Cát-xê bèo bọt của người đẹp Việt
Là một nghề có thu nhập bấp bênh, nhiều người mẫu đã không trụ nổi với nghề và buộc phải tìm kế sinh nhai bằng cách bán nước mía hoặc thậm chí là buôn lậu.
Thù lao thấp khó tin của các chân dài
So với các ngành nghề nghệ thuật khác như ca sĩ, diễn viên, mặt bằng cát-xê chung của người mẫu không cao. Ngoài các chân dài nổi tiếng như Thanh Hằng, Hà Anh, Trang Khiếu, Hoàng Thùy… có mức thu nhập tương đối ổn định, phần lớn người mẫu Việt Nam đều khá chật vật khi muốn trụ lại với nghề.
Theo tiết lộ của người mẫu Hạ Vy – giám đốc công ty Venus miền Bắc, cát-xê trong nghề này được chia ra nhiều mức khác nhau và cũng tùy vào thời điểm tổ chức show diễn.
Hạ Vy – giám đốc công ty Venus miền Bắc – cho biết, mức cát-xê của người mẫu hiện tại khá bèo bọt.
“Thông thường, thù lao cho người mẫu hạng C chỉ dưới 1 triệu đồng mỗi show, mẫu B dao động từ 1-2 triệu. Còn mẫu hạng A thì tùy vào giải thưởng và số năm đi diễn để đưa ra mức phù hợp, nhưng cũng ở ngưỡng 3-4 triệu cho một show. Trong đó, những người mẫu ở vị trí vedette có cát-xê dao động lớn nhất, có người trên chục triệu hoặc vài chục triệu vì có nhiều cấp khác nhau” – Hạ Vy chia sẻ.
Đối với các buổi chụp hình cho nhãn hàng thời trang, thu nhập của người mẫu cũng không ổn định. Hiện nay, những người mẫu hạng B có thể kiếm được khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng, còn mẫu hạng A thì từ 15-20 triệu nếu có show chụp hình đều đặn.
Tuy nhiên, giám đốc công ty Venus miền Bắc cho rằng: “Trên thực tế, có tháng không đúng mùa cao điểm thì cả mẫu hạng A hay B chỉ kiếm được vài triệu tiền cát-xê, bao gồm cả chụp ảnh và đi diễn. Bởi các show diễn thường tổ chức theo mùa chứ không phải lúc nào cũng có”.
Hạ Vy nhận định, làng mẫu Việt đang tồn tại rất nhiều khó khăn và thách thức. Người mẫu Trang Phạm có chung quan điểm. Dù gắn bó với nghiệp diễn catwalk hơn 4 năm, song cô cho biết, để nuôi dưỡng đam mê không đơn giản.
Chân dài kể lại, khi đến với nghề, cô phải quay cuồng với chuyện “cơm áo, gạo tiền”. Để tiết kiệm, cô còn đi bộ hàng cây số từ nhà đến điểm chụp ảnh. Người đẹp cho biết thêm, hiện tại cát-xê từ 10 – 15 triệu đồng một tháng đối với một người mẫu ít nhu cầu mua sắm như cô là đủ sống.
Một người mẫu hạng B ở thị trường phía Nam cho biết, cát-xê cho mỗi show diễn dao động không nhiều, chủ yếu dưới 1 triệu đồng. Với một số show diễn lớn, người mẫu sẽ nhận được mức cát-xê cao hơn, từ 1-1,5 triệu. Trong show thời trang định kỳ của Đỗ Mạnh Cường hay show áo dài của NTK Đinh Văn Thơ, Elle show, các chân dài nhận được mức 1,5- 2 triệu.
Khi được hỏi về thu nhập hàng tháng có được từ công việc người mẫu, Võ Hoàng Yến cho biết: “Tôi không thể tiết lộ mức thu nhập cụ thể. Số tiền thu được từ các show truyền hình không nhiều, mức này không thay đổi từ nhiều năm nay. Lại thêm làm nghề quá nhiều thị phi. Người ta cứ nghĩ làm mẫu là bán dâm. Tiền không có lại không được coi trọng. Đôi lúc tôi thấy mệt mỏi, muốn buông xuôi”.
