Cát-xê bèo bọt, diễn viên đóng thế Việt phải chạy Grabbike, Uber
Thu nhập của mỗi diễn viên đóng thế nổi tiếng không quá 6 triệu đồng mỗi tháng, vì thế họ phải lái Grabbike, Uber để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Lộn nhiều vòng trên không với đủ mọi kiểu dáng, múa gậy, đấm bao cát, gương mặt anh Bùi Văn Hải lấm tấm mồ hôi. Anh hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ cascadeur Bảo An với hàng chục thành viên.
Nhìn những màn võ thuật và nhào lộn đẹp mắt, ai cũng xuýt xoa nhưng anh Hải cười bảo: “Dù đẹp thế nào chúng tôi cũng chỉ là diễn viên đóng thế. Có diễn viên đóng thế nào sống được bằng nghề đâu?”.
Diễn viên đóng thế thu nhập cao nhất 6 triệu/tháng
Anh Hải kể mình gắn bó với nghề diễn viên đóng thế đã hơn 20 năm qua. Nhìn lại 20 năm, anh cho rằng nghề đóng thế ở Việt Nam không phát triển vì không ai sống được với nghề. Nếu diễn viên chính nhận cát-xê hàng tỷ đồng mỗi phim thì diễn viên đóng thế chỉ nhận cao nhất 20 triệu đồng. Mức 20 triệu đồng từ phim Dòng máu anh hùng mà đã cách đây 10 năm.
Đạo diễn võ thuật Bùi Văn Hải trong giờ tập luyện. Ảnh: Bá Ngọc.
Bản thân anh Bùi Văn Hải là con nhà võ. Anh từng vô địch Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc các năm 1995, 1996, 1997, 1999. Vì thế anh Hải gắn bó với võ thuật, nghề đóng thế như duyên nợ.
Hiện anh đảm nhận trách nhiệm trụ cột kinh tế gia đình từ công việc kinh doanh mở công ty vệ sĩ, truyền thông, chứ không phải từ nghề diễn viên đóng thế. Tôi thắc mắc nếu không đem lại thu nhập anh mở câu lạc bộ cascadeur làm gì? Anh Hải cho biết: “Tôi dạy các em từ xưa đến nay chưa từng lấy học phí bao giờ. Ai thích học thì tôi dạy. Nếu không có học trò, tôi tự tập. Đó là đam mê của tôi”.
Nói như thế không có nghĩa bất cứ học trò nào xin học anh cũng dạy. “Ai đến xin học tôi đều hỏi có việc làm chưa. Nếu chưa, đến học để nhằm theo nghề kiếm tiền thì tôi từ chối ngay. Còn học vì vui, vì thích thì tôi dạy”, anh kể.
Nhắc đến cuộc sống của diễn viên đóng thế, anh Hải khẳng định: “Họ làm gì có cuộc sống. Đâu có ai sống được với nghề này”.
Anh kể vào thập niên 1990, anh em diễn viên đóng thế đời đầu quy tụ nhiều người giỏi võ, lửa nghề chảy bỏng. Nhưng chẳng bao lâu “cơm gạo không đùa với khách thơ” đã làm tắt lụi lửa nghề trong họ. Không có phim hành động để đóng, họ chuyển qua biểu diễn sân khấu. Việc kiếm sống bằng nghề múa minh họa đó khiến dân đóng thế đau lòng nhưng không còn cách gì khác.
Năm 2007, bộ phim Dòng máu anh hùng được thực hiện với kinh phí 2 triệu USD, anh Bùi Văn Hải cho hay đã làm sống dậy nghề cascadeur ở Việt Nam. Không chỉ được đóng phim trong 3 tháng, mà anh em cascadeur còn nhận được cát-xê hậu hĩnh hơn trước.
Trước đó, mỗi phim, diễn viên đóng thế chỉ nhận được 1-1,5 triệu đồng cho 3 ngày làm việc thì đến Dòng máu anh hùng họ được nhận 700.000 đồng cho một ngày làm việc. Riêng ngày tập họ cũng nhận được cát-xê dù thấp hơn là 250.000 đồng.
Anh Hải khẳng định diễn viên đóng thế không thể sống được với nghề. Ảnh; Bá Ngọc.
