‘Cát-xê mỗi đêm diễn ngày Tết chỉ đủ đổ xăng’
Đoàn Thanh Tài chia sẻ, mỗi vở diễn anh chỉ nhận được thù lao chưa đến một triệu đồng, song không vì thế mà nam diễn viên chán nản, rời bỏ sân khấu như một số bạn bè khuyên.
Gặp Đoàn Thanh Tài ở sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, trông anh khá mệt mỏi và bơ phờ, song nam diễn viên hào hứng khoe, anh dành trọn Tết Nguyên đán cho sân khấu kịch.
Diễn viên phim Dốc sương mù sẽ tham gia ba vở kịch Tết tại sân khấu quận 10, TP HCM. Dù thù lao mỗi đêm diễn chỉ đủ đổ xăng, song không vì thế mà anh thiếu nhiệt huyết với các vai diễn.
Sân khấu có 50 khán giả vẫn diễn hết mình
- Là diễn viên gắn bó với sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, anh nhận xét thế nào về tình hình lịch diễn ngày Tết của sân khấu kịch nói?
- Hai năm trở lại đây, kịch nói không còn sức hút với công chúng. Phim truyền hình, điện ảnh, game show… đang dần chiếm thị trường và được người xem yêu thích, vì thế, cũng dễ hiểu khi công chúng không còn thiết tha đến sân khấu kịch thưởng thức những vở diễn như trước. Tình hình chung là như vậy. Ai theo nghề cũng hiểu điều này chứ không phải bây giờ mới nhận ra.
Sân khấu kịch sáng đèn vào những ngày cuối tuần và lễ Tết, vì thế Tết năm nay tôi ở lại Sài Gòn để đảm bảo lịch cho mỗi tối công diễn. Năm nay, sân khấu Hoàng Thái Thanh có 5 vở. Tôi tham gia 3 vở là Nửa đời hương phấn, Bao giờ sông cạn, Lan và Điệp. Hơn hai tháng nay tôi và các đồng nghiệp tích cực tập luyện. Chúng tôi đang chạy đua với thời gian.
Nam diễn viên phim Những ông bố độc thân cho biết, sân khấu kịch là nơi giúp anh học hỏi và trưởng thành trong các vai diễn, vì thế, anh sẽ không phụ kịch nói dù mức cát-xê thấp và vắng người xem. Ảnh: NVCC
- Diễn viên kịch tốn nhiều thời gian để tập nhưng số tiền nhận được chỉ vài triệu đồng cho một đêm diễn từ 2 đến 4 tiếng đã không làm thỏa mãn nhiều nghệ sĩ. Thực tế thù lao của anh ở ngưỡng nào?
- Cát-xê của tôi chưa đến vài triệu. Một số tên tuổi đinh sẽ đạt mức vài triệu đồng. Thù lao của tôi chỉ trên dưới 1 triệu đồng. Thực tế tiền tôi nhận được sau mỗi đêm diễn vừa đủ đổ xăng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà mình chán nản, buông bỏ. Dù cát-xê ở mức nào thì tôi vẫn kiên trì theo đuổi công việc yêu thích.
Video đang HOT
- Những tháng cuối năm, nhiều sân khấu kịch phải trả vé vì không đủ lượng khách. Những vở có anh tham gia có xảy ra tình trạng tương tự?
- Chúng tôi từng lâm vào tình trạng như vậy. Có đêm diễn chỉ có 50 khán giả. Thông thường mọi người nghĩ, người xem ít chúng tôi sẽ không có cảm xúc để diễn hay diễn qua loa. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi có suy nghĩ như vậy. Dù sân khấu đông hay ít người xem, chúng tôi vẫn giữ nguyên vẹn cảm xúc, diễn hết mình. Chính vì sân khấu ít người xem mà chúng tôi cảm nhận rõ ràng cảm xúc của khán giả. Lúc đó, tôi cảm nhận rõ tiếng cười, tiếng khóc, trạng thái bất ngờ, hồi hộp của người xem. Đây cũng là sự thú vị mà tôi trân trọng.
Thù lao mỗi vở diễn được cố định, nên dù đông hay ít khán giả, chúng tôi vẫn nhận đủ cát-xê. Nhà sản xuất đứng ra chịu trách nhiệm đảm bảo lương cho cả đoàn nên họ gánh chịu rủi ro. Đây là khó khăn mà nhiều sân khấu vướng phải. Nhà sản xuất thường xuyên phải bù lỗ. Kinh doanh sân khấu kịch ở thời điểm này không có lời, những ai đam mê và yêu nghề mới đủ sức gồng gánh.