Bức tranh màu xám không chỉ bao trùm giới mẫu nữ, đối với các nam người mẫu, để sống được với nghề còn khó khăn hơn nhiều. Trong các chương trình thời trang, phái nam thường chỉ làm nền cho đồng nghiệp nữ. Họ chỉ thực sự làm chủ sân khấu nếu có những thương hiệu thời trang dành cho nam tự đứng ra tổ chức. Tuy nhiên, số show diễn này lại khá hiếm hoi.
Ông bầu Phúc Nguyễn – người quản lý hai siêu mẫu Ngọc Tình, Mạnh Hiệp – cho biết: “Thực tế đáng buồn là gần như mẫu nam không có đất diễn ở làng thời trang trong nước, chủ yếu là xuất hiện trong các chương trình thời trang trên truyền hình như Thời trang & Cuộc sống, Phong cách trẻ, Phong cách đam mê… Cát-xê khi tham gia chỉ dao động từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.
Video đang HOT
Còn với những show diễn lớn như Đẹp Fashion Show, Elle Fashion Show, mức cát-xê có cao hơn, 1,5-2 triệu nhưng thường chỉ một vài mẫu nam được mời do mối quan hệ với ban tổ chức hoặc nhà thiết kế có bộ sưu tập tham gia”.
Người mẫu nam luôn lép vế hơn mẫu nữ trong làng thời trang.
Thu nhập cao của nghề người mẫu phụ thuộc vào việc đi dự tiệc, quay clip cho các ca sĩ hay đóng quảng cáo. Tuy nhiên, Phúc Nguyễn cho rằng để kiếm được một hợp đồng quảng cáo trị giá 1.000 USD cho mẫu nam cũng là chuyện không đơn giản do những áp lực cạnh tranh trong nghề và không phải gương mặt nào cũng phù hợp để đóng quảng cáo.
Siêu mẫu Vĩnh Thụy từng chia sẻ: “Làm nghề này, nếu không tỉnh táo, anh dễ bị ảo giác. Dư luận đưa anh lên cao làm anh không biết mình đang đứng ở đâu, trong khi đồng tiền kiếm được không đủ để mua quần áo. Ở Việt Nam nghề người mẫu nam không phát triển. Người ta chỉ nhìn thấy bề mặt hào nhoáng của nó mà không biết được rằng, một mẫu nam có tiếng, chăm chỉ chạy show chỉ kiếm được chừng 10 triệu đồng mỗi tháng”.
Một vài năm trở lại đây, khi những sàn diễn thời trang cho các chân dài sải bước vẫn còn khá hạn chế, thì sự xuất hiện của nghề dự tiệc được xem là mảnh đất màu mỡ cho các người đẹp.
Một số gương mặt nổi tiếng như Thanh Hằng, Hồ Ngọc Hà, Hoa hậu Mai Phương Thúy, Ngọc Hân, Đặng Thu Thảo… có thể hái ra tiền nhờ việc đi dự event của các thương hiệu đình đám với giá cát-xê lên tới vài nghìn USD. Nhưng theo thông tin từ những người chuyên tổ chức sự kiện, một số người mẫu hạng A hay quán quân của cuộc thi Vietnam Next’s Top Model, mức thù lao chỉ dưới 10 triệu đồng cho mỗi sự kiện.
Với những người mẫu ít nổi tiếng, cát-xê có thể dao động từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng. Thậm chí, có những người đẹp không chút tiếng tăm trong làng giải trí dù không được mời tham gia sự kiện cũng vẫn chuẩn bị trang phục lộng lẫy đi ngang qua sự kiện, lẻn vào show diễn chỉ để chụp hình lăng xê trên mặt báo hoặc chào hỏi một số nhà thiết kế với mong muốn được để mắt tới.