10 năm trôi qua mọi thứ đều tăng cao, lương diễn viên chính lên tới hàng tỷ đồng nhưng diễn viên đóng thế vẫn nhận mức lương như xưa. “Lương diễn viên đóng thế chỉ tăng chút đỉnh, một ngày làm 12 tiếng, chúng tôi nhận được 800.000 đến một triệu đồng. Có nhà sản xuất còn chèn ép, nhận giá đó nhưng lại bắt quay 24 tiếng. Ấy vậy, anh em không ai dám bỏ vì bỏ thì việc đâu mà làm”, anh Hải xót xa cho biết.
Vừa băng bó chấn thương cho học trò sau pha nhào lộn khó, anh Hải khẳng định thu nhập của nghề diễn viên đóng thế giỏi và đắt show nhất cũng chỉ đạt 6-7 triệu/tháng bởi số lượng phim điện ảnh ít, phim hành động càng ít hơn nữa.
“Bây giờ không còn phim hành động nào đầu tư lớn như Dòng máu anh hùng. Hành động bây giờ chỉ như gia vị thêm màu sắc cho phim nên số ngày quay của diễn viên đóng thế rút gọn trong 2-3 ngày”, anh nhấn mạnh.
Không đủ tiền trang trải cuộc sống, diễn viên đóng thế không còn cách nào khác phải chuyển nghề. Anh Hải tiết lộ đa số học trò của anh hiện phải chạy Grab, Uber và xe ôm để kiếm sống.
Công việc đó linh động thời gian nên khi có show phim, anh em lại nghỉ chạy xe, ra phim trường. Anh nói: “Thực tế nếu một ngày chạy xe chăm chỉ cũng kiếm được 500.000 -700.000 đồng nhưng cũng vì là đam mê anh em lại bỏ chạy xe đi đóng phim”.
Tai nạn, chấn thương, diễn viên đóng thế tự chịu
Nhận mức cát-xê thấp trong khi phải đối diện với vô vàn đau đớn, nguy hiểm đến tính mạng trên phim trường, điều mọi người thắc mắc là diễn viên đóng thế được bảo hiểm thế nào? Nếu tai nạn xảy ra, họ sẽ được hỗ trợ, đền bù ra sao?
Video đang HOT
Anh Hải tập nhào lộn mỗi ngày. Ảnh: Bá Ngọc.
Cũng như với câu hỏi về mức cát-xê, anh Hải mỉm cười nghẹn ngào. Anh cho biết: “Không có bảo hiểm nào bán cho người làm nghề diễn viên đóng thế. Nếu có thì rất cao, tới hơn 10 triệu/năm, vậy ai mua được? Bảo hiểm diễn viên đóng thế được mua chung với cả đoàn phim là khi tai nạn chết người xảy ra thì được bảo hiểm trả 20 triệu đồng. Mạng người rẻ lắm chỉ 20 triệu đồng thôi. Thực hiện một cú nhảy đánh đổi tính mạng từ tầng 2 xuống đất giá chỉ 4 triệu đồng và làm nhiều lần”.
Anh Hải tâm sự gắn bó với nghề diễn viên đóng thế là chấp nhận đón nhận đau đớn, chấn thương. Bản thân anh khắp người bị chấn thương. Anh từng bị gãy tay, chân, nứt gót chân, gãy xương vai, thoái hóa cột sống, đốt sống cổ. Có lần anh thực hiện cú nhảy từ tầng 22 sang tầng 23, cách xa 4 m mà không có bất cứ thiết bị nào hỗ trợ nên bị nứt hai gót chân.
Với đồng nghiệp, anh từng chứng kiến không ít những tai nạn thương tâm hơn. Không hẳn là máu, tính mạng nhưng hậu quả sau những pha hành động ấy nguy hiểm hơn nhiều. Đó là việc một số diễn viên đóng thế bị ảnh hưởng thần kinh, đầu óc không thể trở lại bình thường.
Đối với tai nạn xảy ra trên phim trường, diễn viên đóng thế được nhà sản xuất hỗ trợ nhưng đây hoàn toàn là do tình nghĩa chứ không phải trách nhiệm. “Nếu họ không lo thì cũng không sao vì không có điều kiện gì ràng buộc”, anh Hải nói.