- Là diễn viên có tiếng và có nhiều cơ hội nghề nghiệp, trong khi tình hình sân khấu khá ảm đạm, tại sao anh vẫn muốn gắn bó với kịch nói?
- Khi theo nghề mình cũng đã tìm hiểu kỹ càng. Tình hình chung hiện nay mình cũng hiểu, nhưng không vì thế mà buông bỏ. Mỗi loại hình nghệ thuật có những ưu khuyết điểm khác nhau. Tôi thích kịch nói vì mình được diễn thực tế trên sân khấu, có thể cảm nhận trực tiếp cảm xúc khóc cười của khán giả.
Không dễ đưa ra lý do giải thích cho đam mê, tại sao mình lại yêu thích cái này, cái kia. Tình yêu với kịch nói cũng vậy, tôi không biết phải diễn tả thế nào. Kịch giống như ma lực, một khi đã cuốn vào thì khó mà thoát ra được. Từ sân khấu kịch tôi học được rất nhiều và cũng nhờ đó mà tôi trưởng thành hơn trong diễn xuất.
Đầu tư khoảng 10 tỷ cho phim điện ảnh đầu tay
- Anh từng hé lộ kế hoạch đầu tư sản xuất phim điện ảnh cùng đối tác, hiện dự án được thực hiện ở giai đoạn nào?
- Năm 2016, chúng tôi bắt tay thực hiện dự án điện ảnh. Tôi và đối tác có ý định từ nhiều năm nay nhưng đến bây giờ mới có điều kiện để triển khai. Dự tính phim của tôi sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. Hài hành động đang được khán giả yêu thích, nên chúng tôi tìm kịch bản hợp với thị hiếu người xem.
Tôi vừa đảm nhận vai trò nhà sản xuất và diễn viên. Trong phim tôi sẽ đóng vai chính phản diện. Mình đã thành công ở những vai phản diện trên truyền hình, nên hi vọng sẽ tiếp tục thành công với điện ảnh.
Đoàn Thanh Tài ấp ủ đầu tư sản xuất phim điện ảnh trong năm 2016. Ảnh: NVCC
- Ở thời điểm cạnh tranh, nhiều nhà sản xuất chịu cảnh thua lỗ, là người mới lại không có kinh nghiệm, anh sẽ đối diện vấn đề doanh thu thế nào?
- Tôi đã nghĩ đến trường hợp này. Mình làm kinh doanh thì 5 ăn, 5 thua, chuẩn bị tinh thần chấp nhận mọi tình huống xảy ra. Tôi tin với sự đầu tư nghiêm túc và chọn lựa kỹ càng, phim sẽ không rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Tôi coi đây là sự trải nghiệm, nếu cứ e dè thì biết đến bao giờ mới thành công.
- Anh và Phan Thị Mơ vướng tin đồn tình cảm khi cả hai thường xuyên xuất hiện cạnh nhau. Thực hư thế nào?
- Tôi và Phan Thị Mơ chỉ là anh em thân thiết. Nhóm có bốn người rất thân. Chúng tôi giúp đỡ nhau trong công việc, cuộc sống. Có lẽ vì thấy tôi hay xuất hiện cùng Mơ nên mọi người đặt nghi vấn.
Tôi vẫn chưa sẵn sàng cho các mối quan hệ tình cảm. Hiện tại chủ yếu là tập trung cho công việc và các vai diễn. Dường như tổ nghiệp cho mình cái này thì lấy lại cái khác. Năm vừa qua tôi có nhiều vai diễn ưng ý, sự nghiệp cũng tiến triển tốt nhưng đường tình duyên thì khá im ắng. Hy vọng năm sau tôi có cơ duyên gặp được “một nửa” phù hợp. Gia đình cũng trông mong sớm có con dâu nhưng tất cả phụ thuộc vào chữ duyên.
Theo Zing
Rơi nước mắt vì vở kịch 'Bao giờ sông cạn' trong ngày Vu lan
Ái Như, Thành Hội, Xuân Hương, Tuyết Thu kết hợp cùng những gương mặt trẻ Đoàn Thanh Tài, Hùng Thuận lấy nước mắt khán giả trong vở kịch ý nghĩa.
Nhân dịp Vu lan, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cho ra đời vở Bao giờ sông cạn được chuyển thể từ truyện ngắn Dòng nhớ của Nguyễn Ngọc Tư. Vở kịch do Ái Như làm đạo diễn vừa ra mắt khán giả tối 28/8 đã nhận được những phản hồi tích cực.