Những góc khuất phía sau sàn catwalk
Dưới ánh hào quang sân khấu, sau lớp phấn son đẹp đẽ hay đằng sau những buổi tiệc xa hoa, những bộ quần áo sang trọng, khó ai ngờ người mẫu phải đối diện với cuộc sống đầy khó khăn, cặm bẫy. Đã có nhiều người mẫu phải rẽ sang những hướng đi khác để mưu sinh, cầm cự với nghề.
Cát-xê thấp, show diễn ít và không có môi trường “dụng võ”… là những nguyên nhân khiến nhiều người mẫu không bám trụ được với nghề. Nhiều tên tuổi dù thành danh trên sàn diễn Việt, được nhiều ê-kíp hình ảnh yêu thích hay từng có danh hiệu ở các cuộc thi người mẫu trong nước cũng không tránh khỏi vòng luẩn quẩn này.
Hoàng Long có nhiều năm lăn lộn với nghề sau khi đoạt giải vàng Siêu mẫu Việt Nam 2009. Tuy nhiên, công việc làm mẫu ảnh, catwalk không giúp anh có cuộc sống dư dả. Chàng trai sinh năm 1989 quyết định chọn nghề nhân viên bán hàng thời trang thay vì chờ đợi show diễn.
Hà Việt Dũng cũng là trường hợp đặc biệt của làng mẫu Việt. Giải đồng Siêu mẫu Việt Nam 2011 không giúp anh có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp người mẫu. Thậm chí mức cát-xê dành cho người mẫu nam còn không đủ sống. Việt Dũng cùng anh trai quyết định làm thêm nghề bán nước mía mưu sinh trước khi tìm được cơ hội mới với nghệ thuật thứ bảy.
Người mẫu Hà Việt Dũng gây xôn xao khi đi bán nước mía.
Theo Hà Việt Dũng, không người mẫu nam nào có thể tồn tại mãi nếu chỉ dựa vào cát-xê trên sàn diễn. “Đôi lúc cũng thấy chán nản lắm, nhưng vì lòng yêu nghề, nên tôi vẫn quyết bám trụ. Bán nước mía cũng là một công việc”, Dũng nói.
Coi người mẫu như một nghề tay trái, Vĩnh Thụy chọn cách kinh doanh để tồn tại giữa đất Sài Gòn. Nhưng không may, ngày 24/3/2011, siêu mẫu bị khởi tố vì liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử. Không chỉ công việc kinh doanh bị đình trệ, mà ngay cả nghệ thuật cũng bị ảnh hưởng.
Nam vương Tiến Đoàn sau khi chiến thắng vang dội tại Mr. International cũng không trụ được với nghề người mẫu đành phải chuyển sang nghề phi công.
Siêu mẫu Vĩnh Thụy hầu tòa vì liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử.
Người mẫu Kim Dung cho biết, tiền cát-xê nhận từ các show diễn, chụp hình không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Cô kiêm thêm nghề diễn viên để mong có nguồn thu ổn định và phát triển công việc. Với 6 năm kinh nghiệm cô mới có mức thu nhập ngang bằng với một công chức.
Lúc mới đi đóng phim, Kim Dung chỉ nhận được vài trăm nghìn/1 tập, bây giờ, khi đã có kinh nghiệm, mỗi tập cô nhận được 6 triệu. Hoàn thành một bộ phim cũng được hơn trăm triệu. Người mẫu tích góp nhiều năm qua mới mua được chiếc xe ôtô 600 triệu đồng. Hiện cô vẫn ở nhà thuê và tiếp tục dành dụm để mua nhà trả góp.
“Những năm gần đây, nhiều người mẫu mới xuất hiện. Chiếc bánh vốn nhỏ bé phải chia làm nhiều phần. Bản thân tôi cũng tập lối sống không hoang phí, không dùng đồ hiệu, tự tay làm việc nhà nên cảm thấy có thể sống được với nghề. Nhìn bên ngoài tưởng xa hoa, song thực chất chúng tôi cũng phải bươn trải, chi tiêu dè dặt”, người đẹp nói.