Anh Hải tập võ khi mới 5 tuổi. Ảnh: Bá Ngọc.
Theo anh nghề diễn viên đóng thế bạc bẽo không chỉ vì thu nhập thấp, nguy hiểm cao mà còn đó là cách nhìn nhận của đoàn phim. “Ra phim trường có ai tôn trọng diễn viên đóng thế đâu”. Bạc bẽo là thế nhưng anh Hải khẳng định bản thân và nhiều đồng nghiệp vẫn gắn bó với nghề vì đam mê đó đã thấm vào máu.
Anh Bùi Văn Hải thuộc thế hệ cascadeur đầu tiên tại TP.HCM. Anh từng tham gia đóng và đạo diễn hành động hàng trăm phim tại Việt Nam và tại các nước như Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan như Duyên trần thoát tục, Huyền thoại bất tử, Để Mai tính, Long Ruồi, Lửa Phật, Hiệp sĩ mù, Trinh thám Sài Gòn, Truy tìm dấu vết, Trận đấu định mệnh.
Theo Zing
Chuyện chưa kể về các diễn viên đóng thế đình đám ở Việt Nam
"Khi xe đáp xuống mặt đất, quả nổ vang lên, lửa hừng hực cả góc trời, đầu xe bẹp dúm... đoàn phim đã tưởng tôi chết" - cascadeur Trần Như Thục kể lại một cảnh quay.
Ngày 14/8 giới làm phim Hollywood đau xót trước tai nạn thương tâm của diễn viên đóng thế trên phim trường Deadpool 2 tại Canada. Chấp nhận thực hiện những pha hành động mạo hiểm, đối diện với cái chết trong gang tấc có lẽ là điều mọi người thường nghĩ về nghề đóng thế.
Ở Việt Nam, nghề diễn viên đóng thế xuất hiện từ những năm đầu thập niên 1990. Nói là nghề nhưng diễn viên đóng thế lại quy tụ nhiều anh em xuất thân đủ ngành nghề trong xã hội từ chiến sĩ công an, giáo viên trường nghệ thuật, thợ may, kỹ sư cơ khí, sinh viên...
Dường như công việc này không giới hạn ngành nghề, chỉ cần đam mê võ thuật, mạo hiểm đều có thể làm cascadeur.
Cascadeur Việt Nam là giáo viên, kỹ sư, sinh viên, công an...
Một ngày của cascadeur Việt Nam thế nào?
Khó kể hết và mô tả công việc của những chàng trai cô gái lạ kỳ này. Có những chuyến đi xa, có khi ra tận nước ngoài, từ Ấn Độ, Malai, Thái Lan, Singapore cho đến những vùng núi Cao Bằng, Lạng Sơn hoặc ở những vùng miền Tây sông nước.
Họ xuất hiện ở khắp nơi để thực hiện những pha lạ đời mà người thường không làm được. Như có lúc một cascadeur phải đu dây từ đỉnh thác Đambri 56 mét xuống trong bộ phim hành động của Hong Kong.
Có khi họ nhận show toàn thân bốc cháy trong bộ phim của Pháp, rồi vọt qua Ấn Độ để thực hiện pha xoắn người bay lên không với "chảo lửa" có trên 50 bình ga để đốt cháy. Những cũng có lúc họ ăn dầm, nằm dề ở công viên để thực hiện bằng được những pha bay người trên không, nhằm minh hoạ cho những tiết mục... ca nhạc của một ngôi sao.
Nghề cascadeur đầy hiểm nguy, không có chuyện tay ngang mà gia nhập được
Hầu hết đều tham gia với tinh thần tự nguyện, nhưng phải có trình độ của một người chuyên đóng thế. Phải giỏi võ, giỏi nhào lộn, thành thạo các kỹ thuật cơ bản của màn đu dây, lái môtô... Nghề vốn hiểm nguy, nên không có chuyện là tay ngang mà có thể gia nhập được.
