minh Châu lại kể để bố mẹ san sẻ khó khăn cùng họ.
“Hai năm nay, vợ chồng tôi không mua hoa, đào hay quất để chơi Tết. Số tiền này chúng tôi tiết kiệm lại, sau đó sẽ trao cho những gia đình nghèo ăn Tết. Tết Nguyên đán 2019 vợ chồng tôi cùng bạn bè đã giúp cho một gia đình ở huyện Nho Quan có 3 con bị bại não số tiền gần 7 triệu đồng để họ ăn Tết. Năm nay, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện việc làm này, vì “cho đi là còn mãi”. Cũng từ đây mà Minh Châu và các con chúng tôi hiểu hơn về ý nghĩa của việc làm thiện nguyện”.
Nói về việc làm ý nghĩa của mình, Minh Châu cho biết: “Tết năm nay cháu sẽ tiếp tục mua lợn đất, để dành tiền lì xì vào lợn, đến cuối năm sau cháu sẽ lấy số tiền này để trao cho một người bạn học mẫu giáo với cháu ngày trước, bạn ấy bị mồ côi bố, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn”.
Theo Thái Bá (Dân Trí)
Cô bé nghèo xóm chài đón Tết: Mong bữa cơm đủ người thân
Cô bé ở xóm chài ven biển Hạ Long (Quảng Ninh) đã quá quen với cái nghèo, quen đến nỗi, những cái Tết không áo mới, không mứt kẹo, không được lên bờ đi chơi... là cái gì đó hiển nhiên, như nước thủy triều lên - xuống.
Xóm chài phủ sương chiều 29 Tết. Ảnh: Nguyễn Quý.
Xóm chài ven biển cột 5, phường Hồng Hà, TP.Hạ Long chiều cuối năm tĩnh lặng khác thường. Hàng chục chiếc thuyền câu xếp hàng ngang chằng buộc vào nhau thành từng đám, túm tụm, ngả nghiêng như đám lục bình gặp sóng. Thuyền đông đậu kín bờ, nhưng chỉ có khoảng hơn chục chiếc là thấy có bóng người.
Bà Chầu khua mái chèo đưa tôi vòng quanh xóm chài, rủ rỉ: "Những chiếc thuyền câu không người ấy là của những người có nhà trên bờ. Người ở Hùng Thắng, người ở Hà Phong, Cao Xanh, có người ở xa hơn nữa. Họ gửi thuyền ở đây để về nhà ăn Tết. Còn chúng tôi, hơn chục hộ không có nhà, thì vẫn yên vị ở góc biển này mà đón Tết thôi".
Nga - cô bé chèo đò lém lỉnh chuyên chở khách khu bến cá cột 5. Ảnh: Nguyễn Quý.
Trở về "căn nhà" là chiếc thuyền nan, nơi mấy bà cháu bà Chầu trú ngụ, tôi gặp lại Nga - cô bé chèo đò lém lỉnh vẫn chở tôi đi dọc các xóm chài. Chiếc thuyền xi măng cũ nát năm nào làm nơi trú ngụ, giờ đã bị đắm, chìm nghỉm nơi đáy biển. Bà cháu Nga phải ở trên chiếc thuyền nan chật hẹp này.
Nga 11 tuổi nhưng mới học lớp 3, là con thứ 3 trong gia đình có đến 7 anh chị em, dưới còn có 4 đứa em lau nhau, lít nhít. Đứa em út mới hơn 2 tháng tuổi đã phải theo bố mẹ đi tới những ghềnh đá xa ngoài vịnh để đánh hà, bắt ốc, mỗi chuyến đi cả tháng mới về. Nhiệm vụ của Nga ngoài giờ đi học trên bờ là chèo đò đưa khách quanh bến cá. Nếu chị Tuyền (chị cả) bận đi bán rổ ốc trên chợ thì Nga nấu cơm bữa trưa, 1 bữa ăn cả ngày.