Theo Zing
Những góc khuất của nghề stylist cho sao Hollywood
Stylist của Cate Blanchett, Julia Roberts, Sandra Bullock... cho biết, nghề này không dễ làm và chẳng hề có cuộc sống xa hoa như mọi người vẫn tưởng.
Chuyện ăn mặc của các ngôi sao nổi tiếng trên thảm đỏ ngày nay đặc biệt thu hút sự chú ý của công chúng và giới thời trang. Điều này gián tiếp đẩy stylist - người kiến tạo phong cách, hay còn gọi là cố vấn thời trang - thành một nghề nóng sốt ở kinh đô điện ảnh Hollywood. Chưa bao giờ, cố vấn thời trang cho người nổi tiếng trở nên quan trọng như vậy. Đến mức Janice Min - biên tập viên của The Hollywood Reporter phải thốt lên: "Thật ngây thơ nếu mọi người cứ nghĩ rằng các ngôi sao tự chọn váy cho mình. Hollywood là nơi người ta có thể mua được cả gu thẩm mỹ của người khác".
Charlize Theron đang thử đồ cùng stylist.
Tuy nhiên, không ít người có quan niệm sai lầm về nghề nghiệp này sau những vinh quang hào nhoáng tưởng như dễ đạt được. Đằng sau vẻ thời thượng, đẳng cấp là những sự thật kém lung linh được chính người trong cuộc bộc bạch.
Rob Zangardi và Mariel Haenn - cặp cố vấn thời trang của Jennifer Lopez, Lily Collins và Gwen Stefani - cho biết, quan niệm sai lầm phổ biến nhất là mọi người cho rằng, phong cách là kết quả từ công thức đơn giản giữa mua sắm và ăn diện. Hai stylist đính chính: "Nghề này đòi hỏi tính sáng tạo rất cao, tốn nhiều suy nghĩ và hành động để biến một ý tưởng ban đầu thành một set đồ hoàn thiện".
Stylist của Lupita Nyong'o và Micaela Erlanger còn cho rằng, nghề này cực kỳ phức tạp: "Đây là một nghề thực sự trong lĩnh vực giải trí, ra đời để đáp ứng nhu cầu mặc đẹp và phát triển hình ảnh của những người nổi tiếng. Không chỉ đơn thuần sở hữu gu thẩm mỹ và khiếu ăn mặc, bạn phải biết khán giả của mình là ai và mặc vào dịp nào. Việc biến tấu thời trang sàn diễn thành trang phục hợp với thảm đỏ vốn chẳng phải điều dễ dàng".
Stylist Elizabeth Stewart.
Với 20 năm kinh nghiệm làm cố vấn thời trang cho các siêu sao Hollywood như Cate Blanchett, Julia Roberts và Sandra Bullock, stylist Elizabeth Stewart chia sẻ, nghề này không dễ làm và cũng chẳng có cuộc sống xa hoa như mọi người tưởng. Cô nhận xét: "Kể cả có tâm huyết, đây vẫn là một nghề cực nhọc và tốn nhiều thời gian". Theo Stewart, các stylist luôn phải tham gia vào cuộc chiến tạo mối quan hệ tốt với nhà mốt và nhà thiết kế bởi việc mượn đồ không đơn giản. Không phải chuyện kích thước hay vóc dáng của người mặc mà đa số nhà mốt chỉ muốn liên kết với vài ngôi sao nổi tiếng, để họ kiểm soát hình ảnh thương hiệu.
Trước các lễ trao giải, nhiều stylist chạy đôn chạy đáo, giành giật mẫu váy đẹp nhất từ những nhà thiết kế nổi tiếng cho khách hàng của mình. Jen Rade - stylist của Angelina Jolie - kể, trước ngày đến gặp khách hàng để thử trang phục dự Oscar, cô thức dậy từ sáng sớm để kiểm tra danh sách dài ngoằng món đồ cần đem theo: từ trang phục chính lên đến 20 bộ, trang sức, giày, túi xách, nội y chuyên dụng các loại cho đến những thứ linh tinh như băng keo hai mặt, ghim băng, chỉ màu, kim khâu...