Điều cần nhất cho những chuyến đi xa kiếm cơm này phải là sự đoàn kết, kỹ thuật cao, mà kỷ luật cũng không hề thua kém quân đội. Nói như thế để các bạn có thể hình dung, những tay cascaduer có lúc như những chiến binh dũng cảm, ngoan cường nhưng rất giàu tình cảm.
Họ luôn biết chia sẻ những đắng cay ngọt bùi, nhằm làm nên những chiến tích oai hùng. Nhưng không phải ai cũng thấy được những đóng góp âm thầm của họ.
Thỉnh thoảng trên màn ảnh, khán giả sẽ thấy pha bay lượn từ nóc nhà sang toà cao ốc, cảnh ngọn đuốc cháy rực người của tên quân sĩ từ cổng thành của giặc quân Thanh, loạng choạng với những bước chân trong một cảnh hãi hùng của trận đánh nhau.
Chớp mắt hơn là những cảnh đua xe rợn người với những cú lạng lách, chặt cua rồi đâm sầm vào những con đường vắng kèm với những quả kinh hồn...
Những cảnh này thường xẹt qua màn ảnh, nhưng với những tay cascadeur đã phải đánh đổi bằng những phút giây xuất thần, đôi lúc đánh đổi bằng mồ hôi và cả máu. Đó là câu chuyện rất thường ngày đối với những người hành nghề... thế thân.
Pha bay xe hơi đầy nguy hiểm của Trần Như Thục.
Trước khi bay viết thư xin lỗi vợ
Nghề đóng thế phát triển ở Việt Nam gần 20 năm qua, nhưng nay vẫn chưa có một tay cascadeur nào thật sự là một ngôi sao để lãnh cát-xê cao ngất ngưởng. Đó vẫn là là cái nghề... ẩn mình.
Khán giả từng chứng kiến những pha bay xe lên trời rồi nổ tung rợn người của ca sĩ Lý Hải trong series phim ca nhạc Trọn đời bên em. Nhưng mấy ai biết người hùng thật sự giúp Lý Hải toả sáng trên thị trường âm nhạc lại là một chàng võ sĩ ở tuốt Biên Hoà.
Trần Như Thục vốn xuất thân là một tay mê võ, mê phim. Anh tự tìm đến bạn bè rồi lân la làm quen để gia nhập câu lạc bộ cascadeur trong những ngày đầu nhiều gian khó.
Anh tự biết mình không phải là một tuyển thủ võ thuật, cũng không phải là một kiện tướng nhào lộn, vốn diễn xuất cũng chỉ là con số không... Vậy con đường nào đã giúp anh trở thành một thủ lĩnh thật sự với hàng trăm đàn em ngưỡng mộ?
Duy nhất chỉ một điều đó là sự đam mê. Tự lượng sức mình không có những năng khiếu nổi trội, Thục âm thầm nung nấu những ý chí lạ thường để mong muốn thực hiện những pha hành động để đời trên màn ảnh. Ở anh, điều dễ thấy nhất là sự khiêm nhường, nhỏ nhẹ, luôn kính trên nhường dưới.
Để có những cảnh quay như một kỳ tích, mấy ai biết Thục phải hàng ngày lặn lội từ Biên Hoà xuống thành phố. Những ngày mưa nắng, kể cả những ngày buồn tủi vì tiền bạc không rủng rỉnh, Thục vẫn lẳng lặng và kiên trì đeo bám sân tập.
Bằng một ý chí mạnh mẽ và một ý thức cao, Thục luôn xuất hiện mỗi lúc mọi nơi trên phim trường, tạo niềm tin với đồng nghiệp. Và khi nhận được "đơn đặt hàng" bay xe, anh tự tin và bản lĩnh tạo nên những kỳ tích.
Cascadeur Trần Như Thục.
Ba lần bay xe trên không là cả ba lần anh đánh đổi mạng sống của mình để có những cảnh quay tuyệt vời. Vậy mà gặp anh ngoài đời, vẫn nụ cười nhỏ nhẹ, vẫn ánh mắt thân thiện khiến người đối diện khó hình dung ra rằng anh là tay chơi ẩn mình đầy chiến tích của giới cascadeur.
Thục tâm sự: "Ở lần đầu tiên, mọi việc chỉ được ước tính bằng... linh cảm của người cascadeur. Từ tốc độ xe bay, trang phụ bảo hiểm và cả việc hàng khung sắt trong xe cũng tự anh em chúng tôi mày mò".