Đã 29 Tết mà bố Nhặt, mẹ Hải cùng 3 em vẫn chưa về. Ngày nào có đủ 10 thành viên (gồm bà nội, bố mẹ và 7 anh chị em) ở nhà, ngày đó đối với Nga là ngày Tết. Nhưng ngày đó hiếm lắm. Để tiết kiệm chi phí dầu máy đi lại, cứ mỗi chuyến đi phải kiếm được ít tiền thì bố mẹ mới về, nếu không đủ tiền dầu thì cứ ở lại, loanh quanh ngoài mấy ghềnh đá, bắt được ít ốc, con hà nào thì bán luôn cho người mua gom ngoài biển. Có bữa bố mẹ Nga đi phải hơn 3 tháng mới về.
"Hôm qua điện thoại bố cháu bảo sáng nay về, thế mà cơ này (chiều 29 Tết -PV) vẫn chưa thấy đâu" - Nga nói, mắt nhìn ra khoảng mù xa ngoài biển.
Trong "căn nhà" nhỏ, Nga ngóng chờ bố mẹ về ăn Tết. Ảnh: Nguyễn Quý.
Tết, đối với Nga, chỉ khác ngày thường là được ở dài ngày bên bố mẹ. Bữa cơm ngày Tết cũng được cải thiện thêm nồi thịt kho lẫn giò, với con gà luộc cúng mùng 1 Tết. Hơn chục hộ không có nhà ở lại trên thuyền cũng sang "nhà" nhau chơi hôm mùng 1, thời gian còn lại người lớn dành cho ngủ nướng. Lũ trẻ như Nga tự chèo đò sang chơi với nhau, thảng hoặc lại ngước lên bờ ngắm dòng người đi chơi Tết.
11 tuổi, chưa năm nào Nga được mặc tấm áo mới ngày Tết. Nhưng điều đó không làm Nga thấy buồn. Nhìn quanh anh chị em và những đứa trẻ xóm chài khác, đứa nào mà chẳng thế, có đi chơi đâu mà mặc áo mới...
Cả 6 đứa con lớn của vợ chồng anh Nhặt (bố Nga), chỉ có Nga và anh Tiến (anh trai thứ 2) là được tới trường học, được nhà trường lo cho học phí. "Trước đây có bà Liên mở lớp tình thương dạy chữ cho các cháu làng chài, nhưng giờ bà ấy già yếu không dạy được nữa. Học lớp tư bây giờ mất những 30.000 đồng mỗi đứa một buổi, anh bảo lấy đâu ra? Đi học thì bữa đực bữa cái. Thằng Tiến tiếng là được đi học mà bây giờ đã nhận hết mặt chữ đâu!" - bà Chầu rên rẩm.
Cuộc sống quanh năm dưới biển, chỉ từ thuyền nọ sang thuyền kia, nhưng không làm cô bé thấy buồn. Ảnh: Nguyễn Quý.
Giời thương, đứa con nào của vợ chồng anh Nhặt cũng đẹp, cũng kháu mà lại ngoan ngoãn. Ngoài giúp mẹ nấu cơm, trông em, Nga còn biết ra bến chèo đò phụ giúp thêm cho bà đồng rau, đồng mắm. 7 đứa, chẳng đứa nào phải mất tiền ăn sữa ngoài, cơm canh thì bữa mặn bữa nhạt, vậy mà đứa nào cũng lớn thôi thổi.
Tết năm nay cũng như mọi năm, Nga chẳng hề thấy chạnh lòng vì không được đi chơi, không có quần áo mới. Sau bữa cơm cúng tiễn vàng, bố sẽ nằm trong chiếc thuyền câu ngủ say vì mấy chén rượu với chú bác, mẹ chăm em út ở khoang giữa phủ bạt, còn lại mấy anh chị em cuộn tròn trong chiếc chăn len ở thuyền nan mà tán gẫu.
Tết khép lại như thế, với Nga đã là mãn nguyện lắm rồi.
Theo danviet.vn
Nỗi ám ảnh khi hàng xóm hát karaoke ngày Tết Âm nhạc không có lỗi, người mê ca hát cũng không đáng trách nhưng nếu hát karaoke không có ý thức thì đây có thể là màn tra tấn tinh thần với người xung quanh. Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, nghe âm thanh "alo alo 1,2,3" vang lên, Quỳnh Như tiến đến ban công đóng chặt cánh cửa như một phản xạ...