Câu chuyện bắt đầu từ việc bà Hai (Xuân Hương) ép cậu con trai tên Chờ (Đoàn Thanh Tài) cưới Mai (NSƯT Tuyết Thu) vì ân nghĩa năm xưa của người lớn. Mặc dù thương Mai như chị gái nhưng Chờ không thể ép bản thân lấy cô vì anh đã trót yêu Thà (Ái Như) - người con gái buôn bán dưới bến sông. Nhưng vì bà Hai đã định đoạt, Chờ bất lực làm đám cưới với người anh không yêu. Trong đêm tân hôn, anh bỏ trốn xuống ghe của Thà và lúc này cô đang lâm bồn, sinh ra đứa bé trai kháu khỉnh tên Đợi.
Người yêu sinh con ngay trong ngày cưới của Chờ với Mai nên anh quyết định bỏ nhà ra đi.
Chờ quyết định bỏ nhà và sống dưới ghe cùng người anh yêu với đứa con trai. Nhưng khi Mai tìm đến và thông báo mẹ anh trở bệnh nặng, Chờ về thăm bà để rồi anh và Thà bị chia cách vĩnh viễn. Suốt 18 năm ròng rã, Chờ giữ lời hứa với mẹ, không tìm đến bến sông còn Thà vẫn neo ghe chờ đợi để mong thấy mặt con trai. Rồi bi kịch nối tiếp khi Đợi (Hùng Thuận) tìm đến trả thù người đàn bà dưới ghe đã làm tan nát gia đình anh.
Với những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, câu chuyện của cô không mới mẻ với người đọc nhưng nỗi ám ảnh để lại khiến người ta cứ day dứt khôn nguôi. Bao giờ sông cạn vẫn giữ được cốt lõi ấy, câu chuyện của những con người nơi bến sông chân chất tưởng chừng cũng đã sờn theo từng tháng năm mà cuộc đời họ gắn liền với con nước. Tưởng đâu nội dung vở kịch sẽ làm khán giả nhàm chán khi theo dõi nhưng nó đánh thức tâm can của mỗi người bởi mạch tâm lý nhân văn và diễn xuất tài tình của dàn diễn viên.
Cuộc đời của họ rơi vào bế tắc vì đạo lý với những người đã khuất.
Xuân Hương trong vai người mẹ khắc khổ luôn sống vì những dằn vặt trong quá khứ nên kiên quyết ép con trai hoàn thành tâm nguyện mà vô tình đẩy những người trẻ vào bi kịch. Dù biết những việc mình làm trái với đạo lý nhưng bà vẫn thực hiện để trọn vẹn ân tình với người đã khuất, để rồi đẩy 3 phận người vào kiếp sống lầm lũi, ray rứt.
Ân hận vì gây nên cái chết cho mẹ, Chờ giữ lời hứa không tìm đến Thà. Anh sống như một chiếc bóng bên người vợ được mẹ hỏi cưới và Mai như chết lặng khi sống trong sự hờ hững của Chờ. Thà dù nhớ con, nhớ Chờ nhưng vẫn chỉ dám neo ghe ở bến sông, họ không một lần đối diện vì lời hứa với người đã khuất.
Xuyên suốt vở kịch là những giọt nước mắt xót xa cho những mảnh đời. Nhưng cái bi ấy được nhân vật Tư Mắm (Tuyết Mai) và chú Út (Thành Hội) làm dịu đi bằng những tiếng cười rất đời và sự duyên dáng của họ. Nếu Ái Như, Xuân Hương, Tuyết Thu lấy nước mắt người xem bởi diễn xuất tài tình thì dàn diễn viên trẻ Đoàn Thanh Tài, Hùng Thuận cũng kịp gây ấn tượng bởi khả năng nhập vai và tung hứng với các bậc đàn anh, đàn chị. Đặc biệt, diễn viên đóng vai Thà lúc trẻ làm khán giả lúc khóc, lúc cười bởi sự linh hoạt trong diễn xuất của cô.
Dàn diễn viên 2 thế hệ góp phần làm nên thành công vở kịch.
Bao giờ sông cạn như món quà ý nghĩa dành tặng mẹ cha trong ngày Vu lan. Vở kịch thích hợp cho cả gia đình, đang được công diễn tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh bắt đầu từ 28/8.
Theo Zing
Kim Tuyến lừa Đoàn Thanh Tài trong phim mới Cặp đôi nhan sắc hóa thân vào 2 nhân vật có số phận trắc trở, rơi vào nghịch cảnh trái ngang từ một sai lầm của cha mẹ nhiều năm trước, trong tác phẩm 30 tập "Nỗi buồn có mắt". Để thay van tim cho mẹ, Ái Hương (Kim Tuyến) đã lên thành phố kiếm tiền. Cô xin vào làm trong công ty...