"Trước khi bay, tôi đã viết thư tay xin lỗi vợ, vì cứ nghĩ đến chuyện một bay không trở lại, không còn lo được cho vợ con sau này. Chỉ khi chiếc xe đáp xuống mặt đất, anh em lôi tôi ra khỏi xe, tôi mới biết chắc mình còn sống", anh kể.
Đến lần bay xe thứ ba tại quận 9, vì tự đặt chỉ tiêu bay xa hơn, tốc độ cao hơn nhằm gây hiệu quả hấp dẫn hơn (tức là tự đặt mình vào con đường khó) Thục đã tự viết lá thư tay "trăng trối".
Chỉ khi xe đáp xuống mặt đất, anh em lôi tôi ra khỏi xe, tôi mới biết mình còn sống
Nội dung của thư là nếu xảy ra chuyện gì, anh xin hoàn toàn chịu trách nhiệm, xin chính quyền đừng truy cứu một ai... Nhớ đến chi tiết này, đến giờ Trần Như Thục vẫn còn bồi hồi khó tả.
Cảnh quay này có gần 5.000 người theo dõi từ sáng đến 6 giờ chiều. Khi lệnh đạo diễn vang lên, Thục chỉ kịp mơ màng vài giây để định lại tinh thần và nhấn tăng ga với tốc lực 100 km/giờ, với độ bay xa gần 100 mét.
Khi xe đáp xuống mặt đất, quả nổ vang lên, lửa hừng hực cả góc trời, đầu xe bẹp dúm... Trước thảm trạng này nhiều người đã khóc vì tưởng anh đã chết...
"Vậy mà cuối cùng thần chết đã từ chối tôi, tiếng reo hò của đồng đội, tiếng vỗ tay la hét sôi động cả phim trường. Lúc này, tôi thấy mình như được tái sinh lần hai trong cuộc đời và một pha mạo hiểm đã thành công ngoài dự đoán", Trần Như Thục kể.
Những bóng hồng hành động
Ngày nay, trên màn ảnh đã xuất hiện những bóng hồng... hành động. Họ thừa sức thực hiện những thế võ hoa mỹ, những cú bung mình từ trên không để bay xuống dòng sông... thơ mộng.
Những pha nghẹt thở này thật sự đã khiến nhiều người xem thắc mắc: họ là ai? Một trong số đó là Phi Ngọc Ánh, hoa khôi của cuộc thi hoa anh đào từ những năm 2009. Với nhan sắc của một nàng hoa khôi, Ánh dư sức thể hiện mình qua những ngành nghề nhẹ nhàng, sung sướng.
Nhưng cô lại thích những pha mạo hiểm, nó gần như gắn liền với cô trong cuộc sống hàng ngày. Rảnh lên sân tập, thuần thục đến từng chiêu thức trong võ thuật với những tay lì lợm từ cascadeur.
Ở cô gái này, khi đối diện ta sẽ dễ dàng nhận những nụ cười thân thiện. Nhưng ở sàn diễn và trường quay, Ánh sẽ là một con người hoàn toàn khác. Cô ác liệt với những chiêu thức kết liễu đối phương, bạo dạn với những pha nghẹt thở tưởng chừng như chỉ dành cho các... dũng sĩ.
Phi Ngọc Ánh nhận giải nữ diễn viên hành động xuất sắc nhất châu Á tại lễ trao giải Korea Culture & Entertainment Awards ở Hàn Quốc năm 2016.
Bao lần đối diện với cướp ngoài đường, Ánh xử lý cứ y như phim, nhanh lẹ dứt khoát khiến những tên cùng đường khi biết Ánh là cascadeur chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Không phải ngẫu nhiên mà tháng 11/2016, tại lễ trao giải Korea Culture & Entertainment Awards ở Hàn Quốc, Ánh được bầu chọn là nữ diễn viên hành động xuất sắc nhất châu Á.