Trong một bức ảnh chụp từ hậu trường thảm đỏ, người ta thấy Leslie Fremar - stylist của Charlize Theron - nằm bò ra sàn phòng thay đồ để ngắm nghía và chỉnh sửa từng chi tiết trên trang phục nữ diễn viên. Hết sự kiện, họ phải mau chóng đóng gói cẩn thận, trả lại cho nhà mốt. "Nói chung, nếu muốn bước vào nghề, bạn cần chuẩn bị nhiều thứ, kể cả thể lực. Bạn sẽ bị cuốn vào nhiều vòng xoay đấy", Stewart khẳng định.
Lupita Nyong'o và stylist của cô - Micaela Erlanger.
Với nghề cố vấn thời trang, ai cũng xem đây là cơ hội làm việc nhàn hạ mà nhận lương cao. Nhưng ít ai biết con số đầu tư ban đầu không phải nhỏ.
Erlanger - stylist của Lupita Nyong'o - bắt đầu sự nghiệp từ con số không. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng thời trang, cô dành vài năm làm việc tự do cho một số tạp chí và stylist khác để làm quen với giới thời trang cao cấp. Sau đó cô được một stylist hàng đầu nhận làm trợ lý và chỉ dạy thêm 6 năm. Nếu tính cụ thể, thời gian ấy có lẽ tương đương hoặc nhiều hơn một người học để trở thành bác sĩ đa khoa. Erlanger cho biết, xu hướng của các stylist trẻ hiện nay là làm việc tự do (freelancer), họ có thể chủ động lựa chọn việc mình thích. Nhưng ngược lại, thu nhập của freelancer khá bấp bênh, không ổn định. Lúc này, bạn có thể khấm khá khi có ba khách hàng cùng lúc, nhưng lúc khác lại túng thiếu vì chẳng có ai.
Mang danh nghĩa là cố vấn thời trang không đồng nghĩa với việc stylist có quyền chọn mọi trang phục cho sao. Sự thật là, trừ sự kiện giải trí, thảm đỏ, họ thường không được can thiệp vào lối ăn mặc hàng ngày của khách hàng. Cher Coulter - stylist người Anh của Sienna Miller, Nicole Richie và Kate Bosworth - chia sẻ: "Vài người cứ tưởng rằng stylist uy quyền đến mức có thể đi vào nhà, đến tủ đồ của khách hàng và sắp xếp chúng theo ý muốn của họ". Ngược lại, Coulter cho rằng, stylist phải biết tin tưởng vào khẩu vị riêng của khách hàng: "Họ là những người yêu thời trang và có quyền chưng diện theo cách riêng của mình".
Jennifer Lopez cần đến hai stylist chuẩn bị cho một lần xuất hiện.
Một trong số ít lầm tưởng khác là cố vấn thời trang được phép giữ lại trang phục. Sự thật, họ hầu như phải mượn đồ hiệu để ăn diện và trả lại khi hết hạn. Theo Coulter, chỉ một số cố vấn thời trang của các sao hạng A mới có vài ưu tiên: "Tôi có thể tiếp cận bộ sưu tập 10 đôi giày thời thượng nhất, gần như cùng lúc với phóng viên tạp chí thời trang lớn như Vogue". Điều này được lý giải là vì các thương hiệu luôn mong muốn người nổi tiếng sử dụng đồ của hãng mình, góp phần lớn vào việc quảng cáo.
Sao Mai
Theo VNE
Góc khuất của HAGL Sự thiếu vắng của một nhà cầm quân xuất chúng là kịch bản xảy ra ở HAGL suốt nhiều mùa bóng qua. Với những gì mà lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... làm được đến thời điểm này của mùa bóng 2015, có thể nói bầu Đức đã có thể kê cao gối ngủ yên khi nghĩ về tương lai...