Đây được xem là một thành quả bất thường của một nữ cascadeur "phi thường". Bởi ngày thường hiện nay, nếu chúng ta đến thăm cô trên một sân tập dạy võ miễn phí cho các em nhỏ sẽ bắt gặp hình ảnh một cô giáo dịu dàng, nhẹ nhàng với những chiêu thức dễ hiểu, dễ tập trong một giáo án tự vệ dành cho thiếu nhi đầy hiệu quả.
Nghe Ánh tâm sự về buổi tập đời thường này thật ấm áp làm sao: " Xã hội giờ có quá nhiều bấp cập, sự tinh vi của kẻ xấu, sự non nớt của các nạn nhân, làm thế nào để giảm bớt nạn bạo lực học đường, chống lại tội phạm ấu dâm ghê tởm của những con yêu râu xanh đội lốt người?"
Tất cả như điều bức xúc được dồn nén trong tâm trí, Anh muốn truyền đạt phần nào những kỹ năng của mình, để ít nhất các em được bảo vệ cho chính bản thân mình. Hình ảnh một cô gái xinh đẹp, hòa nhã nhưng đầy kiên định của Phi Ngọc Ánh là thành công tiêu biểu cho những người hùng ẩn mình trên màn ảnh ngày nay.
Tay chơi đã khuất bóng
Nhắc đến cascadeur mà không nói về cố võ sư Thu Vân là điều thiếu sót. Ở con người thấp bé, mảnh mai này gần như hội đủ những yêu cầu của nghề nguy hiểm.
Bà từng đu dây tử thần từ nóc hãng phim, đốt toàn thân cho một cảnh quay tài liệu, băng qua đường để cướp tông xe... và thực hiện hàng chục vụ đánh nhau quyết liệt trên khắp màn ảnh của các đạo diễn cần pha hành động.
Làm nghệ sĩ không tự thực hiện những điều đó... thì phí lắm
Điều gì quyến rũ bà với những lần chạm mặt tử thần như thế? Bà từng chia sẻ: "Làm nghệ sĩ mà không tự tay thực hiện những điều đó, để có những cảm giác với nghề thì phí lắm".
Trên phim trường và sân khấu là thế, mấy ai hiểu được tấm lòng nghĩa khí của bà ở ngoài đời khi bán cả những tư trang để đóng tiền học cho câu lạc bộ. Vay tiền học trò, người thân để thực hiện các băng video nhằm tuyên truyền những bí kíp võ công của các bậc tiền bối.
Võ sư Thu Vân mạo hiểm thực hiện cảnh cháy toàn thân trong một bộ phim.
Khi mắc bệnh phải nằm viện, chỉ khỏe một chút, nghe tin có phim là bà trốn viện để mong có được một vai diễn ấn tượng. Ẩn sâu bên trong những điều tưởng chừng như đam mê nghệ thuật không bờ bến của bà là một tài năng đích thực, muốn đem đến cho người xem những gì hấp dẫn nhất.
Trong ngày nghỉ hưu, tưởng chừng bà sẽ an nhàn bên đàn cháu con. Nhưng không, những người thân vẫn phải "mệt mỏi" với hình ảnh bà tả xung hữu đột trong những chương trình văn nghệ, võ thuật miễn phí từ những học trò ở những ngôi chùa, viện mồ côi cơ nhỡ.
Chỉ đến khi sức tàn kiệt lực vì căn bệnh ung thư, bà mới chịu nghỉ ngơi dưỡng bệnh trong một bệnh viện suốt hai năm trời. Những ngày tháng ấy, với bà là một cực hình của người thích hành động.
Và bà đã ra đi trong một ngày nắng đẹp, để lại cho những người hùng ẩn mình một kỷ niệm về một cô giáo tận tụy với nghề bằng một lòng đam mê bất tận.
Theo Zing
Cascadeur ở Hollywood: sinh nghề tử nghiệp Cái chết của nữ cascadeur "Deadpool 2" làm dấy lên câu hỏi về sự an toàn trong nghề nghiệp thường xuyên đối mặt tử thần. Ngày 14/8, nữ diễn viên đóng thế Joi "SJ" Harris tử nạn trên trường quay Deadpool 2 do đâm môtô vào tòa nhà. Sự kiện nối dài chuỗi những tai nạn trong giới cascadeur ở Hollywood gần đây....